Nhật Bản là quốc gia có nền văn hóa truyền thống đa dạng và độc đáo. Một trong những thể loại nghệ thuật truyền thống lâu đời nhất tại đất nước mặt trời mọc này chính là nghệ thuật sơn mài, thường được thế giới biết đến với chính tên gọi tiếng Nhật của nó - Urushi (漆).
Cùng với Trung Quốc và Việt Nam, Nhật Bản được coi là quốc gia có đồ sơn mài ra đời và phát triển lâu đời trên thế giới. Các hiện vật khai quật được tại vùng Kanazawa, tỉnh Ishikawa và nhiều di chỉ khảo cổ khác trên khắp đất nước Nhật Bản cho thấy cây sơn xuất hiện ở Nhật Bản từ rất sớm, vào thời kỳ Jōmon (縄文時代) 14.000 TCN đến năm 400 TCN.
Những hiện vật đồ sơn thời Jōmon được khai quật tại Nhật Bản về màu sắc có nhiều điểm khá tương đồng với đồ sơn có trong các mộ thuyền khai quật được tại Thủy Nguyên, Hải Phòng của Việt Nam, được cho rằng thuộc về nền văn hóa Đông Sơn phát triển xung quanh lưu vực sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam khoảng 2.500 năm TCN.
Đồ sơn Nhật Bản thực sự phát triển vào thời đại Asuka (飛鳥538-710 SCN), khi Phật giáo Trung Quốc (thời Lục triều 221-589 SCN) du nhập vào Nhật Bản qua đường Triều Tiên; tiếp tục phát triển mạnh vào thời đại Nara (奈良710-794 SCN), đặc biệt từ năm 702 SCN, khi triều đình ban hành sắc lệnh cho phép nông dân được tự do trồng cây sơn.
Kỹ thuật sơn mài phát triển và hoàn thiện qua các thời đại Heyan, Kamakura... và đặc biệt đạt đến trình độ tinh xảo, được sử dụng và phổ biến rộng rãi từ thời đại Edo (江戸1603-1868) khi các thương đoàn Hà Lan được phép giao thương buôn bán với Nhật Bản. Kể từ năm 1618 khi công ty thương mại Đông Ấn của Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie, VOC. Tên tiếng Anh “United East India Company”) chính thức nhập khẩu các sản phẩm đồ sơn mài của Nhật Bản xuất sang khắp châu Âu, thế giới mới biết đến loại hình nghệ thuật độc đáo này của xứ sở Phù Tang. Đồ sơn mài Nhật làm theo thiết kế phương Tây (Namban lacquer - thuật ngữ được người Hà Lan dùng để phân biệt đồ sơn mài Nhật Bản với đồ sơn của các quốc gia khác trên thế giới) trở thành một sản phẩm mỹ nghệ thời thượng, rất được ưa chuộng tại châu Âu bởi chất lượng và kỹ thuật vô cùng tinh xảo. Cũng từ thời điểm này (TK XVIII), thuật ngữ Japaningu (ジャパニング) chính thức ra đời, là một kiểu làm đồ nội thất, đồ vật nhỏ bằng kim loại sự bắt chước đồ sơn mài châu Á của châu Âu sử dụng sơn bóng, shellac… thay vì cây sơn tự nhiên.
Tuy vậy, các kỹ thuật sơn mài của Nhật Bản được truyền bá ra bên ngoài lãnh thổ khá muộn. Phải đến khoảng những năm 1905-1906, Seijo Suragawa (1884-1937), một môn sinh của họa sư Shoka Tsujimura (1867-1929) - giáo sư khoa Sơn mài Trường Mỹ thuật Tokyo, nhân chuyến đi tháp tùng thầy sang triển lãm tại Pari, đã quyết định ở lại Pháp, sau đó đã truyền thụ kỹ thuật sơn mài cho nữ kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế nội thất người Pháp gốc Ireland Eleen Gray (1878-1976) và nhà điêu khắc người Pháp gốc Thụy Sỹ Jean Dunand (1877-1942).
