Nghệ thuật khai minh trong giáo dục: Tư tưởng của Goethe và triết lý nhân văn

Johann Wolfgang von Goethe (28-8-1749 – 22-3-1832), một trong những vĩ nhân lớn của nền văn học thế giới, những ảnh hưởng của ông bao trùm triết lý giáo dục khai phóng. Lý tưởng Khai minh của Goethe đã truyền cảm hứng cho nền giáo dục đương đại trong hành trình tìm kiếm và đổi mới phương pháp giáo dục hướng đến sự đa dạng và toàn diện. Sáng tác của Goethe vắt ngang qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời kỳ Ánh sáng. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng tâm huyết, ý chí và những ý tưởng mới của ông dành cho thời đại và nhân loại. Ông để lại di sản to lớn trong lịch sử giáo dục, mang đến một triết lý mới và mở rộng trong giáo dục Khai phóng sau này. Sự tiên phong và sâu sắc trong triết lý giáo dục của Goethe bắt nguồn từ linh hồn của truyền thống văn hóa phương Tây từ thời cổ đại Hy-La và còn phủ bóng đến ngày nay.

1. Triết lý Urwesen và giáo dục Khai minh

Urwesen là một từ tiếng Đức có nghĩa là “bản thể nguyên thủy” hoặc “bản chất nguyên thủy”. Đó là một khái niệm trung tâm trong tư tưởng của Goethe. Goethe tin rằng Urwesen là sự thống nhất cơ bản của vạn vật trong vũ trụ. Đó là nguồn gốc của mọi sự sống, vẻ đẹp và sự sáng tạo. Trong Faust, đó là mục tiêu phấn đấu của con người để đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về Urwesen và sống hòa hợp với nó. Theo Goethe, một nền văn hóa và giáo dục toàn diện phải mang đến sự cam kết về tính độc lập, linh động cho tư duy. Nó phải khích lệ con người dám tin, dám khám phá và phát triển sức mạnh bản thân. Ông dành sự quan tâm nhất định đến các nghiên cứu khoa học, tâm linh và thiên nhiên, tất cả những điều này được thể hiện trong nhãn quan nhân văn của Goethe.

Theo lý thuyết Urwesen mà Goethe đề xuất, tất cả chúng ta đều có một nhu cầu hoặc mong muốn sâu sắc để kết nối lại với thiên nhiên. Nếu điều này không xảy ra, một phần tâm hồn sẽ như tan biến, hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trở nên rất gian nan. Kết nối với thiên nhiên mang lại ý nghĩa và giá trị thực sự cho mỗi con người. Goethe tin rằng mỗi sinh vật đều có nhiệm vụ phải thực thi một sứ mệnh riêng trong cõi sống của mình.

Trong tác phẩm Faust, ông viết: “Chỉ có cây vàng của cuộc đời là tươi xanh” (1). Thông qua nhân vật, Goethe đã lên tiếng phê phán một cách mạnh mẽ nền giáo dục tối tăm của nhà nước phong kiến và giáo hội. Lối giáo dục lý thuyết khô khan không thể giúp con người trưởng thành về tri thức và văn hóa. Nhà trường phong kiến chẳng khác gì một vùng đất không còn sự sống: “Nơi ùn lên những núi non sách vở/ Đầy sâu mọt và từng từng bụi phủ!/ Sách leo lên cho tới đỉnh vòm nhà/ Từng đống vàng khè tài liệu, từng chồng ám khói cổ thư” (2). Trong tư tưởng của mình, Goethe không hoàn toàn phủ định những giá trị tri thức truyền thống. Cách nói những “tài liệu vàng khè”, “đầy sâu mọt”… như một nội hàm sâu xa mà Goethe ám chỉ một thời kỳ hoàng hôn của phong kiến châu Âu, phủ bóng âm u đưa trí tuệ con người bước vào mê mỏi. Môi trường giáo dục kinh viện trong thời đại đó không những tách bản thân khỏi quá trình sản xuất, mà còn làm gián đoạn sự phát triển xã hội. Theo C.Mác: “kết hợp lao động sản xuất với trí dục và thể dục không phải chỉ là một phương pháp để làm tăng thêm nền sản xuất xã hội mà còn là một phương pháp duy nhất để sản xuất ra con người phát triển toàn diện” (3). Goethe là một trong những người tiên phong đề xuất trải nghiệm mới trong học tập. Ông hướng tới việc ứng dụng lý thuyết với cuộc sống hằng ngày thay vì phải: “Giam thân trong sách vở bốn tường vây / Thảng hoặc nhìn đời vào những ngày hội lễ / Lại dùng kính hiển vi cho mắt ghé” (4). Một nền giáo dục tiến bộ không những bồi dưỡng kiến thức mà còn nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo. Ông tin rằng, điều này có thể đạt được thông qua một nền giáo dục rộng mở bao gồm nhân văn, nghệ thuật và khoa học. Goethe ủng hộ một nền giáo dục nhân văn luôn khuyến khích con người thực hiện phản tư và tìm kiếm ý tưởng mới.

