Năm thứ 6 Chính Đức Vũ Tông triều Minh (1511), tức năm Hồng Đức thứ 3 triều Hậu Lê Việt Nam, người Kinh Việt Nam di cư lên phương Bắc, hiện nay tập trung sinh sống tại trấn Giang Bình và trấn Đông Hưng thuộc thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo điều tra dân số lần thứ 6, năm 2010, số người Kinh sinh sống tại 3 đảo Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm chiếm 65% tổng dân số dân tộc Kinh trong thành phố, vì vậy mới có tên gọi Kinh tộc tam đảo (1). Trong đó, Vạn Vĩ có diện tích và số người Kinh lớn nhất (2), họ sinh sống chủ yếu dựa vào ngư nghiệp, lưu giữ và bảo vệ tốt tín ngưỡng thờ thần biển.
1. Tín ngưỡng thờ thần biển của người Kinh thôn Vạn Vĩ
Tín ngưỡng thờ thần biển của người Kinh thôn Vạn Vĩ bao gồm Đạo giáo, Phật giáo và tổ tiên, tạo nên một hệ thống tín ngưỡng thờ cúng nhiều vị thần.
Lễ ha và đại vương Trấn Hải
Lễ ha được tổ chức vào mùng 6 - 9 âm lịch tại Ha Đình, thờ cúng 5 vị thần: Đại vương Trấn Hải, Đại vương Cao Sơn, Đại vương Quảng Trạch, Đại vương Điểm Tước và Đại vương Hưng Đạo, gọi chung là Ngũ Linh Quan. Đại vương Trấn Hải là thần chủ, 4 vị thần còn lại là thần phó. Ha là âm dịch của chữ hát trong tiếng Kinh, chỉ lễ hát. Bởi tổng thể quá trình là ca múa nhạc nên người Hán gọi là lễ hát ha (3). Có 2 nguồn lai lịch được nhiều người kể lại là truyền thuyết tiên ca và truyền thuyết Đại vương Trấn Hải (4).
Từ nội quy của Ha Đình Vạn Vĩ, chúng ta có thể biết được lai lịch của lễ ha nơi đây. Người Kinh đến vùng đất này, trong 10 năm liền không tổ chức cúng bái, khiến người và gia súc không yên, sản xuất ngư nghiệp thất thu. Sau này, vào mùng 1 - 6 âm lịch, người dân mang lợn đến cầu nguyện thần biển, sau đó giết lợn tế thần. Người dân bội thu liên tục 9 ngày ra khơi. Từ đó, họ tổ chức cúng bái hằng năm, dần hình thành lễ ha như ngày nay.
Nghênh thần ở bờ biển - Ảnh: Chung Kha
Vào ngày mùng 9 - 6 âm lịch, khi tổ chức lễ ha, thày cúng bày một đài tế hướng về miếu thờ Đại vương Trấn Hải trên đảo Bạch Long, ông chúc và ông mô (5) quỳ nghênh thỉnh Đại vương Trấn Hải. Ông chúc chắp tay đọc tên các vị thần, ông mô tung đồng xu, nếu ngửa là đón được thần, nếu không, sẽ tung đến khi nào hiện mặt ngửa. Mời xong Đại vương Trấn Hải, họ di chuyển đến bờ cát phía Tây đối diện với Việt Nam, mời Đại vương Hưng Đạo. Nghi thức đón thần khoảng nửa tiếng. Sau khi trở lại Ha Đình, họ đến Hậu Sơn mời Đại vương Cao Sơn. Trong quá trình cúng bái, người dân, dưới sự dẫn dắt của ông chúc, vái lạy đại vương Trấn Hải và các vị thần trong Ha Đình. Ngày mùng 10 âm lịch tiến hành nghi lễ sát tượng, thực chất là giết lợn để hiến tế, ví lợn như voi, biểu thị ý nghĩa cát tường và thanh khiết. Cả quá trình thờ cúng có biểu diễn hát ha, nhảy múa biểu đạt sự biết ơn thần biển và các vị tổ tiên. Họ tụ họp ăn uống trong Ha Đình, người và thần cùng vui vẻ.
