Biến đổi văn hóa của các tộc người ở Luang Prabang (CHDCND Lào) hiện nay

Nước CHDCND Lào bao gồm 50 tộc người và được phân thành 3 nhóm dân tộc, đó là Lào Lùm, Lào Thơng và Lào Sủng. Lào Lùm là tên gọi các tộc người sống ở vùng thấp, tức vùng đồng bằng, thung lũng dọc sông Mêkông và các chi lưu, như Nậm U, Nậm Khan, Nậm Ngừm… Hiện tại, các tộc người Lào Lùm bao gồm 8 tộc người thuộc ngữ hệ Lào - Thay (62,4%), như: người Lào, Phu Thay, Lự, Dắng, Sek, Nhuồn… Người Lào Thơng (người Lào ở rẻo giữa), là các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme (23,7%), với khoảng 20 tộc người khác nhau, sinh sống chủ yếu ở sườn núi cao vùng núi phía Bắc (khoảng 500-700m trên mực nước biển) và các cao nguyên đất đỏ ở trung và hạ Lào. Các tộc người được mệnh danh là Lào Sủng, thường trùng hợp với tộc người nói ngôn ngữ Mông Iumien (9,7%) và Tạng - Miến (2,9%). Họ thường sống ở các vùng núi cao trên dưới 1.000m ở vùng Bắc Lào (1).

Quá trình hội nhập đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Luang Prabang là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người và là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Lào. Các phương tiện truyền thông đại chúng, sự phát triển du lịch, sự biến đổi của môi trường tự nhiên, yếu tố địa chính trị, kinh tế… đã và đang tác động mạnh đến sự biến đổi văn hóa tộc người ở Lào.

Định nghĩa văn hóa của UNESCO trong Tuyên bố về chính sách văn hóa ở Mexico (1982) được sử dụng phổ biến hơn cả: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản tồn tại của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng” (2). Như vậy, văn hóa bao hàm rất nhiều lĩnh vực, cả về đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trước đây, cũng đã một số công trình bàn về vấn đề biến đổi văn hóa Lào trong bối cảnh hội nhập, những thách thức về mặt chính trị, xã hội xảy ra trong quá trình biến đổi, lựa chọn giá trị văn hóa như: Boike Rebein (2007) (3), Chazee L (2001) (4), Chazee L (2002) (5)… Trong bài viết, tác giả tìm hiểu một số khía cạnh văn hóa tộc người ở Luang Prabang dưới ảnh hưởng kinh tế, chính trị và văn hóa phương Tây, mối quan hệ giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoại vi được hình thành và biến đổi thông qua hệ thống hành chính quốc gia.

1. Một số quan điểm của Nhà nước Lào về vấn đề văn hóa tộc người

Chính phủ nước CHDCND Lào luôn xác định đường lối chung thống nhất trong việc phát triển văn hóa các tộc người. Từ khi nước CHDCND Lào thành lập vào năm 1975, Chính phủ đã quyết định quản lý đất nước bằng pháp luật. Ông Cayson Phomvihane, Tổng Bí thư của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, vào ngày 15-7-1981 đã chỉ ra bản chất vấn đề văn hóa dân tộc ở Lào như sau: “Văn hóa Lào phải là văn hóa cơ sở được tất cả các dân tộc khác chia sẻ, và phải là dân tộc đóng vai trò như chiếc cầu nối đối với việc trao đổi văn hóa giữa tất cả các dân tộc; tiếng Lào là ngôn ngữ chung và chữ Lào là chữ viết thông dụng của tất cả các tộc người thiểu số; tuy nhiên, mỗi nhóm tộc người thiểu số vẫn nên duy trì ngôn ngữ nói và phong tục tập quán riêng của mình”(6). Năm 1991, Hiến pháp Lào đã được ban hành. Điều 8 của Hiến pháp xác định: “Nhà nước theo đuổi chính sách tăng cường tính thống nhất và bình đẳng trong tất cả các nhóm tộc người. Tất cả các nhóm tộc người có quyền được bảo vệ và duy trì các tập quán và văn hóa tốt đẹp của riêng mình và quốc gia. Tất cả các hành động tạo ra sự chia rẽ và phân biệt đối xử giữa các nhóm tộc người đều bị ngăn cấm. Nhà nước thực hiện mọi biện pháp để từng bước phát triển và nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các nhóm tộc người (7).

