Nhà sinh hoạt cộng đồng phường An Hòa - TP.Huế: Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa ở cơ sở

Nhằm giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, sử dụng có hiệu quả các Nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền phường An Hòa - TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều giải pháp phát huy tối đa hiệu quả của Nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) trên địa bàn phường.

 

 

Cụ thể, Nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 9 phường An Hòa đã phát huy hiệu quả của một thiết chế văn hóa ở cơ sở, bước đầu đáp ứng được nhu cầu giải trí, luyện tập thể dục thể thao (TDTT) và khu vui chơi cho trẻ em, thu hút đông đảo người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư.

 Nhà SHCĐ tổ 9 được tận dụng từ Trạm Y tế phường với diện tích khuôn viên gần 1.000m2. Sau khi được sử dụng làm Nhà SHCĐ, chính quyền UBND phường An Hòa đã đầu tư cải tạo, sửa chữa lại cơ sở vật chất, khuôn viên... thay đổi diện mạo, phục vụ nhu cầu vui chơi, luyện tập TDTT cho nhân dân phường An Hòa nói chung và nhân dân tổ 9 nói riêng.

Trước đây, khi chưa đưa vào sử dụng, địa chỉ này thường xuyên đóng cửa, cơ sở xuống cấp. Sau khi được sự quan tâm của chính quyền phường An Hòa, sự quan tâm của Chi bộ 9 phường An Hòa, Nhà SHCĐ tổ 9 được đầu tư, cải tạo, cơ sở vật chất tương đối đảm bảo được nhu cầu vui chơi, giải trí và luyện tập thể thao của người dân. Đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay, Nhà SHCĐ đã trở thành địa chỉ sinh hoạt khá sôi động của các CLB người cao tuổi, các buổi họp tổ dân phố, tổ chức các hoạt động nhân ngày lễ kỷ niệm của quê hương đất nước, ngày hội đại đoàn kết dân tộc và một số hoạt động khác của tổ và phường đều sử dụng Nhà SHCĐ, điều quan trọng hơn, nơi này đã trở thành địa chỉ vui chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi, là địa điểm sinh hoạt của những người cao tuổi và rèn luyện sức khỏe của đông đảo quần chúng nhân dân.

Với công năng gồm hội trường vừa là phòng hội họp của tổ, chi bộ và hội Cựu Chiến binh, các CLB người cao tuổi, 1 sân cầu lông và nhiều dụng cụ để luyện tập thể thao, khu vui chơi cho trẻ em gồm cầu trượt, xích đu, ghế xoay và một số trang thiết bị khác..., Đến cuối năm 2020, ngoài việc sửa chữa, chỉnh trang sân vườn, cây xanh được phủ quanh khuôn viên, những tranh vẽ vừa mang đậm chất dân gian, vừa mang ý nghĩa giáo dục cho các em thiếu nhi tạo nên một không gian sinh hoạt cộng đồng sinh động, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt tạo được sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi, nơi đây thành một điểm đến gắn kết người dân, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân.

Mặc dù trang thiết bị chưa được trang bị nhiều, chưa có nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức nhưng Nhà SHCĐ  tổ 9 Phường An Hòa đã phần nào phát huy đúng công năng của thiết chế văn hóa, vừa là địa điểm văn hóa lành mạnh tại khu dân cư, phù hợp với nhu cầu vui chơi, tập luyện của người dân nơi đây.

Từ thực tế đó, có thể nói, thiết chế văn hóa ở các khu dân cư có vai trò rất quan trọng trong việc tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân sinh sống ở địa bàn. Nhà SHCĐ ở các khu dân cư đã góp phần đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho nhiều đối tượng, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Điều đó khẳng định, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở luôn có vai trò quan trọng, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu nhi, thông qua các hoạt động lành mạnh góp phần giáo dục nhân cách trẻ em. Để phát huy vai trò của Nhà SHCĐ ở khu dân cư, thiết tưởng chúng ta cần có những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai cụ thể hóa Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đối với các khu dân cư sau khi sắp xếp, sáp nhập. Chính quyền địa phương cần có sự quan tâm đầu tư nguồn kinh phí, quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa ở khu dân cư.

Hai là, chú trọng nguồn cơ sở vật chất cần đảm bảo đủ để phục vụ nhu cầu vui chơi, rèn luyện của nhiều đối tượng, trong đó cần hướng đến phục vụ nhu cầu của người cao tuổi và trẻ em, đồng thời bố trí nguồn nhân lực để vận hành, tổ chức hoạt động tại Nhà SHCĐ ở khu dân cư.

Ba là, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư cơ sở vật chất tại Nhà văn hóa, Nhà SHCĐ cũng như vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường cảnh quan của Nhà văn hóa, Nhà SHCĐ tại khu dân cư, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan tại các thiết chế này về chủ trương,  chính sách của Đảng và Nhà nước, các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn”, các quy định trong việc phòng, chống dịch bệnh... nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.

 

 

NGUYỄN THÚY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

;