Đại học Quốc gia Lào là cơ sở đào tạo quan trọng cấp quốc gia tại Lào, “có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” (1). Ban Giám hiệu nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc tạo dựng môi trường học tập lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên, coi đây là yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã nhấn mạnh: “Xây dựng kinh tế thịnh vượng phải đi đôi với việc xây dựng thịnh vượng về văn hóa tinh thần và phải kết hợp chặt chẽ hai mặt này để tạo thành một sức lực tổng hợp bảo đảm cho sự phát triển bền vững, ổn định các dân tộc” (2).
1. Những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên Đại học Quốc gia Lào
Một là, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Là một quốc gia đang phát triển của khu vực Đông Nam Á, Lào cũng không nằm ngoài xu thế đó. Bên cạnh những thành tựu về phát triển văn hóa đạt được trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, bản sắc văn hóa dân tộc cũng đang đứng trước những thách thức có nguy cơ bị mai một. Các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian… chưa được bảo tồn và phát huy hiệu quả việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Lào ra nước ngoài còn yếu, thiếu hệ thống, thiếu tính liên tục; việc đánh giá, tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế. Môi trường văn hóa bị tác động tiêu cực bởi các hành vi, sản phẩm văn hóa thiếu lành mạnh; “chưa có sự tiếp thu văn hóa một cách có chọn lọc, vẫn còn tình trạng tiếp thu, dung nạp xô bồ một số sản phẩm văn hóa nước ngoài, đặc biệt là khuynh hướng văn hóa lai căng, cực đoan, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc” (3). Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giai tầng còn lớn…
Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên. Trong những năm qua, nhà trường chưa huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng đời sống văn hóa cho sinh viên, chưa có sự đầu tư bài bản để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, dẫn đến bị động trong quá trình triển khai các hoạt động. Hoạt động phối hợp giữa Đảng ủy Đại học Quốc gia Lào, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn trường tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song, việc tuyên truyền tới sinh viên còn chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao.
Một bộ phận sinh viên chưa am hiểu sâu về cách giáo dục, học hỏi, sống và thực hành theo những hệ giá trị văn hóa mới, chưa nắm chắc mô hình học tập và rèn luyện bản thân trong quá trình trưởng thành, dẫn đến chưa có định hướng cụ thể cho tương lai…
Đặc biệt, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, một bộ phận sinh viên chạy theo lối sống hưởng thụ, bỏ qua những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng. Đồng thời, “sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã khiến nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho internet, mạng xã hội” (4); nhu cầu giải trí bằng việc đọc sách ngày càng hạn chế, dẫn đến văn hóa đọc có nguy cơ bị mai một.
Hai là, việc phân bổ quỹ thời gian của sinh viên cho việc học tập, việc tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao, thiện nguyện chưa phù hợp. Một bộ phận không nhỏ sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc học và làm việc, có kiến thức lý thuyết, song lại thiếu sự trải nghiệm và kiến thức thực tế. Mặt khác, có một số sinh viên rất năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của trường, lớp, song, lơ là việc học, dẫn đến kết quả học không cao, thiếu kiến thức nền tảng của ngành học, do đó, gặp khó khăn trong công việc sau khi tốt nghiệp.
Ba là, nội dung giáo dục xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên Đại học Quốc gia Lào còn một số bất cập. Các hoạt động văn hóa dành cho sinh viên chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, chưa đi sâu vào từng đối tượng người học, nội dung còn đơn điệu, mang tính hình thức, dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được đông đảo sinh viên tham gia.
Đối với sinh viên, trải nghiệm thực tế không chỉ là hình thức thực hành, kiểm chứng các kiến thức đã được học trong nhà trường, mà còn là cơ hội để sinh viên bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng. Đặc biệt là giáo dục đạo đức, ý thức công dân, kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa truyền thống... không chỉ bằng lý thuyết, mà học sinh cần có những trải nghiệm thực tế tại các viện bảo tàng, làng nghề… Việc tổ chức trải nghiệm thực tế sẽ mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí, đòi hỏi cần có sự quan tâm chỉ đạo của Ban Lãnh đạo nhà trường, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên.