Hiến pháp cũng khẳng định: “Người dân Lào có quyền tự do theo hay không theo tôn giáo” (8) và quan điểm này luôn được Đảng và Nhà nước Lào duy trì. Hiện nay, Lào là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo được Chính phủ công nhận bao gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, đạo Ba Rai và đạo Hồi… Ngoài ra, trong dân gian vẫn còn rất nhiều người theo tín ngưỡng thờ Phỉ (ma, thần), hay vừa thờ Phỉ, vừa thờ Phật. Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở Lào với số lượng tín đồ đông đảo chiếm khoảng 70% dân số (9).

Để thống nhất và phát triển đất nước, chính sách Nhà nước hướng đến các tộc người thiểu số vùng cao đã được thực hiện thông qua các cơ chế về giáo dục, chuyển đổi tôn giáo. Tiếng Lào được quy định sử dụng chính thức trong các trường học trên khắp cả nước. Kiến thức địa phương hoặc bản địa không được chú trọng trong chương trình giảng dạy ở trường học. Thêm vào đó, Phật giáo được đề xướng là quốc giáo với mong muốn người dân tộc thiểu số trở thành những tín đồ Phật giáo, giống như tộc người Lào - tộc người đa số của đất nước. Đằng sau chính sách này là kỳ vọng xây dựng một quốc gia dân tộc thống nhất ở Lào. Đối lập với nó là chính sách phát triển du lịch tộc người của Nhà nước, nhằm tăng cường lối sống truyền thống của các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch. Theo mục đích kinh tế quốc gia, nó không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn là một sản phẩm của thương mại, đồng thời khuyến khích người dân tộc thiểu số tạo ra ngành công nghiệp thương mại dựa vào bối cảnh địa phương và bản sắc tộc người.

2. Chuyển đổi văn hóa sinh kế của các tộc người ở Luang Prabang

Văn hóa sinh kế là một thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa sinh kế hay văn hóa đảm bảo đời sống gồm nhiều thành tố như ăn, mặc, ở, kiếm sống, tri thức, đời sống tín ngưỡng phục vụ cho việc đảm bảo cuộc sống của con người, trong đó, hoạt động mưu sinh, kiếm sống là thành tố quan trọng nhất (10). Các hoạt động văn hóa sinh kế của các tộc người là những công việc và gắn với nó là một lối sống đã được định hình từ lâu trong lịch sử với một môi trường sinh thái cụ thể. Tái định cư ở Luang Prabang là quá trình can thiệp vào văn hóa tộc người thông qua việc xóa bỏ hoặc thay đổi những điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội đã gắn bó từ lâu với con người. Ngoài tộc người Lào chiếm đa số sinh sống ở vùng đồng bằng, các tộc người thiểu số khác hầu hết cư trú ở những vùng nông thôn và miền núi. Người dân tiếp tục duy trì sinh kế canh tác nương rẫy truyền thống. Từ năm 1986, cùng với việc thực hiện nhiều mục tiêu phát triển đất nước, người Lào Sủng và Lào Thơng được chuyển xuống định cư ở khu vực thấp hơn. Tuy nhiên, việc chuyển cư lại đặt ra mối đe dọa đến lối sống, mối liên hệ với đất đai của các tộc người thiếu số (11).

Ở Luang Prabang, lối canh tác truyền thống của người dân vùng cao được cho là nguyên nhân chính gây ra suy thoái rừng, xói mòn đất và lũ lụt. Thói quen du canh, du cư và các hoạt động khai thác lâm sản không có kế hoạch của người dân đang gây áp lực lên rừng (12). Việc trồng trọt tại các sườn dốc, ruộng bậc thang bị cho là “thiếu kiến ​​thức” khoa học và phá hoại môi trường. Trước năm 2000, Lào có khoảng 300.000 hộ gia đình vẫn duy trì sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào rừng (13).

