Dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa và biểu diễn nghệ thuật. Thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ công tác của đơn vị, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang đã khắc phục hạn chế, rào cản do dịch bệnh, kịp thời có những kế hoạch hoạt động mới, phù hợp với tình hình hiện nay.
Sau thời gian khống chế và kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần thứ nhất, từ tháng 6/2021, tình hình dịch COVID-19 trên cả nước bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại về số lượng và mức độ lây lan. Các tỉnh thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng, một số tỉnh bắt đầu siết chặt các hoạt động và áp dụng giãn cách xã hội liên tục, chuyển sang trạng thái “sống chung an toàn với dịch”.
Ngay từ khi có thông báo ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở An Giang, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã thành lập Tổ phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi, quản lý viên chức người lao động của đơn vị đảm bảo an toàn chống dịch theo hướng dẫn của cấp trên, đồng thời đề ra các phương án nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đa dạng hình thức tuyên truyền về phòng, chống dịch trong thời tình hình mới. Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng cho các hoạt động của đơn vị khi tình hình dịch diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được chú trọng và thực hiện thường xuyên tại cơ quan cũng như trên các phương tiện tuyên truyền lưu động, cổ động của đơn vị.
Từ ngày 11/7, toàn tỉnh An Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sau nâng mức giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; người dân hạn chế ra đường, giữ khoảng cách và không tập trung đông người. Trước tình hình đó, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tuyên truyền trực tiếp hầu như đều gặp trở ngại và gián đoạn. Do vậy, đơn vị đã chủ động chuyển đổi hình thức biểu diễn, tuyên truyền trực tiếp sang gián tiếp. Đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền gián tiếp trong thời điểm dịch bệnh, nhất là thời điểm tỉnh nhà áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Công tác biểu diễn nghệ thuật và tuyên truyền lưu động gần như bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã phải hủy nhiều suất biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện trong tỉnh. Do đó, lực lượng diễn viên, đạo diễn của đơn vị gần như không thể hoạt động do không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cán bộ viên chức Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, trong “cái khó ló cái khôn”, sáng tạo nhiều cách làm mới phù hợp và hiệu quả trong tình hình giãn cách xã hội. “Sáng tạo, đổi mới công tác, khắc phục mọi khó khăn gian khó và tận tụy với quần chúng nhân dân” là một trong những điều cán bộ, nhân viên và người lao động Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật luôn đặt lên hàng đầu trong thời điểm bình thường cũng như trong dịch bệnh. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy từ việc áp dụng “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào lối sống và làm việc, mà còn cho thấy tinh thần phụng sự, sứ mệnh của người nghệ sĩ hiện nay, xứng đáng với lời căn dặn của Bác: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Nêu cao tinh thần của “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, viên chức và người lao động Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã chung tay đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, đổi mới các phương thức hoạt động, không để bị động và gián đoạn ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực hiện hoàn tất các phần tham dự Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 2021 bằng hình thức quay hình và gửi clip dự thi. Bên cạnh đó, đơn vị dàn dựng, thu âm câu chuyện truyền thanh, lồng ghép các khuyến cáo của cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch bằng hình thức kịch, sinh động, gần gũi và dễ nhớ. Chưa hết, đơn vị còn thực hiện một số chương trình biểu diễn văn nghệ online mang nội dung kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 bằng hình thức phát trực tiếp hoặc quay phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số diễn viên vẫn duy trì việc sáng tác, luyện tập, biểu diễn trực tuyến tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội, thông qua các trang mạng Facebook, YouTube… Đồng hành cùng cơ quan, chi đoàn Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh vận động các đoàn viên là các ca sĩ, diễn viên thực hiện chương trình biểu diễn online cổ vũ tinh thần những người thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Thông qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; lan tỏa thông điệp, hiệu ứng tích cực, tạo sự tin tưởng, đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong suốt quá trình thu thanh, quay hình và hậu kỳ, ekip chương trình đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Ngoài công tác nòng cốt là biểu diễn nghệ thuật, công tác tuyên truyền cổ động cũng được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật quan tâm và chủ động lên kế hoạch đăng tải trên trang Facebook của đơn vị các tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19 do Cục Văn hóa cơ sở phát hành; treo nhiều băng rôn, pano, áp phích, chạy bảng chữ màn hình led tuyên truyền khẩu hiệu; cho xe cổ động chạy ở các tuyến đường chính của 3 huyện, thành phố: Thoại Sơn, Châu Thành và Long Xuyên; truyền tải tới đông đảo các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời khẳng định nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các hội thi hội diễn trong và ngoài tỉnh hầu hết đều tạm hoãn nhưng công tác nghiệp vụ văn hóa nghệ thuật của đơn vị vẫn diễn ra gián tiếp, bám theo tình hình diễn biến dịch và thông báo của các hội thi, hội diễn cấp khu vực và Trung ương. Đơn vị đã tập hợp và gửi tranh về Bộ VHTTDL tham dự Triển lãm tranh thiếu nhi Việt Nam năm 2021. Đồng thời triển khai Hội thi vẽ tranh dành cho học sinh thực hiện Đề án “Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam” tỉnh An Giang lần XII - 2021 bằng hình thức cho các em học sinh vẽ tranh tại nhà, các đơn vị huyện tập hợp, chấm vòng huyện, sau đó chọn ra những tác phẩm xuất sắc vào vòng tỉnh. Song song đó, Trung tâm thường xuyên cập nhật các thông báo của cơ quan chức năng, khuyến cáo của ngành Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên trang Facebook đơn vị với nhiều hình thức phong phú đa dạng như: các trình chiếu, infographics, clip dành cho thiếu nhi, người khuyết tật, các khuyến cáo y tế bằng tiếng Khmer và nhiều thứ tiếng khác… Các thành viên Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc, thường xuyên cho ra đời nhiều ca khúc mới với nội dung cổ vũ tinh thần nhân dân đoàn kết, đẩy lùi đại dịch. Các ca khúc mới được đơn vị tập hợp, dàn dựng thành chương trình văn nghệ online với hình thức thu hình và phát lại trên trang Facebook của đơn vị, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.
Song hành với công tác chuyên môn, tại nơi làm việc của cơ quan, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật thường xuyên quán triệt các nội dung phòng, chống dịch đến tất cả các phòng ban: thực hiện giải pháp “5K”, trang bị thiết bị đo thân nhiệt, máy phun dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… Đồng thời, tất cả cán bộ viên chức và người lao động của đơn vị đều thực hiện khai báo y tế mỗi ngày. Đơn vị duy trì luân phiên để giảm số lượng viên chức làm việc tại đơn vị, các viên chức còn lại làm việc online tại nhà, đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp kịp thời ngăn chặn dịch nhưng với sự phức tạp khó lường, đợt bùng phát dịch lần này đã gây ra nhiều khó khăn đáng kể đối với mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước. Thấy được những điều trên, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách kịp thời, hữu hiệu cho người dân, trong đó có những người đang công tác trong ngành Văn hóa. Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có các nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật công lập. Cụ thể, hỗ trợ một lần 3 triệu 710 nghìn đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Đơn vị đã kịp thời rà soát và lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết đối với 24 diễn viên và 1 đạo diễn hạng 4. Đây là các đối tượng có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, nguồn thu nhập chủ yếu nhờ vào các suất diễn, nên khi các hoạt động bị gián đoạn, đời sống anh em gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 đã hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ một số khó khăn cho các đạo diễn nghệ thuật, diễn viên hạng 4 của đơn vị, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với người làm công tác nghệ thuật. Điều này không chỉ giúp anh em diễn viên, đạo diễn có thêm nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn là giá trị tinh thần, để anh em vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ của Chính phủ lần này cũng chính là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ.
Với sự quan tâm, động viên và chia sẻ của Ban Giám đốc Sở VHTTDL, sự sáng tạo tìm ra hướng mới của lãnh đạo đơn vị cho các hoạt động trong tình hình dịch bệnh, sự đồng lòng nhất trí của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật đã khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, kịp thời, hiệu quả góp phần vào công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ tinh thần cho nhân dân trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19 của cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.
LÊ QUANG TRẠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021