Bốn là, sinh viên khao khát trải nghiệm nhưng điều kiện thực tế không cho phép. Trải nghiệm, điền dã không chỉ là hình thức thực hành, kiểm chứng các kiến thức đã học trong chương trình, mà còn là cơ hội để sinh viên bổ sung các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng còn thiếu hụt, không có/ không được dạy trong chương trình. Đặc biệt là giáo dục đạo đức, ý thức công dân, kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa truyền thống... không chỉ bằng thuyết giáo mà cần đưa học sinh đến các viện bảo tàng, đi thực địa, đến các làng nghề. Việc tổ chức trải nghiệm, điền dã sẽ mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí, đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ của Ban Lãnh đạo, các khoa phòng, tổ chức, cán bộ, giảng viên của các trường đại học từ khâu chủ trương, chính sách đến thực tiễn hoạt động xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên.
Mặt khác, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm các hoạt động văn hóa của sinh viên. Hằng năm, Đại học Quốc gia Lào đã dành nhiều ngân sách để thực hiện dự án củng cố nâng cấp cơ sở hạ tầng toàn hệ thống và một số văn hóa thiết chế văn hóa khác. Ngoài ngân sách nhà nước còn có sự trợ giúp của nước bạn Việt Nam và các nước hợp tác quốc tế khác. Hiện nay, Đại học Quốc gia Lào có “gần 30 tòa nhà là những tòa nhà sử dụng làm nhà hiệu trưởng, trung tâm phát triển giáo viên, văn phòng hiệu trưởng, văn phòng các khoa, phòng học, hội trường, phòng họp, nhà truyền thống, phòng thí nghiệp, thư viện, viện trung tâm, trạm y tế, sân thể thao, ký túc xá... Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì cơ sở vật chất hiện tại còn khá lạc hậu. Ngoài ra, một số cơ sở vật chất có sẵn như phòng máy tính thì chưa được phân bổ sử dụng hiệu quả” (5).
2. Một số giải pháp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên Đại học Quốc gia Lào
Nhóm giải pháp về nhận thức
Một là, nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quốc gia - dân tộc, từ đó có tinh thần trách nhiệm, thái độ đúng đắn trong học tập và rèn luyện đúng theo tầm nhìn của Đại học Quốc gia Lào đề ra, đó là “Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, các thuần phong mỹ tục của các dân tộc, đồng thời tuyển chọn những văn hóa tiên tiến của nhân loại vào sự phát triển của đất nước” (6).
Hai là, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để phát huy vai trò của sinh viên. Theo đó, đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong sống trong sinh viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được thường xuyên thực hiện: “Tăng cường trách nhiệm giáo dục đào tạo tư tưởng chính trị vững vàng, rộng rãi, sâu sắc đến cốt lõi bằng nhiều hình thức, nhiều cách để đội ngũ của Đảng, giáo viên, sinh viên ý thức, hiểu biết, nắm chắc và triệt để đường lối chính sách của Đảng - pháp luật của Nhà nước nhất là vị trí, vai trò và nhiệm vụ chính trị của Đại học Quốc gia Lào” (7). Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước. Từ đó, giúp sinh viên nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với quốc gia - dân tộc.
Ba là, xây dựng tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; nâng cao sức đề kháng cho toàn xã hội, đặc biệt là thanh niên, sinh viên trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên của nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên… Đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa cho sinh viên, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, dân tộc Lào: truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sinh viên phát triển nhân cách và tài năng: môi trường gia đình hạnh phúc, yêu thương giúp đỡ nhau; môi trường nhà trường đoàn kết, an toàn; môi trường xã hội ổn định, phát triển.
Nhóm giải pháp về thể chế
Xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh
Môi trường văn hóa học đường được xây dựng dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của nhà trường, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm sự văn minh và ổn định xã hội. Theo đó, Nhà nước tạo ra những quy định về phẩm chất đạo đức và quy tắc trong lối sống cộng đồng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, buộc mọi công dân phải thực hiện, từ đó dần hình thành ý thức tự giác trong mỗi người. Thực tiễn cho thấy, môi trường xung quanh có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành đời sống văn hóa của sinh viên. Môi trường văn hóa học đường tiến bộ, lành mạnh giúp văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động của cán bộ, giảng viên, sinh viên, từ đó góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần cao đẹp.