Trong phông nền u ám của thế giới phong kiến đó, tư tưởng Khai minh của Goethe tỏa sáng khắp nền giáo dục châu Âu. Nó như một bức tranh rực rỡ về sự phát triển cá nhân, khuyến khích sự đa dạng và quan tâm đến nhu cầu riêng của từng người học. Triết lý này mang lại cho người học và người dạy cơ hội để khám phá và trải nghiệm một cách tự chủ, hướng đến việc phát triển đầy đủ khả năng của con người. Cuộc sống luôn chịu ảnh hưởng của quá trình vận động và phát triển liên tục. Vì vậy, các ngành giáo dục, khoa học và kỹ thuật cũng phải điều chỉnh, canh tân để đáp ứng nhu cầu thời đại. Goethe cho rằng, để đảm bảo một nền giáo dục toàn diện, cần phải đổi mới từ khía cạnh nhận thức, phương pháp giảng dạy cho đến thiết bị, cơ sở vật chất “Có dùng được chúng mới thực nên có chúng/ Gánh nặng bao nhiêu, những của cải chất chồng vô dụng!” (5). Theo ông, những lý thuyết sách vở dẫu rằng hay đến đâu nhưng nếu quá nặng nề, không còn phù hợp thì chúng ta nên cân nhắc khi đưa vào giảng dạy. Goethe viết rằng: “Mảnh da cừu đâu phải suối linh đài, để ta uống trọn đời không khát nước” (6). Như vậy, theo quan điểm của ông thì nhu cầu tri thức là vô bờ bến “trọn đời” mà nhân loại luôn tìm tòi như “khát nước”. Niềm tin của Goethe đã phản ánh trong mô hình giáo dục Khai phóng qua những giá trị sáng tạo và linh hoạt của suy nghĩ. Nhờ vào quá trình học tập đa ngành và tiếp xúc với các lĩnh vực khác nhau, con người có cái nhìn toàn diện hơn và tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp.

Kiến thức trong sách vở có nhiều giới hạn, do đó, hoạt động giáo dục cần phải luôn đổi mới không ngừng nhờ vào những trải nghiệm đa dạng từ hiện thực đời sống. Điều này không chỉ là một yếu tố cần thiết mà còn mang tính lâu dài. Trên thực tế, ngày nay những mô hình giáo dục mới như Montessori hay giáo dục Khai phóng đều nhấn mạnh việc phát triển toàn diện các khía cạnh trong học tập và phát triển cá nhân. Hệ thống giáo dục ngày nay đã thấy rõ một sự thay đổi tích cực khi các hoạt động giáo dục đều được tập trung vào khai phóng ý tưởng và kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại cho người học và người dạy nhiều định hướng cần thiết cho cuộc sống trong tương lai.

Nhà dân chủ cách mạng Nga xuất sắc, nhà mỹ học Nga lỗi lạc TK XIX, Tshernyshevski đã viết: “Cái đẹp là cuộc sống, một tồn tại được gọi là đẹp là tồn tại trong đó chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của mình. Một đối tượng đẹp là đối tượng chứng tỏ nó mang một cuộc sống hay gợi cho ta ý niệm về cuộc sống” (7). Nhiều thế kỷ sau thời đại Goethe, Sidney Hook (1902-1989) là nhà triết học và giáo sư người Mỹ, đã phát triển triết lý giáo dục Khai phóng dựa trên ý tưởng kết nối giữa khoa học và xã hội. Theo Sidney Hook, triết học không chỉ là một lý thuyết trừu tượng, mà nó phải liên quan chặt chẽ đến thực tiễn xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề thiết yếu của cuộc sống. Ông cũng cho rằng giáo dục có vai trò quan trọng trong việc đào tạo những con người có khả năng áp dụng triết học vào thực tiễn, từ đó cùng nhau tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

