Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của nhân dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ xây dựng và lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên lĩnh vực quân sự với những chiến công hiển hách của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông đã trở thành một trong những danh tướng tài năng nhất của thế kỷ XX, một nhà chính trị - quân sự, khả kính.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước. Năm 14 tuổi, ông đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bãi khóa ở Trường Quốc học Huế.

Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1930, ông bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Tiếng nói của chúng ta, Tiến lên, Tập hợp, Thời báo, Tin tức... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Tháng 6/1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Đầu năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng.

Tháng 12/1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần những ngày sau đó. Ðặc biệt, dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng, với chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "chấn động địa cầu", Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được xem như kiến trúc sư tài ba, một tướng lĩnh huyền thoại "những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy lịch sử". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ðại tướng đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc. Trước những quyết định của lịch sử, ngày 7-4-1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện, nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Bức điện ấy như một lời hịch non sông, tiếp sức mạnh cho toàn quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Không chỉ là một vị tướng đánh trận, Võ Nguyên Giáp còn góp phần xứng đáng vào việc hình thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.

Là người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều công lao to lớn, được Ðảng, nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Ðại tướng là một con người mẫu mực, một nhân cách lớn bởi tầm cao trí tuệ và đạo đức, nhân văn… Ông là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung. 102 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, những cống hiến to lớn của Đại tướng mãi in đậm trong lòng nhân dân, ông là vị tướng của nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc. Trong lời điếu tại Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13-10-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc” (1). 

 

_______________

1. Báo Nhân Dân điện tử ngày 13-10-2013.

 

Tác giả: Nguyễn Lê Thanh Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

;