Nhà văn Diêm Liên Khoa sinh năm 1958 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông từng có quá trình phục vụ trong quân đội, tốt nghiệp khoa Văn học Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân, hiện là giáo sư của Viện Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc. Giai đoạn 1979-2019, Diêm Liên Khoa đã công bố hơn 11 tiểu thuyết, 10 tập truyện vừa và truyện ngắn, 5 tập tản văn và tiểu luận. Ông được đánh giá là một trong những nhà văn nổi bật nhất của văn học Trung Quốc đương đại, với gần 30 giải thưởng văn học khác nhau như: giải thưởng Lỗ Tấn lần thứ nhất và lần thứ 2, giải thưởng Lão Xá lần thứ 3, giải thưởng văn học Hoa ngữ quốc tế, giải thưởng văn học Kafka… Tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, cho đến năm 2019, đã có 6 cuốn tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa được dịch sang tiếng Việt (Phong Nhã Tụng, Vì nhân dân phục vụ, Kiên ngạnh như thủy, Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn, Giấc mộng làng Đinh, Tứ thư). Thuộc trong số những nhân vật nổi bật của “tiểu thuyết tân thế kỷ”, Diêm Liên Khoa thể hiện sự nỗ lực tìm tòi, đổi mới về phương diện tự sự, tinh thần dũng cảm dấn thân trên con đường dân chủ hóa nội dung nghệ thuật. Đặc biệt, bút pháp “phi lý hóa tự sự” cho thấy ý thức “đi tìm hiện thực của chủ nghĩa siêu thực” - một cách thực hành quan niệm về “chủ nghĩa thần thực” mà nhà văn chuyên tâm theo đuổi. Trọng tâm của bài viết này vì vậy sẽ phân tích ba vấn đề: như thế nào là thủ pháp “phi lý hóa tự sự”? Biểu hiện của “cái phi lý” trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa? “Phi lý hóa tự sự” có liên hệ gì với tính chân thực và tính hư cấu trong cách viết? - qua đó làm nổi bật lên một phương diện đặc sắc nhất của nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, cũng như sự đóng góp của ông về mặt thi pháp cho văn học Trung Quốc đương đại.
1. Khái niệm phi lý hóa tự sự
“Phi lý” (absurd), về mặt từ nguyên, bắt nguồn từ absurdus. Absurd do ab và surdus ghép thành, surdus với nghĩa “không nghe rõ” (deaf) hoặc “ngốc nghếch” (stupid); từ đó, absurd biểu hiện sự lạc điệu (out of tune) hoặc vô ý nghĩa (senseless)… Về sau, “phi lý” từ nghĩa “bất hài hòa” chuyển sang nghĩa “bất hợp lý” - chỉ một trạng thái thường xuyên nảy sinh từ những xung đột lớn của thế giới, sự đổ vỡ của tinh thần, sự tha hóa của bản thể, cảm giác cô độc, bất an của sinh mệnh… Phi lí, gắn với quá trình nhận thức, là một thực tại nghiệt ngã, nhưng mang tính hiển nhiên và tất yếu của đời sống xã hội.
