Ở Việt Nam, văn học mạng, nghệ thuật trên mạng mới phát triển mạnh mẽ được khoảng hơn chục năm. Trên không gian mạng, người dùng internet có thể dễ dàng tạo ra các file âm thanh, hình ảnh hay văn bản, đăng tải chúng lên không gian công cộng và chia sẻ với những người khác. Cùng lúc đó, họ cũng dễ dàng tiếp cận các dữ liệu hình ảnh, âm thanh và văn bản của người khác, tải chúng về các thiết bị điện tử của mình dù không có sự cho phép của người chủ sỡ hữu thực sự. Vì đặc tính này của không gian mạng, vấn đề vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm nghệ thuật và sự bất cập trong hình thức, nội dung luôn là một vấn đề nan giải.
1. Vi phạm bản quyền của các tác phẩm văn học mạng và nghệ thuật trên mạng
Trên thực tế, trong số vô vàn website về các lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam, chỉ có rất ít website cung cấp sản phẩm có bản quyền, tức là có sự đồng thuận của những người sở hữu các sản phẩm này. Số đông còn lại là những website do cá nhân, nhóm cá nhân thành lập tự phát, khai thác, phân phối và truyền đạt hàng triệu tác phẩm nghệ thuật của các tác giả Việt Nam và quốc tế mà không hề được sự cho phép của những người hay những tổ chức sở hữu các tác phẩm này. Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), đơn vị được phép cấp giấy phép sử dụng các bản ghi âm trên môi trường internet, đến năm 2012, Việt Nam có khoảng 150 website liên quan đến việc chia sẻ âm nhạc trên intemet và hầu hết chưa có giấy phép (1), khoảng 200.000 bài hát được lưu hành trên các trang web nhạc số chưa xin phép bản quyền tác giả và quyền liên quan.
Điện ảnh và truyền hình cũng là lĩnh vực mà việc vi phạm bản quyền phổ biến. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, tính đến năm 2014, hơn 400 website tiếng Việt công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim Việt Nam và quốc tế trên internet mà không có bản quyền (2). “Ngoài việc đăng tải trái phép các bộ phim vừa được phát sóng của các đài truyền hình trong và ngoài nước, các website này thậm chí còn lưu hành cả những clip quay lén các bộ phim mới khi chúng đang được công chiếu tại các rạp chiếu phim (3). Hơn thế, việc vi phạm bản quyền này lại có sự tiếp tay từ các “ông lớn” cung cấp các dịch vụ internet. Tính tới tháng 6-2017, trong số 50 website vi phạm bản quyền truyền hình được Cục PTTH&TTĐT phát hiện, có 28 website lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài và 22 website sử dụng dịch vụ lưu dữ liệu của các doanh nghiệp viễn thông trong nước (4).
Lĩnh vực văn học cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ cần tìm kiếm trong vài phút, chúng ta có thể thấy hàng chục trang web công khai bày bán và phát tán hàng loạt sách mới, best seller do các nhà xuất bản trong nước nắm giữ bản quyền. Ngoài việc sao chép và phát tán các tác phẩm nghệ thuật trái phép, việc vi phạm bản quyền còn diễn ra dưới hình thức khác, đó là hình thành các sản phẩm phái sinh dựa trên các tác phẩm gốc. Điển hình là việc các website văn học tự ý dịch các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn thế giới sang tiếng Việt, sau đó tung lên mạng. Bên cạnh đó, với những tiện ích sẵn có, rất nhiều người dễ dàng tải về phần phối âm các ca khúc nổi tiếng, sau đó đặt lời mới. Các trích đoạn phim cũng trở thành nguồn tư liệu phong phú cho người dùng internet tự do sáng tạo nên những sản phẩm mới của riêng mình, phần lớn trong số đó không được sự cho phép người sở hữu các sản phẩm gốc. Đây chính là mặt hạn chế của văn hóa tham dự và quá trình đồng sáng tạo, một kiểu văn hóa gắn liền với không gian mạng.