Người Mông có khoảng 316.000 người, chủ yếu sinh sống ở vùng núi phía Bắc Lào (14). Gần đây, theo chủ trương chính sách của Nhà nước, rất nhiều người Mông được vận động xuống định cư ở Luang Prabang. Trong truyền thống, người Mông sản xuất tại những cánh đồng cố định nhưng lại khai thác lâm sản như gỗ, trầm hương, trái cây dại… Một số lượng lớn được họ đem bán ở Thủ đô Vientiane hoặc thị trường Thái Lan để thu lợi nhuận hấp dẫn hơn. Rất nhiều người dân tộc thiểu số được những lái buôn thuê tìm kiếm lâm sản và việc khai thác các sản phẩm từ rừng đã quá tải do việc bị thương mại hóa (15).

Nhằm khắc phục tình trạng này, Chính phủ Lào đã và đang cố gắng thực hiện chính sách đưa người dân sinh sống ở vùng cao xuống vùng thấp hơn, thực hiện các chính sách định canh định cư được thể hiện thông qua một loạt các nghị quyết, sắc lệnh của Đảng và Nhà nước về việc phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo như Sắc lệnh số 36/2011 của Thủ tướng về việc sắp xếp nơi ở và sinh kế ổn định cho người dân tộc thiểu số, Nghị định số 285/2015 của Thủ tướng về kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo vào năm 2020… Người Lào Sủng và Lào Thơng đang được khuyến khích, thậm chí là bắt buộc nếu cần thiết, để chuyển xuống vùng thấp, nơi có nhiều cơ hội kinh tế hơn, sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn và cũng dễ tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ hơn như giáo dục và y tế (16).

Sự di chuyển xuống định cư ở Luang Prabang cũng làm biến đổi sinh kế của các tộc người. Chính phủ Lào đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái định cư cho người dân và thúc đẩy các hệ thống canh tác lâu dài nhằm bảo vệ hệ sinh thái và trật tự xã hội. Người dân được vận động loại bỏ cây thuốc phiện, kết hợp trồng các loại cây mới, công nghệ mới được cung cấp và được các dự án phát triển hỗ trợ thực hiện. Để giúp người dân tái định cư bền vững, chính quyền tỉnh Luang Prabang đã khuyến khích người dân tham gia buôn bán và các hoạt động dịch vụ du lịch khác với mức phí rất thấp (17). Vì thế, tất cả tộc người thiểu số ở Luang Prabang đều có mặt tại Chợ Đêm (Tòn Khăm). “Tôi đã bán tất cả những bức tranh vải do tôi tự làm ở chợ vào năm 1997 giống như hầu hết những người phụ nữ Mông khác và sau đó đem bán ở Chợ đêm vào khoảng năm 2002. Nhà nước đã đề nghị chúng tôi tưởng tượng và sáng tạo ra những sản phẩm mới, khác với những gì mà trong cửa hàng đã bán, vì thế chúng tôi không làm những thứ tương tự” (18).

Việc tái định canh, định cư là chủ trương tốt, nhưng việc thay đổi lối sống lâu đời trong thời gian ngắn không dễ dàng. Khi chuyển cư xuống thị trấn Luang Prabang, từ những người nông dân gắn với ruộng vườn, họ đã chuyển sang làm thủ công, buôn bán và tham gia vào các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, đối với nhiều tộc người nơi đây, việc buôn bán chỉ là phương sách cuối cùng, bởi nó được coi là kém an toàn hơn so với các biện pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Việc chuyển đổi môi trường sống, chuyển đổi sinh kế đã tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số. Điều này đã gây ra những bất ổn tâm lý đối với người dân trong việc lựa chọn và tiếp nhận văn hóa mới. Một người phụ nữ Mông chia sẻ: “Chúng tôi sống tự do và độc lập gần những cánh đồng lớn của chúng tôi. Chúng tôi nuôi vật nuôi và trồng cây ăn quả, nhưng chúng tôi đã bị yêu cầu rời dần dần khỏi vùng đất này, văn hóa truyền thống để đến sống ở vùng đất thấp, để dễ tiếp cận với bệnh viện và trường học. Và đó là tại sao hiện nay chúng tôi phải sống ở đây. Chúng tôi không muốn rời đi, chúng tôi biết chắc rằng cuộc sống thành phố sẽ rất khó khăn bởi cần có tiền để trả cho mọi thứ. Chúng tôi quay trở lại làng của chúng tôi hàng năm, gạo của chúng tôi đến từ đó, nhưng hiện nay nó hầu như đã bị hoang hóa” (19).