Trong tiếng Trung, thuật ngữ “phi lý” được dịch thành “hoang đản”. Tương tự như vậy, triết học Phi lý (absurd philosophy) được dịch là triết học hoang đản, Luận về cái phi lý của Albert Camus được dịch thành Luận hoang đản. Liễu Minh Cửu trong công trình Hoang đản (phi lý) trong văn học TK XX định nghĩa “hoang đản” là: “tất cả bình diện của hiện thực được lý giải thành một kiểu trạng thái bất hợp lý, một trạng thái phi logic của ý thức” (1)… Nếu truy về mặt từ nguyên, từ “hoang đản” đã xuất hiện từ sớm trong tiếng Hán. Chẳng hạn, Từ điển Tự nguyên giải thích: “đản” có thể được xuất hiện sớm nhất trong triện văn, nghĩa gốc là “đại ngôn”, tức “nói khoác” (2); về sau, “đản” mới được dùng theo nghĩa “hoang đường”, “kỳ ảo” (absurd, fantastic) - tương cận với các từ “hoang đường”, “kỳ lạ”, “quái đản”; Từ điển Từ Hải viết: “hoang đản” là “bất cận tình lý, hư vong bất khả tin” (không gần với lý trí, vô căn cứ không đáng tin” (3)… Như vậy, ngoài nghĩa “hoang đường”, “kỳ lạ”, “hoang đản” (phi lý) còn là một thủ pháp nghệ thuật trong sáng tác văn học. Trước khi có sự du nhập của chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), cái “hoang đản” đã xuất hiện từ sớm trong văn học Trung Quốc qua những truyện truyền kỳ chí quái, tiểu thuyết thần ma, những ý tượng “thần, tiên, thánh, quỷ” trong thần thoại.
Hiện nay, thuật ngữ “hoang đản hóa tự sự”, tức “phi lý hóa tự sự” (absurd narration) đã trở nên phổ biến trong giới nghiên cứu Trung Quốc khi bàn về cái phi lý (theabsurd) như một thủ pháp đặc trưng của nghệ thuật hiện đại. Các công trình nghiên cứu của Ngô Thục Yến (2007), Thiệu Yến Quân (2008), Đinh Phàm (2016), Tống Phượng Quyên (2012)… đều có chung nhận định: “phi lý hóa tự sự” là một đặc điểm của nghệ thuật tự sự Diêm Liên Khoa. Từ cách hiểu của các học giả Trung Quốc về tính “phi lý” cũng như bản thân nội hàm thuật ngữ absurb. Đặc điểm này thể hiện qua hai phương diện: ảnh hưởng của truyền thống viết về cái phi lý trong văn học Trung Quốc, và sự tiếp thu những thủ pháp nghệ thuật của văn học phi lý phương Tây trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa.
2. Ảnh hưởng của truyền thống viết về cái phi lý trong văn học Trung Quốc
Trên phương diện thứ nhất, có thể tìm thấy những chi tiết phi lý in dấu trong nhiều tác phẩm: Phong Nhã Tụng, Kiên ngạnh như thủy, Giấc mộng làng Đinh, Tứ thư. Ở đoạn hậu ký Phong Nhã Tụng - “tồn tại của không tồn tại”, Diêm Liên Khoa kể lại câu chuyện về đám cưới âm của anh chị họ đã mất, có hàng trăm con bướm đậu rập rờn trên quan tài phủ vải đỏ, rồi bay đi mất hút giữa bầu trời tuyết bay trắng xóa. Sự “chân thực của không chân thực”, sự kiện “kỳ dị” này đã trở thành một cảm ngộ mới mẻ cho nhân sinh quan của Diêm Liên Khoa. Nếu chi tiết đàn bướm đậu trên quan tài là cảnh thực mà như mộng, thì trong Giấc mộng làng Đinh, mộng không phân biệt với thực, mộng chính là thực. Giấc mơ của Đinh Thủy Dương về “sự kiện bán máu năm đó” được đặt xen kẽ với những cảnh tượng thực tế đã xảy ra tại thôn Đinh, nhưng mộng lại hoàn toàn trùng khít với hiện thực tới mức bản thân người mơ cũng không phân biệt được giữa mơ và thực; sự phân biệt chỉ được thể hiện duy nhất qua bề mặt văn bản: phần chữ trong đoạn kể về giấc mơ của Đinh Thủy Dương được in đậm để phân biệt với phần không in đậm - những sự kiện thuộc về hiện thực (chương 2). Bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa hiện thực với hư cấu, nhà văn dẫn người đọc gia nhập vào thế giới phi lý. Tính “phi lý siêu hình”, không phân ranh giới thực - mộng này rõ ràng chịu ảnh hưởng từ điển tích Trang Chu mộng hồ điệp trong Nam Hoa kinh: “Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu” (Nguyễn Hiến Lê dịch). Ở nhiều tiểu thuyết, các sự kiện quan trọng (ảnh hưởng tới diễn biến cốt truyện) được xây dựng với mục đích phi lý hóa hiện thực: nhân vật nhà văn dùng máu tưới cây (Tứ thư); người thôn Đinh bán máu làm giàu (Giấc mộng làng Đinh); dân làng Tam Tính kiếm tiền bằng cách bán da (Ngàn năm trôi mãi); Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai đào một cái hầm để tự do làm tình (Kiên ngạnh như thủy)… Cái phi lý trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, như ông nhiều lần nhấn mạnh khi bàn về chủ nghĩa thần thực, trước hết, xuất phát từ thực tiễn nội tâm, trí tưởng tượng, những mâu thuẫn lẫn ám ảnh của nhà văn trước thực tại lịch sử vốn là nguồn cảm hứng đầu tiên cho sáng tác.