Việc vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng internet gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, nó làm thất thoát nguồn thu nhập chính đáng của những nghệ sĩ và những tổ chức nắm quyền sở hữu, khai thác các sản phẩm nghệ thuật. Các công ty điện ảnh và các đài truyền hình đầu tư lớn vào việc sản xuất, mua bản quyền các bộ phim nhưng không thể thu được lợi ích kinh tế vì chúng nhanh chóng được chiếu tràn lan, miễn phí trên các trang web lậu. Doanh thu quảng cáo của đài truyền hình những năm trở lại đây đang sụt giảm rất mạnh bởi lẽ các đài này không còn là kênh duy nhất để thu hút những người mê phim ảnh. Trong lĩnh vực âm nhạc cũng vậy, sản lượng băng đĩa của hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm, từ 2007 đến 2012. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ (5). Những tác phẩm nghệ thuật với chất lượng thấp được lưu hành tràn lan trên mạng làm ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt hình ảnh và thương hiệu của các nhà sản xuất chính thức. Ngoài ra, các hành vi xâm phạm bản quyền còn là rào cản làm hạn chế sức sáng tạo trong xã hội.
Việc khắc phục những hạn chế kể trên của môi trường mạng, do vậy, trở thành một vấn đề cấp bách đối với các nhà quản lý. Ngay từ năm 2004, khi internet mới manh nha ở Việt Nam, nước ta đã gia nhập vào Công ước Berne về bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy vậy, phải đến năm 2012, vấn đề bản quyền đối với các tác phẩm nghệ thuật trên mạng mới được đặt ra, đầu tiên là từ lĩnh vực âm nhạc (6). Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng về vấn đề bản quyền đối với âm nhạc trực tuyến chính là việc các website âm nhạc lớn nhất Việt Nam như Nhaccuatui, NhacSo, Zing, socbay đã ký kết thỏa thuận với RIAV và MVCorp, đơn vị được chọn là đối tác của RIAV, để cung cấp các tác phẩm âm nhạc có bản quyền cho cộng đồng internet Việt Nam. Sự kiện này được mở đường bởi Thông tư liên tịch số 07 của Bộ TTTT và Bộ VHTTDL có hiệu lực từ 6-8-2012. Theo đó, từ ngày 1-11-2012, người dùng internet có thể nghe nhạc có bản quyền miễn phí tại các website trên nhưng nếu họ muốn tải nhạc về thiết bị điện tử thì phải trả một khoản phí mua quyền download. Động thái này của các website âm nhạc chính thức có thể được coi là một nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho người dùng internet có thể được tiếp cận nhanh chóng và tiện lợi với những sản phẩm âm nhạc có chất lượng tốt, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi kinh tế và nguồn lực tài chính để tái đầu tư vào quá trình sáng tạo cho các nghệ sĩ, các công ty sản xuất âm nhạc.
Không chỉ trong âm nhạc mà ở các lĩnh vực khác, sự thờ ơ của người dùng mạng với vấn đề bản quyền đã tiếp tay cho sự lộng hành của các website trái phép. Thêm vào đó, hầu hết các trang web này đều đăng ký tên miền quốc tế, chủ thể ẩn danh, hoặc khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra của cơ quan pháp luật. Việc dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cũng chỉ mang tính tương đối. Gần đây, các nhà quản lý văn hóa đã tiến hành một biện pháp cứng rắn hơn, đó là việc trực tiếp tấn công vào nguồn thu của website hoạt động trái phép. Trên thực tế, hầu hết các website này lưu hành các sản phẩm văn hóa miễn phí nhằm thu hút sự chú ý của khán giả và qua đó họ có thể trở thành một công cụ quảng cáo, thu lợi từ các nhãn hàng hay những người có nhu cầu quảng bá các sản phẩm trên mạng internet (7).
Cục Bản quyền tác giả đã xây dựng khá nhiều chương trình, đề án về quản lý, hướng dẫn thực thi… nhằm giảm tỷ lệ vi phạm và nâng cao nhận thức người sử dụng. Năm 2017, Cục đã tiếp nhận, thụ lý 27 vụ việc khiếu nại, tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó, đã giải quyết dứt điểm 26 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Từ ngày 1-1-2017 đến ngày 18-12-2017, Cục đã thụ lý, cấp 6294 giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức xuất bản, phát hành niêm giám đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan… (8).