Thờ Ông biển và Bà biển
Ở Vạn Vĩ, mỗi đầu tàu, thuyền đều đặt thần vị của Ông biển, Bà biển, để ngư dân cầu nguyện. Đến ngày lễ tế, đầu lưới và đinh lưới (6) giết lợn, uống rượu ở nhà đầu lưới, gọi là trả nguyện, cầu đi biển được thuận lợi, bình an, bội thu. Từ 20 đến 28 - 12 âm lịch, đầu lưới chủ trì nghi thức niên vãn phúc, cầu cho ngư dân năm sau ra khơi an toàn, thu hoạch bội thu. Thôn dân nói: “Nếu nhà ai có lưới cá mới nhuộm xong chuẩn bị ra biển đánh cá, chúng tôi đều cần phải mang lễ đến biển cúng thần, cầu cho thần biển bảo vệ người trong tộc ra khơi bình an, thu hoạch bội thu…” (7).
Miếu Khang vương
Miếu Khang vương nằm ở phía Đông Vạn Vĩ, thờ cúng Khang vương gia, đại vương gia, nhị vương gia, tam vương gia và Cảnh vương gia. Hương công của miếu Khang vương từng nói: “Khang vương là vị vương lớn nhất mặt đất được Ngọc Hoàng đại đế phong tặng, ngài quản lý tất cả mọi chuyện trên trời dưới đất” (8). Hằng năm, mọi người tập trung tại miếu Khang vương vào 16 - 1 âm lịch để cầu phúc, đến 26 - 12 âm lịch lại trở về để trả phúc (9). Khi cầu phúc hay trả phúc đều mang theo lợn, gà, cá, hai cây hành. Cầu phúc tập trung lúc 12 - 15 giờ ngày 16 - 1 âm lịch, sau khi kết thúc thì tập trung trong miếu ăn cơm, buổi tối biểu diễn kịch hái chè ở sân khấu bên cạnh miếu, số buổi kịch tùy thuộc sự đóng góp của mỗi người trong năm qua. Người dân hồi tưởng lại: “Trước giải phóng còn có nghi thức kiệu Khang vương đi diễu, có sĩ binh ở đằng trước khênh kiệu dẫn đường” (10). Bây giờ đã không còn nghi thức đó nữa. Họ còn đặc biệt nhắc đến: “Trước giải phóng, có một ngư dân ở thôn Vạn Vĩ tên Lê Hoa Bồ, khi ra khơi đánh cá bị hải tặc bao vây, kết quả mọi người đều quỳ xuống trước mũi tàu cầu nguyện Khang vương bảo vệ, trên mặt biển lập tức nổi sương mù, giúp cho Lê Hoa Bồ thoát khỏi vòng hiểm nguy”(11). Đây chính là truyền thuyết khiến Khang vương mang một màu sắc thần bí, để rồi vào những năm 80 TK XX, tín ngưỡng Khang vương được hồi sinh.
Đại vương Thủy Khẩu
Miếu đại vương Thủy Khẩu diện tích khoảng 30m2, nền vuông, 3 gian, ở giữa thờ cúng đại vương Thủy Khẩu, bên trái là thần nghìn mắt, bên phải là thần nghìn tai. Từ 6-10 giờ ngày 2-2 âm lịch, mọi người mang theo gà, đầu lợn, cá đến miếu cầu phúc. Khi cầu phúc, Ha Đình và miếu thờ Khang vương cũng cử đại diện đến cúng bái. Từ 1-6 giờ chiều ngày 18-12 âm lịch là thời gian trả phúc, sau đó sẽ cùng nhau dùng bữa ở trong miếu. Thông thường, vào các ngày 2, 4, 8 mỗi tháng, mọi người đều đến miếu để cầu phúc. Bất luận thu hoạch bội thu hay không, mọi người đều mang lễ đến để cúng bái. Thờ cúng đại vương Thủy Khẩu chủ yếu là người tộc Kinh ở Vạn Tây. Mọi người hy vọng đại vương Thủy Khẩu sẽ bảo vệ mình ra khơi đánh bắt bội thu, làm ăn thuận lợi.
Miếu Ông
Miếu Ông thờ bài vị của 3 vị thần trong Ha Đình, là Đại vương Điểm Tước, Đại vương Quảng Trạch và Đại vương Hưng Đạo với nhiều mô hình thuyền. “Trong nhà có sự việc không cát lợi xảy ra, mọi người sẽ làm một mô hình thuyền, mang theo tế phẩm đến đây để thờ cúng ba vị thần này” (12). Vào mùng 1, 15 âm lịch hằng tháng, mọi người thường mang đầu lợn, xôi, đầu gà, cá đến để cúng bái. Hiện nay người Kinh Vạn Vĩ vẫn còn lưu giữ sự tôn kính đối với ba vị thần linh miếu Ông, khi nhà gặp chuyện không may liền mang theo lễ vật đến miếu để cúng.
