Nhớ ngày còn thơ bé, những khi rảnh rỗi là mẹ tôi lại trổ tài làm món thịt vịt gói lá mướp hương cho cả nhà dùng. Món ăn cứ làm tôi nhớ mãi vì nó lạ miệng và độc đáo ở cách gói ghém. Đặc biệt, thịt vịt gói lá mướp hương “dụ khị” được trẻ con kén ăn rau như anh em tôi.
Nhà tôi tuy không khá giả nhưng được cái thứ gì cũng nuôi, cũng trồng nên việc chế biến thức ăn không có gì là khó khăn, tốn kém. Để làm món vịt gói lá mướp hương thì từ đêm hôm trước, mẹ tôi đã chọn chú vịt tơ ngon nhất nhốt riêng trong chiếc lồng tre. Sáng sớm, mẹ tôi thức dậy một mình làm vịt. Mẹ đặt chú vịt đã sơ chế xong lên thớt, dùng dao lóc từng miếng thịt dưới lườn và đùi để vào một cái tô. Dù vịt tơ xương mềm nhưng phần đầu và cánh không dùng đến vì cứng, băm hơi lâu vì phải băm vịt sao cho mềm xương, nhuyễn thịt. Trước khi băm, mẹ tôi không quên dần xương cho dễ làm. Lúc này, chúng tôi còn ngái ngủ nhưng vẫn nghe được âm thanh lóc cóc, lọc cọc từ con dao băm của mẹ. Nghe là biết mẹ băm vịt gói lá mướp. Sắp có ăn món ngon nên chúng tôi vội vàng tuột xuống giường. Mẹ nhờ tôi ra sau hè, nơi có giàn mướp đương hoa, hái một ít lá non nguyên vẹn mang vào rửa sạch.
Sau công đoạn sơ chế, mẹ tôi ngâm bún khô và nấm mèo (mộc nhĩ) vào nước ấm cho mềm. Bún được cắt khúc nhỏ khoảng hai lóng tay. Nấm mèo thì xắt sợi. Hành tím, hành lá, tiêu, gừng băm nhuyễn, cùng một ít tỏi phi vàng và gia vị. Tất cả cho vào thau vịt đã băm. Mẹ tôi dùng hai tay nhồi quện đều lại cho vào giữa lá mướp non và gói thịt vịt theo hình vuông. Xong cho vào nồi chõ xôi hấp áng chừng 20 phút là món ăn đã hoàn tất. Không nên để lâu quá, vì như thế lá sẽ mềm rục, khi ăn sẽ kém ngon.
Lá mướp sau khi hấp có màu xanh tươi rất đẹp mắt. Vị hăng nồng của lá mướp hòa huyện cùng vị tiêu, gừng và thịt vịt tơ, tạo nên một mùi hương lôi cuốn đến khó tả. Sự kết hợp kỳ lạ này khiến món ăn ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Bởi lá mướp non có nhiều công dụng chữa bệnh. Món này ăn kèm rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, cùng với cơm hoặc bún tươi.