Ở mảnh đất Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), có một bài học đáng quý của mô hình làng văn hóa kiểu mẫu: sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thiết chế văn hóa và sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Làm được điều đó thì đích đến nâng tầm địa phương sẽ không còn xa.
Nhà văn hóa của làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc - Ảnh minh họa
Trong con mắt của người du khách từng đến đền Phú Đa (Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc) thì không khí ở đây vừa có sự hoài cổ, lại mang phong thái sôi nổi của thời hiện đại. Đến ngôi đền đá với tuổi đời hơn 300 năm, một di tích lịch sử lâu đời của Vĩnh Phúc, chúng tôi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp của di tích cũng như việc người dân địa phương hết lòng với văn hóa quê hương. Ngôi đền thật độc đáo, ai cũng thốt lên như thế nhưng điều đáng nói hơn là không gian đặc sắc được nâng niu, gìn giữ. Trong đó, bà con làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đông, xã Phú Đa rất nhiệt tình giới thiệu và lan tỏa nét đẹp quê hương mình cho du khách.
Chúng tôi thu thập được thông tin về ngôi đền từ những người dân. Đó là điều đáng mừng bởi vì lịch sử, văn hóa được lưu giữ bởi chính con người, chính cộng đồng địa phương sẽ vô cùng bền vững. Trải qua bao thăng trầm, nước ta vẫn còn truyền lại vô số sự tích, truyền thuyết và thông tin, đó chính là một phần quan trọng của văn hóa. Ngôi đền đã được xây dựng cách đây mấy thế kỷ mà dấu tích vẫn nhắc nhở chúng ta những thông tin thú vị. Ở đây có câu ví von truyền miệng rất độc đáo: “Bắt đền ra đền Phú Đa / Bao giờ đền đổ ta ra ta đền”. Nội dung của câu đó thật ý nghĩa, nói về sự bền vững qua tháng năm, không chỉ nghĩa đen là ngôi đền mà còn minh chứng về giá trị trường tồn của cả một vùng đất với văn hóa cốt lõi chẳng đổi thay. Nghe nói, ngôi đền đã tu sửa vài lần nhưng hầu như tất cả những giá trị cốt lõi nhất vẫn được bảo tồn.
Những giá trị mang tính trường tồn từ đời cha ông để lại, xét cho cùng, đang đồng hành cùng cuộc sống hôm nay. Trong đó, tinh thần gắn bó mật thiết với văn hóa địa phương thì không bao giờ thay đổi.
Chặng đường xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc có thể là một con đường rất dài nhưng đã thu được thành công bước đầu. Vĩnh Phúc có thể nói là một địa phương có đủ nền tảng kinh tế và văn hóa để thực hiên khát vọng ấy. Nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc qua năm tháng đã nâng tầm nông thôn mới của tỉnh, đến nỗi đã có không ít người nhận xét làng văn hóa sẽ trở thành một giá trị bền vững, trường tồn với thời gian.
Nụ cười thân thiện của người địa phương, với niềm tự hào lớn lao về các di tích, danh lam thắng cảnh của quê hương chính là minh chứng rõ ràng nhất để một giá trị vốn chỉ nằm trong các câu chuyện của bà con đã trở thành động lực thúc đẩy cho cuộc sống đi lên. Như thôn Đông ở Vĩnh Tường, thiết chế văn hóa - thể thao đã góp phần không nhỏ nâng cao cả về đời sống xã hội và kinh tế của người dân, chứng minh tính đúng đắn của việc lựa chọn nơi đây là một trong 4 thôn dân cư để xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu của huyện Vĩnh Tường.
Một nguyên nhân để làng văn hóa ở Vĩnh Phúc thành công là sự quan tâm đặc biệt của đảng bộ, chính quyền các cấp. Bởi trong quá trình triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, nhân dân là một thành tố không thể thiếu, làm việc gì cũng phải có ý kiến của nhân dân và sức lực chủ yếu góp vào cũng chính là của nhân dân. Với một địa bàn có di tích lịch sử - văn hóa thì người dân đã thể hiện sự kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa của di tích với du khách. Trong quá trình đó, sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng với sự tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội cũng đóng vai trò quan trọng để phát huy hết hiệu quả của mô hình. Điển hình, quần thể văn hóa - tâm linh ở xã Phú Đa là sự kết hợp giữa di tích và các thiết chế văn hóa khác để tăng hiệu quả của việc khai thác và bảo tồn di tích.
