Liên hoan Văn hóa văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” do Sở VHTTDL Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thường Xuân tổ chức tại 2 địa điểm (Trung tâm thị trấn huyện và Khu Du lịch Bản Mạ) vừa kết thúc nhưng dư âm và những ấn tượng vẫn đọng lại trong người dân địa phương và du khách.
Lan tỏa các loại hình văn hóa truyền thống
Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” là sự kiện văn hóa với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở 11 huyện miền núi, như: Chương trình nghệ thuật dân gian, trích diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, không gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm, đặc sản của các địa phương; chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; giới thiệu các trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu...
Liên hoan quy tụ gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tạo được không khí phấn khởi, đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh nói riêng. Qua đó, giúp mỗi người nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình. Tham dự Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, các đại biểu, nhân dân và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện hoạt cảnh “Danh nhân Cầm Bá Thước - Rạng ngời đất Châu Thường” do các nghệ nhân, diễn viên thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa trình diễn. Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương (Chương I: Tình yêu và khát vọng non sông; Chương II: Giương cao ngọn cờ khởi nghĩa; Chương III: Danh thơm “Quế ngọc - Châu Thường”) đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng và ấn tượng đặc biệt trong lòng nhân dân và du khách về danh nhân Cầm Bá Thước - vị thủ lĩnh tài ba, mưu lược của đồng bào dân tộc Thái, huyện Thường Xuân trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa, qua đó nhằm tuyên truyền giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc đến thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.
Đến với Liên hoan, du khách còn được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo của 11 huyện miền núi đa dạng và phong phú cả về nội dung lẫn hình thức trong trang phục truyền thống đã thực sự hấp dẫn, thu hút, làm lay động trái tim của người dân, du khách, làm nổi bật giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc, từng vùng đất. Cùng với đó, Phiên chợ vùng cao du khách là sự trải nghiệm một không gian văn hóa đầy tính cộng đồng - một nét đẹp không thể nào trộn lẫn. Phiên chợ không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng thú vị. Ngoài giới thiệu và tôn vinh các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc trưng của các cộng đồng dân cư, Liên hoan còn là cơ hội để các địa phương quảng bá đặc trưng văn hóa cộng đồng với những nét bản sắc truyền thống độc đáo... từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch vùng miền. Chưa hết, các trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc, địa phương như đánh đu, ném còn, nhảy sạp, khua luống, bịt mắt bắt vịt... cũng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho bà con, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vài trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Sản vật đặc trưng của các dân tộc thiểu số được du khách quan tâm
Quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số, khơi dậy tiềm năng du lịch
Có thể nói, đến với Liên hoan lần này, khách du lịch được hòa mình vào không khí sôi nổi với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, qua đó, có thể cảm nhận được âm hưởng của những giai điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi thức dân gian, trò chơi, trò diễn đặc sắc, cho thấy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng, đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc thiểu số, hiểu và trải nghiệm các điểm du lịch, văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn huyện Thường Xuân. Đồng thời được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, đắm mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân; được tham gia những trò chơi dân gian truyền thống tiêu biểu... Liên hoan góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Thường Xuân nói riêng và các huyện miền núi trong tỉnh Thanh Hoá nói chung đến với du khách thập phương, cùng các sản phẩm du lịch, các di sản văn hóa phi vật thể, góp phần thu hút du khách. Từ đó, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển du lịch ở địa phương.
Đây là những ngày hội văn hóa lớn gắn với khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những chuỗi hoạt động thiết thực củng cố truyền thống đoàn kết các dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, nhân rộng hoạt động bảo tồn, chấn hưng, phát triển văn hóa dân tộc gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở vùng thượng du Thanh Hóa.
LÊ HƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023