2. Nội hàm văn hóa chứa đựng trong tín ngưỡng thờ thần biển của người Kinh
Thể hiện tập trung về văn hóa tín ngưỡng thần biển
Lễ Ha Vạn Vĩ thờ năm vị linh quan, ngoài Đại vương Hưng Đạo là nhân vật có thật, bốn vị thần còn lại đều là thần tiên bước ra từ trí tưởng tượng của con người. Con người thường thông qua hình thức nghênh đón thần, hát ha để biểu đạt sự phó thác và tôn kính, cảm tạ sự bảo vệ của thần biển, đồng thời cầu phúc cho các công việc trên biển của người dân trong thôn cả năm thuận lợi, hạnh phúc, bình an. Lễ tế là hoạt động mang đậm dấu ấn dân tộc, biểu hiện cao nhất của người Kinh - vì sự phồn vinh của quê hương mà cùng nhau đoàn kết một lòng.
Thờ cúng tín ngưỡng thần biển bao hàm sự tưởng niệm tổ tiên
Bất luận là sùng bái tự nhiên hay tưởng niệm cội nguồn dân tộc, thờ cúng trong tâm mỗi người đều chứa đựng những hàm ý thần thánh. Mỗi nghi thức cúng tế đều là sự kết hợp của những nhu cầu văn hóa địa phương, chứa đựng đặc sắc truyền thống dân tộc. Trong Ha Đình không những thờ 5 vị thần, mà còn thờ 12 vị tổ tiên của tộc Kinh và những người có công chết vì gặp tai nạn trên biển. Trong ngày lễ, toàn bộ người trong thôn tập hợp trong Ha Đình, hát ha cúng thần biển, cầu chúc ra khơi bình an, đồng thời cúng bái cầu xin tổ tiên bảo vệ. Có thể nói, tín ngưỡng thần biển và tôn kính tổ tiên là một sự kết hợp nhuần nhuyễn, và hai yếu tố có địa vị quan trọng như nhau. Phòng khách của người Kinh đều có bàn thờ, mỗi lần ra khơi đánh cá ngoài cầu sự bảo vệ của thần biển, còn cầu cả sự bảo vệ của tổ tiên.
Thờ cúng thần biển thể hiện sự kế thừa truyền thống văn hóa
Trong quá trình tổ chức cúng tế thần biển, có rất nhiều thanh niên trẻ trong thôn tham gia thông qua sự tuyển chọn của thày cúng. Những người tham gia hoạt động cúng tế hoặc trở thành thày cúng, đều là người hoặc gia đình có những điều đáng để tự hào. Muốn trở thành thày cúng, bắt buộc phải nghiêm khắc với bản thân từ lời nói và hành vi, trở thành người được mọi người công nhận là người thấu tình đạt lý, đủ khả năng phân biệt thị phi, có quan hệ hài hòa với người đầu làng, đồng thời là người đã thành gia lập nghiệp. Những hoạt động thờ cúng thần biển có tác dụng giáo dục, giáo hóa mỗi người, đã trở thành thước đo vô hình cho tâm lý và hành vi của người dân trong thôn, làm cho họ có ý chí không ngừng vươn lên, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Tín ngưỡng thờ thần biển Vạn Vĩ thông qua hoạt động thờ cúng tập thể âm thầm thực hiện chức năng giáo dục đối với mỗi thôn dân và mỗi thành viên trong gia đình, giúp những người kế thừa văn hóa dân tộc trẻ tuổi cảm nhận được nội hàm của ngày lễ này.
