Chùa Xiêng Thong - Ảnh: tác giả cung cấp
1. Giới thiệu chung về di sản Luang Prabang
Luang Prabang là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, là kinh đô của Vương quốc Lan Xang. Theo tư liệu lịch sử của tác giả Su Nệt Phô Thi Sản, năm 1353, bằng tài quân sự cùng với sự giúp đỡ của Vương quốc Campuchia, hoàng tử Pha Ngừm đã thống nhất các tiểu Vương quốc Lan Xang rộng lớn. Xiêng Đông - Xiêng Thoong đã trở thành Thủ đô của Vương quốc Lan Xang và chính thức được đổi tên thành Luang Prabang. Cái tên này có ý nghĩa đặc biệt bởi nó được ghép lại bởi ba từ: Luông là lớn; Pha là Phật; Bang là công đức. Luang Prabang có thể hiểu là tượng Phật rộng lớn được sáng tạo từ công đức của nhiều người. Năm 1560, Vua Say Settha Thị Sát đã rời Thủ đô tới Viêng Chăn. Viêng Chăn hiện nay là Thủ đô của quốc gia Lào.
Năm 1995, thành phố Luang Prabang được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Lào. Nhìn tổng thể, tỉnh Luang Prabang hiện có 11 huyện là: Xiêng Ngân, Mương Nan, Pạc U, Năm Bạc, Mương Ngoi, Pạc Xeng, Phôn Xay, Chom Phết, Viêng Khăm, Phu Khum, Phông Thong và thành phố Luang Prabang. Trước đây Luang Prabang là một huyện cùng 11 huyện khác, sau đó trở thành thị xã rồi thành phố của tỉnh Luang Prabang. Đây là một thành phố cổ mà trung tâm là cố đô của Vương quốc Lan Xang. Tiêu chí để Luang Prabang được UNESCO ghi danh là thành phố di sản: Luang Prabang phản ánh sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Lào truyền thống và các tòa nhà kiểu Pháp châu Âu TK XIX và XX; Luang Prabang là một ví dụ điển hình về kiến trúc đã được xây dựng trong nhiều thế kỷ, tập hợp kiến trúc của các tòa nhà tôn giáo, tòa nhà truyền thống và các tòa nhà kiểu Pháp. Cảnh quan thiên nhiên độc đáo của Luang Prabang đã được bảo tồn tốt, cho thấy sự hợp nhất của hai nền văn hóa truyền thống khác nhau.
Khu bảo tồn, bảo vệ thành phố Luang Prabang có diện tích khoảng 25ha bao gồm 29 ngôi làng, tổng số 443 công trình kiến trúc đã được đưa vào danh sách di sản Luang Prabang, 35 ngôi chùa, 167 ngôi nhà đã được đưa vào danh sách di sản thế giới.
Bà Minja Yang - một đại diện của UNESCO tại CHDCND Lào trong bài phát biểu hướng dẫn thực hiện bảo vệ di sản đã cho rằng, Luang Prabang có những giá trị nổi bật mang tầm thế giới: Ở Luang Prabang có sự gắn kết giữa thiên nhiên và văn hóa xảy ra với những nét đặc biệt của môi trường, cây cỏ được tạo ra với thiên nhiên như sông ngòi, ao hồ, thảm thực vật, động vật và các khu thiên nhiên trong đô thị; sự chung sống hài hòa giữa kiến trúc cổ Lào và Pháp thể hiện qua các kiểu dáng và vật liệu xây dựng; sự kết hợp độc đáo giữa hai thời đại cổ đại và hiện đại. Thực tiễn cho thấy, Luang Prabang là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hai dòng sông Mê Kông và Nam Khan hợp lưu với nhau bao quanh khiến cho cố đô như một hòn đảo sống động mà trên đảo có núi như núi Phou Si. Núi Phou Si còn gọi là núi Màu, là một ngọn núi nhỏ tại Đông Bắc Luang Prabang. Đứng trên đỉnh núi Phou Si có một tầm nhìn bao quát cố đô Luang Prabang. Đặc biệt, núi này nằm trên bán đảo có ranh giới là sông Nam Khan và sông Mê Kông. Dưới chân núi chính là cung điện Hoàng gia Lào với khuôn viên được thiết kế đặc trưng của trung tâm Hoàng gia. Trên đỉnh núi có một tòa tháp tên là Chom Si cao khoảng 20m, màu vàng, cạnh tháp có một gian thờ Phật. Trên đường xuống núi có thể đi qua Wat Chom Phou Si, ở đây có nhiều tượng Phật.
