Một số vấn đề về giáo dục thông hiểu truyền thông cho công dân thế kỷ XXI

Việc học cách “đọc” những cấp độ khác nhau của thông tin thị giác cần được bổ sung vào lối học truyền thống bởi chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương tiện - Nguồn ảnh: asuevents.asu.edu

1. Đặt vấn đề

Kể từ thời kỳ đầu tiên lịch sử được ghi chép lại, khái niệm biết đọc, biết viết (literacy) có nghĩa là có kỹ năng thể hiện nét chữ trên một tờ giấy thành các chữ cái mà khi ghép lại với nhau sẽ tạo ra các từ có ý nghĩa. Dạy trẻ ghép các từ lại với nhau để hiểu và diễn đạt ý tưởng hơn bao giờ hết đã trở thành mục tiêu của giáo dục trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, thông tin về thế giới xung quanh chúng ta không chỉ thể hiện bằng chữ viết trên một tờ giấy mà còn qua hình ảnh và âm thanh đầy sức sống trong nền văn hóa đa phương tiện. Các thông điệp truyền thông sử dụng một loại ngôn ngữ mới thông qua âm thanh, hình ảnh để diễn đạt các khái niệm và ý tưởng một cách đa dạng và phong phú. “Ngôn ngữ” của sự nghe, nhìn không thể hiện rõ ràng như đọc bởi hình ảnh và âm thanh trôi qua rất nhanh. Nếu chúng ta thông hiểu về truyền thông trong nền văn hóa đa phương tiện, chúng ta có thể thông thạo “đọc và viết” ngôn ngữ của hình ảnh và âm thanh giống như những thế hệ trước đã luôn được dạy đọc và viết ngôn ngữ của thông tin trong những văn bản truyền thông in ấn. Hơn nữa, chúng ta cũng cần các kỹ năng để tương tác, chia sẻ ý tưởng và hợp tác mang tính xây dựng để có thể thích ứng trong nền văn hóa mà các phương tiện truyền thông có tầm ảnh hưởng sâu rộng ngày nay. Trong 40 năm qua, lĩnh vực giáo dục thông hiểu truyền thông (media literacy education) đã ra đời, phát triển nhằm tổ chức các chương trình giáo dục và nâng cao tầm quan trọng của việc giảng dạy khái niệm biết đọc, biết viết được mở rộng này. Cốt lõi của các chương trình giáo dục là rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện cơ bản. Quá trình truy vấn (inquiry process) trong chương trình giáo dục thông hiểu truyền thông với bộ năm nguyên tắc và câu hỏi chìa khóa sẽ giúp cho người học xác định các khái niệm chính, cách tạo mối liên hệ giữa nhiều ý tưởng, cách đặt câu hỏi thích hợp, hình thành câu trả lời chính xác, đọc vị được những thông tin sai lệch và mang tính ngụy biện.

2. Yêu cầu về giáo dục thông hiểu truyền thông

Sự bùng nổ thông tin trong một thế giới truyền thông đa phương tiện đã đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục chính quy. Trong nhiều thế kỷ, việc học tại trường đã được thiết kế để đảm bảo người học được học những kiến thức phản ánh sự thật về thế giới - những điều mà họ thể hiện sự hiểu biết của mình bằng cách trả lời đúng các câu hỏi trong các bài kiểm tra. Nhưng một hệ thống như vậy không còn phù hợp nữa khi các sự kiện cập nhật nhất được người học truy cập chỉ bằng một nút bấm tìm kiếm trên internet. Do đó, những gì họ cần là học cách tìm kiếm thông tin từ những nguồn tốt nhất hiện có. Bên cạnh đó, người học cần có kỹ năng tư duy bậc cao để phân tích, đánh giá và chọn lọc để sử dụng những thông tin phù hợp và hữu ích. Các đơn vị đào tạo cần thay đổi như thế nào để hỗ trợ và định hướng cho người học?

 Trước tiên, trường và lớp học phải được chuyển đổi từ kho tàng kiến thức thành những chiếc lều di động trong những chuyến đi cắm trại. Đây là nơi trú ẩn và tập trung giúp người học có những cơ hội ra ngoài khám phá, đặt câu hỏi, thử nghiệm và nghiên cứu.