Theo phân tích khoa học, cây sơn Nhật Bản và cây sơn Trung Quốc có nguồn gốc giống nhau, tên khoa học là Rhus vernicifera, họ Đại kiều mộc, thân cây to, trồng 8 năm mới cho thu hoạch. Đặc biệt trong sơn Nhật có thành phần Urushi oil có độ cứng rất cao, khi phủ trên các bề mặt sẽ cho khả năng chống ăn mòn kim loại, chịu được axit và cách điện, có thể cho tuổi thọ sản phẩm kéo dài đến 700 năm, nên giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, loại sơn này rất cứng, khó mài, do đó chỉ có thể phủ mỏng làm nhiều lớp.
Tại thời điểm hiện tại, giá sơn sống của Nhật trên thị trường vẫn rất cao so với sơn ta và sơn của các nước khác (Theo điều tra tháng 10 năm 2023, 1 lạng sơn sống loại 1 của Nhật Bản ( sơn Kijomi - 生正味漆) có giá 13.200 yên (khoảng 2.200.000 đồng), tương đương với khoảng 6 kg sơn sống loại tốt trồng tại tỉnh Phú Thọ của nước ta).
Hiện nay, nghệ thuật sơn mài Nhật Bản vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật và kỹ thuật độc đáo của các thế hệ đi trước. Hiệp hội Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Urushi Nhật Bản (日本文化財漆協会) là một tổ chức bao gồm những giáo sư, nghệ sĩ và nghệ nhân hàng đầu về sơn mài của Nhật Bản. Đây là một hiệp hội rất có uy tín trong nước và trên trường quốc tế. Hằng năm, Hiệp hội đều tổ chức những khóa học ngắn hạn về các kỹ thuật urushi, cách làm bút vẽ sơn, thu hoạch sơn sống và ngả sơn chín… thu hút rất nhiều người tham gia, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về nghệ thuật Urushi (sơn mài) truyền thống.
Maki-e: Kỹ thuật sơn mài đặc trưng của đất nước mặt trời mọc
Tuy chịu nhiều ảnh hưởng về kỹ thuật từ Trung Quốc, nhưng qua nhiều thế kỷ, người Nhật đã tự sáng tạo và hình thành lên kỹ thuật Urushi độc đáo của riêng mình, tiêu biểu là kỹ thuật Maki-e (蒔絵). Trong tiếng Nhật, Maki-e (蒔絵) được kết hợp từ 2 chữ Kanji (hán tự): 蒔 - maku (động từ) có nghĩa là rắc. 絵 - e ( danh từ) có nghĩa là tranh. Maki-e có nghĩa là kỹ thuật rắc/dát vàng, bạc trong sơn mài Nhật Bản.
Sở dĩ kỹ thuật này được cho rằng là của riêng người Nhật vì chỉ có sơn chiết từ cây sơn Nhật (sơn Urushi) mới đủ chất lượng để tạo ra các bề mặt sơn rất mỏng nhưng lại có độ bám dính và độ bền cao, sau khi rắc bột vàng hay bột bạc lên trên bề mặt lớp sơn và ủ khô, sẽ cho một bề mặt bằng vàng hoặc bạc siêu mịn. Sau khi phủ tiếp một số lớp sơn Nhật và đánh bóng, sản phẩm hoàn thiện sẽ có độ bóng sâu, như gương, khi nhìn nghiêng dưới ánh sáng đèn không hề có một vết xước nhỏ nào.
Maki-e là một kỹ thuật sơn mài phức tạp, không những đòi hỏi nhiều thời gian, công sức rèn luyện mà cũng rất cầu kỳ về mặt nguyên liệu. Nếu như trong sơn mài Việt Nam chỉ có quỳ bạc, quỳ vàng hay vàng - bạc rối để xay nhỏ khi vẽ, thì trong kỹ thuật Maki-e có tới hơn 20 loại bột vàng thật với các độ mịn khác nhau mà mắt thường nhiều khi còn không phân biệt được.
Kỹ thuật Maki-e được chia ra làm 3 loại chính:
Hira Maki-e (平蒔絵 - kỹ thuật rắc vàng phẳng): được áp dụng trên các bề mặt vóc đã đánh bóng. Dùng bút tỉa lông sóc chấm sơn son đi các chi tiết sao cho thật phẳng và mỏng, sau đó dùng funjutsu (làm bằng ống sậy, hai đầu cắt vát, một đầu bịt lụa có các độ mịn khác nhau tương ứng với các loại bột vàng, bạc xay) rắc vàng lên phần vẽ chi tiết. Đem ủ khô rồi dùng sơn kijomi toát mỏng phần vàng rắc khoảng 2-3 lần, sau khi đem ra đánh bóng bằng bột chuyên dụng làm nổi bật các họa tiết lên.
