Những vấn đề đặt ra qua sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh ở Kiên Giang

Thực hiện Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang về khảo sát hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện từ khi sáp nhập đến nay. Đoàn khảo sát đã xây dựng đề cương hướng dẫn Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh (TTVHTTTT) cấp huyện báo cáo tình hình hơn 1 năm thực hiện việc sáp nhập.

Từ ngày 18/2/2020 đến ngày 23/6/2020 Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định thành lập 15/15 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện. Một số huyện còn sáp nhập thêm một số bộ phận có liên quan như: Ban Quản lý di tích lịch sử- thắng cảnh (Kiên Lương, Hòn Đất), Ban Quản lý di tích Nhà tù Phú Quốc…

Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Vĩnh Thuận
 

Theo Quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang, TTVHTTTT cấp huyện, được quy định vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức của TTVHTTTT như sau: TTVHTTTT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Chịu sự quản lý trực tiếp của UBND huyện; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị chuyên môn khác có liên quan.

Chức năng của TTVHTTTT cấp huyện bao gồm: Tổ chức, cung ứng dịch vụ công nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, truyền thanh, du lịch; nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn huyện theo quy định. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Quản lý, tuyên truyền và phổ biến công tác bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, di tích theo quy định.

TTVHTTTT cấp huyện có Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc. Các bộ phận giúp việc gồm: Tổ Hành chính – Tổng hợp và Tổ Nghiệp vụ.

Số lượng người làm việc của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Vĩnh Thuận được giao trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và nằm trong trong số lượng người làm việc của UBND huyện. UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm theo thẩm quyền và theo quy định cúa pháp luật. Chỉ đạo TTVHTTTT huyện xây dựng quy chế hoạt động, xây dựng Đề án vị trí việc làm và phương án thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đoàn khảo sát đã xây dựng đề cương hướng dẫn TTVHTTTT cấp huyện báo cáo tình hình hơn một năm thực hiện việc sáp nhập ở 5 huyện: Kiên Lương, Kiên Hải, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận. Việc sáp nhập giữa TTVHTTTT cấp huyện, đa số cho rằng là mô hình mới, có chức năng, nhiệm vụ cơ bản giống nhau, cùng làm công tác thông tin, tuyên truyền.

Việc sáp nhập, trước hết là giảm được đầu mối, tinh gọn hơn trước, các trung tâm hoạt động từng bước đi vào nề nếp, không có sự xáo trộn lớn, nhiều Ban Giám đốc trung tâm đã phân công tương đối hợp lý, chia ra thành hai lĩnh vực rõ rệt: Văn hóa, thể thao và truyền thanh. Trong hoạt động có sự san sẻ công việc với nhau, nhất là những đợt công tác trọng tâm, đột xuất.

Nhìn chung, các TTVHTTTT đã có mối quan hệ khá tốt với ngành dọc cấp trên, như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Hầu hết các Trung tâm và Phòng Văn hóa và Thông tin sinh hoạt Đảng, đoàn thể chung, khá thuận lợi.

Việc sáp nhập TTVHTTTT là phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức, bộ máy, giảm bớt đầu mối cơ quan tham mưu, có điều kiện phát huy năng lực đội ngũ viên chức. Ngay từ khi sáp nhập, các Trung tâm đã sớm đi vào hoạt động, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chuyên môn theo đề án. Các tổ chuyên môn nghiệp vụ hoạt động từng bước đi vào quy chế hoạt động. Nhiều tập thể, viên chức Trung tâm ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Tuy nhiên, việc sáp nhập còn có những hạn chế sau: Việc hoàn thiện, chuẩn hóa đội ngũ viên chức theo đề án vị trí việc làm ở một số Trung tâm chưa đảm bảo; đội ngũ lãnh đạo Trung tâm ở một số huyện chưa bố trí trình độ chuyên môn đúng nhu cầu chuyên ngành; đội ngũ viên chức chưa được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, một số được đào tạo nhưng phát huy chưa tốt; nhiều Trung tâm chưa được bố trí đủ biên chế. Bộ máy tổ chức, nhân sự chưa hòa hợp thành một khối thống nhất, một số Trung tâm chưa thật sự đoàn kết. Hầu hết chức năng, nhiệm vụ, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đều mới nên gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động chuyên môn. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa, truyền thanh cấp huyện, cấp xã xuống cấp, một số trung tâm văn hóa, nhà thi đấu đa năng chưa đưa vào hoạt động đã hư hỏng (như huyện Giồng Riềng). Nguồn kinh phí chi cho hoạt động còn hạn chế, trong khi nhu cầu hoạt động phong trào nhiều, đặc biệt là các Trung tâm ở đảo nên chi phí nhiều hơn đất liền, nhất là chi phí về thời gian và phương tiện đi lại cho các chuyến công tác...

Từ những khó khăn, hạn chế trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Huyện ủy, UBND cấp huyện quan tâm chỉ đạo xử lý, giải quyết một số vấn đề còn bất cập như cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, kinh phí đủ để chi trả nhuận bút nhằm tạo động lực để phát huy chức năng các TTVHTTTT ngày càng hiệu quả.

Tác giả: Thế Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

 

;