Thứ hai, giáo viên không còn là người truyền tải lượng kiến thức lớn đến người học với yêu cầu phải ghi nhớ nữa. Những giáo viên ưu tú nhận ra rằng, họ không cần phải là nhà hiền triết trên bục giảng. Thay vào đó, vai trò của họ là người hướng dẫn người học thông qua sự quan tâm, khuyến khích, chỉ dẫn, cố vấn, hỗ trợ trong suốt quá trình học tập. Lớp học sáng tạo ngày nay là nơi cả giáo viên và người học được học hỏi lẫn nhau.

Thứ ba, chương trình giảng dạy, các lớp học và các hoạt động phải được thiết kế để thu hút người học tham gia bằng sự khám phá và giải quyết vấn đề một cách tích cực và chủ động. Và văn hóa đa phương tiện ngày nay cung cấp nguồn tài nguyên gần như vô hạn cho việc học hỏi trong thế giới thực. Sự chuyển đổi nền văn hóa của chúng ta từ Thời đại Công nghiệp sang Thời đại Thông tin là lý do tại sao một kiểu đọc viết mới, cùng với một phương pháp học tập mới lại quan trọng trong TK XXI.

3. Vai trò của giáo dục thông hiểu truyền thông

Trung tâm nghiên cứu về Thông hiểu Truyền thông Mỹ đã dùng một định nghĩa thể hiện được tầm quan trọng của thông hiểu truyền thông với việc giáo dục con người trong TK XXI: Thông hiểu truyền thông là một cách tiếp cận giáo dục của TK XXI. Nó cung cấp một cơ sở để tiếp cận, phân tích, đánh giá và tạo ra các thông điệp dưới nhiều hình thức khác nhau - từ các bản in đến video hay internet. Thông hiểu truyền thông giúp xây dựng hiểu biết về vai trò của các phương tiện truyền thông trong xã hội cũng như năng lực truy vấn và năng lực tự biểu đạt cần thiết của mỗi công dân trong một nền dân chủ (1).

Giáo dục thông hiểu truyền thông trang bị những kiến thức và kỹ năng để người học có thể:

Trở thành những công dân có khả năng sử dụng truyền thông một cách tỉnh táo và hiệu quả: Trong thời đại truyền thông, con người cần hai khả năng để trở thành công dân tích cực là khả năng tư duy phê phán và khả năng tự biểu đạt. Giáo dục thông hiểu truyền thông hướng tới việc đạt được cả hai khả năng cốt lõi này để sử dụng truyền thông một cách tỉnh táo và hiệu quả; có khả năng đánh giá thông điệp truyền thông từ nhiều nguồn khác nhau; nhận thức được sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt và biết cách diễn giải ý kiến cá nhân một cách rõ ràng và sáng tạo bằng nhiều loại hình truyền thông khác nhau.

Xác định, tiếp cận và sử dụng các thông điệp truyền thông an toàn khi tỷ lệ tiêu thụ truyền thông tăng cao và sự bão hòa của xã hội bởi truyền thông: Chúng ta tiếp cận các thông điệp truyền thông thông qua việc xem các chương trình video game, tivi, âm nhạc, đài phát thanh, báo, tạp chí, bảng quảng cáo, internet, thậm chí có những thông điệp truyền thông thể hiện trên một chiếc áo phông. Sự thật là chúng ta đang khám phá lượng thông điệp truyền thông trong một ngày nhiều hơn thế hệ bố mẹ, ông bà của chúng ta tiếp cận thông tin trong một năm. Giáo dục thông hiểu truyền thông dạy những kỹ năng cần để có thể xác định, tiếp cận và sử dụng các thông điệp truyền thông một cách an toàn trong một thế giới của truyền thông đa phương tiện.

Giảm thiểu sự tác động của truyền thông trong việc định hình nhận thức, niềm tin và thái độ của con người: Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về mức độ và cách thức mà truyền thông tác động đến con người, điều không thể nghi ngờ đó là sự tác động đáng kể của truyền thông đến sự hiểu, diễn giải và hành động của con người trong thế giới này. Bằng cách hiểu được những sự tác động đó, sự giáo dục thông hiểu truyền thông sẽ giúp chúng ta không bị lệ thuộc vào chúng.

