Điện ảnh Thừa Thiên Huế: Những bước phát triển mới

Hòa trong dòng chảy phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, điện ảnh Thừa Thiên Huế đã đóng góp những thành quả đáng tự hào cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà. Thực hiện tốt chủ trương đưa văn hóa về với cơ sở, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh xác định chiếu phim lưu động là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi phim ảnh tràn ngập trên Internet và mạng xã hội thì việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới công nghệ, phương tiện máy móc mới, đổi mới phương thức phục vụ khán giả vô cùng quan trọng để từng thước phim vẫn theo chân những cán bộ chiếu phim lưu động đi đến từng thôn xóm, bản làng, mang ánh sáng văn hóa của Đảng, Nhà nước, sưởi ấm niềm tin cho đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thân yêu.

 

Nỗ lực đổi mới

Tháng 2-2020, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng và Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi hợp nhất, nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi và số 1 của sự nghiệp Điện ảnh Thừa Thiên Huế được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh xác định, chính là hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiếu số, vùng đặc biệt khó khăn, ven biển đầm phá và các vùng nông thôn khác, phục vụ các lực lượng vũ trang nhân dân và các đối tượng chính sách, kết hợp chiếu phim với công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương...

Thực hiện “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là đổi mới phương thức lãnh đạo, cách thức quản lý, vận hành, sắp xếp tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoạt động chiếu phim ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò của mình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay.

Những nhiệm vụ cấp bách sau khi sát nhập được Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh  chỉ đạo toàn thể đơn vị tập trung mọi nguồn lực, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về Điện ảnh, các kế hoạch, chương trình, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân viên của Đội chiếu phim lưu động chủ động, triển khai kịp thời những nhiệm vụ giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra;  Sắp xếp kiện toàn cơ cấu nhân sự của Đội chiếu phim lưu động sau khi hợp nhất thành 4 Đội chiếu phim lưu động. Trong đó, Đội số 1 phục vụ địa bàn huyện A Lưới; Đội số 2 phục vụ địa bàn huyện Nam Đông; Đội số 3 phục vụ địa bàn các huyện phía Bắc; Đội số 4 phục vụ địa bàn các huyện phía Nam, các đối tượng chính sách và các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Lực lượng cán bộ hiện có 14 người, trong đó có 4 biên chế viên chức, 3 hợp đồng theo NĐ 111/CP, 7 nhân viên hợp đồng dài hạn.

Chiều phim lưu động tại A Lưới

 

Nhằm nâng cao chất lượng công tác chiếu phim lưu động, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh lần đầu tiên sau khi hợp nhất tổ chức Hội nghị về công tác chiếu phim lưu động với sự tham dự của 145 lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; đại diện lãnh đạo Phòng VHTT, Trung tâm VHTTTT các huyện, thị xã và thành phố Huế; đại diện Lãnh đạo BCH Bộ đội Biên phòng, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan nhằm trao đổi, thảo luận, bàn các giải pháp, phối hợp, ký kết nâng cao chất lượng của hoạt động chiếu phim trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được sự quan tâm của ngành, đơn vị đã đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất, máy chiếu phim chuẩn HD, ổ cứng di động dung lượng lớn và phần mềm chuyên dụng, loa, màn hình chiếu, âm ly phục vụ nhu cầu chiếu phim theo công nghệ hiện đại. Các xe U - oát sau nhiều năm hết thời hạn sử dụng, đơn vị đã xúc tiến cho thanh lý; thuê, sắp xếp, bổ sung các xe ô tô của đơn vị cấp cho 4 Đội phục vụ công tác chiếu phim để hoạt động chiếu phim không bị gián đoạn.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phổ biến phim với phương châm hướng về cơ sở; lấy các thôn, bản, các vùng biên giới, các trường học, các đơn vị quân đội, công an, trại giam, các tổ chức chính trị xã hội… làm địa bàn hoạt động chính. Đơn vị thường xuyên động viên cán bộ các Đội chiếu phim lưu động chủ động liên hệ, tiếp cận, động viên, định hướng cho cơ sở, người xem; tích cực vận động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và địa phương nơi tổ chức các buổi chiếu phim, nhằm thực hiện có hiệu quả tốt công tác chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị trên toàn tỉnh.

