Trắc lượng thư mục (bibliometrics - TLTM) có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vai trò giá trị của hoạt động thông tin - thư viện đối với hoạt động nghiên cứu sáng tạo, trao đổi học thuật, đánh giá ảnh hưởng nghiên cứu trong trường đại học. Đây được coi là một lĩnh vực của khoa học thông tin và thư viện gắn liền với các nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ thư viện đại học. Bài viết giới thiệu khái niệm TLTM, mối quan hệ giữa TLTM và lĩnh vực thông tin - thư viện, hoạt động TLTM trong các trường đại học; những nội dung liên quan đến TLTM đã thay đổi vai trò của thư viện đại học và nghề thư viện như thế nào trong bối cảnh của trao đổi học thuật và đánh giá khoa học trong trường đại học.
1. Khái niệm TLTM và mối quan hệ với lĩnh vực thông tin - thư viện
Thuật ngữ bibliometrics có nhiều cách gọi: TLTM, phân tích thống kê thư mục, đo lường thư mục, đo lường ấn phẩm khoa học… và có nhiều quan điểm cũng như cách tiếp cận; được ghép từ 2 từ biblio nghĩa là sách và metrics nghĩa là đo lường. Alan Richard đề xuất bibliometrics có nghĩa là ứng dụng toán học và các phương pháp thống kê đối với sách (1). Hay còn gọi là phân tích định lượng hay đo lường ấn phẩm. TLTM có nghĩa đen là “đo lường sách” nhưng thuật ngữ này được sử dụng cho tất cả các loại tài liệu (đặc biệt là các bài báo tạp chí được coi như loại tài liệu thống trị vì tính công bố khoa học nhanh và mới). Những gì được đo không phải là tính chất vật lý của tài liệu mà là mẫu thống kê trong các biến như quyền tác giả, nguồn, chủ đề, nguồn gốc địa lý và trích dẫn. Nói cách khác, TLTM là một tập hợp các phương pháp toán học và thống kê được sử dụng để phân tích, đo lường chất lượng, số lượng của sách, tạp chí và các dạng ấn phẩm khác. Trên kết quả thu được từ việc phân tích định lượng các ấn phẩm, ứng dụng TLTM đóng vai trò là công cụ đánh giá nghiên cứu, đo lường ảnh hưởng nghiên cứu và năng suất khoa học.
TLTM có mối quan hệ và mối quan tâm giao phủ lẫn nhau với trắc lượng khoa học (đo lường khoa học).
Mối quan hệ giữa TLTM với trắc lượng khoa học, trắc lượng thông tin, trắc lượng không gian mạng, trắc lượng web
Tác giả J. MacColl khi nghiên cứu về vai trò của thư viện đại học trong quá trình đánh giá nghiên cứu cho rằng: thư viện đại học là nơi thu thập, xử lý và phổ biến nguồn tin khoa học và ứng dụng TLTM đối với nguồn tin khoa học nhằm hỗ trợ quá trình đánh giá nghiên cứu, xếp hạng khoa học. Ứng dụng TLTM trong hoạt động thông tin - thư viện đại học trong trường đại học góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của thư viện đại học (2).
Hơn nữa, TLTM được coi là một nội dung trong khoa học thông tin và thư viện nên phù hợp với các nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ thư viện đại học (3).
Động cơ thúc đẩy các hoạt động TLTM cho thấy hai nguyên nhân chính giải thích tại sao thư viện nên chịu trách nhiệm chính tổ chức các hoạt động TLTM. Đó là: Những năng lực nghề nghiệp của nghề thư viện và khoa học thông tin - thư viện liên quan đến cơ sở dữ liệu (CSDL), nguồn tin, siêu dữ liệu và kinh nghiệm với các công cụ thư mục; Vị trí của thư viện trong trường đại học, mối quan hệ giữa thư viện với khoa, phòng chức năng phục vụ các hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu.