Học cách đọc “thông tin thị giác” trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và thông tin thị giác: Trong khi hệ thống nhà trường vẫn chủ yếu sử dụng các tài liệu in ấn, sự tác động bởi các hình ảnh thị giác ngày càng tăng cao trong thế giới của chúng ta - từ logo của các công ty đến các biển quảng cáo cỡ lớn trên đường phố và các trang web. Việc học cách đọc những cấp độ khác nhau của thông tin thị giác là một phần cần được bổ sung vào lối học truyền thống bởi chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương tiện.

Hiểu được tầm quan trọng của thông tin trong xã hội và nhu cầu của việc học tập suốt đời: Việc xử lý thông tin và các dịch vụ về thông tin góp phần then chốt vào năng suất của mỗi đất nước, song, sự phát triển của ngành Công nghiệp truyền thông toàn cầu đang thách thức những quan điểm độc lập và sự đa dạng của những quan điểm này. Sự giáo dục thông hiểu truyền thông có thể giúp cả người dạy và người học hiểu được thông tin xuất phát từ đâu, phục vụ quyền lợi của ai từ đó giúp chúng ta có được những quan điểm đa dạng (2).

4. Năm nguyên tắc cốt lõi và năm câu hỏi chìa khóa khi tiếp cận thông điệp truyền thông

Năm 1993, Elizabeth Thoman, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu về Thông hiểu truyền thông và là tác giả của bài báo Truyền thông và giá trị (Media & Values), đã mở rộng năm nguyên tắc trong giáo dục thông hiểu truyền thông được đặt ra bởi Trung tâm nghiên cứu về Thông hiểu truyền thông. Thoman nhấn mạnh: “Vấn đề cốt lõi của giáo dục thông hiểu truyền thông đó là sự truy vấn” (3). Bộ năm câu hỏi và nguyên tắc mở rộng này đã được đưa vào các chương trình giáo dục thông hiểu truyền thông nhằm nâng cao khả năng hiểu biết về truyền thông của công dân sống một thế giới đầy những hình ảnh và thông điệp.

Câu hỏi 1: Ai tạo ra thông điệp?

Nguyên tắc 1: Mọi thông điệp truyền thông đều là các cấu trúc được xây dựng một cách chủ ý.

Các thông điệp truyền thông được tạo ra không khác gì việc xây dựng các tòa nhà hay những con đường cao tốc. Mỗi loại văn bản cần những “vật liệu xây dựng” khác nhau. Với tạp chí, đó là từ ngữ có kích cỡ, phông chữ, hình ảnh, sắc màu và vị trí trang khác nhau. Các chương trình truyền hình và phim ảnh cần hàng trăm “viên gạch” từ những góc quay, ánh sáng đến âm nhạc và hiệu ứng âm thanh. Một vấn đề được đặt ra là liệu những văn bản truyền thông như bài báo, chương trình truyền hình, trò chơi, truyện tranh có thực sự là những sản phẩm “tự nhiên”. Thực tế là tất cả các thông điệp truyền thông mà chúng ta tiếp nhận được viết ra bởi một ai đó (hoặc có thể một nhóm người). Tất cả những thứ được kiến tạo một cách chủ ý từ một hoặc nhóm người đã trở nên bình thường hóa trong con mắt của những người khác. Nó rất tự nhiên như không khí chúng ta thở và được mặc nhiên chấp nhận. Ít ai nghi vấn về tính tạo chế của những sản phẩm truyền thông. Là công chúng, chúng ta không được nhìn hoặc nghe thấy những từ ngữ, hình ảnh hoặc sự sắp xếp mà đã được bỏ qua. Chúng ta chỉ nhìn thấy, đọc được những thứ đã được chọn lọc và chấp nhận. Sự thành công của các văn bản truyền thông thể hiện qua tính tự nhiên và rõ ràng của chúng; chúng ta thường từ chối những sản phẩm mà chúng ta cho là hàng giả. Nhưng thực tế thì tất cả đều là giả, kể cả tin tức. Mục đích của việc đặt câu hỏi không phải để hoài nghi với các thông điệp truyền thông mà đơn giản là làm phơi lộ ra sự phức tạp trong cái gọi là “tính kiến tạo”, từ đó thiết lập sự phê phán cần có để đặt ra những câu hỏi quan trọng khác.