Xung đột văn hóa tộc người nhiều khi lại bắt nguồn từ việc cạnh tranh sử dụng nguồn tài nguyên khan hiếm. Theo chính sách của Chính phủ Lào, một số người Sing Moon vùng cao được tái định cư và chia đất làm nông nghiệp với một ngôi làng người Thái Đen. Tuy không có xung đột công khai nhưng mối quan hệ giữa hai tộc người không mấy hài hòa. Người Sing Moon đã học nói tiếng Thái và làm nhà giống người Thái Đen nhưng vẫn cố gắng duy trì sống tách biệt với ngôi làng người Thái Đen để tránh bị đồng hóa văn hóa và bị đối xử bất công trong việc phân chia đất (20).

3. Văn hóa tộc người và vấn đề phát triển

Quá trình hội nhập, một mặt, thúc đẩy sự giao lưu, ảnh hưởng giữa các dân tộc, khiến các dân tộc xích lại gần nhau. Điều này không chỉ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, mà còn thúc đẩy cả quá trình phát triển văn hóa. Chính sách đổi mới và mở cửa thực sự trở thành phép màu làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa Luang Prabang và trên toàn nước Lào. Mặt khác, hội nhập cũng làm nảy sinh những nghịch lý. Thực tế, hội nhập rất dễ dẫn đến mất tính dân tộc trong nhiều lĩnh vực, nhưng đồng thời nó cũng nỗ lực phát triển, làm tiêu chuẩn hóa nền văn hóa quốc gia dân tộc cũng như nhiều thực thể và hiện tượng văn hóa địa phương (21).

Hiện đại hóa có nghĩa là thay thế thực hành truyền thống lạc hậu bằng ứng dụng kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại. Ở Lào, niềm tin và thực hành tôn giáo của các dân tộc thiểu số vùng cao là một vấn đề đáng lo ngại đối với Chính phủ. Ở Luang Prabang có rất nhiều các tộc người thiểu số được di rời xuống định cư tại thị trấn như Mông, Dao… Họ đã từng bước hội nhập về kinh tế, xã hội và văn hóa với người vùng thấp. Sự chuyển cư xuống đồng bằng của những nhóm người vùng cao được khuyến khích vì mục đích tăng cường phúc lợi xã hội và thống nhất văn hóa quốc gia nhưng đã tác động đến tôn giáo, tạo ra một vài sự xáo trộn trong hệ thống thờ cúng, các thần linh bảo vệ con người tại nơi cư ngụ mới. Nhiều người dân chuyển cư cảm thấy mình bị tách ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội: “Làm thế nào để tôi có thể trở thành người đô thị? Liệu các vị thần linh, tổ tiên của chúng tôi có thể hiện diện ở một nền văn hóa lai tạp như Luang Prabang không?” (22).