3. Sự tiếp thu những thủ pháp nghệ thuật của văn học phi lý phương Tây
Trên phương diện tự sự, lối viết của Diêm Liên Khoa còn chịu ảnh hưởng bởi văn học phi lý (absurb literature) phương Tây TK XX, mà người mở đường là Franz Kafka, với đặc trưng: “nhận thức và mô tả cái hiện thực vô nghĩa, phi logic, phi lý tính, trái với năng lực nhận thức của con người” (4). Trong văn học Trung Quốc, trước Diêm Liên Khoa, Lỗ Tấn là nhà văn đã sớm khai thác tính phi lý của đời sống thực tại. Với Lỗ Tấn, sự phi lý hiện ra qua những chi tiết bình thường nhất trong cuộc sống hằng ngày, một dạng phi lý mang tinh thần phê phán của chủ nghĩa hiện thực. Trong khi đó, Diêm Liên Khoa thường xây dựng cái phi lý dựa trên những hoàn cảnh có tính chất bất thường. Trạng thái của giáo sư Dương Khoa khi tận mắt chứng kiến vợ mình thông dâm với phó hiệu trưởng mang tính phi lý so với thực tế: “Họ nhìn tôi, ánh mắt ảm đạm mà rầu rĩ, tràn đầy hy vọng lẫn đau khổ, như thể hai người lính bị bắt làm tù binh, đang nhìn vào lỗ súng đen mò mò. Điều này khiến tôi cảm thấy có chút bất an và tội lỗi, chỉ biết liên tục nói, xin lỗi, xin lỗi, viết xong cuốn chuyên khảo này tôi liền quay về, tôi nên gọi điện trước khi phải về mới phải, nên gọi hai người một tiếng trước khi bước vào mới phải” (5). Thái độ dửng dưng, vô cảm của những người dân làng Đinh mắc bệnh AIDS khi phát hiện ra Lý Tam Nhân đã chết cũng là một biểu hiện phi lý, hệ quả của quá trình tha hóa do tác động xã hội: “không ai nói chuyện Lý Tam Nhân chết”, tiếp tục ăn cơm, tiếp tục nghe kể chuyện cười: “Ông tôi nói Lý Tam Nhân không muốn tiếp tục ở trong trường nữa, anh ta muốn quay về nhà mình rồi, tất cả mọi người đều ngớ ra. Nghe xong câu chuyện cười của Đinh Chủy Chủy, tất cả mọi người từ kinh ngạc đến khi định thần lại, thì ha ha hô hô cười ầm lên” (6). Ở chi tiết này, có lẽ Diêm Liên Khoa đã học tập tinh thần của Albert Camus khi xây dựng nhân vật Meursault (Người xa lạ) - nhà văn miêu tả trạng thái con người thản nhiên trước cái chết (của tha nhân) thực chất là để nhấn mạnh tính vô nghĩa lý của cuộc đời.