Các câu hỏi phụ trợ cho câu hỏi 1: Thể loại “văn bản” là gì? Đâu là các yếu tố khác nhau (vật liệu xây dựng) tạo nên văn bản chỉnh thể này? Điểm khác biệt và tương đồng của nó với những văn bản khác cùng thể loại là gì? Những công nghệ nào được sử dụng để tạo ra văn bản? Nếu nó được kiến tạo trên một phương tiện truyền thông khác thì sẽ như thế nào? Nếu có những sự lựa chọn khác trong quá trình sản xuất thì văn bản có thể thay đổi như thế nào? Có bao nhiêu người tham gia vào việc xây dựng thông điệp này? Và nhiệm vụ của từng người là gì?

Câu hỏi 2: Những kỹ thuật nào được sử dụng trong thông điệp truyền thông để thu hút sự chú ý của công chúng?

Nguyên tắc 2: Các thông điệp truyền thông được cấu trúc bằng cách sử dụng ngôn ngữ sáng tạo với những quy luật riêng.

Mỗi một thể loại truyền thông dù là báo in, chương trình trò chơi trên truyền hình, các bộ phim kinh dị đều hàm chứa ngôn ngữ sáng tạo của chúng: âm nhạc thê lương làm tăng độ sợ hãi, góc quay đặc tả truyền tải sự thân mật, tít báo lớn cho thấy sự việc quan trọng đang được đưa tin. Việc hiểu được các bộ chuẩn tắc, các cú pháp và hệ thống ẩn dụ trong thông điệp truyền thông, đặc biệt là các ngôn ngữ âm thanh và hình ảnh - loại ngôn ngữ có thể chạm đến cung bậc sâu thẳm nhất của cảm xúc - sẽ một mặt làm tăng sự thích thú của chúng ta đối với mỗi thông điệp truyền thông, đồng thời cũng giúp chúng ta ít bị tổn thương vì sự nhào nặn của truyền thông hơn.

Một trong những cách tốt nhất để hiểu quá trình sản xuất truyền thông là tự thực hiện một sản phẩm, ví dụ như tự tạo ra một video, mở một trang web, phát triển một chiến dịch quảng cáo về một vấn đề của cộng đồng. Sản phẩm càng giống đời sống thực bao nhiêu thì càng tốt. Sự ra đời của máy quay kỹ thuật số và các chương trình máy tính cho phép chúng ta áp dụng quy trình sản xuất truyền thông một cách dễ dàng vào mọi đề tài. Ngoài ra, bốn loại hình nghệ thuật là âm nhạc, khiêu vũ, sân khấu và nghệ thuật thị giác cũng là địa bàn thích hợp để chúng ta đạt được các kỹ năng phân tích, diễn giải và thưởng thức cùng với cơ hội tự biểu đạt và sản xuất một thông điệp nào đó cho công chúng.

Các câu hỏi phụ trợ cho câu hỏi 2: Bạn thấy điều gì đáng chú ý (về cách kiến tạo thông điệp): Màu sắc và hình khối? Hiệu ứng âm thanh? Âm nhạc? Sự tĩnh lặng? Hội thoại hay tự sự? Phụ kiện, hậu trường, quần áo? Chuyển động? Bố cục? Ánh sáng? Máy quay đặt ở đâu? Điểm nhìn ở đây là gì? Câu chuyện được kể lại như thế nào? Các nhân vật đang làm gì? Có ẩn dụ và biểu tượng thị giác nào không? Đâu là khía cạnh thu hút công chúng về mặt cảm xúc? Đâu là kỹ thuật thuyết phục? Điều gì khiến thông điệp trông “như thật”?

Câu hỏi 3: Những người khác nhau sẽ tiếp cận thông tin khác nhau như thế nào?

Nguyên tắc 3: Cùng một thông điệp truyền thông được tri nhận khác nhau ở những người khác nhau.

Công chúng cũng có vai trò trong việc tạo ra ý nghĩa của một văn bản truyền thông bởi mỗi một người đem vào đó những trải nghiệm của riêng biệt (tuổi, giới tính, trình độ học vấn, môi trường văn hóa…). Việc áp dụng và kết hợp những đặc điểm này vào văn bản truyền thông sẽ tạo ra sự diễn giải riêng biệt. Ví dụ, những người đã từng bị bạo lực học đường sẽ có những cảm nhận chân thực và khác biệt với bất cứ một công chúng bình thường nào khác khi xem bộ phim The Glory trên kênh Netflix. Họ sẽ có những phản ứng khác nhau và rất có thể, có những sự thấu hiểu với mức độ sâu sắc khác nhau. Ngay cả phụ huynh và trẻ nhỏ khi xem tivi cùng nhau cũng không cùng “thấy” một chương trình giống nhau.