Một điều đáng nói nữa trong quá trình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc là việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Sự kết hợp hài hòa lợi ích của các bên liên quan: giữa người dân và doanh nghiệp, giữa quyền lợi và trách nhiệm... đã góp phần xây dựng một mối quan hệ hoàn chỉnh và hiểu nhau hơn. Người dân có được những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh du lịch, dịch vụ... còn doanh nghiệp cũng có môi trường tốt hơn để làm kinh tế.
Khi nhìn vào chặng đường xây dựng làng văn hóa kiêu mẫu của Vĩnh Phúc, chúng tôi đã có chút bất ngờ nhưng cũng đầy hứng khởi vì nhìn ra được lợi ích bền vững của đề án này. Bởi xuất phát chính là vì nhân dân và vì cuộc sống của người dân.
Cũng bởi mục đích cao cả và tốt đẹp ấy, mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc đã đạt được thành công nhanh mà vững chắc. Người dân trong làng văn hóa kiểu mẫu đồng thời là những điển hình về sự đoàn kết và giúp đỡ nhau trên truyền thống tình làng nghĩa xóm đã có từ thời xưa, ngày nay lại cùng tiến bước trên con đường xây dựng nông thôn mới cũng như làng văn hóa kiểu mẫu. Cộng đồng không những bảo tồn và hoàn thiện hương ước, quy ước mà còn tích cực hơn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương trong thời đại hội nhập. Ở làng văn hóa kiểu mẫu, nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản đã ăn sâu vào tiềm thức của con người nơi đây, làm ngạc nhiên và thích thú với du khách.
Tầm quan trọng của giá trị văn hóa đối với sự phát triển của làng văn hóa kiểu mẫu có thể nói rằng đó là “Sứ mệnh tạo niềm tin”. Tỉnh đã xác lập giá trị không thể thay thế, qua đó, niềm tin được xác lập, giá trị được xác lập rồi thu hút được sự quan tâm của cộng đồng cũng như các nguồn lực. Ở đây, nhờ phong trào, rồi cách thức tuyên truyền, quảng bá về tầm quan trọng của việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu mà tỉnh Vĩnh Phúc đã có chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân.
Để tiếp tục phát huy giá trị bền vững của mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, chúng ta càng cần phải đẩy mạnh chăm lo cho các mặt của đời sống thiết yếu cho người dân. Kinh tế càng phát triển thì cũng cần phát phát triển cả mặt xã hội, mà trong đó quan trọng nhất là giáo dục, y tế, văn hóa. Có làm xã hội tốt mới khắc phục được những khó khăn, tồn tại trong đời sống nhân dân. Từ mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, có thể nói, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được niềm tin lớn hơn trong bà con, tạo nền móng tư tưởng vững chắc trong lòng dân để phát triển kinh tế mạnh hơn, hội nhập tốt hơn. Chúng ta cần phát triển mạnh hơn nữa đặc sản, thương hiệu, giá trị vô hình đi cùng với mở rộng khai thác du lịch, tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, nhất là thế hệ trẻ. Tạo môi trường thuận lợi để tăng sự hài lòng của người dân vào các giá trị mới mà làng văn hóa kiểu mẫu mang lại, đặc biệt là các giá trị bền vững như phát triển con người.
Sự nghiệp xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc được xây đắp từ từng con người. Vẻ đẹp và giá trị của văn hóa không thể chỉ quảng bá bằng cách tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông mà còn được hình thành từ suy nghĩ, cảm nhận của chính người dân và bạn bè muôn nơi. Như việc quảng bá các di tích gắn với làng văn hóa kiểu mẫu. Trong thời buổi hiện nay, khi mạng xã hội trở nên phổ biến thì bất cứ một du khách nào cũng có thể trở thành một tuyên truyền viên cho điểm đến khi họ giới thiệu với bạn bè trên mạng xã hội.
Một mô hình nếu muốn đững vững, muốn tồn tại được thì phải có sức mạnh tổng hợp. Sức mạnh đó đến từ những chủ trương, định hướng đúng đắn của tỉnh, đến từ nền tảng văn hóa lâu năm của người dân. Mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc đã có được điều đó và đang trên bước đường phát huy chúng một cách tốt nhất, để quê hương trở thành nơi đáng sống.
ĐINH THÀNH TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024