Taka maki-e (高蒔絵 - kỹ thuật vàng đắp nổi): thực hiện trên bề mặt vóc đã đánh bóng. Sử dụng đất sét trộn sơn sống đi các nét cao, sau đó ủ khô rồi tiếp tục lặp lại việc tô nét cho đến khi đạt độ cao theo ý muốn. Dùng than mài nhẵn bề mặt nét, sau đó lặp lại các bước làm giống kỹ thuật Hira Maki-e.
Togidashi Maki-e (研出蒔絵- kỹ thuật mài lộ vàng): áp dụng trên vóc thường, kết hợp rắc các miếng vàng nhỏ có hình dạng vuông (hiramefun) và các hạt vàng tròn siêu mịn (marufun) trên nền then hoặc son, sau đó phủ bằng sơn cánh gián hoặc then rồi mài cho chi tiết hiện dần ra, sau đó đánh bóng. Kỹ thuật này rất tương đồng với lối vẽ sơn phủ nhiều lớp của tranh sơn mài Việt Nam.
Đào tạo sơn mài tại Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo
Khoa Sơn mài (Urushi - tiếng Nhật) là một trong 8 chuyên ngành thuộc khoa Nghệ thuật truyền thống (Kogei) của Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo. Khoa được hình thành ngay từ ngày đầu thành lập trường cách đây hơn một thế kỷ (1887). Hiện nay, mô hình đào tạo của Khoa được chia làm 3 bậc: đại học, cao học và tiến sĩ thực hành; với chương trình đào tạo chuyên biệt, tiêu chí yêu cầu tăng dần theo cấp học.
Đội ngũ giảng dạy của Khoa (tại thời điểm 2023) gồm 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 2 giảng viên cơ hữu và 2 trợ giảng kiêm giáo vụ khoa (đều là cựu sinh viên của Khoa).
Số lượng sinh viên đầu vào hằng năm bậc đại học khoảng từ 4-8 sinh viên, cao học khoảng 4-5 học viên. Riêng bậc tiến sĩ thực hành thì đào tạo rất ít học viên. Căn cứ số liệu thống kê tại Khoa, số lượng tiến sĩ sơn mài được đào tạo tính đến 2023 mới có 15 người. Theo quy chế tuyển sinh của nhà trường, khoa Kogei tuyển sinh bậc tiến sĩ nhưng một năm không nhận quá 4 học viên cho 8 chuyên ngành.
Về phân cấp tuyển sinh, bậc thi đầu vào đại học và cao học do hội đồng khoa Sơn mài phụ trách và tổ chức chấm tuyển. Riêng bậc thi đầu vào tiến sĩ do hội đồng giáo sư khoa Kogei trực tiếp phụ trách, bao gồm 4 nội dung thi: trưng bày sê ri tác phẩm, tiểu luận, thi viết tiếng Nhật (đối với thí sinh nước ngoài) và tiếng Anh (đối với thí sinh trong nước), thi vấn đáp chuyên môn.
Mỗi năm học có 2 đợt chấm bài - giữa kỳ vào cuối kỳ. Trước ngày chấm, toàn bộ sinh viên các năm treo và trình bày bài học tại bàn làm việc của mình. Tại buổi chấm, từng sinh viên sẽ trình bày ý tưởng và các kiến thức đã học sử dụng để làm bài sơn mài, thời gian trình bày 5 phút/ sinh viên. Sau đó hội đồng giáo sư và giảng viên của Khoa sẽ lần lượt đánh giá. Sau khi toàn bộ sinh viên đã trình bày và được hội đồng đánh giá, Hội đồng Khoa sẽ tiến hành chấm kín. Điểm học của sinh viên được phòng đào tạo công bố riêng đến từng người vào cuối năm học.
Các bài học lý thuyết về kỹ thuật được tiến hành vào buổi sáng, toàn bộ thời gian chiều được dành cho việc thực hành của sinh viên. Định kỳ 2 tuần/1 lần Hội đồng Khoa sẽ có lịch làm việc xem bài và kiểm tra tiến độ làm bài riêng với từng lớp, mỗi cá nhân sẽ có cuộc trao đổi về ý tưởng, phác thảo bài với hội đồng giảng viên Khoa trong vòng 30 phút.
