Kiên Giang đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào trường học

Với niềm đam mê nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT), thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trung Trực thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang đang âm thầm truyền niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT cho những học sinh thân yêu của mình.

Tài tử Nguyễn Trường Đấu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT thành phố Rạch Giá (áo trắng thứ nhất từ phải qua) đang nhiệt tình hướng dẫn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực ca tài tử

 

Một buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Nguyễn Trung Trực có phần văn nghệ đầu giờ của Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT học đường Trường THPT Nguyễn Trung Trực tham gia ca diễn. Các tiết mục rất hay, cảm thấy được niềm đam mê của các em học sinh với bộ môn nghệ thuật ĐCTT.

Thầy giáo Trần Văn Kỹ, Chủ nhiệm lớp 10A1 Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử học đường của trường cho biết: được sự ủng hộ từ Ban Giám hiệu, CLB Đờn ca tài tử học đường được thành lập từ năm 2023. Đến nay, CLB có 12 thành viên, cả giáo viên và học sinh. Các em học sinh rất say mê và tích cực tham gia vào các phong trào văn hóa văn nghệ của trường và giao lưu.

Thầy giáo Trần Văn Kỹ, Chủ nhiệm lớp 10A1 Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử học đường tham gia ca tài tử tại buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Nguyễn Trung Trực

 

Tài tử Nguyễn Trường Đấu - Chủ nhiệm CLB ĐCTT thành phố Rạch Giá cho biết: nhận thấy niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT ở thầy và trò Trường THPT: Nguyễn Trung Trực, Ban Chủ nhiệm CLB ĐCTT thành phố Rạch Giá đã đến hỗ trợ, cung cấp thông tin về bộ môn nghệ thuật ĐCTT và tập ca cho học sinh từ những bài bản ngắn. Những buổi sinh hoạt gặp khó khăn do không có thầy đờn, CLB cũng cử thầy đờn đến hỗ trợ cho các thành viên.

CLB ĐCTT học đường Trường Nguyễn Trung Trực đã đăng ký cho các thành viên tham gia học sinh ca, đờn từ các lớp do CLB ĐCTT thành phố Rạch Giá mở. Dù mới được thành lập nhưng các hoạt động của câu lạc bộ đã nhận được sự ủng hộ và tích cực từ Ban Giám hiệu, các em học sinh trong trường.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hoàng Vũ - Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Kiên Giang cho biết: với những nỗ lực cơ quan chuyên môn, cùng với sự đồng lòng của các nghệ nhân, tài tử và người mộ điệu đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát triển nghệ thuật ĐCTT. Phong trào ĐCTT ở Kiên Giang đã và đang có bước phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong đó có cả các em học sinh.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực nghe ĐCTT tại Bảo tàng tỉnh

 

Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có trên 100 CLB, đội và nhóm ĐCTT, với trên 1.500 người tham gia sinh hoạt tại các địa bàn của 15 huyện, thành phố. Qua việc thực hiện đề án giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2021-2025, đã tạo điều kiện thuận lợi, nhịp cầu nối cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người mộ điệu giao lưu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào ĐCTT ở các địa phương và trường học.

Ông Lê Văn Em – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho biết: Trung tâm Văn hóa tỉnh được Sở chỉ đạo phối hợp triển khai đề án. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh đều tổ chức họp mặt và vinh danh những cá nhân có thành tích đóng góp cho phong trào ĐCTT; phối hợp mở lớp truyền dạy ĐCTT từ cơ bản đến nâng cao miễn phí và tổ chức hội thi ĐCTT. Trong năm 2024, Trung tâm tiếp tục mở ĐCTT miễn phí và tổ chức hội thi ĐCTT cấp tỉnh cho mọi lứa tuổi.

Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2013, đã hơn 10 năm. Từ đó đến nay, Kiên Giang cùng với 21 tỉnh, thành phía Nam có nghệ thuật ĐCTT đang tích cực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. 

Tình yêu say mê nghệ thuật ĐCTT của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trung Trực đã góp phần trong việc bảo tồn, giữ gìn nghệ thuật truyền thống sống mãi với thời gian trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thầy giáo Trần Văn Kỹ cùng các học sinh

 

THẾ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;