2. Giáo dục như một nghệ thuật của sự đồng cảm

Cảm hứng Khai minh từ thời đại Goethe cũng mang đến cho các nhà giáo và quản lý giáo dục một bộ công cụ để xác định những vấn đề thực tế của hệ thống giáo dục hiện tại và đưa ra các cải tiến. Trong đó, giáo dục không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức mà còn khuyến khích sự phát triển toàn diện của người học thông qua các hoạt động giáo dục phù hợp với từng đối tượng người học. Đặc biệt là giáo dục nghệ thuật. Goethe tin rằng nghệ thuật rất quan trọng đối với giáo dục. Thông qua nghệ thuật, chúng ta có thể tìm hiểu về thế giới và chính mình. Nó giúp chúng ta phát triển sự đồng cảm và hiểu biết. Nghệ thuật cũng có sức mạnh để thay đổi chúng ta. Nó giúp chúng ta nhìn thế giới theo một cách khác. Thông qua nghệ thuật, chúng ta có thể học cách đánh giá cao vẻ đẹp của thế giới và tìm hiểu về các quan điểm và ý tưởng khác nhau. Nghệ thuật có thể là một công cụ mạnh mẽ để giáo dục và làm cho chúng ta trở nên đồng cảm hơn.

Khi viết kịch Faust, Goethe đã đưa ra một gợi ý quý giá cho chúng ta về cách chuyển đổi cảm xúc từ người thày thành cảm xúc và sở đắc của người học. Quá trình phức tạp này đã được Goethe nêu lên: “…không bao giờ anh kết được với lòng người/ Nếu không phải tự lòng anh cất nên lời/ Nếu không thấy động lòng mãnh liệt/ Nếu lời nói không thoát ra từ tâm hồn thống thiết” (8). Như vậy, kiến thức được truyền đạt phải xuất phát từ cảm xúc chân thật của người thày. Trong nền giáo dục Khai minh, nghệ thuật giáo dục từ sự đồng cảm được coi là một yếu tố cốt lõi. Sự đồng cảm trong giáo dục được hiểu là khả năng cảm nhận và tương tác với người học một cách tự nhiên và hiệu quả. Từ đó, cho phép người dạy hiểu rõ hơn về nhu cầu của người học, điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng người học và giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người học. Sự đồng cảm cũng cho phép người dạy giúp người học phát triển tư duy sáng tạo và khám phá tiềm năng bản thân. Bằng cách tạo ra môi trường tích cực và khuyến khích người học tham gia vào quá trình học tập.

Để đạt được điều này, người dạy cần phải truyền tải bài giảng bằng sự hiểu biết và cảm xúc sâu sắc về nội dung bài học. Họ cần biến những vẻ đẹp trong bài giảng thành cảm xúc thẩm mỹ và để truyền cảm hứng cho người học “hòa nó vào cấu trúc tâm lý thẩm mỹ của mình” (9). Thông qua các bước cơ bản trong quá trình giảng dạy, người dạy đã chuyển hóa “cấu trúc tâm lý thẩm mỹ” bên trong thành cái đẹp bên ngoài. Hegel gọi đó là: “sự thống nhất trực tiếp của khái niệm với hiện thực của nó trong chừng mực thể thống nhất này xuất hiện trong cái hiện thực và cảm quan” (10). Mục đích của việc giảng dạy là để giúp người học có thể cảm nhận được cái đẹp (cảm thức thẩm mỹ) từ nội dung bài giảng được truyền đạt bởi người dạy. Đồng thời, người học sẽ biến những vẻ đẹp đó thành cảm xúc và khai thác vẻ đẹp bên trong của bản thân mình. Sự sáng tạo của người học có tác động rất tích cực trở lại đối với người dạy.

3. Hướng đến sự phát triển nhân văn và toàn diện

Trong môi trường dạy học, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, hay huấn luyện kỹ năng. Người thày cần có khả năng giúp người học hiểu rõ giá trị của cuộc sống, rèn luyện phẩm chất đạo đức và hướng họ đến sự phát triển toàn diện. Người thày trong tư tưởng Khai minh của Goethe là một ví dụ điển hình về một nhà giáo dục vĩ đại. Đó là người khơi dậy trong người học niềm say mê học tập, đồng thời giúp người học cảm nhận một cách sâu sắc những giá trị mà cuộc sống mang lại. Từ đó, tư duy người học được điều chỉnh ngày một đúng đắn hơn. Sự điều chỉnh đó, chắc chắn bắt nguồn từ tình yêu thương, chấp nhận lẫn nhau dưới ánh nhìn bao dung và tôn trọng. Những gì giáo dục Khai minh mang đến cho chúng ta không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của người học mà còn ảnh hưởng đến tương lai của toàn xã hội. Đó là một cam kết tự giác hoàn thiện bản thân, tự nguyện theo đuổi việc học suốt đời. Trong Faust, đó là những người: “đi tìm nguồn tươi sáng, cho đến lúc chiều tà / Vẫn thiểu não lang thang theo bóng tăm chân lý?” (11). Một cam kết mang tính định mệnh của người tri thức chân chính. Người thày trong lý tưởng của Goethe phải xem giáo dục là sứ mệnh thiêng liêng. Mặc dù người thày đã có nhiều trải nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực của mình, cũng không tự mãn, không xem mình là hiện thân của năng lực toàn tri.