2. TLTM thay đổi vai trò của thư viện đại học và nghề thư viện
Sự phát triển TLTM trong hoạt động thông tin - thư viện cho thấy mối quan tâm về TLTM ngày càng tăng. TLTM là một phần của khoa học thông tin - thư viện và việc sử dụng TLTM trong các thư viện đã tồn tại từ lâu như: phát triển và quản trị bộ sưu tập, đặc biệt trong mối quan hệ với phát triển thư viện số. Thư viện đại học ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật của TLTM cho các mục đích đánh giá nghiên cứu, mà khía cạnh quan trọng nhất là đánh giá hiệu suất nghiên cứu thông qua các chỉ số TLTM (4). Các hội nghị, hội thảo, khóa học về TLTM và các chỉ số TLTM liên quan đến khoa học và công nghệ tăng cả về số lượng và quy mô. Mối quan tâm về TLTM ở cả mức trường đại học và quy mô quốc gia tại nhiều nước trên thế giới.
Các hoạt động TLTM chính trong các trường đại học lớn trên thế giới bao gồm: đo lường ảnh hưởng nghiên cứu; hoạt động xuất bản, công bố nghiên cứu; lý lịch, tuyển dụng, thăng tiến, học bổng, phần thưởng khoa học của giảng viên/ nhà khoa học của trường đại học; giới thiệu nội dung nghiên cứu của cá nhân/ nhóm/ đơn vị trong trường đại học; xác định những lĩnh vực nghiên cứu mạnh/ yếu; thông báo những lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu; xác định tạp chí có ảnh hưởng cao nhất hoặc nằm ở top trên trong một lĩnh vực chủ đề; xác định nguồn xuất bản, học tập, xác định lĩnh vực nghiên cứu mới nổi; xác định top những nhà nghiên cứu trong một lĩnh vực; hợp tác/ cạnh tranh…
Cụ thể, việc ứng dụng của TLTM trong các trường đại học đối với giảng viên/ nhà khoa học nhằm mục đích: chứng minh tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng nghiên cứu của riêng một tác giả hoặc nhóm tác giả nghiên cứu. Mục đích dùng để: dự tuyển giảng viên chính, thăng tiến và tài trợ nghiên cứu, thêm dữ liệu TLTM vào hồ sơ tuyển dụng của các trường đại học; chứng minh giá trị của công trình nghiên cứu của giảng viên, nhà khoa học trong trường đại học; xác định đểm mạnh yếu của lĩnh vực nghiên cứu với mục đích dự báo ưu tiên lĩnh vực nghiên cứu trong tương lai; xác định những tạp chí dẫn đầu trong một lĩnh vực nhằm: quyết định xuất bản, xác định lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, học hỏi nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực đó; xác định những nhà nghiên cứu dẫn đầu trong một lĩnh vực nhằm giúp định vị đối tác nghiên cứu tiềm năng hoặc đối thủ cạnh tranh, học hỏi sâu hơn về nghiên cứu…
Vì vậy, TLTM có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vai trò giá trị của hoạt động thông tin - thư viện đối với hoạt động nghiên cứu sáng tạo, hoạt động trao đổi học thuật góp phần tạo nên hình ảnh, uy tín khoa học của các trường đại học.
Bên cạnh đó, sự phát triển những hoạt động TLTM tại các thư viện đại học đòi hỏi cần định nghĩa và mở rộng các vai trò chuyên nghiệp của cán bộ thư viện trong trường đại học. Về truyền thống, nghề thư viện thường tập trung vào các vấn đề liên quan đến bổ sung và tổ chức bộ sưu tập (vốn tài liệu), cũng như tìm kiếm, truy hồi thông tin cho người dùng thư viện. Tuy nhiên, với việc truy cập trực tuyến tới cả các công cụ tìm kiếm cũng như thông tin sẽ dễ dàng hơn cho người dùng tin tự thực hiện nghiên cứu và các nhiệm vụ liên quan đến tìm kiếm thông tin. Điều này dẫn đến việc người dùng thư viện không còn đòi hỏi cao đối với một số năng lực cốt lõi truyền thống của nghề thư viện. Vì vậy, một yêu cầu mới cần đặt ra là nghề thư viện cần tích hợp mạnh mẽ hơn với quá trình học thuật (5).