Quan điểm này làm thay đổi quan niệm về những người xem tivi hay sử dụng internet. Chúng ta có thể không ý thức về nó, nhưng mỗi người, kể cả trẻ nhỏ đều liên tục cố gắng giải nghĩa những gì họ nhìn, nghe và đọc được. Càng nhiều câu hỏi được đặt ra về những gì đang trải nghiệm thì chúng ta càng tỉnh táo để chấp nhận hoặc khước từ các thông điệp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong quá trình trưởng thành, người học ở mọi lứa tuổi có thể học những kỹ năng phù hợp, giúp họ có những lăng kính mới để “đọc” và diễn giải văn hóa truyền thông.

Các câu hỏi phụ trợ cho câu hỏi 3: Bạn đã bao giờ xem/ đọc/ nghe thứ gì như thế này bao giờ chưa? Nó có giống với trải nghiệm thực bạn từng trải qua không? Bạn học được gì từ các văn bản truyền thông? Bạn đã khám phá được gì về chính mình khi xem văn bản truyền thông? Bạn nhận được những gì qua phản ứng của người khác trước thông điệp này? Có bao nhiêu cách diễn giải khác về vấn đề này? Làm thế nào chúng ta có thể biết tới những cách diễn giải khác? Bạn có thể giải thích tại sao có những cách hiểu khác với bạn về cùng một văn bản truyền thông không? Những quan điểm khác có giá trị như quan điểm của bạn không?

Câu hỏi 4: Những giá trị, lối sống, quan điểm nào được giới thiệu hoặc lược bỏ ra khỏi thông điệp?

Nguyên tắc 4: Truyền thông chứa đựng giá trị và quan điểm.

Thông điệp truyền thông được kiến tạo ra một cách có chủ ý, bởi vậy nó đồng thời còn truyền tải một văn bản phụ để chỉ ra ai và cái gì là quan trọng, ít nhất là theo quan điểm của những người tạo ra nó. Các phương tiện truyền thông cũng là những người kể chuyện, ngay cả các thông điệp quảng cáo ngắn cũng kể một câu chuyện nào đó. Đã là câu chuyện thì bao giờ cũng có nhân vật, bối cảnh, cốt truyện; có phần mở, phần thân và phần kết. Sự lựa chọn độ tuổi, giới tính hoặc chủng tộc, phong cách, thái độ, hành vi được khắc họa trong thông điệp, cũng như lựa chọn bối cảnh (thành thị, nông thôn, giàu, nghèo); hay những hành động trong cốt truyện chỉ là một trong số những cách truyền tải các giá trị trong chương trình truyền hình, điện ảnh hoặc quảng cáo.

Việc học cách đọc những loại thông điệp truyền thông này rất quan trọng để khám phá các quan điểm được chứa đựng trong đó, đánh giá chúng như một khía cạnh mang tính tạp chế của văn bản thay vì coi chúng là tự nhiên. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đánh giá chấp nhận hay loại bỏ khỏi thông điệp, có năng lực nhận ra và gọi tên những quan điểm bị loại bỏ cũng rất quan trọng khi chúng ta tìm một cách tư duy lành mạnh trong môi trường đã bị truyền thông hóa.

Các câu hỏi phụ trợ cho câu hỏi 4: Nhân vật trong thông điệp được khắc họa những tính cách gì? Những loại hành vi và hậu quả nào được khắc họa? Người ta đang mời độc giả/ khán giả/ thính giả tiếp cận với những dạng người nào? Ý tưởng và giá trị nào được “bán” trong thông điệp truyền thông này? Quan điểm chính trị hoặc kinh tế nào được truyền đi? Sự phán xét hay một tuyên bố nào đó về việc ứng xử với những người khác được nêu ra trong thông điệp không? Quan điểm chung về thế giới trong thông điệp là gì? Có quan điểm hoặc góc độ tiếp cận nào bị loại bỏ không? Làm thế nào để tìm kiếm được những điều đã bị loại bỏ?