 

Đa dạng hóa phương thức để truyền tải thông tin

Hoạt động chiếu phim lưu động đã và đang giữ vai trò không thể thiếu trong mục tiêu phát triển văn hóa, hội nhập cùng với sự phát triển chung của đất nước. Đứng trước yêu cầu của sự bùng nổ thông tin, sự phát triển đa dạng các loại hình giải trí hiện nay và xuất phát từ nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của người dân, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, biện pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác chiếu phim. Việc tổ chức thành công Hội nghị về công tác chiếu phim lưu động vào tháng 4/2022 về cơ bản đã “khơi thông” những khó khăn cho các Đội chiếu phim đang gặp phải trước đây về địa điểm chiếu và nhận được sự ủng hộ, “cảm kết” của lãnh đạo của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh còn phối hợp với Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình ký kết về việc phối hợp triển khai chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các địa phương. Hai đơn vị đã thống nhất xác định các nội dung phối hợp, gồm: phổ biến, quán triệt đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chủ trương mới của địa phương, gắn với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), trật tự an toàn giao thông (TTATGT); Tuyên truyền nội dung các bộ luật về an ninh quốc gia, Luật Hình sự, ATGT; Chiếu các tin tức thời sự, phóng sự tài liệu về chính trị, văn hóa xã hội trong nước và quốc tế; các phim phóng sự, chuyên mục “Vì an ninh Tổ quốc”, các hoạt động bảo đảm ANTT của lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; Chiếu các bộ phim truyện, phim tài liệu; Tổ chức giao lưu hỏi đáp kiến thức pháp luật, các vấn đề thời sự, kết hợp với một số hoạt động văn hóa văn nghệ. Đây là một hình thức tuyên truyền trực quan rất hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân và đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

Nhằm đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đơn vị phối hợp với BCH Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trại giam Bình Điền, Trung tâm Bảo trợ Người có công của tỉnh, các trường THCS, THPT, các tổ chức chính trị xã hội... để đưa thông tin đến người dân một cách hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là đối với các em học sinh, chiến sĩ mới, phạm nhân. Từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao vai trò trách nhiệm, xây dựng thêm bản lĩnh, niềm tin và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc.

Hằng năm, các Đội chiếu phim lưu động đã tham gia và thực hiện tốt các đợt phim, tuần phim kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh, như mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng Ngày thành lập Đảng, Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... thu hút đông đảo người dân đến xem. Nhiều bộ phim hay, đặc sắc, có nhiều thông tin bổ ích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được nhân dân yêu thích và đón nhận.

Thực tế cho thấy, bản thân các Đội luôn nhận thức rất rõ vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới nội dung tuyên truyền, vẫn luôn là đội quân xung kích làm nhiệm vụ phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh... Vì vậy, họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua rất nhiều khó khăn về địa hình, giao thông, phương tiện, trang thiết bị, điều kiện ăn ở, sinh hoạt... vận dụng linh hoạt mọi điều kiện, hoàn cảnh, phát huy sáng kiến, làm chủ thiết bị, tích cực khai thác những bộ phim truyện, phim tài liệu gắn với thực tế cuộc sống, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tổ chức hiệu quả hoạt động chiếu phim phục vụ nhân dân các khu vực, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Sự phấn khởi, đón nhận nhiệt tình của bà con đã cho thấy công tác chiếu phim lưu động có hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Các bộ phim được lựa chọn trình chiếu là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị nội dung và nghệ thuật, giữa tuyên truyền và giải trí, nhằm thu hút khán giả đến với các buổi chiếu phim lưu động là yêu cầu hết sức quan trọng.

 

Với những đổi mới toàn diện, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cách thức tiếp cận khán giả, mở rộng đối tượng phục vụ, nâng cao chất lượng nguồn phim... mỗi năm, các Đội Chiếu phim lưu động, phục vụ từ 500 - 550 buổi chiếu phim lưu động, với gần 200.000 lượt người xem. Đơn vị luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt kế hoạch giao, đảm bảo số lượng, chất lượng các buổi chiếu. Với những kết quả đó, đơn vị được Bộ VHTTDL nhiều lần tặng Bằng khen và năm 2021 đã tặng cờ xuất sắc cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong lĩnh vực Điện ảnh của cả nước, trong đó có công tác chiếu phim lưu động.

Những đổi mới của Điện ảnh Thừa Thiên Huế trong đó có hoạt động chiếu phim lưu động hiện nay đã mang lại hiệu quả khả quan. Việc nhanh chóng đưa thông tin về cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Cùng với việc đổi mới toàn diện, công tác chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh thực sự là công cụ tuyên truyền hiệu quả, tiếp sức cho sự nghiệp đưa văn hóa nghệ thuật về với cơ sở, lan tỏa sâu rộng đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển và đầm phá, vùng đặc biệt khó khăn; không chỉ góp phần khai thông tư duy, trí tuệ, nâng cao năng lực nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ mà còn xác định trách nhiệm công dân của mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;