TLTM được coi là một lĩnh vực nghiên cứu để đo lường quá trình xuất bản học thuật của các thành tựu nghiên cứu bởi vì kỹ thuật và phương pháp của TLTM về cơ bản được sử dụng để hỗ trợ nghiên cứu. Sự hỗ trợ này thể hiện trên hai điểm: trao đổi học thuật (scholarly communication): tức là lần theo lịch sử và sự tiến bộ của các ý tưởng từ một nhà khoa học này đến một nhà khoa học khác; ảnh hưởng học thuật (scholarly influence): định lượng ảnh hưởng của một tài liệu, tác giả (nhà khoa học), tạp chí khoa học, trường đại học, quốc gia…
Cả hai mục đích này của TLTM đều dựa trên giả định rằng: các nhà khoa học trao đổi kết quả (phát hiện) nghiên cứu bằng cách xuất bản các công trình khoa học (đặc biệt dạng bài tạp chí khoa học). Các nhà khoa học trích dẫn những tác phẩm đã xuất bản trước có liên quan của các nhà khoa học khác.
Do vậy, các trường đại học trên thế giới ngày càng tập trung nhiều vào sự phát triển kiến thức và dịch vụ liên quan đến trao đổi học thuật (scholarly communication) cũng như định lượng ảnh hưởng học thuật (scholarly influence) hơn là tìm kiếm và truy hồi thông tin một cách đơn giản. Trong đó, hoạt động phổ biến các kết quả nghiên cứu ngày càng tăng. Ví dụ, các trường đại học ở châu Âu ngày càng tham gia mạnh mẽ vào việc khởi xướng các đề xuất về xuất bản nguồn tin khoa học nội sinh truy cập mở (Open Access - OA) và hoạt động tích cực để hỗ trợ những sáng kiến về truy cập mở như là các công cụ xuất bản truy cập mở lưu trữ trên không gian mạng và phát triển các kho tạp chí truy cập mở. Thư viện đại học ngày càng có trách nhiệm trong việc phát triển và duy trì CSDL nguồn tin nội sinh và ấn phẩm. Nguồn tin khoa học nội sinh có thể được nhìn nhận dưới hai quan điểm khác nhau. Một mặt, nguồn tin này được xem là có liên quan đến các vấn đề về truy cập mở, sử dụng phần mềm cơ bản dành cho nguồn tin này và được các trường đại học phát triển. Hệ thống này được thiết kế hoạt động không chỉ là CSDL mà còn như một công cụ cho xuất bản nghiên cứu. Mặt khác, nguồn tin khoa học nội sinh có thể được sử dụng như nguồn dữ liệu cho phân tích định lượng sản phẩm nghiên cứu đầu ra theo dạng thức xuất bản (6).
Yêu cầu của cán bộ thư viện với nhiệm vụ liên quan đến TLTM: Cán bộ thư viện có kỹ năng và kinh nghiệm trong đánh giá chất lượng nguồn thông tin và những kỹ năng này thích hợp với các nhà nghiên cứu, những người mà tác phẩm của họ được đánh giá cũng như phù hợp với việc đề xuất đánh giá nghiên cứu. Năng lực và nền tảng kiến thức dựa trên TLTM của cán bộ thư viện được yêu cầu, bao gồm: quen thuộc với các công cụ TLTM; thành thạo với các CSDL trích dẫn và CSDL thư mục; thành thạo với Microsoft Excel, các công cụ trực quan hóa và phân tích khác; hiểu biết bối cảnh xuất bản học thuật; kinh nghiệm với công cụ quản lý trích dẫn dạng CSDL thư mục như Endnote, ProCite, Zotero hoặc các CSDL thư mục tương tự; kiến thức và kinh nghiệm trong đánh giá nghiên cứu và hệ thống định danh tác giả (Hồ sơ tác giả) (7).
