Tây Ninh là mảnh đất nằm ở vùng Đông Nam Bộ nước ta, nổi bật với nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc. Bên cạnh những di sản văn hóa phong phú, Tây Ninh còn được biết đến với sự đa dạng về văn hóa ẩm thực, trong đó ẩm thực chay là một điểm nhấn, tạo được sức hút với cả du khách trong và ngoài nước. Với sự đa dạng và tinh tế trong cách chế biến, ẩm thực chay nơi đây không chỉ là sự kết hợp hoàn hảo giữa hương vị truyền thống và sự sáng tạo hiện đại, mà còn mang đến một trải nghiệm ẩm thực tinh tế, thanh tịnh.
Tại Tây Ninh, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân. Trong đó, đạo Phật và đạo Cao Đài là hai tôn giáo lớn, có lượng tín đồ đông đảo. Tín đồ đạo Cao Đài ăn chay 6 ngày (ngày 1, 8, 14, 15, 23, 30, nếu tháng thiếu ăn chay ngày 29 âm lịch), 10 ngày (ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30, nếu tháng thiếu ăn chay ngày 27 âm lịch) hoặc ăn chay trường. Các món ăn chay không chỉ được chế biến để thưởng thức, mà còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, thể hiện lòng kính ngưỡng đối với tôn giáo, sự từ bi với muôn loài. Điều này giúp ẩm thực chay Tây Ninh mang trong mình một giá trị văn hóa vượt ra khỏi vai trò của bữa ăn thường nhật.
Theo thời gian, các món chay không chỉ dành cho các tín đồ theo đạo mà hòa vào dòng chảy của ẩm thực dân gian, mang đậm dấu ấn của vùng đất này, phản ánh phong cách sống thanh tịnh và tinh thần khoan dung của người dân nơi đây. Chính từ nhu cầu ăn chay thường xuyên của người dân, ẩm thực chay tại Tây Ninh dần phát triển, từ những món ăn đơn giản đến các món ăn được chế biến cầu kỳ, tinh tế. Sự sáng tạo không chỉ nằm ở việc kết hợp nguyên liệu, mà còn ở cách trình bày, sử dụng gia vị, tạo nên những hương vị đặc trưng, khó tìm thấy ở nơi khác. Nguyên liệu trong chế biến món ăn chay phải đảm bảo độ tươi ngon, sạch, an toàn, được chọn lọc kỹ lưỡng từ những nhà vườn địa phương hoặc các nguồn cung ứng uy tín. Đặc biệt, người dân Tây Ninh rất chú trọng đến việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như nấm rơm, nấm hương, măng tươi, củ cải trắng… để tạo ra vị ngọt tự nhiên cho các món ăn chay mà không lạm dụng gia vị nhân tạo.
Ví dụ, đối với món bánh canh chay, sợi bánh canh được nhào nặn từ bột gạo nguyên chất, sau đó luộc chín vừa phải để giữ được độ dai mềm. Nước dùng của bánh canh chay được ninh từ củ cải trắng, cà rốt, su su trong nhiều giờ để đạt được vị ngọt thanh tự nhiên, không cần dùng bột ngọt hay đường. Bún mắm chay là một món ăn tiêu biểu khác, mắm chay được làm từ đậu nành, lên men tự nhiên để có hương vị đậm đà giống như mắm cá truyền thống nhưng không gây cảm giác quá nặng mùi. Khi nấu nước dùng, đầu bếp phải biết cách kết hợp các loại gia vị, rau củ như sả, gừng, ớt để tạo nên một nồi nước dùng dậy mùi, hòa quyện với vị ngọt tự nhiên của nấm và rau củ.