Câu hỏi 5: Tại sao thông điệp này được gửi đi?

Nguyên tắc 5: Hầu hết các thông điệp truyền thông được thực hiện để đạt được lợi nhuận hoặc quyền lực.

Rất nhiều các cơ quan truyền thông quốc tế đã phát triển được xem như những nhà máy kiếm tiền và tới nay, truyền thông vẫn tiếp tục là một phần của ngành Thương mại. Báo in và tạp chí thiết kế quảng cáo trước, và những trang còn lại dành cho bài vở. Tương tự như vậy, thương mại là một phần của quá trình xem truyền hình. Điều ít người biết là trên truyền thông đại chúng, người ta không chỉ đơn thuần bán sản phẩm quảng cáo tới công chúng, mà thực chất là “bán công chúng” cho nhà quảng cáo. Mục đích thực sự của các chương trình truyền hình, các bài viết trên tạp chí là để tạo ra một lượng công chúng (và đặt họ vào trạng thái tiếp nhận) sao cho sau đó, cơ quan truyền thông có thể bán thời lượng hoặc không gian cho các nhà tài trợ những thứ chúng ta không thực sự cần. Nhà tài trợ trả tiền dựa trên số lượng công chúng được dự đoán. Tuy nhiên, vấn đề động cơ gửi thông điệp đã thay đổi đáng kể từ khi có mạng internet, bởi nó đã cung cấp một bệ phóng quốc tế để hầu như mọi tổ chức và cá nhân đều có thể thuyết phục người khác về quan điểm riêng của mình. Internet cung cấp nhiều khả năng diễn giải thông điệp hơn, tạo điều kiện để kiểm tra nguồn tin và phân biệt giữa những dạng tin tức đáng tin cậy với những tin vịt hay lá cải. Do đó, người học cần được trang bị khả năng xác định rõ đâu là những ý đồ kinh tế và chính trị ngầm ẩn trong các thông điệp truyền thông.

Các câu hỏi phụ trợ cho câu hỏi 5: Có thể kiểm soát việc sản xuất và truyền gửi thông điệp? Vì sao họ lại gửi nó đi? Làm sao bạn biết? Ai là người gửi nó đi? Làm sao bạn biết? Ai là người được hưởng lợi (tiền bạc hoặc quyền lực) từ thông điệp? Liệu có phải là công chúng không? Hay là lợi ích riêng của một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào đó? Ai là người thắng? Ai là người thua? Ai là người quyết định? Liệu có quyết định mang tính kinh tế nào ảnh hưởng tới quá trình tạo ra và truyền gửi thông điệp hay không?

Giáo dục thông hiểu truyền thông với bộ năm câu hỏi và nguyên tắc được công nhận là công cụ “đầy sức mạnh” mà mỗi một công dân của TK XXI cần thông hiểu và có khả năng ứng dụng trong học tập, công việc và cuộc sống để nâng cao khả năng phân tích, đánh giá và lựa chọn thông tin từ vô vàn thông điệp truyền thông trong một thế giới đa phương tiện. Sự thông hiểu về truyền thông sẽ hỗ trợ tích cực cho những người tạo ra thông điệp truyền thông trong việc tự đánh giá và nâng cao chất lượng thông tin họ sẽ “sản xuất” cũng như có khả năng truyền tải thông tin đến người nhận một cách tối ưu và đúng mục đích.

__________________

1. Elizabeth Thoman & Tessa Jolls, Literacy for the 21th Century (Thông hiểu truyền thông trong thế kỷ XXI), Center for Media Literacy, 2008, tr.42.

2. Phạm Hương Giang, Bước đầu tiếp cận giáo dục Media Literacy trong thế kỷ XXI, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 500, tháng 6-2022, tr,113-115.

3. Tessa Jolls & Carolyn Wison, The core concepts: Fundemental to Media Literacy yesterday, today and tomorrow (Những quy tắc cốt lõi: kiến thức cơ bản về thông hiểu truyền thông hôm qua, hôm nay và tương lai), Journal of media literacy education, 2014, tr.73.

Tài liệu tham khảo

1. W. James Potter, Media Literacy (Thông hiểu truyền thông), Nxb Sage, 2021.

Ths PHẠM HƯƠNG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;