Cũng theo Gumpenberger, Wieland and Gorraiz (2012), những lý do để giải thích tại sao TLTM là một lĩnh vực lý tưởng của các hoạt động dành cho cán bộ thư viện hiện đại như: kỹ năng sử dụng các CSDL hiệu quả, có quyền truy cập nhiều CSDL và các công cụ phân tích của chúng; kinh nghiệm trong thu thập dữ liệu, làm sạch, mã hóa và phân loại các loại hình tài liệu đa dạng để trích xuất thông tin hữu ích; cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách khoa học và nhà quản lý nghiên cứu (8). Không chỉ có cơ hội tạo ra và thực hiện nhiều dịch vụ mới, TLTM còn có thể đóng góp các ý kiến, nghị luận cho chuyên ngành trên phạm vi toàn cầu với việc tham gia các dự án và việc hợp tác, bằng cách tham dự và tổ chức các hội thảo cũng như công bố các kết quả nghiên cứu có liên quan đến TLTM.
Như đã đề cập, TLTM đang thay đổi vai trò của thư viện đại học cũng như mở rộng các vai trò chuyên nghiệp của cán bộ thư viện đại học. Cộng với mối quan tâm ngày càng lớn của các trường đại học cho mục đích đánh giá nghiên cứu, TLTM là cách thức mới chứng minh vai trò không thể thay thế được của thư viện đại học - nơi nắm giữ nguồn tin và dựa trên nguồn tin để phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
______________________
1. Pritchard, A., Statistical bibliography or bibliometrics (Thư mục thống kê hay trắc lượng thư mục), Tạp chí Documentation, tập 25, số 4, 1969, tr.348-349.
2. MacColl, J., Library roles in university research assessment (Vai trò của thư viện trong đánh giá nghiên cứu đại học), Tạp chí Liber quarterly, tập 20, số 2, 2010.
3, 8. Gumpenberger, C., Wieland M. & Gorraiz J., Bibliometric practices and activities at the University of Vienna (Thực tiễn và hoạt động trắc lượng thư mục tại Đại học Vienna), Tạp chí Library Management, số 33 (3), 2012, tr.174-183.
4. Narin, F. and Moll, J.K, Bibliometrics (Trắc lượng thư mục). Annual Review of Information Science and Technology (Bản đánh giá thường niên về Khoa học thông tin và công nghệ), số 12, 1977, tr.35-58.
5, 6. Åström, F, Hansson J, & Olsson M, Bibliometrics and the changing role of the university libraries (Trắc lượng thư mục và vai trò thay đổi của thư viện đại học), lnu.divaportal.org, 2011.
7. Onyancha, O. B., Navigating the rising metrics tide in the 21st century: which way for academic librarians in support of researchers in sub-Saharan Africa? (Định hướng xu hướng tăng lên của các chỉ số đo lường trong TK XXI: Cách nào cho cán bộ thư viện đại học hỗ trợ người nghiên cứu ở châu Phi Hạ Sahara?), Tạp chí South African Journal of Libraries and Information Science, số 84 (2), 2018, tr.1-13.
Tài liệu tham khảo
1. Åström, F. & Hansson, J, How implementation of bibliometric practice affects the role of academic libraries (Việc thực hành trắc lượng thư mục ảnh hưởng đến vai trò của thư viện đại học như thế nào), lis.sagepub.com, 13-9-2012.
2. Corrall, S., Kennan M. A. , & Afzal W., Bibliometrics and Research Data Management Services: Emerging Trends in Library Support for Research (Trắc lượng thư mục và dịch vụ quản lý dữ liệu nghiên cứu: Những xu hướng mới nổi của thư viện hỗ trợ nghiên cứu), Tạp chí Library Trends, tập 61, số 3, 2013.
NGUYỄN THANH TRÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022