Tín ngưỡng thờ thần biển giúp đoàn kết xóm làng, tăng cường hợp tác dân tộc
Lễ tế dân gian là sản phẩm tinh thần đến từ dòng chảy phát triển lâu dài của lịch sử, là một loại hình văn hóa sinh hoạt. Họ thờ thần linh và tổ tiên, trong lúc dựa vào thần linh và tưởng niệm tổ tiên, điều quan trọng hơn cả là cổ vũ mọi người đoàn kết một lòng cùng khắc phục những khó khăn và gian khổ, đấu tranh cho một cuộc sống hạnh phúc. Mỗi năm, khi tổ chức hoạt động thờ cúng trong lễ ha, toàn thôn từ trên xuống dưới, già trẻ gái trai đều tích cực tham dự, thông qua sự sắp xếp và tổ chức trong thời gian dài của người dân trong thôn, khiến cho hoạt động thờ cúng vừa linh thiêng, vừa trang trọng. Trong hoạt động thờ cúng thần biển, ai cũng có trách nhiệm của mình, đồng tâm hiệp lực thờ cúng thần linh và tổ tiên, bất kỳ người nào tham gia đều nghiêm khắc ràng buộc hành vi của bản thân, nỗ lực vì mục đích bảo vệ toàn thôn bình an hạnh phúc. Tín ngưỡng thờ thần biển giúp thúc đẩy tinh thần đoàn kết của người dân, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, tăng thêm tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau, làm cho quá trình tổ chức lễ tế thần luôn bao trùm không khí vui tươi, trang trọng.
3. Lời kết
Dân tộc Kinh ở thôn Vạn Vĩ, Quảng Tây, Trung Quốc dựa vào biển, cuộc sống của mọi người có liên quan mật thiết đến việc sản xuất ngư nghiệp biển, với niềm hy vọng như gia tộc thịnh vượng, ngư nghiệp bội thu, người nhà bình an họ ký gửi vào những vị thần linh biển cả. Trong quá trình thờ cúng, mọi người đều hy vọng thông qua lễ bái thần biển và những lời cầu nguyện tới thần linh đều tận tình biểu đạt sự cảm ơn sâu sắc đối với thần biển, chân thành cảm ơn thần biển một năm vừa qua đã bảo vệ làm ăn sản xuất ngư nghiệp biển, đồng thời cầu cho năm sau tiếp tục gặt hái bội thu. Chính vì niềm tin và lòng thành kính đối với tín ngưỡng văn hóa tinh thần, mỗi người Kinh đều thờ thần biển, tôn kính thần biển và dần dần đem tín ngưỡng thần biển khắc sâu vào trong văn hóa dân tộc, đồng thời thông qua việc đích thân tham dự hoạt động thờ cúng, hiểu được một cách sâu sắc và kế thừa văn hóa dân tộc mình, tăng thêm đoàn kết và lòng tự tin.
________________
1. Phí Hiếu Thông, Dân tộc Kinh - Đại từ điển dân tộc thiểu số Trung Quốc, Thư cục Tuyến Trang, 2019, tr.17.
2. Phỏng vấn ông Vũ Minh Chí, Bí thư thôn Vạn Vĩ, ngày 27 - 9 - 2019.
3. Phù Đạt Thăng, Phong tục chí của dân tộc Kinh, Học viện Dân tộc Trung ương, Bắc Kinh, 1993, tr.94-95.
4. Tô Nhuận Quang, Câu chuyện dân gian của dân tộc Kinh, Nxb Văn nghệ dân tộc Trung Quốc, Bắc Kinh, 1984, tr.3.
5. Ông chúc là người phụ trách biên soạn và đọc bài văn tế lễ trong hoạt động cúng bái, ông mô là những người tham gia tế lễ.
6. Đầu lưới tức là người lãnh đạo của tổ giúp nhau ngư nhiệp, đinh lưới tức là ngư dân.
7. Phỏng vấn ông Vũ Thụy Phương,dân tộc Kinh, 69 tuổi, trước là bí thư thôn Vạn Vĩ, ngày 3 - 8 - 2009.
8. Phỏng vấn ông Mộc Tú Hoa, 83 tuổi, dân tộc Kinh, Hương công Miếu Khang vương, ngày 21 - 2 - 2010.
9. Trả phúc là để biểu đạt sự cảm ơn đối với thần linh đã bảo vệ mình một năm bình yên.
10. Phỏng vấn ông Lý Sĩ Tề, 60 tuổi, dân tộc Kinh, đội 6 thôn Vạn Vĩ, ngày 21- 2 - 2010.
11. Phỏng vấn ông Phùng Tiên Tiến, 66 tuổi, dân tộc Kinh, đội 7 thôn Vạn Vĩ, ngày 21 - 2 -2010.
12. Phỏng vấn ông Hứa Hoa Thành, 68 tuổi, dân tộc Kinh, đội 9 thôn Vạn Vĩ, ngày 23 - 2 -2010.
Tác giả: Chung Kha
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020