Cơm chiên ngọc bích là sự kết hợp hoàn hảo giữa cơm dẻo, các loại rau củ tươi ngon và gia vị đặc trưng, món ăn đem lại vị giòn, thơm và ngọt thanh
Bên cạnh đó, người Tây Ninh cũng có cách đặt tên cho các món ăn chay hết sức độc đáo, mang đến nét sang trọng cho các món ăn tưởng chừng dân dã. Như món ăn tình chàng ý thiếp được chế biến chủ yếu từ lá cải xanh, đậu hũ, hạt tiêu xanh..., nguyên liệu được cuộn lại bằng lá cải xanh rồi hấp chín. Sự hòa quyện của vị đắng từ lá cải xanh, vị cay của hạt tiêu cùng sự thanh mát của đậu hũ mang đến một món ăn vừa thơm ngon, vừa giàu dinh dưỡng. Món ăn này gắn với câu thơ được lưu truyền trong dân gian: “Tình chàng nằm tại cải xanh/ Tiêu cay ý thiếp hòa chung tình chàng”. Có thể kể thêm một số món ăn chay có tên gọi ấn tượng như: cơm chiên ngọc bích, chả cuốn tơ hồng, thảo mộc đoàn viên, thủy mộc hội tụ…
Món ăn chả cuốn tơ hồng tại Nhà hàng Phước Lạc Duyên (thành phố Tây Ninh)
Không dừng lại ở những món ăn truyền thống, ẩm thực chay Tây Ninh đã và đang có sự biến tấu, sáng tạo để phù hợp với khẩu vị của đa số người dân. Điển hình như món gỏi cuốn chay, món gỏi cuốn truyền thống được làm từ bánh tráng Tây Ninh, rau sống, bún tươi và đậu hũ, tuy nhiên, thay vì chấm nước mắm chua ngọt thông thường, gỏi cuốn chay Tây Ninh còn có thể được chấm với nước chấm me, pha thêm chút đậu phộng rang giã nhuyễn, tạo nên hương vị chua, ngọt, mặn, cay hòa quyện. Bên cạnh các loại rau quen thuộc, gỏi cuốn chay còn được người dân nơi đây thêm vào các nguyên liệu đặc biệt như hoa chuối bào, nấm mèo và củ đậu, để tăng độ giòn và làm phong phú thêm hương vị. Một món ăn khác là lẩu chay nấm tràm, sử dụng nấm tràm đặc sản Tây Ninh kết hợp với các loại rau tươi và đậu hũ. Nước lẩu được nấu từ nước dừa tươi, ngọt thanh, ăn kèm với bún hoặc mì sợi. Món lẩu vừa giàu dinh dưỡng, vừa là một trải nghiệm ẩm thực thú vị, đặc biệt vào những ngày se lạnh.
Các món ăn chay Tây Ninh luôn đảm bảo sự cân bằng về dinh dưỡng và hương vị. Hiện nay, người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhưng lại ít calo và chất béo xấu. Rau củ, đậu hũ, nấm là thành phần chủ đạo trong các món ăn chay, cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào, mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa các món ăn chay qua thời gian càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của cả người dân địa phương lẫn du khách thập phương. Không chỉ giữ nguyên sự tươi ngon của nguyên liệu truyền thống, nhiều đầu bếp trẻ đã thử nghiệm và đưa vào thực đơn những món chay mới lạ, kết hợp khéo léo giữa nguyên liệu bản địa với các phong cách ẩm thực khác nhau trên thế giới. Các món ăn như: sushi chay, pizza chay, burger chay, mỳ Ý chay, nui chiên giòn…, đã xuất hiện trong thực đơn tại nhiều nhà hàng, quán ăn, tạo sự hấp dẫn đối với người ăn chay và những ai yêu thích ẩm thực tinh tế, lành mạnh. Dần dần, ẩm thực chay trở thành một xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Sự kết hợp này làm phong phú thêm thực đơn ẩm thực chay, đồng thời mở ra cơ hội quảng bá văn hóa ẩm thực Tây Ninh ra toàn quốc và quốc tế.
Với sự phát triển không ngừng của du lịch và xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến, ẩm thực chay Tây Ninh được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà hàng chay đã mở cửa phục vụ du khách, cùng với các lễ hội ẩm thực chay được tổ chức thường xuyên, góp phần đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa ẩm thực chay. Vào tháng 2/2023, tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần thứ Nhất, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Với quy mô hơn 70 gian hàng, sự kiện là dịp để Tây Ninh giới thiệu các món ăn chay đặc sắc, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các đầu bếp và những người yêu thích ẩm thực chay trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đây là cơ hội để quảng bá văn hóa ẩm thực của Tây Ninh và là nền tảng để thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Du khách đến với Tây Ninh không chỉ đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn coi ẩm thực chay như một điểm nhấn trong hành trình khám phá vùng đất thánh. Việc tổ chức thường niên và mở rộng quy mô lễ hội, kết hợp với các chương trình trải nghiệm chế biến món ăn chay có thể trở thành sản phẩm du lịch tiềm năng của địa phương trong tương lai. Ở đó, du khách có cơ hội tìm hiểu, tự tay chế biến, học hỏi kỹ năng và khám phá sâu hơn văn hóa ẩm thực Tây Ninh.
Ngày 12/01/2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định số 75/QĐ-BVHTTDL, đưa Nghệ thuật chế biến món chay huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, huyện Tân Châu, huyện Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này đã khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của ẩm thực chay , đồng thời là động lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tương lai. Với tiềm năng sẵn có cùng sự đổi mới, sáng tạo của các đầu bếp, ẩm thực chay Tây Ninh hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Hy vọng rằng, khi nhắc tới Tây Ninh, du khách sẽ luôn nhớ đến ẩm thực chay như nhớ tới bánh tráng phơi sương, muối ớt.
PHƯƠNG PHƯƠNG