Với quan niệm: “càng hiện thực càng phi lý, càng phi lý càng hiện thực” (7), lối viết phi lý hóa hiện thực của Diêm Liên Khoa những năm gần đây đã dấy lên một chủ đề bàn luận trên văn đàn Trung Quốc về quan hệ giữa hư cấu và hiện thực, về sự cách tân trong lối viết của nhà văn ở thời kỳ chuyển đổi. Phân tích quan hệ giữa hư cấu và hiện thực, năng lực xử lý mối quan hệ này của nhà văn là một trong những vấn đề hạt nhân trong sáng tác của ông, cũng là tiền đề cho việc phân tích văn bản. Thực tế, lối viết phi lý hóa dựa trên sức tưởng tượng của Diêm Liên Khoa tưởng chừng mở rộng đến mức vô giới hạn, thì vẫn bám vào một nguyên tắc nhất định, đó là tính chân thực nội tại của văn bản hư cấu. Ở phương diện này, Triệu Nghị Hành cho rằng, “tính chân thực nội tại của văn bản hư cấu vẫn phụ thuộc vào sự gắn kết của các yếu tố khác nhau trong văn bản”, tính chân thực bên trong văn bản phải tuân theo nguyên tắc kết hợp, nghĩa là các thành phần của văn bản phù hợp về mặt logic và hỗ trợ lẫn nhau về nghĩa. Cũng theo Triệu Nghị Hành, tính chân thực của tác phẩm có thể chia thành bốn dạng khác nhau: tính chân thực được tính toán trước (chẳng hạn việc đọc các văn bản hư cấu có thể nảy sinh các tình cảm đạo đức xã hội); tính chân thực giữa các văn bản (sự chân thực được kiểm chứng khi đối sánh văn bản hư cấu và văn bản quá khứ); tính chân thực tâm lý (văn bản hư cấu có thể tiết lộ tình huống của người phát, chẳng hạn tiểu thuyết tiết lộ trạng thái tiềm thức của nhà văn); tính chân thực của hình thức văn bản (kỹ thuật của văn bản hư cấu, cảm xúc thẩm mỹ được tạo nên bởi vẻ đẹp của nghệ thuật) (8). Nếu theo cách phân chia trên của Triệu Nghị Hành, có thể thấy trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, yếu tố tính chân thực tâm lý và tính chân thực của hình thức văn bản là hai khía cạnh được nhà văn chú trọng khai thác. Sự phá vỡ nguyên tắc của bút pháp tả thực khiến tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa có một sự khác biệt về chất: tìm kiếm hiện thực thông qua con đường của nội tâm: “Chân thực chỉ tồn tại trong một số nhà văn nào đó. Tất cả những gì đến từ nội tâm, linh hồn đều là chủ nghĩa hiện thực chân thực, mạnh mẽ. Dù là cây cỏ không tồn tại trong thế giới thực, chỉ sinh ra trong thế giới nội tâm thì đó cũng là linh chi chân thực. Đây là hiện thực trong sáng tác, là hiện thực của chủ nghĩa siêu việt. Nếu gọi nó là chủ nghĩa hiện thực, thì đó mới là chủ nghĩa hiện thực chân chính, chủ nghĩa hiện thực siêu việt” (9). Hệ quả tất yếu của tinh thần đối kháng với hiện thực là những xung đột nội tâm của nhà văn, một “quá trình nghiệm sinh về cảm giác đổ vỡ tự bên trong của sự viết”. Sự đối kháng và xung đột nội tâm dường như khiến Diêm Liên Khoa thường xuyên bị kẹt giữa hiện thực và văn bản, “sự đổ vỡ nội tâm của sáng tác”, như cách mà ông diễn đạt, cũng chính là sự sụp đổ của chủ nghĩa hiện thực trong tâm hồn nhà văn.
