Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022: Sự kết nối giữa các miền di sản

Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam tổ chức nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh con người và văn hóa, du lịch của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng và các tỉnh, thành trong nước nói chung. Bên cạnh đó, Hội diễn còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công… gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, phát triển chuyên môn trong công tác biên tập, dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật.

Một tiết mục tham gia hội diễn

 

Hội diễn quy tụ hơn 500 nghệ nhân, nghệ sĩ của 12 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố: An Giang, Kon Tum, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hầu hết các chương trình tham gia Hội diễn đều có chủ đề tư tưởng rõ ràng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, toát lên được vẻ đẹp của quê hương đất nước và con người Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Kỹ thuật biểu diễn, “ngón nghề” và khả năng thể hiện trên sân khấu của nghệ sĩ khá điêu luyện, đồng đều. Nhiều chương trình mang tính chuyên nghiệp cao, có sự kết hợp hài hòa giữa các tiết mục, hình thức biểu diễn sáng tạo, hấp dẫn, phong cách mới lạ, độc đáo; được đầu tư dàn dựng công phu từ hòa âm, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, bố cục sân khấu đến kỹ thuật và nghệ thuật hát, múa, hợp xướng...; mang nhiều màu sắc đa dạng: có sự mượt mà, đằm thắm của âm nhạc truyền thống, có sự tươi vui tràn đầy sức sống của nhạc trẻ, có tiếng đàn bầu da diết, tiếng sáo khắc khoải, có sự rộn ràng, sôi nổi của tiếng trống, tiếng chiêng. Trên sân khấu có màn hình Led lớn với hình ảnh và video, góp phần tăng hiệu ứng cho tiết mục và cảm xúc của người xem. Những điệu múa, những lời ca, tiếng hát gần gũi thấm đẫm hồn dân tộc đã hòa quyện, thăng hoa và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả về vẻ đẹp thống nhất trong sự đa dạng của văn hoá nghệ thuật Việt Nam.

Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 cho thấy hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng giữa truyền thống và hiện đại cùng một đội ngũ hùng hậu nghệ sĩ tài năng, với không ít gương mặt trẻ triển vọng. Bên cạnh đó là tinh thần lạc quan, đam mê cống hiến nghệ thuật với ý nghĩa lan tỏa những nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương đến với đông đảo công chúng. Mỗi chương trình biểu diễn mang một màu sắc, dấu ấn riêng nhằm giới thiệu những nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, nét đẹp trong lao động sản xuất, sự hình thành và phát triển của mỗi vùng quê. Chính “điểm nhấn bản sắc” đó đã tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn của từng chương trình.

Hà Nam mở màn Hội diễn với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Âm vang sông Hồng - Hà Nam hội tụ” có giai điệu dân ca Hà Nam, dân ca vùng ngã ba sông Móng, có nhịp phách rộn ràng không khí lễ hội, có hình ảnh lụa Nha Xá, bánh đa làng Chều - đặc sản quê hương. An Giang chọn chủ đề “Về nơi cuối nguồn Mê Kông” với điệu hò đặc trưng miền Tây Nam Bộ, với điệu múa gáo dừa lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển. Thái Nguyên chọn chủ đề “Về nơi căn cứ địa Việt Bắc” đã tái hiện đầy hào hùng một dòng chảy lịch sử từ khi nơi đây là ATK trong kháng chiến đến một thành phố năng động, phát triển hôm nay. “Thăng Long Hà Nội - Khát vọng vươn cao” là chủ đề Đoàn nghệ thuật thành phố Hà Nội lựa chọn đã thắp lên thông điệp: dù trải bao thăng trầm lịch sử, Hà Nội vẫn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, tỏa chiếu mọi miền đất nước. Các liền anh, liền chị quê hương Bắc Ninh với nón quai thao, áo tứ thân mớ ba mớ bẩy đã thể hiện chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu Kinh Bắc”. Đoàn nghệ thuật Hải Phòng tham gia hội diễn với chương trình mang chủ đề “Hải Phòng - Thênh thang đường mới” rất ấn tượng với hình ảnh thành phố hoa phượng đỏ giàu đẹp, văn minh đang đổi mới từng ngày. “Thanh âm từ cột mốc ba biên” là chủ đề của đoàn Kon Tum, đã gợi nên hình ảnh mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, với những bộ trang phục thổ cẩm, vò rượu cần, âm thanh trầm bổng, vang vọng của tiếng cồng chiêng...

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL và lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam tặng hoa và cờ cho đại diện các đoàn tham gia hội diễn

Ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban Giám khảo, cho biết:  Năm 2008, cũng tại Hà Nam, Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” được tổ chức lần đầu tiên. Vì nhiều lý do nên phải sau 14 năm hội diễn mới được tổ chức lại. Với mục đích để khán giả được tiếp cận, thưởng thức phong phú, đa dạng các loại hình nghệ thuật, Ban Tổ chức đã mời các tỉnh ngoài khu vực tham gia. Ưu điểm nổi bật của hội diễn năm nay là sự đầu tư dàn dựng, chất lượng nghệ thuật trong từng tiết mục; sự kết hợp kỹ thuật, kỹ xảo độc đáo, hài hòa, sự đa đạng, phong phú giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc văn hóa vùng đặc trưng với văn hóa các vùng miền của cả nước. Đây là cầu nối giúp nghệ sĩ các tỉnh, thành giao lưu, học hỏi tinh hoa nghệ thuật của từng địa phương; giúp cơ quan quản lý nhìn nhận, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc.

Theo ông Mai Thành Chung - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam, “Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa lớn để thêm một lần nữa khẳng định rằng: Văn minh sông Hồng là nền văn minh bản địa, có sức sống mạnh mẽ, phát triển từ kỷ nguyên Đông Sơn - Đại Việt và được lưu giữ, phát huy qua các thời kỳ lịch sử. Văn minh sông Hồng đã, đang và sẽ tiếp tục hội tụ, tỏa sáng góp phần quan trọng, tôn vinh bản lĩnh dân tộc, văn hóa Việt Nam. Hội diễn không chỉ để đánh giá chất lượng nghệ thuật vùng đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành trong cả nước mà còn là dịp để ngành Văn hóa nhìn nhận thực trạng phát triển để có những quyết sách “tiếp lửa” cho nghệ thuật; giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như các địa phương. Hà Nam mong muốn sẽ trở thành điểm đến, hội tụ các giá trị văn hóa, bồi đắp dày thêm, dài thêm, có ý nghĩa thêm cho con đường di sản mà Hà Nam đang cùng với các tỉnh, thành trong khu vực tạo dựng nên”.

Trong những ngày tham gia Hội diễn, các đoàn còn được tham quan nhiều di tích, danh lam thắng cảnh của Hà Nam như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi, đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao, chùa Bà Đanh, đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc…vv. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sự thân thiện, chu đáo, lòng nhiệt thành, mến khách của người dân Hà Nam đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng các nghệ sĩ.

Kết quả, giải chương trình, Ban tổ chức trao 8 Huy chương Vàng cho các đoàn: An Giang, Kon Tum, Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nam; 4 Huy chương Bạc cho các đoàn: Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hải Phòng. 20 tiết mục xuất sắc nhất Hội diễn được trao Huy chương Vàng, 24 tiết mục nhận Huy chương Bạc.

Hội diễn đã khép lại nhưng hành trình để tới những miền quê còn được nối dài, thông qua những lời ca, câu hát, điệu múa, sự kết nối giữa các miền di sản sẽ ngày càng bền chặt và thân thiết hơn.

 

HOÀNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;