Ngoài núi Phou Si còn có núi Thao, núi Nang, trên núi cây cối tươi tốt, đa tầng, phong phú chủng loại. Trong vùng cảnh quan của Luang Prabang còn có thác Kuang Si (Tat Kuang Si) là quần thể nhiều thác lớn nhỏ, tập trung tại núi Kuang Si cách Luang Prabang khoảng 20km về phía Nam. Thác này được coi là một viên ngọc đối với đất nước triệu voi. Nơi đây quyến rũ du khách bởi hồ bơi thiên nhiên tuyệt đẹp, với những bậc thang phân tầng bằng đá, màu nước xanh ngọc bích trong vắt tận đáy. Đây là quần thể với nhiều thác nước lớn nhỏ gồm có ba thác trong đó thác chính cao chừng 60m, dòng nước từ trên cao đổ xuống, bọt trắng xóa tung bụi nước mịt mù tạo ra khung cảnh thật ấn tượng. Dọc theo đường mòn dẫn tới thác sẽ bắt gặp nhiều loại và hoa cỏ hiếm. Đây là thác nước có dòng chảy hầu hết trong năm. Trong vùng sinh thái còn có nhiều ao hồ, suối nhỏ, thảm thực vật phong phú. Tất cả đã tạo cho di sản Luang Prabang có một giá trị tiêu biểu bên cạnh đô thị cổ là vùng sinh thái đa dạng, phong phú còn mang nhiều nét hoang sơ nguyên thủy.
Luang Prabang là thành phố lớn nhất của tỉnh Luang Prabang bởi di sản kiến trúc và nghệ thuật phong phú, phản ánh sự hài hòa giữa kiến trúc, quy hoạch thị trấn truyền thống của Lào với kiến trúc quy hoạch thị trấn thời kỳ thuộc địa/ thuộc Pháp. Các công trình kiến trúc ở đây còn bảo tồn được nhiều nét cổ kính bởi qua nhiều thế kỷ nơi đây ít bị tàn phá bởi chiến tranh, trong đó có các ngôi nhà cổ (nhà sàn, nhà đất) của các tộc người Lào, các công sở được xây dựng theo kiểu Pháp (trong thời Pháp thuộc), đặc biệt là kiến trúc chùa, tháp mang đậm văn hóa tôn giáo ở Luang Prabang.
Một công trình kiến trúc trung tâm của cố đô di sản là Cung điện Hoàng gia cũ, hiện là Bảo tàng Cung điện Hoàng gia. Cung điện được xây dựng từ năm 1904 đến 1909, là nơi ở chính thức của gia đình các vị Vua. Cung điện hướng ra mặt con phố trung tâm, bên kia là núi Phou Si linh thiêng, còn lưng quay ra bờ sông Mê Kông. Bức tượng Vua Lào Sisavangvong được đặt ở bên phải của cung điện đối diện với chùa của Hoàng cung. Hoàng cung nằm trong khuôn viên không lớn, có một hồ nước ở bên phải. Cung điện được xây dựng theo phong cách kiến trúc giữa nghệ thuật của người Lào và văn hóa Pháp được thiết kế bởi kiến trúc sư Pháp. Phòng ngai vàng được đặt ở trung tâm cung điện, xung quanh là các bức tranh bằng thủy tinh với đề tài phản ánh cuộc sống tâm linh, tôn giáo, cuộc sống bình thường của đất nước. Các phòng trưng bày của bảo tàng là các bức tượng Phật cổ bằng đồng, đá quý. Một phòng trưng bày quà tặng từ các nhà lãnh đạo và chính phủ nước ngoài. Một số đồ dùng bằng bạc, kiếm của Hoàng gia cũng được trưng bày ở đây. Trong khuôn viên của Cung điện còn có nhà hát, hội trường, nhà để xe, nhà thuyền. Có thể đánh giá khái quát Hoàng cung là một tổng thể kiến trúc bình dị mang đặc trưng của đất nước và con người Lào trong bối cảnh Phật giáo có ảnh hưởng khá đậm nét.