Trong năm học thứ hai và thứ ba, Khoa định kỳ tổ chức các chuyến đi điền dã về các vùng làng nghề sơn mài, các bảo tàng trong cả nước và một số nước châu Á có nghệ thuật sơn mài phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Myanma, Thái Lan… Sinh viên được khuyến khích trải nghiệm, thu thập thông tin, tư liệu phục vụ bài viết thu hoạch sau mỗi chuyến điền dã, trình bày tại Khoa vào cuối các kỳ học.
Bài thi tốt nghiệp đại học và cao học được chấm làm 2 vòng. Vòng 1 do Hội đồng khoa Sơn mài chấm. Vòng 2 do Hội đồng giáo sư khoa Kogei (16 giáo sư) chấm. Sau khi chấm, bài thi tốt nghiệp của sinh viên được trưng bày chung với sinh viên các khoa khác trong khoa Kogei tại bảo tàng nhà trường trong vòng 2 tuần. Riêng bậc tiến sĩ được dành mỗi người một gian riêng trưng bày tác phẩm Triển lãm tốt nghiệp tiến sĩ tại bảo tàng nhà trường, đồng thời bảo vệ luận án ngay tại nơi trưng bày tác phẩm. Lễ trao bằng tốt nghiệp được tổ chức trang trọng vào cuối tháng 3 hằng năm tại Cung Nghệ thuật biểu diễn của Nhà trường.
Sơ lược về mô hình đào tạo và một số kỹ thuật sơn mài tiêu biểu được giảng dạy bậc đại học của khoa Urushi, Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo
Đào tạo bậc đại học (4 năm), chú trọng đào tạo nghề, thuần thục kỹ năng, kỹ thuật sơn mài.
Năm thứ nhất và đầu học kỳ I năm thứ hai, sinh viên bậc đại học khoa Kogei học chung khối lượng kiến thức đại cương như các môn: hình họa chì, sơn dầu, màu nước, giải phẫu tạo hình, luật xa gần, lịch sử Kogei…
Giữa học kỳ I năm thứ hai, sinh viên đăng ký làm bài tập trải nghiệm chọn 1 đến 2 chất liệu trong 8 chuyên ngành đào tạo của khoa Kogei, bao gồm: sơn mài, gốm, thủy tinh, mộc, gò kim loại, kim hoàn và dệt. Thời gian trải nghiệm chất liệu khoảng từ 1,5-3 tháng tùy theo yêu cầu kỹ thuật và đặc điểm của chất liệu. Mỗi khoa cử 1-2 giảng viên cùng các trợ giảng phụ trách dạy cho sinh viên 1 kỹ thuật đơn giản, giúp các em nắm được khái niệm và đặc trưng cơ bản của chất liệu. Bài trải nghiệm khoa Sơn mài là bài tập làm 1 tượng sơn bó vải cốt bằng đất sét (kỹ thuật kanshitsu), số lượng sinh viên đăng ký bài trải nghiệm ngành Sơn mài hằng năm khoảng từ 15-20 sinh viên. Sau khi hoàn thành bài trải nghiệm, các sinh viên đăng ký làm bài trải nghiệm sơn mài sẽ có buổi trưng bày và giới thiệu ý tưởng, quá trình hình thành bài học cũng như cảm nhận ban đầu về chất liệu trước toàn Khoa. Hội đồng Khoa căn cứ trên phân bổ đầu vào của toàn khoa Kogei, đơn đăng ký nguyện vọng của sinh viên sau bài trải nghiệm và kết quả chấm bài để xét tuyển lượng sinh viên đầu vào, thông thường hằng năm khoảng từ 4-8 sinh viên. Không phải sinh viên nào đăng ký bài trải nghiệm sơn mài cũng được xét nhận vào khoa Sơn mài.
Sau bài tập trải nghiệm chất liệu, sinh viên được tuyển chọn vào khoa Sơn mài sẽ chính thức nhập học tại Khoa từ giữa năm thứ hai. Nội dung chương trình học tập trung chủ yếu vào chế tác dụng cụ nghề sơn (mài đục, dao, gót thép, vót mo gỗ…) và các kiến thức nền tảng về chất liệu cây sơn - đánh sơn then, sơn trong, điều chế sơn đi nét, dán vàng, bạc, làm vóc, tiện mộc… do các giảng viên trẻ giảng dạy.