2. Bất cập trong quản lý nội dung và chất lượng
Đi cùng với những khó khăn trong việc kiểm soát việc vi phạm bản quyền của các tác phẩm nghệ thuật trên mạng, tính chất cởi mở và sự đa dạng của không gian nghệ thuật này còn dẫn đến một thách thức không nhỏ trong việc quản lý nội dung, chất lượng của các tác phẩm được đưa lên mạng. Trên thực tế, tính chuyên nghiệp của những người làm nghệ thuật đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong môi trường mạng khi bất cứ người dùng internet nào cũng có thể tự mình ghi âm các ca khúc, tự quay phim hay tải lên mạng những trang viết của mình. Và chỉ cần những tác phẩm đó hợp thị hiếu của số đông người dùng mạng, đi kèm với công nghệ lăng xê, người làm ra chúng sẽ nhanh chóng trở nên nổi tiếng, có thể được gọi là nghệ sĩ. Điển hình như trường hợp: Lệ Rơi, Dưa Leo, Sơn Tùng MTP. Kế đến phải kể đến hiện tượng piano Bội Ngọc, nổi tiếng trên mạng với những clip cover những ca khúc được yêu thích, đặc biệt gây sự chú ý với khả năng chơi piano tốt cùng những clip chia sẻ về cách tự học đàn (9). Về mặt chuyên môn, việc dễ dàng tự xuất bản, tung các clip lên mạng, không kiểm định chất lượng, nội dung đặt ra những vấn đề về quản lý các ấn phẩm văn hóa tự xuất bản hiện nay. Trong tất cả các lĩnh vực, không thiếu những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật trung bình, thậm chí là xoàng xĩnh, nhưng lại thu hút được một số lượng lớn người nghe, xem, đọc. Điển hình trường hợp bài hát Như lời đồn của nhạc sĩ Khắc Hưng, do ca sĩ Bảo Anh trình bày mới phát hành ngày 10-10-2018, bị đánh giá thấp về chất lượng và nội dung (10), nhưng tính đến 12-11-2018, có đến hơn 14 triệu lượt xem và hơn 141 nghìn lượt thích. Nếu trước đây, tác phẩm được khẳng định bằng đánh giá, bình luận của hội đồng nghệ thuật hay cách công chúng đón nhận ca khúc, thì ngày nay, sức hút của các tác phẩm này lại được đo đếm bằng lượt view (nghe), like (thích). Lượt view, like càng nhiều, sức nóng của sản phẩm càng được khẳng định, độ nổi tiếng cũng như doanh thu của nghệ sĩ càng cao. Thực tế, nhiều nghệ sĩ hiện nay để gây sự chú ý nhanh chóng đã không ngại cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc kiểu mì ăn liền, chỉ cần nổi trong thời gian ngắn rồi rơi vào quên lãng. Không gian mạng mang đến nhiều cơ hội để những người làm nghệ thuật được tiếp cận, học hỏi những sản phẩm chất lượng cao, xu hướng nghệ thuật mới, song cũng xuất hiện cả những hiện tượng đạo, nhái trắng trợn đến tinh vi, hình thành thói quen sáng tác dễ dãi, lười biếng.
Tốc độ vốn là đặc tính của công nghệ số cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm trên mạng. Do đời sống trên mạng phụ thuộc vào khả năng tương tác và tạo dựng giá trị có tính thời điểm, ngắn hạn, các bên tham gia hệ thống này buộc phải có ý thức: nhanh, gọn, tập trung, tạo hiệu quả ngay, chiếm lĩnh và khẳng định trong thời gian ngắn. Theo phân tích của Jakob Nielsen, một trang mạng chỉ có khoảng 10-20 giây để thu hút sự quan tâm của độc giả. Như vậy, tốc độ có thể là thế mạnh, nhưng đồng thời chính là căn nguyên của tình trạng nông nổi, hời hợt, chạy theo thị hiếu dễ dãi, đáp ứng yêu cầu tức thời của công chúng.
Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang cố gắng quản lý khâu đăng tải những sản phẩm mang tính gợi dục, đồi trụy. Các cơ quan an ninh, văn hóa, bưu chính viễn thông đã có nhiều biện pháp như dùng tường lửa (fire wall) để ngăn chặn nhưng vẫn chưa kiểm soát hết được. Vì thế, những thể loại phim cấp 3 và 18+ vẫn được chiếu công khai và không có một giới hạn hay rào cản nào về mặt lứa tuổi, ai cũng có thể truy cập được. Thêm vào đó, thay vì phải trải qua quá trình cấp phép và kiểm duyệt với nhiều thủ tục phức tạp, việc phát hành các tác phẩm nghệ thuật trên mạng diễn ra rất dễ dàng. Tận dụng kẽ hở này, nhiều những người thực hành nghệ thuật đã đưa vào các tác phẩm của mình những nội dung nhạy cảm và gây sốc nhằm thu hút sự chú ý, tăng lượt xem và theo dõi từ các khán giả. Điển hình như video âm nhạc của ca sĩ Hương Giang Idol Em không hối tiếc được gắn mác 18 + với hơn 90% thời lượng là cảnh nóng; hay bộ phim sitcom Căn hộ số 69, do nhà làm phim Nguyễn Thành Nam thực hiện, chứa đầy những cảnh tục tĩu, thô thiển. Mặc dù đã bị xử phạt và buộc phải chỉnh sửa (đối với MV của Hương Giang) và bị cấm chiếu (đối với bộ phim của Nguyễn Thành Nam), nhưng chúng chỉ là 2 trong số rất ít các sản phẩm giải trí trên mạng chứa đựng các nội dung nhạy cảm mà chưa hề bị cơ quan chức năng kiểm tra hay có biện pháp xử lý. Hơn thế, hiện nay, hiện tượng clip hài, phim hài, hài Tết đang nở rộ với các môtíp như: đại gia hám gái, thanh niên chạy theo của lạ, gái xinh ăn mặc thiếu vải… Thậm chí, hài Tết còn mạnh bạo tới mức đưa cả cảnh hãm hiếp vào phim Tỷ phú đè đại gia gây náo loạn thời gian qua. Ngoài ra, trong các phim Đại gia chân đất, Làng ế vợ… năm nào cũng tuyển các hotgirl tham gia phim nhằm khai thác triệt để vẻ sexy hình thể nhằm câu khách. Các cảnh này thường được xây dựng khiên cưỡng, thừa thãi, không cần thiết đối với kịch bản. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ, sản phẩm vi phạm nhưng vẫn hồn nhiên tung ra thị trường, chỉ khi các cơ quan chức năng tuýt còi thì mới gỡ bỏ và vui vẻ nộp phạt.
Một vấn đề khác liên quan đến chất lượng nghệ thuật của các sản phẩm nghệ thuật trên mạng chính là xu hướng thương mại hóa. Trên thực tế, nhiều MV và bộ phim online chứa đựng rất nhiều những nội dung quảng cáo cho các nhãn hàng bên trong nội dung của chính sản phẩm nghệ thuật này. Các MV của Sơn Tùng MTP hay Soobin Hoàng Sơn khiến cho người xem nghĩ rằng họ đang xem những đoạn quảng cáo của các hãng giày hay hãng điện thoại được ghép vào nhau thay vì một sản phẩm âm nhạc đích thực. Thêm vào đó, các nội dung phản cảm và phản văn hóa còn đến từ những quảng cáo gắn liền với các sản phẩm nghệ thuật trên mạng. Do hầu hết các website tự phát, như chúng ta đã thấy ở phần trên, sống dựa vào nguồn thu từ quảng cáo vì thế họ chấp nhận đăng tải tất cả các nội dung miễn sao thu được lợi nhuận. Tại các website này, để có thể xem những bộ phim hoặc nghe những bản nhạc miễn phí, người dùng internet phải xem qua ít nhất 3-4 đoạn quảng cáo trước và trong quá trình xem phim hay nghe nhạc của mình. Đáng buồn là ở chỗ, hầu hết các quảng cáo đó có nội dung phản văn hóa. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương (CASBAA), 39% quảng cáo trên các trang web lậu ở Việt Nam là bất hợp pháp gồm các quảng cáo tình dục, dịch vụ đánh bạc, phần mềm độc hại và lừa đảo (11).