Văn hóa của các tộc người thiểu số luôn bị ảnh hưởng, chi phối bởi các tộc người đông hơn sống trong cùng khu vực. Nhà nước CHDCND Lào lấy văn hóa Lào làm cơ sở phát triển, khuyến khích duy trì bản sắc văn hóa và tiếng nói của từng tộc người. Đồng thời, lại kêu gọi xóa bỏ các phong tục tập quán được cho là lạc hậu ở các tộc người thiểu số. Điều này cho thấy, những nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất và bình đẳng của Chính phủ Lào, nhưng cũng có thể dẫn đến sự đồng hóa văn hóa các dân tộc thiểu số. Mối quan hệ này cho thấy việc chấp nhận văn hóa của tộc người chiếm ưu thế hơn trong khi tộc người bị đồng hóa cố gắng chống lại sự bị đồng hóa. Trong khi người Sing Moon học tiếng Thái Đen và tiếng Lào, thì người Thái Đen học nói tiếng Lào và mặc trang phục của người Lào. Một trường hợp khác là người Lự ở Lào, ở một mức độ nào đó đã có sự chuyển đổi về mặt tôn giáo, họ đã theo đạo Phật giống người Lào. Tuy nhiên, người Lự vẫn cố gắng duy trì sự khác biệt với các tộc người khác như Akha, Mông, Khơ mú và Thái Đen...

4. Sự lựa chọn thực hành văn hóa của các tộc người ở Luang Prabang

Trong nhiều năm trở lại đây, khi thảo luận về tác động tích cực cũng như tiêu cực của du lịch đối với văn hóa địa phương, các nhà nghiên cứu có xu hướng hoài nghi nhiều hơn về các tác động tích cực của nó. Các học giả lo ngại rằng, lượng khách du lịch ngày càng tăng trong tương lai gần sẽ dẫn đến một nền văn hóa được “trình diễn” để kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hơn là việc bảo tồn văn hóa (23). Bên cạnh đó, lý thuyết về sự lựa chọn hợp lý lại cho rằng, con người luôn hành động một cách có chủ đích để lựa chọn các nguồn lực một cách duy lý nhằm đạt được lợi ích tối đa với chi phí tối thiểu (24). Do đó, dưới tác động của hội nhập, các tộc người sẽ có xu hướng lựa chọn nền văn hóa phù hợp, đem lại lợi ích cho cuộc sống của mình.

Việc mở rộng du lịch vào vùng núi để khai thác văn hóa truyền thống trong môi trường “nguyên sơ” của các tộc người thường bị nhiều nhà nghiên cứu phản đối. Tuy nhiên, mối quan tâm cơ bản là các tộc người và công ty du lịch khai thác hầu hết đều nhằm vào các lợi ích thương mại. Giao thông thuận tiện hơn hiện đã cho phép nhiều người dân vùng cao xuống thị trấn để bán đồ thủ công truyền thống.

Thương mại hóa trong thủ công nghiệp đã làm thay đổi các tập quán văn hóa xã hội. Tại làng Phạ Nôm của người Lự, phụ nữ đã mua máy may để may những bộ váy áo theo phong cách truyền thống. Ngoài ra, việc mua nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc đã giúp năng suất cao hơn, giảm giá thành sản phẩm. Những chiếc váy này cũng có thể được bán ở thị trấn như những chiếc váy Lào truyền thống để du khách tìm kiếm, mong muốn trải nghiệm văn hóa tộc người. Điều này cũng tương tự diễn ra tại các làng nghề khác. Nghề làm giấy saa ở bản Sang Khoóng nổi tiếng với các sản phẩm thủ công truyền thống như: tranh vẽ, đèn lồng, quạt, sách vở... Quy trình sản xuất diễn ra theo phương pháp truyền thống không sử dụng máy móc và chất hóa học. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu tại chỗ không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, người dân phải mua thêm nguyên liệu ở nơi khác. Nghề làm bạc ở bản Vát Thát là một nghề nổi tiếng ở Luang Prabang. Trước đây, đồ bạc chỉ được sử dụng trong cung vua, giới quý tộc, với các sản phẩm đồ gia dụng (chậu, mâm, khay) và đồ trang sức (vòng tay, dây chuyền, nhẫn, khuyên tai) với hoa văn họa tiết tinh xảo, thể hiện văn hóa truyền thống của tộc người Lào. Nguyên liệu làm bạc làng Vát Thát thường được mua từ Thủ đô Vientiane. Hiện nay, nghề làm bạc Vát Thát có rất nhiều biến đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển của cuộc sống và phát triển du lịch của thành phố Luang Prabang. Do nhu cầu tăng, người thợ đã giảm bớt đường nét hoa văn cầu kỳ trên các sản phẩm để rút ngắn thời gian chế tác, tỷ lệ tạp chất pha trong bạc cũng nhiều hơn nhằm hạ giá thành sản phẩm…