Sau tiểu thuyết Ngày tháng năm, sự can dự vào hiện thực trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa ngày càng mạnh mẽ, nhưng theo một cách thức khác với các nhà văn khác. Quan hệ giữa Diêm Liên Khoa và hiện thực là một quan hệ căng thẳng, đối kháng, phi thỏa hiệp, thậm chí được đẩy lên tới mức cực đoan. Diêm Liên Khoa từng nói, những gì ông viết ra là ác mộng của “nông thôn Trung Quốc” và “Cách mạng Trung Quốc”. Nhưng quan trọng hơn, hiện thực nông thôn được phản ánh trong tác phẩm của ông không phải là một hiện thực trùng khít với hiện thực xã hội, mà là một hư cấu về hiện thực, một “siêu hiện thực”, một hiện thực mang vẻ phi logic. Qua những trang viết về đời sống nông thôn Trung Quốc hiện đại, với tinh thần phản tư lịch sử và ý nghĩa sinh mệnh, Diêm Liên Khoa tỏ ra đặc biệt nhạy bén trong việc khai thác cái tự ngã, sự xung đột tinh thần của con người ở thời kỳ hậu tư bản. Chính bút pháp phi lý hóa hiện thực khiến không ít nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận định tiểu thuyết Diêm Liên Khoa thuộc phạm trù “chủ nghĩa hậu hiện đại” cùng với những tên tuổi như Vương Sóc, Tô Đồng, Dư Hoa, Mã Nguyên, Tôn Cam Lộ, Cách Phi... Trần Hiểu Minh cho rằng, với Làng Thụ Hoạt, Diêm Liên Khoa “chính thức trào lộng nông thôn Trung Quốc của chủ nghĩa hiện thực, đưa vào tự sự tiểu thuyết những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại” (10). Tính phi lý trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa chịu ảnh hưởng từ văn học phi lý phương Tây TK XX, nhưng cũng là sản phẩm ra đời trong lòng xã hội Trung Quốc đã trải qua nhiều cơn bão táp lịch sử.
Cho đến giữa những năm 1990, Diêm Liên Khoa đã rời bỏ thói quen quy ước của chủ nghĩa hiện thực khi ông mạo hiểm pha trộn chất kỳ quặc, tưởng tượng (fantasy) với tính hiện thực trong tiểu thuyết của mình. Ông bảo lưu quan điểm “không tưởng tượng, không có tiểu thuyết” và “tiểu thuyết là cái viết ra khiến những điều không thể thành có thể”. Nghệ thuật Phi lý hóa tự sự mặc dù vẫn có thể tìm thấy rải rác ở những tác giả tiểu thuyết Trung Quốc khác, nhưng đến Diêm Liên Khoa đã trở thành một đặc trưng của bút pháp, đồng thời cũng trở thành sức hấp dẫn rất riêng cho tác phẩm của ông.
________________
1, 5. Diêm Liên Khoa, Đinh trang mộng, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 2006.
2. Lý Học Cần (chủ biên), Từ điển Tự nguyên, Nxb Cổ tịch Thiên Tân, Thiên Tân, 2012, tr.188.
3. Từ điển Từ Hải, Nxb Từ điển Thượng Hải, Thượng Hải, 1987, tr.478.
4. Nguyễn Văn Dân, Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013.
6. Diêm Liên Khoa, Đinh trang mộng, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 2006.
7. Diêm Liên Khoa, Phát hiện tiểu thuyết, Nxb Đại học Nam Khai, tr.143, 2011.
8. Triệu Nghị Hành, Tính chân thực bên trong của văn bản: nguyên tắc biểu ý của ký hiệu, Học báo Giang Hải, kỳ thứ 6, 2015, tr.22-28.
9. Diêm Liên Khoa, Nhất phái hồ ngôn, Nxb Trung Tín, 2012.
10. Vương Nghiêu (Đỗ Văn Hiểu dịch), Văn học đương đại Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, 2017, tr.197.
Tác giả: Nguyễn Thị Thúy Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020