Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk :Đổi mới công tác tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk. Nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình dịch bệnh, đơn vị đã linh hoạt chuyển đổi hình thức hoạt động từ tập trung sang trực tuyến.

Tuyên truyền xe loa về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại 15 huyện, thị xã, thành phố
 

Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk đã tuyên truyền cổ động trực quan, pano, khẩu hiệu, tuyên truyền xe loa về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới được 60 buổi tại 15 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng ghi hình tiểu phẩm; triển lãm online và đẩy mạnh tuyên truyền lên trang thông tin điện tử, kênh YouTube, Facebook của đơn vị… nhằm chuyển tải thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Cụ thể, Triển lãm Mỹ thuật “Mùa thu Cao Nguyên” mở rộng năm 2021 diễn ra từ ngày 15/11 đến 30/11/2021 đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức với hình thức online, trưng bày - giới thiệu 68 tác phẩm của 36 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia và được phát trực tuyến trên trang thông tin điện tử, kênh youtube, trong đó trang facebook thu hút được hơn 10.000 lượt xem. Đây là lần đầu tiên, Trung tâm tổ chức triển lãm bằng hình thức online nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo tác giả trong và ngoài tỉnh cũng như đông đảo người dân.

Tác phẩm “Trước ngày lễ hội” của tác giả Bùi Nam, tham gia Triển lãm Mỹ thuật “Mùa thu Cao Nguyên” mở rộng năm 2021
 

Tham gia giới thiệu tác phẩm “Trước ngày lễ hội” tại triển lãm với hình thức online, họa sỹ Bùi Nam, giảng viên mỹ thuật Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã nhận xét: “Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì xem tranh trực tuyến khá thú vị. Không được trực tiếp đến khu vực trưng bày, người xem vẫn có thể sống trong không gian mỹ thuật mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Cũng nhờ đó, tác phẩm sẽ đến gần hơn với công chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân”.

Ghi hình Tiểu phẩm “Gương sáng buôn làng” Tiểu phẩm “Gương sáng buôn làng” (Ảnh chụp màn hình)
 

Ngoài ra, Trung tâm còn ghi hình tiểu phẩm “Gương sáng buôn làng”, xoay quanh câu chuyện về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong một gia đình đồng bào dân tộc Ê Đê. Tiểu phẩm có thời lượng 20 phút do các diễn viên của Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh thực hiện, phản ánh nhận thức của một bộ phận thanh niên trước sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19. Thông qua câu chuyện giữa 4 thành viên trong gia đình, thông điệp 5K, cách phòng chống dịch bệnh, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về vắc xin, an sinh xã hội… được truyền tải cụ thể đến người xem. Tiểu phẩm được đăng tải trên Zalo, Facebook, YouTube, trang thông tin điện tử của đơn vị. Trung tâm cũng đã gửi video về các huyện, thị xã, thành phố để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ về công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, theo bà Trương Thị Ánh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuyển đổi hình thức tuyên truyền cổ động triển lãm, hoạt động văn hóa, văn nghệ từ hình thức trực tiếp sang hình thức gián tiếp theo công nghệ 4.0 để đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông qua các kênh trên mạng xã hội sao cho phù hợp với tình hình mới, để người dân dễ tiếp cận thông tin hơn.

 

HOÀNG TRÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;