Để xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, cần đẩy mạnh đấu tranh chống các tệ nạn, vấn đề tiêu cực trong xã hội; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống trong sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường cần tích cực tuyên truyền, cổ vũ những hoạt động văn hóa lành mạnh, đồng thời lên án, phê phán những hành vi thiếu văn hóa.
Đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần cho sinh viên
Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho sinh viên. Thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ dưới nhiều hình thức sẽ giúp sinh viên hình thành kỹ năng sống và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Khích lệ, biểu dương hoạt động tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của sinh viên, qua đó giúp sinh viên nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành.
Tăng cường mở rộng giao lưu, kết nối giữa nhà trường và các cơ sở giáo dục trong cả nước trong việc giới thiệu, quảng bá và phối hợp tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu văn hóa thế giới, văn hóa khu vực, văn hóa dân tộc; các hội diễn văn nghệ... Được tham gia, trải nghiệm các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của các em không những được nâng cao, mà còn giúp các em tự phát hiện năng khiếu của bản thân, từ đó, tích cực phát huy thế mạnh của bản thân trong học tập và công tác.
Đặc biệt coi trọng và tổ chức thường xuyên các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Hoạt động dạy học thông qua các môn học cụ thể và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần phải được tiến hành đồng thời, bổ sung cho nhau, nhằm đáp ứng cả nhu cầu học tập lẫn nhu cầu văn hóa tinh thần của sinh viên. Mở rộng quan hệ giao lưu, kết nối, kết nghĩa giữa Đại học Quốc gia Lào với các trường đại học, cao đẳng, các trường văn hóa nghệ thuật khác, nhất là trong việc giới thiệu, quảng bá và phối hợp tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu văn hóa thế giới, văn hóa khu vực, văn hóa dân tộc, các hội diễn văn nghệ...
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục văn hóa tinh thần cho sinh viên
Nhà trường cần quan tâm đầu tư diện tích, không gian, xây dựng và củng cố các sân chơi, nơi sinh hoạt văn hóa giải trí cho sinh viên như: nhà văn hóa, nhà đa năng, điểm truy cập internet miễn phí… để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ văn hóa của sinh viên. Theo đó, cần chú trọng đầu tư xây dựng phòng văn hóa để sinh viên có điều kiện duy trì các hoạt động văn hóa. Mở rộng phòng kết nối mạng internet, tăng số lượng máy tính, tiến hành sửa chữa, thay mới các trang thiết bị đã cũ, đồng thời nâng cấp hệ thống đường truyền bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả. Thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý, hướng nghiệp... cho sinh viên. Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi giữa các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên về giới thiệu truyền thống, di sản văn hóa dân tộc. Đầu tư cải tạo, nâng cấp thư viện trường cả về số lượng và chất lượng, tăng số lượng các đầu sách, báo, tài liệu, tranh ảnh, phục vụ nhu cầu tìm đọc, tra cứu của sinh viên.
Giải pháp về phía sinh viên
Sinh viên Đại học Quốc gia Lào cần phải chủ động trong quá trình học tập đặc biệt là quá trình tự học, tự rèn luyện với lợi thế của sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những công cụ hữu ích như internet, khai thác có hiệu quả các trang web chính thống. Khai khác và phát huy tối đa những mặt tích cực của mạng internet để phục vụ đời sống, học tập, cập nhật kiến thức...
Kỹ năng sắp xếp thời gian hiệu quả
Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp sinh viên cân bằng được giữa việc học, hoạt động phong trào và làm thêm. Kỹ năng quản lý thời gian là việc sinh viên biết sắp xếp thời gian, phân chia thời gian và sử dụng thời gian hợp lý. Ví dụ: Năm học thứ nhất, thứ hai có thể dành nhiều nhất thời gian hơn cho việc học kiến thức nền tảng và hoạt động phong trào nhằm xây dựng những kỹ năng mềm cho bản thân, đồng thời có thể đi làm thêm một số công việc cần sự giao tiếp để bớt đi sự nhút nhát, trở nên mạnh dạn, khéo léo hơn. Tới năm học thứ ba, khi bắt đầu học chuyên ngành thì nên dành nhiều thời gian cho những công việc yêu cầu kỹ năng chuyên môn, vừa duy trì thu nhập, vừa là cơ hội để đem những kiến thức được học trên lớp vận dụng vào công việc thực tế.