Học kỳ I năm thứ ba tập trung vào đào tạo các kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật sơn mài Nhật, do các giáo sư giảng dạy; bao gồm các kỹ thuật: maki-e, raden, rankaku, hakue. Sinh viên thực hành kỹ thuật trên các vóc do mình tự làm tại năm học trước.
Học kỳ II năm thứ ba, các giảng viên trẻ phụ trách dạy kỹ thuật kanshitsu (sơn mài cốt sơn bó vải) cho sinh viên. Đây là một trong những kỹ thuật làm cốt vóc độc đáo của sơn mài Nhật Bản, có khá nhiều nét tương đồng với cách làm cốt tượng hom sơn bó vải tại các làng nghề sơn mài truyền thống ở Việt Nam, tuy nhiên quy trình và nguyên liệu có phần cầu kỳ, phức tạp hơn. Ưu điểm của kỹ thuật này là có thể tạo được cốt vóc sơn mài theo bất kỳ hình dạng nào mà mình muốn. Do vậy hiện nay, đa phần sinh viên năm cuối (đại học và cao học) thường chọn kỹ thuật kanshitsu để thể hiện bài thi tốt nghiệp.
Học kỳ I năm thứ tư, các giáo sư tiếp tục dạy các kỹ thuật nâng cao, bao gồm kỹ thuật chinkin (khắc vàng chìm) và các kỹ thuật kawarinuri (tạo chất) rất phong phú như kiri-toghidasi maki-e, atsugai, yakumo, shibo-urushi, karanuri,sabiaghe nuritate... Các kỹ thuật này được ứng dụng rất phong phú, mang nhiều đặc trưng của ngôn ngữ hội họa hiện đại, do vậy có lẽ gần gũi với ngôn ngữ của tranh sơn mài Việt Nam hơn cả.
Học kỳ II của năm thứ tư được dành toàn bộ cho sinh viên sáng tác bài tốt nghiệp. Sinh viên chủ động chọn hình thức thể hiện tác phẩm phù hợp với ý tưởng của mình: tranh, điêu khắc hoặc sắp đặt sơn mài.
Với khối lượng kiến thức được truyền thụ kỹ càng trong chương trình bậc đại học, sinh viên trang bị cho mình một tay nghề vững chắc, làm chủ được toàn bộ quy trình thể hiện một tác phẩm sơn mài từ khâu làm cốt vóc đến các kỹ thuật thể hiện phức tạp.
Thay lời kết
Là người có may mắn được học tập và nghiên cứu về sơn mài Nhật Bản tại Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo trong một khoảng thời gian không dài, qua tìm hiểu, thực hành và thực nghiệm các kỹ thuật sơn mài Nhật Bản theo phương pháp vẽ tranh sơn mài của Việt Nam, tác giả nhận thấy việc vận dụng, kết hợp chất liệu và kỹ thuật giữa hai ngôn ngữ sơn mài có rất nhiều điểm khả thi. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa, thông qua trao đổi hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp của hai nước, cũng như các giao lưu, hội thảo, triển lãm sơn mài Việt Nam và sơn mài Nhật Bản, sẽ mở ra nhiều hướng đi mới, nhiều ngôn ngữ tạo hình mới, làm phong phú thêm bản sắc độc đáo của nghệ thuật sơn mài ở mỗi quốc gia.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. IMPEY, O. R; TREGEAR. M, Oriental lacquer: Chinese and Japanese lacquer from the Ashmolean Museum collections (Sơn mài Phương Đông: Đồ sơn mài Trung Quốc và Nhật Bản trong bộ sưu tập của bảo tàng Ashmolean), Ashmolean Museum, 1983.
2. Jonhn J Quin, The Technology of Japanese Lacquer (Công nghệ của Sơn mài Nhật Bản), London: Harrison and Sons, 1882.
3. TANAKA, Nobuyuki, Tactile memory: Japanese lacquer, urushi (Ký ức xúc giác: Sơn mài Nhật Bản - Urushi), Koichi Yanagi Oriental Fine Arts, 2011.
4. 三田村有純, Mitamura Arisumi,『漆とジャパン』 (Cây sơn và Nhật Bản), 里文出版, 2005.
5. Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo, 東京芸術大学 漆芸学部カ リキュラム 2019年 、2022年 (Khung chương trình hệ đại học 2019, 2022).
TS TRIỆU KHÁNH TIẾN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023