Vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao trong xây dựng nông thôn mới ở Tuy Phước

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) được đầu tư xây dựng đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương.

Trong quá trình hoạt động, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các xã, thị trấn từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Hiện nay, Tuy Phước có 1 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao; 1 thư viện, 1 nhà truyền thống, 1 nhà thi đấu đa năng và 1 sân vận động được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách huyện; 100% các xã, thị trấn đều có Nhà văn hóa - Khu thể thao xã, thôn được đầu tư các trang thiết bị bàn ghế, sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng tủ sách… Các Khu thể thao cũng được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, một số địa phương, đơn vị, cá nhân còn đầu tư xây dựng 19 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 1 hồ bơi 25m, 8 sân cầu lông đạt chuẩn, 10 cơ sở thể dục thể hình và nhiều cơ sở vật chất văn hóa, thể thao khác… Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, các hội thi, hội diễn văn hóa - văn nghệ, giải đấu thể dục - thể thao phong trào được duy trì tổ chức thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ở phương diện khác, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và tổ chức thực hiện thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đào tạo cơ bản, đã phát huy tốt năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động phong trào.

Với những kết quả đã đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở Tuy Phước đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò của mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở Tuy Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do kinh phí có hạn, nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn nên các địa phương trong huyện chưa thành lập được Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Hầu hết chỉ có Nhà văn hóa - Khu thể thao xã, thôn; các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em có rất ít, hoạt động không hiệu quả. Dù được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng hiện tại, trên địa bàn Tuy Phước vẫn còn một số thôn quy hoạch Khu thể thao chưa đảm bảo diện tích theo quy định, một số Nhà văn hóa không đạt tiêu chuẩn do xây dựng đã lâu hoặc xây dựng xa khu dân cư nên khi tổ chức sinh hoạt, hội họp… không thuận tiện cho người dân; nhiều Nhà văn hóa được xây dựng nhưng thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị đã cũ, hỏng, không đảm bảo hoạt động; một số nơi công tác vệ sinh môi trường khu vực Nhà văn hóa chưa được quan tâm, thiếu hạng mục công trình phụ trợ, cây xanh... Quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn khó khăn; cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực xã hội hóa văn hóa, thể thao chưa mạnh và đồng đều…

Điều đáng nói là từ khi có Nhà văn hóa - Khu thể thao xã, thôn đến nay hầu như chưa có địa phương nào phát huy hết chức năng theo đúng nghĩa của nó (chỉ sử dụng Nhà văn hóa xã, thôn như hội trường dùng để hội họp, nói chuyện thời sự, tiếp xúc cử tri và một số hoạt động khác)… Lâu lắm mới có một vài đêm văn nghệ nghiệp dư do xã, thôn tổ chức.

Ông Huỳnh Thanh Trang - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện tuy được chú trọng nhưng việc quản lý khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế. Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa hoạt động kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, chưa bố trí kinh phí hoạt động cho các Nhà văn hóa nên công tác quản lý, sinh hoạt ở một số Nhà văn hóa, nhất là Nhà văn hóa thôn chưa được thường xuyên, nội dung sinh hoạt đơn điệu, chưa thu hút đông đảo người dân người dân đến tham gia.

Hiện nay, Tuy Phước đã hoàn thiện các tiêu chí trình Bộ VHTTDL công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, một số địa phương hướng đến xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Do đó, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao của các địa phương trên địa bàn huyện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Muốn được như vậy, các xã, thị trấn trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”, “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”… Cần hoạch định ra một cơ chế chính sách sao cho phù hợp với từng địa phương để sớm hình thành được bộ khung quản lý và các bộ phận hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, có đội ngũ hướng dẫn viên, huấn luyện viên nhiệt tình, am hiểu về văn hóa, văn nghệ, TDTT tham gia… Hoàn thiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp cơ sở theo quy hoạch, đảm bảo các xã đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đầu tư xây dựng các sân luyện tập và thi đấu thể dục - thể thao, đảm bảo các xã đều có sân bóng đá, bóng chuyền... Đẩy mạnh thực hiện các mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - thể thao nhằm phát triển phong trào ở cơ sở. Xây dựng cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa - thể thao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Qua đó, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong các phong trào thi đua văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các địa phương. Có chính sách đầu tư phù hợp để cấp cơ sở có đủ nguồn lực về kinh phí, quy hoạch quỹ đất, nguồn nhân lực quản lý trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy chuẩn của Bộ VHTTDL. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị được đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, thể thao; tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao nhất là cán bộ ở cấp cơ sở... Đặc biệt, có chính sách, cơ chế thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Để xây dựng thành công nông thôn mới ngoài kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội; an ninh trật tự được giữ vững; môi trường sinh thái được bảo vệ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao... thì việc nâng cao và phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó chính  là "nền tảng, động lực, nguồn lực nội sinh" bảo đảm xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững. Muốn vậy, cần phải thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp trên nhằm khơi dậy và phát huy tốt vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao văn minh, hiện đại trên địa bàn Tuy Phước nói riêng và cả nước nói chung.

 

Tác giả: Huỳnh Nam Việt

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

 

;