Cùng với cán bộ và nhân dân các cấp các ngành, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Hưng Yên quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục thực hiện nghị Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kết luận 01-KL/TW Bộ Chính trị khóa XIII về việc “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Phát huy những lợi thế, tiềm năng của tỉnh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Trung tâm Văn hóa - truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã ở Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền thành công hàng loạt các sự kiện chính trị trọng đại từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng được đời sống văn hoá tinh thần của người dân.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song với sự quyết tâm vừa phòng chống dịch bệnh vừa thực hiện các nhiệm vụ được giao, mỗi năm Trung tâm Văn hóa truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện trên 100 cụm tranh cổ động cỡ lớn, gần 200 màn hình LED lớn; treo trên 10.000 băng rôn, khẩu hiệu, hàng trăm nghìn cờ Tổ quốc, cờ Đảng... Các đợt tuyên truyền tập trung vào Đại hội đại Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; các ngày lễ trọng đại như Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4); ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9); Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2022); Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022)- biểu tượng tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cộng sản… Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã sửa chữa 5 dàn tranh cỡ lớn trên 1000m2, tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của Trung ương và kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7.1941-7.2021), 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1.1.1997-1.1.2022); kẻ vẽ panô cỡ nhỏ đạt 1.000m2; căng treo gần 200 băng rôn hai mặt; gần 1.000 lượt cờ phướn tại các vị trí dễ xem, dễ nhìn, khu vực đông dân… Ngoài ra, Trung tâm còn triển lãm 5 cuộc trên địa bàn thành phố và một số đơn vị, nội dung là hình ảnh kinh tế - xã hội ở Hưng Yên; tổ chức thành công Hội thi xe tuyên truyền lưu động toàn tỉnh, lần thứ nhất năm 2021 để lại nhiều ấn tượng trong các tầng lớp nhân dân.
Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị là đã góp phần tổ chức thành công, trang trọng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021); 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941-7/2021) và 25 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2022)… Tất cả đã khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương giàu đẹp, tạo nên một không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ động viên mọi tầng lớp nhân dân lao động sản xuất, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt kết quả vượt bậc và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh, thu ngân sách đạt trên 19 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, tuyên truyền cổ động cũng là dịp để quảng bá truyền thống văn hiến, hình ảnh về mảnh đất và con người Hưng Yên.
Tuyên truyền cổ động trực quan thực sự giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, có tác động tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần vào việc gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, công tác tuyên truyền cổ động trực quan vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả như: một số địa phương chưa quan tâm dành quỹ đất phục vụ tuyên truyền cổ động trực quan; nhiều nơi biển, bảng tuyên truyền cổ động trực quan bị các phương tiện truyền thông quảng cáo lấn lướt; việc tuyên truyền cổ động trực quan chưa thường xuyên liên tục, còn mang tính vụ việc, sự kiện; phương pháp tuyên truyền cổ động truyền thống có nguy cơ mờ nhạt do tác động của công nghệ, ngoài mặt tích cực, cũng có thể vô hình chung sẽ mất đi giá trị lịch sử văn hóa truyền thống...
Tình hình mới hiện nay đòi hỏi công tác tuyên truyền cổ động trực quan cần đổi mới, phát huy tốt vai trò để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Một là, công tác tuyên truyền cổ động phải đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cần phải có quy hoạch tổng thể và chi tiết để xây dựng cụm cổ động trực quan tại các trung tâm và địa bàn trọng yếu, đồng thời bám sát vào nội dung về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và địa phương theo từng giai đoạn cụ thể.
Hai là, tuyên truyền cổ động trực quan luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp để kịp thời lan tỏa, cuốn hút cán bộ, đảng viên và mọi người dân hướng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo thành hiệu ứng xã hội tích cực, thúc đẩy mỗi cá nhân quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, công việc, đạt hiệu quả cao.
Ba là, thường xuyên chú trọng chỉ đạo hướng dẫn công tác tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở; quy hoạch quỹ đất để xây dựng hệ thống cụm cổ động trực quan tuyên truyền ở những vị trí trung tâm thuận lợi, dễ thấy, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Quan tâm bố trí, bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp tham mưu, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cổ động có tư tưởng chính trị tốt, năng lực thẩm mỹ và trách nhiệm cao; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ phù hợp để khuyến khích tinh thần sáng tạo.
Bốn là, kết hợp tốt giữa các phương pháp tuyên truyền cổ động truyền thống có hiệu quả với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền cổ động trực quan, bảo đảm sự hài hòa về nội dung, hình thức và giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
NGUYỄN THÀNH TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022