Nhìn chung, tương tự như việc khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền, việc quản lý nội dung và chất lượng các tác phẩm nghệ thuật trên không gian mạng luôn là một vấn đề nan giải mà chính các nhà quản lý còn lúng túng. Trong khi các cơ quan quản lý về nghệ thuật biểu diễn được giao thẩm quyền quản lý về mặt nội dung các sản phẩm ca múa nhạc được đưa tới công chúng dưới dạng các bản ghi âm, ghi hình, việc quản lý các sản phẩm lưu hành, phổ biến trên phương tiện kỹ thuật số, mạng internet chưa được phân định rõ ràng. Ngoài các cơ quan quản lý nghệ thuật, trách nhiệm quản lý các phương tiện truyền tải nội dung sản phẩm thuộc về các cơ quan thông tin và truyền thông. Do đó, sự yếu kém trong việc phối hợp cũng như những quy định rõ ràng giữa các cơ quan này là một nguyên nhân khiến cho việc quản lý chất lượng nghệ thuật trên môi trường mạng không đạt được hiệu quả mong muốn.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn này, theo các nhà quản lý, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận đúng đắn với môi trường internet. Việc quản lý hoạt động sáng tác, lưu hành, phổ biến tác phẩm nghệ thuật không nên dựa vào những quy định mang tính cấm đoán hay hệ thống kiểm duyệt gắt gao vì điều này sẽ gây khó dễ cho người nghệ sĩ và kìm hãm sự sáng tạo của họ. Thay vào đó, để có những sản phẩm có chất lượng cao, các nhà quản lý cần phải tạo động lực để các nghệ sĩ và các nhà sản xuất thực hiện những sản phẩm chất lượng, có giá trị và có định hướng tới công chúng. Chúng ta có thể sử dụng internet và mạng xã hội như là những kênh thẩm định chất lượng tác phẩm một cách hữu hiệu (12). Nên tìm hiểu, nghiên cứu các ấn phẩm thành công của các ca sĩ, nghệ sĩ… tiêu biểu như: những ca khúc đạt hàng triệu lượt xem. Ví như: Sơn Tùng MTP là một ca sĩ điển hình trong việc tạo ra những video âm nhạc thu hút một số lượng lớn người xem. Bốn tác phẩm của anh như: Nơi này có anh, Em của ngày hôm qua, Lạc trôi, Chúng ta không thuộc về nhau đều đạt trên 100 triệu lượt xem sau 2-3 tháng ra mắt. Gần đây nhất, vào ngày 11-5-2018, Sơn Tùng MTP phát hành MV mới có tên gọi Chạy ngay đi và nhanh chóng thu về 22 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt. Sau 3 tuần, MV đã thu hút 74 triệu lượt xem. Ra mắt đầu năm 2018, ca khúc Người lạ ơi lập tức trở thành hiện tượng khi đạt lượt người xem kỷ lục trên với gần 100 triệu lượt người xem sau một tháng… Theo chúng tôi, các nhà quản lý, các nhà sản xuất thay vì chỉ trích nên tìm hiểu để học cách làm truyền thông, sản xuất của họ. Muốn nâng cao chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật, điều quan trọng nhất nằm ở tư duy và ý thức của người làm nghề.