Nhìn từ góc độ chuyên môn, quan điểm nhân văn đó cũng chính là động lực giúp người dạy tự hoàn thiện chính mình. Bằng cách hiểu được nhu cầu và mong muốn của người học, để điều chỉnh phương pháp giảng dạy giúp người học tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn: “Mỗi lần người giáo dục tiếp xúc với đối tượng giáo dục của mình, đều phải khơi gợi được nhiệt tình trong tâm hồn họ. Công việc càng tỉ mỉ, càng tình cảm thì sức mạnh trào dâng từ sâu trong tâm hồn của các em càng lớn” (12). Goethe đã nhận thấy rằng, trong quá trình giảng dạy, nếu người dạy có thể khơi dậy hoặc điều chỉnh nhận thức, cảm xúc của người học. Dẫn dắt người học đi từ tò mò, phẫn nộ, buồn thương đến niềm vui và lòng trắc ẩn. Được vậy, người thày sẽ tạo nên một ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của người học. Người thày trong quan niệm của Goethe, phải là một kiến trúc sư tâm hồn, hiểu rằng mình chỉ là người lữ khách viễn du trên những con đường chân lý. Điều đó đã làm nên tính nhân văn tuyệt vời của nền giáo dục Khai minh.

Thế giới chứng kiến nhiều biến động, đầy thách thức và cơ hội. Trong bối cảnh đó, nhân loại phải đối diện với những nhan đề về bản chất của tri thức. Vì vậy, tri thức phải tự mình khai phóng để đáp ứng yêu cầu thời đại. Những quan điểm của Goethe, người khổng lồ của tri thức Khai minh, tỏ ra hiện đại một cách đáng kinh ngạc khi soi chiếu vào hiện thực đương đại ngày nay. Để qua đó, chúng ta có thể khơi lên những suy tư về văn hóa và giáo dục, trong một thời đại luôn thay đổi.

4. Kết luận

Giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống vật chất lẫn tinh thần nhân loại là một trong những động lực cũng là yêu cầu mang tính sống còn với lĩnh vực nhân văn và giáo dục nói chung. Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng trong phương thức tiếp cận của chúng ta. Từ nền tri thức Khai minh, nhiều gợi mở được đặt ra. Trong đó, khuynh hướng thực tiễn và nhân văn là một trong những vấn đề quan trọng trong định hướng phát triển. Đặc biệt, yếu tố con người cần được xem như nền tảng và cốt lõi cho việc xây dựng một nền giáo dục, văn hóa hiện đại và tiến bộ. Không có định hướng nhân văn và yếu tố con người, sự đổi mới về phương pháp dễ rơi vào thủ thuật hoặc thoái lui về kỹ thuật. Yếu tố vị nhân sinh cũng chính là đặc điểm khu biệt giữa giáo dục kinh viện với nền giáo dục đậm chất nhân văn. Giáo dục kinh viện thời Trung cổ và khuynh hướng vật hóa tri thức hiện thời tuy xuất phát từ những nền tảng kinh tế, xã hội khác nhau nhưng lại có cùng điểm đến.

Có thể nhận định, Goethe là đại diện xứng đáng cho nền văn hóa nhân đạo Đức. Ông không chỉ là thi hào lỗi lạc mà còn là một học giả, một nhà khoa học có nhiều cống hiến cho nhân loại. Những suy tưởng của ông cho thấy sự sâu sắc và tính ứng dụng cao. Nó không chỉ có ý nghĩa vạch hướng đi cho thời đại Khai minh mà còn mang đến nhiều gợi mở cho công cuộc phát triển văn hóa và giáo dục của nước ta trong thời đại mới.

_________________

1. J .W.Von Goethe, Faust, Nxb William Benton, Chicago, 1984, tr.48.

2, 4, 5, 6, 8, 11. Goethe (Thế Lữ, Đỗ Ngoạn dịch), Phaoxtơ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2006, tr.104, 114, 127, 117, 115,126

3. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.688.

7. Lê Ngọc Trà, Văn chương, Thẩm mỹ và Văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.278.

9,12. Lương Vị Hùng, Khổng Khang Hoa, Bùi Đức Tiệp dịch, Triết học giáo dục hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.546, 550.

10. Heghen, Mỹ học, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, tr.5.

HUỲNH THỊ DIỄM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;