Đặc sắc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế

Diễn ra từ ngày 16 - 18/5, tại thị trấn Khe Tre - huyện Nam Đông, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, năm 2022 đã quy tụ hơn 450 nghệ nhân, diễn viên quần chúng, vận động viên, các chiến sĩ của lực lượng Bộ đội Biên phòng và đồng bào các dân tộc Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu, Tà Ôi... ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.

 

Phong phú các hình thức tổ chức.

Đây là sự kiện có quy mô, ý nghĩa sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thể hiện những nỗ lực, quyết tâm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19”.

Phát biểu khai mạc Ngày hội, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, ngày hội là hoạt động truyền thống, được tổ chức định kỳ và luân phiên 2 năm một lần tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Festival 4 mùa của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022, nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá, góp phần kích cầu, thúc đẩy du lịch phát triển. Thông qua Ngày hội, tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc; đồng thời thúc đẩy quá trình bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc và đặc trưng văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế.

Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Liên hoan văn nghệ quần chúng thuộc các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc. Hoạt động thể thao với 5 môn gồm: bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co. Các lễ hội như không gian ẩm thực truyền thống, giới thiệu các sản phẩm du lịch, nông sản, đặc sản của địa phương, phục dựng lại lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở trên địa bàn huyện Nam Đông, các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Giới thiệu, quảng bá các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện Nam Đông.

Trong khuôn khổ Ngày hội, còn có các hoạt động trưng bày, triển lãm về những thành tựu, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương như: trưng bày, triển lãm triển lãm chuyên đề “Người đi tìm hình của nước” của Bảo tàng Hồ Chí Minh;  Trưng bày sách về Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Thư viện Tổng hợp tỉnh, Triển lãm “Một số dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam” của Bảo tàng Mỹ thuật Huế, triển lãm chuyên đề “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” và tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào trên địa bàn huyện Nam Đông của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh… Đây là những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, góp phần đa dạng hóa các hoạt động của Ngày hội, thu hút sự quan tâm của du khách và nhân dân huyện Nam Đông.

Ông Dương Thanh Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: “Năm nay, Ngày hội được huyện Nam Đông đăng cai tổ chức với nội dung hết sức phong phú và đa dạng; ngoài những hoạt động chung của tỉnh là các hoạt động thể dục thể thao, các lễ hội về nghệ thuật quần chúng. Địa phương tổ chức một số lễ hội về không gian ẩm thực truyền thống, giới thiệu các sản phẩm du lịch, nông sản, đặc sản của địa phương, phục dựng lại lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở trên địa bàn huyện Nam Đông nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của người đồng bào dân tộc Cơ Tu”.

Bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.

Trải qua 3 ngày diễn ra sôi nổi, một trong những hoạt động trung tâm của Ngày hội là Liên hoan Nghệ thuật quần chúng. Theo đánh giá của Trưởng ban Giám khảo, các chương trình đem đến Liên hoan lần này được dàn dựng công phu, nội dung bám sát mục đích yêu cầu đề ra, phong phú về thể loại. Kết cấu chương trình sinh động, hợp lý, hấp dẫn, làm nổi bật bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Hầu hết các đội nghệ thuật quần chúng đã tham gia bằng cả sự say mê nghệ thuật, niềm tự hào với giá trị văn hóa cùng sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước.

Bên cạnh Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Hội thi Thể dục Thể thao đã diễn ra sôi nổi, quyết liệt với sự tham gia của 150 vận động viên, thi đấu 5 môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Kéo co, trong đó, môn Bắn nỏ là nội dung thi đấu trong Chương trình Đại hội TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 9 năm 2022. Nội dung thi đấu cho thấy các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo, chất lượng chuyên môn được nâng cao, các vận động viên thi đấu nhiệt tình, đoàn kết; thu hút sự tham gia cổ vũ của đông đảo cổ động viên.

Điểm nhấn của Ngày hội năm nay chính là tái hiện lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu huyện Nam Đông, qua đó, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Nam Đông đến với nhân dân và du khách. Hy vọng trong thời gian tới, Nam Đông sẽ khai thác, xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ du khách, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Có thể nói, các hoạt động tại Ngày hội chính là cầu nối tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Qua đó, nhằm bảo tồn, giới thiệu và phát huy các giá trị đặc sắc, phong phú, độc đáo, đa dạng của văn hóa các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời, quảng bá những tiềm năng du lịch thông qua các hệ thống di tích lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa ẩm thực, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế.

Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhằm tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, luyện tập và thi đấu thể thao; nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc; thúc đẩy quá trình bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc và đặc trưng văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế; kích cầu, thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;