Văn hóa tộc người được biến đổi phù hợp với môi trường mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch. Mặc dù, một mặt, bản sắc văn hóa tộc người đang trở thành hàng hóa thu hút khách du lịch, nhưng mặt khác, điều này đã giúp cộng đồng nhìn văn hóa của chính họ theo một khía cạnh mới và tích cực hơn. Nhiều sản phẩm thủ công với hoa văn cổ truyền được phục dựng lại và đưa vào sản xuất, giới thiệu với du khách trong và ngoài địa phương, đem lại niềm tự hào dân tộc… “Vì vậy, chúng ta phải đồng ý rằng văn hóa không phải là tĩnh và sẽ phù hợp hơn khi xem văn hóa là một quá trình năng động” (25).

Du lịch phát triển đã tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập, giúp đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây được nâng lên rõ rệt, giúp họ ổn định cuộc sống. Nhờ đó, đồng bào yên tâm với cuộc sống định canh, định cư, không còn hiện tượng du canh du cư như trước đây. Đồng thời, môi trường tự nhiên mà cụ thể là nguồn tài nguyên rừng được bảo vệ tốt hơn, giảm tối đa các hoạt động săn bắn, hái lượm và đốt rừng làm nương rẫy.

Kết luận

Sự hòa nhập quốc tế đòi hỏi sự hòa hợp dân tộc, do đó, người dân trước hết không chỉ là thành viên của một làng, một nhóm hoặc một “muang” (26) mà là của một quốc gia. Mặc dù vậy, hiện đại hóa nhanh chóng, thiếu sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và triển khai các chính sách, dự án dẫn đến việc điều kiện sống được cải thiện nhưng lại có thể gây mất phương hướng. Do đó, sự hòa nhập quốc gia dân tộc của các tộc người, đặc biệt là các tộc người thiểu số ở Luang Prabang nói riêng và Lào nói chung vẫn chưa thực sự có những bước tiến rõ rệt trong cuộc sống.

CHDCND Lào gồm nhiều nền văn hóa khác nhau, sự chênh lệch về điều kiện sống giữa các khu vực thành thị như Luang Prang và các vùng nông thôn, giữa dân tộc đa số và thiểu số, miền núi và đồng bằng, Thủ đô và vùng ngoại vi vẫn là một thực tế đáng quan tâm. Người Lào Lùm chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Mêkông có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa ngoại lai nhiều hơn các tộc người thuộc nhóm Lào Thơng và Lào Sủng. Do đó, những biến đổi về mặt văn hóa của những tộc người thuộc nhóm Lào Lùm cũng diễn ra trước và nhanh hơn. Gần đây, do quá trình vận động di cư đang diễn ra và do tác động của du lịch mạnh mẽ ở Luang Prabang, văn hóa các tộc người thiểu số đã có nhiều biến đổi. Như đã đề cập ở trên, ở Lào còn xuất hiện hội nhập văn hóa với tộc người đa số, đó là xu hướng Lào hóa.

____________________________

1. Open Development Laos, Ethnic Minorities and Indigeous people (Các dân tộc thiểu số và người bản địa), laos.opendevelopmentmekong.net, 2019.

2. UNESCO, Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa tại Mexico, Báo cáo cuối cùng, unesdoc.unesco.org, 1982, tr.8.

3. Boike Rebein, Globalization, Culture and Society in Laos (Toàn cầu hóa, văn hóa và xã hội ở Lào), Routledge, London and New York, 2007.

4, 15. Chazee L, The Mrabri in Laos: A World Under the Canopy (Người Mrabri ở Lào: một thế giới dưới tán cây), White Lotus, Bangkok, 2001, tr.37.