Kỹ năng sắp xếp, phối hợp các công việc hướng tới mục tiêu chung
Những kiến thức học được trên giảng đường là nền tảng tri thức cốt lõi để vận dụng trong quá trình làm việc, hoạt động phong trào giúp sinh viên cảm thấy tự tin hơn và rèn luyện được những kỹ năng mềm cần thiết, làm thêm là cơ hội để trải nghiệm thực tiễn, sau này khi ra trường không quá bỡ ngỡ với công việc. Đó đều là những hoạt động cần thiết; cần được lựa chọn cẩn thận, sắp xếp một cách hợp lý, nâng cao năng lực sinh viên và đạt được những mục tiêu đã đề ra ban đầu hướng tới mục tiêu chung và giúp phát triển bản thân. Với xã hội phát triển như hiện nay, những công việc nghiêm túc, chuyên nghiệp không thiếu, quan trọng là các bạn trẻ phải biết lựa chọn để thích nghi.
Giải pháp về phía nhà trường và các đoàn thể
Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Lào cần quan tâm chỉ đạo các phòng ban, đoàn thể, hội sinh viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về những ảnh hưởng, tác động của mạng internet đến đời sống của sinh viên. Đặc biệt, tích cực đẩy mạnh các phong trào như “Đảng viên mạnh, Tổ chức mạnh - biết lãnh đạo toàn diện”, “Sinh viên giỏi, thực hiện kỷ cương tốt”; đồng thời định hướng cho sinh viên phân biệt, đánh giá nguồn thông tin phù hợp, sử dụng thông tin một cách hợp lý. Đồng thời, tích cực mở rộng giao lưu, phối hợp giữa Đại học Quốc gia Lào với các trường đại học, cao đẳng, các trường văn hóa nghệ thuật khác trong cả nước, nhất là trong việc giới thiệu, quảng bá và phối hợp tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu văn hóa thế giới, văn hóa khu vực, văn hóa dân tộc; các hội diễn văn nghệ...
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các khoa, phòng, bộ môn, cán bộ, giảng viên, các tổ chức đoàn thể đối việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên. Quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên trẻ, phát triển tài năng trong sinh viên, có chính sách khuyến khích học tập, rèn luyện, tạo điều kiện cho sinh viên phấn đấu trưởng thành. Các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được thực hiện mục tiêu giáo dục, học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động xã hội. Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho sinh viên và giữ gìn an ninh trật tự trong nhà trường. Coi đây là điều kiện quan trọng và cần thiết để bảo đảm cho việc dạy tốt, học tốt. Nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, đạo đức, pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự trong chương trình nội khóa và các hoạt động ngoại khóa. Vận động, đề cao việc phát hiện các tệ nạn xã hội, xử lý kịp thời các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Kiểm tra chặt chẽ việc khai thác, sử dụng thông tin qua mạng internet của sinh viên.
Ban Quản lý sinh viên cần thực hiện tốt công tác quản lý sinh viên, tránh để tình trạng sinh viên bị lợi dụng, lôi kéo, kết bè phái chống phá Đảng, Nhà nước và nhà trường.
Kết luận
Có thể khẳng định, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong sinh viên giữ vai trò quan trọng, góp phần trực tiếp hình thành nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh của tuổi trẻ, thế hệ “rường cột của đất nước”. Thực tiễn cho thấy, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ, tăng cường xây dựng môi trường, thiết chế văn hóa học đường... cần đặc biệt quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho sinh viên ở Đại học Quốc gia Lào.
__________________
1. Đại học Quốc gia Lào, 20 năm lịch sử hình thành Đại học Quốc gia Lào, 2016, tr.28.
2. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI, Nxb Nhà nước, 2021, tr.72-73.
3, 4, 5. Đại học Quốc gia Lào, Báo cáo tổng kết những hoạt động của Đại học quốc gia năm 2023, 2023, tr.23, 24, 27, 25.
6. Đại học Quốc gia Lào, Kế hoạch phát triển 5 năm (2021-2025) của Đại học Quốc gia Lào, 2023, tr.1.
7. Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng bộ Đại học Quốc gia Lào, 2020, tr.84-85.
KHAMHOU VILATHONE
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024