3. Những vướng mắc trong quản lý
Việc quản lý các loại hình nghệ thuật trên mạng không hề dễ dàng. Hơn thế, thời gian gần đây xuất hiện một số bài hát được đặt theo kiểu thiếu thẩm mỹ, gây sốc, phản cảm: Như lời đồn, Như cái lò, Xếp hình, Thẩm du, Nắng cực… Theo Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), ông Nguyễn Quang Vinh: “Hiện tượng tự sáng tác và phổ biến trên mạng xã hội hiện nay là hiện tượng không có gì lạ, cơ quan quản lý không thể áp đặt tự duy phải đặt tên như thế này hoặc như thế kia được. Nhưng không phải vì thế mà những người sáng tác có quyền tự do đặt tên bài hát thiếu thẩm mỹ, phản cảm, gây sốc… bắt mọi người nghe những thứ không phù hợp” (13). Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng (Thanh tra Bộ TTTT) Ngô Huy Toàn cho rằng: “Đây là một trong vô vàn loại hình văn hóa độc hại phát tán trên mạng. Và bài toán quan trọng để xử lý triệt để vấn đề này vẫn là vấn đề con người. Bản thân mỗi người nghệ sĩ phải có trách nhiệm và phải thấy xấu hổ trước những việc làm không tốt của mình” (14). Ông Nguyễn Quang Vinh cũng khẳng định: “Thực tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn trong quyền hạn của mình chỉ được cấp phép ca khúc khi được đề xuất, cấp phép chương trình biểu diễn, album hoặc ca khúc nhưng các MV được tự do đăng tải trên mạng xã hội lại không do Cục kiểm soát. Cơ quan quản lý cũng có sự phân cấp rõ ràng và được pháp luật quy định và lĩnh vực vi phạm thuộc phạm vi cấp phép của Cục, Cục sẽ xử lý. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các thể loại âm nhạc này muốn tung hoành thế nào cũng được” (15).
Như vậy, chỉ qua một loại hình nghe nhạc trực tuyến, chúng ta cũng có thể thấy, không chỉ rất khó kiểm soát được số lượng người truy cập mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trên mạng, mà ngay cả việc kiểm duyệt tên bài hát hay chất lượng các MV trên mạng cũng là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan quản lý hiện nay.
Thay lời kết
Sự ra đời và lan truyền của những tác phẩm nghệ thuật nhờ vào khả năng kỹ thuật của máy tính, công nghệ số và đa phương tiện cũng như những tương tác xã hội gắn liền với các tác phẩm đó sẽ tạo nên những đặc tính mới đầy hứa hẹn cho các xu hướng văn học, nghệ thuật sau này.
Tuy vậy, đi cùng với những tiềm năng to lớn và những ưu điểm nổi bật mà internet mang lại cho các hoạt động nghệ thuật là những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo sự lành mạnh của môi trường nghệ thuật mới này. Các vấn đề như vi phạm bản quyền và sự lan tràn của các tác phẩm nghệ thuật dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về cá tính nghệ thuật trên không gian mạng… là những vấn đề nan giải, đã và đang đặt ra đối với những nhà nghiên cứu, thực hành và quản lý văn hóa nghệ thuật hiện nay. Việc chậm chễ trong quá trình xử lý các vấn đề này có thể sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến sự phát triển thẩm mỹ của công chúng trẻ tuổi.
Giải quyết những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược và cách tiếp cận khoa học, tổng thể. Vì thế, giáo dục bản lĩnh, cách hành xử văn minh, ý thức thẩm mỹ cho công chúng và những người hoạt động sáng tạo là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật lành mạnh, bền vững và đẩy lùi những tiêu cực hiện nay.
________________
1, 6. Thoại Hà, Thu phí tải nhạc trực tuyến ở Việt Nam từ 1-11, Báo điện tử VNExpress, ngày 12-5-2012, truy cập ngày 1-5-2018.
2. Minh Quyên, Xử phạt vi phạm bản quyền trên internet như “bắt cóc bỏ đĩa”, ICT News, ngày 3-7-2014.
3, 4. kinhtedothi.vn.
5. Phùng Tiến Công, Đường dài thu phí nhạc số, Tuổi trẻ, ngày 17- 8-2012, truy cập ngày 2-4-2018.
7. Chí Thịnh, Công khai 83 trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền truyền hình, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 15-9-2017.
8. Báo cáo Tổng kết năm 2017 của Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL.
9. news.zing.vn.
10. baomoi.com.
11. Văn Tuấn, Giải trí trực tuyến tại Việt Nam: cơm ngon nhiều sạn, Sài Gòn Giải Phóng Online, ngày 18-12-2016.
12. Trang Anh, Bất cập trong quản lý lưu hành và phổ biến tác phẩm ca múa nhạc, Báo Nhân dân, ngày 26 -11- 2017.
13, 14, 15. Thanh Ngọc, Xử lý nạn đặt tên bài hát gây sốc, phản cảm mấu chốt là vấn đề con người, Báo Văn hóa, ngày 31-10-2018.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang - Nguyễn Thị Thanh Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019