5, 13. Chazee L, The people of Laos: Rural and Ethnic Diversities (Người Lào: Nông thôn và Sự đa dạng tộc người), White Lotus, Bangkok, 2002, tr.23-25.

6.. Kayson Phomvihane, Reinforce and Expand the Basic Trust and Solidarity between Various Ethnic Groups in the Lao National Family, and Strengthen Unity, Resolutely Uphold and Strengthen the Country and Build Socialism to its Completion (Củng cố, mở rộng lòng tin và tình đoàn kết cơ bản giữa các nhóm tộc người khác nhau trong gia đình quốc gia Lào và tăng cường đoàn kết, kiên quyết giữ vững và củng cố đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội hoàn thiện), Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 1982, tr.48-49.

7. Quốc hội, Hiến pháp của nước CHDCND Lào, 2003.

8. Suneth Pjothisanne, Tiến trình Phật giáo ở Lào, Viện Nghiên cứu Nghệ thuật và Văn hóa, Đại học Maha Xarakham, tiếng Lào, 2006, tr.123.

9. Trung ương mặt trận Lào xây dựng đất nước - Ban Tôn giáo, Các tôn giáo ở CHDCND Lào năm 2008, tiếng Lào, 2018.

10. Nguyễn Thị Vân Anh, Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (trường hợp thôn Nà Lầu xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học Xã hội, 2018.

11. Phạm Thị Mùi, Chính sách đối với dân tộc thiểu số ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 2013.

12. Bộ Kế hoạch và Phát triển nông thôn, Kế hoạch phát triển nông thôn, 2015.

14. Txong Pao Lee, Mark E.Pfeifer, Hmong 101 Presentation (Bài thuyết trình về người Hmông 101), hmongcc.org, 2012.

16. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Kế hoạch phát triển nông thôn và xoá đói giảm nghèo 5 năm (2011-2015), tiếng Lào, 2010.

17. Phí chợ mỗi gian bán hàng trung bình là 2.000 kíp/tối; 1.000 kíp ≈ 2.700 VN đồng.

18, 19, 20, 22. Tài liệu điền dã, tháng 6-2019.

21. Jamaree Chiengthong, The politics of ethnicity, indigenous culture and knowledge in Thailand, Vietnam and Lao PDR (Chính sách về dân tộc, văn hóa và tri thức bản địa ở Thái Lan, Việt Nam, CHDCND Lào), trong Mingsarn Kaosa-ard and John Dore, Social Challenges for the Mekong Region (Những thách thức xã hội đối với khu vực Mekong), Đại học Chaing Mai, 2003.

23. Khampheng Thipmontali, The Lue of Muang Sing (người Lự ở Mường Sing), trong G.Evans (chủ biên), Lao: Culture and Society (Lao: Văn hóa và xã hội), Silkworm Books, Chiang Mai, 1999; Phạm Thị Mùi, Du lịch ở tỉnh Hòa Bình và vấn đề tính xác thực của văn hóa tộc người, Tạp chí Dân tộc học, số 4 (214), 2019; Salemink O, The king of fire and Vietnamese ethnic policy in the central highland (Vua lửa và chính sách dân tộc Việt Nam ở Tây Nguyên), trong D McCaskill and K Kampe (chủ biên), Development or Domestication? (Phát triển hay Thuần hóa), Silkworm Books, Chiang Mai, 1997.

24. Lê Thanh Tùng, Lý thuyết lựa chọn hợp lý và áp dụng trong nghiên cứu di cư quốc tế tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Duy Tân, số 02 (33), 2019.

25. Tapp, Ritual relations and identity - Hmong and others (Quan hệ nghi lễ và bản sắc - Hmông và những người khác), trong A Turton (chủ biên), Civility and Savagery (Lễ nghi và sự hoang dã), Curzon Press, Richmond, 2000, tr.355.

26. “Muang” tương đương với đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam.

Ths PHẠM THỊ MÙI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;