Lãnh đạo TP Thủ Đức kiểm tra việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân trên địa bàn phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức vào tối ngày 16/7/2021
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp ở các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Đợt dịch lần thứ 4 có mức độ lây lan nhanh, khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch; đời sống, sức khỏe của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, Chỉ thị số 12-CT/TU và các văn bản thực hiện phù hợp tình hình thực tế từng thời điểm với các biện pháp quyết liệt, chưa có tiền lệ nhằm kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn. Tại thành phố (TP) Thủ Đức, đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vẫn còn nhiều ổ dịch tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, dịch bệnh có thể ở bất cứ đâu, xảy ra với bất cứ ai khi chúng ta lơ là, mất cảnh giác vì TP Thủ Đức là một địa bàn khá rộng với diện tích tự nhiên 211,56 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người do có các cụm Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia; chợ đầu mối Thủ Đức, cảng Trường Thọ, cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng Phước Long ICD và rất nhiều khu chung cư, nhà trọ…
Từ khi dịch bệnh bùng phát, TP Thủ Đức đã kích hoạt toàn bộ các lực lượng chống dịch, hàng loạt những chương trình, hành động thiết thực được triển khai đồng bộ nhằm tập trung mọi nguồn lực, tiếp sức kịp thời cho các lực lượng ở tuyến đầu đang ngày đêm phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức đã nhận được sự chung tay đóng góp của nhiều công ty, đơn vị, Mạnh Thường Quân về trang thiết bị y tế; nhu yếu phẩm thiết yếu... Cùng với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng… Thủ Đức còn thành lập các khu cách ly điều trị F0; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Không thể không nhắc đến đội ngũ y, bác sĩ - những “chiến binh áo trắng” của Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt, Trung tâm Y tế, các Trạm y tế phường, kể cả những nhân lực y tế tư nhân, lực lượng y, bác sĩ tình nguyện.... Họ luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhưng tất cả vẫn gác lại cuộc sống riêng tư của mình để ngày đêm căng mình trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, tham gia lấy mẫu tầm soát trên diện rộng để “bóc ngay” F0 ra khỏi cộng đồng; hỗ trợ theo dõi F0, tiêm vaccine cho người dân; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.... “Dù có vất vả nhưng em sẽ cố gắng cùng với đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng tuyến đầu, chỉ mong sao mình sẽ góp phần cùng TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM đẩy lùi đại dịch COVID-19” - đó là lời tâm sự của bác sĩ trẻ Bùi Khánh Linh ở Bệnh viện Lê Văn Việt và cũng là mong muốn của tất cả đội ngũ y, bác sĩ và người dân trên cả nước. Tinh thần làm việc quên mình của đội ngũ y tế đã lan tỏa đi thông điệp về sự quả cảm và ý chí quyết tâm vượt qua đại dịch.
Một lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch nữa là lực lượng vũ trang. Ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự, họ còn tham gia công tác phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp tổ chức các đội tuần tra, thành lập các chốt để kiểm soát chặt ra vào ở từng khu phố, tuyến đường giáp ranh, liên phường, tuyến đường chính và cửa ngõ của TP Thủ Đức, giám sát hoạt động 24/24 để giải tán các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, lực lượng này tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp theo quy định, không có lý do chính đáng cũng như thăm hỏi, động viên và trao tặng quà cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly.
Bên cạnh những lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, các tổ chức đoàn thể, tổ chức tôn giáo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 34 phường trên địa bàn TP Thủ Đức cũng đã có nhiều mô hình, giải pháp cụ thể hóa từ phong trào “Thủ Đức nghĩa tình - vì dân phục vụ” để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Những mô hình này hoạt động hiệu quả trong thời gian qua là nhờ sự góp sức của các tình nguyện viên, hội viên từ các đoàn thể ở các cấp cũng như sự đóng góp rất lớn của các Mạnh Thường Quân ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc hướng về TP Hồ Chí Minh nói chung, TP Thủ Đức nói riêng. Hàng trăm tấn gạo, thùng mì, hàng trăm tấn rau củ quả, bao phần cơm chan chứa nghĩa tình... đã đến tay người dân khó khăn ở khắp các địa bàn dân cư cùng với các mô hình “Gian hàng rau sạch 0 đồng - Đi chợ giúp công nhân”, “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức”, “Bếp ăn nghĩa tình Thủ Đức”, “Gian hàng 0 đồng - Kết nối, san sẻ yêu thương”, “Chuyến xe nghĩa tình”, đội hình “Người vận chuyển”... Ngoài những mô hình đã thực hiện để chăm lo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ ở các khu vực phong tỏa, cách ly thì mô hình “Đi chợ giúp dân” cũng lan tỏa trên địa bàn. Chị Nguyễn Hạnh Thảo, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Thủ Đức chia sẻ: “Ngay từ đầu mùa dịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Thủ Đức đã quan tâm chỉ đạo và phát động các cấp Hội triển khai thực hiện mô hình này, đến nay, mô hình “Đi chợ giúp dân” đã lan tỏa trên địa bàn TP Thủ Đức, được sự ủng hộ, quan tâm của các hội viên và người dân. Các hộ gia đình có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại của thường trực hội cơ sở, để được hỗ trợ mua các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho gia đình. Mô hình rất thiết thực, giúp người dân tại các điểm bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn đảm bảo cuộc sống và chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg”.
Khai mạc “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức” và chương trình “Đi chợ giúp dân mùa dịch COVID-19” tại Trung tâm Thương mại Gigamall Thủ Đức vào ngày 5/6/2021
Đợt dịch thứ 4 có số ca nhiễm tăng nhanh, với nhiều ca không xác định được nguồn lây, cho thấy đợt bùng phát dịch lần này hết sức nguy hiểm. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh. TP Thủ Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều hình thức và nhiều kênh thông tin đa dạng, với hệ thống loa phát thanh 34 phường; băng rôn; bảng điện tử; sáng tác các ca khúc để cổ vũ tinh thần cũng như cảm ơn các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; thực hiện các video, bài viết tuyên truyền trên Bản tin TP thủ Đức, trên các trang mạng xã hội... Bên cạnh đó, xe phát thanh lưu động cũng là một trong những hình thức hoạt động hiệu quả, tuyên truyền thường xuyên trên các tuyến đường, tại các vùng giáp ranh, các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất... nhằm giúp người dân chủ động hơn nữa trong việc phòng, chống, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng; thực hiệm nghiêm các quy định trong thời gian giãn cách xã hội. Đồng thời, thông qua các trang mạng xã hội để tuyên truyền những gương tốt, câu chuyện đẹp trong công tác phòng, chống dịch, tạo động lực cho người dân cùng chung tay phòng dịch.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và chính quyền địa phương, người dân TP. Thủ Đức đã được quan tâm chia sẻ trong lúc khó khăn. Từ đó, luôn đồng tình, ủng hộ, chấp hành tốt các quy định trong thời gian giãn cách xã hội và phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch” để giảm tải áp lực cho lực lượng chức năng. Tin tưởng rằng, với tinh thần đại đoàn kết triệu người như một, trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh, nhất định TP. Thủ Đức sẽ chiến thắng, sẽ cùng TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Xe phát thanh lưu động và đội hình “xe loa tuyên truyền” bằng xe gắn máy tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống dịch và chấp hành nghiêm các quy định trong thời gian giãn cách xã hội
Tác giả: Lệ Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021