Theo thống kê của UNESCO, Bộ Thông tin và Văn hóa Lào, ngày 24-9-1995, ngoài cung điện ở thành phố di sản có 65 ngôi chùa cổ, trong đó có 30 ngôi chùa còn tương đối nguyên vẹn đưa vào danh sách cần bảo tồn.
Các công trình kiến trúc chùa tháp tiêu biểu như: chùa Wisunarat là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất ở Luang Prabang, có niên đại từ năm 1513 dưới triều đại Vua Wisunarat (Visonn), vì vậy ngôi chùa cũng đã được đặt tên của vị Vua này. Không chỉ là ngôi chùa Phật giáo, mà chùa cũng được đánh giá là Bảo tàng nghệ thuật tôn giáo của thành phố. Chùa đầu tiên xây dựng bằng gỗ, nhưng sau đó đã bị đội quân cờ đen đốt cháy năm 1887, sau đó chùa được xây dựng lại bằng gạch với vữa. Điểm nổi bật của chùa Wisunarat chính là mái nhà được làm lại mang đậm phong cách châu Âu (vào năm 1895). Điểm thu hút chính của chùa là tại khuôn viên có một Bảo tháp Đại liên hoa. Bảo tháp cao 34,5m mang phong cách Sinhale.
Ngôi chùa cổ Wat Nai là một trong những danh lam cổ tự đẹp và lớn nhất ở Luang Prabang. Chùa được xây dựng vào năm 1780 và được mở rộng vào năm 1887. Ngôi chùa nằm gần Bảo tàng Cung điện Hoàng gia. Cả bên trong và bên ngoài được trang trí bằng sơn màu đen, đỏ và vàng lá. Phù điêu được đắp công phu với các đề tài về cuộc đời của đức Phật và các vị thần mưa, cảnh tượng Ramayana và cuộc sống nông thôn. Trong chùa còn có một ngôi nhà lưu giữ chiếc thuyền dài được sử dụng trong lễ hội đua thuyền truyền thống của địa phương Luang Prabang.
Chùa Xiêng Thoong được gọi theo tên Mường Xiêng Đông Xiêng Thoong (Xiêng có nghĩa là Mường, Thoong có nghĩa là cây Thoong - cây bằng đồng). Diễn trình lịch sử của ngôi chùa này gắn với 2 thời kỳ: gắn với truyền thuyết về sự ra đời của đạo Phật ở đô thị cổ này; gắn với Vua Xay Sệt Tha Thi Lạt, nhà Vua xây dựng chùa này trước khi dời Xiêng Đông Xiêng Khan về Viêng Chăn. Chùa có lịch sử lâu đời, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc thể hiện phong cách Luang Prabang và được xem là ngôi chùa đẹp nhất trong những chùa ở Luang Prabang. Một đặc trưng riêng của chùa Xiêng Thoong là nghệ thuật phong cách êm dịu, sống động có ý nghĩa sâu sắc. Chính từ nghệ thuật trang trí của chùa Xiêng Thoong đã được các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là những nét nghệ thuật phản ánh phong cách nghệ thuật Phật giáo Luang Prabang.
Ngoài ra, còn rất nhiều ngôi chùa khác như ViXien, Manolom… có giá trị cần quan tâm bảo tồn trong bối cảnh thành phố di sản thế giới.
Ở Luang Prabang có 166 ngôi nhà cổ, được chia làm hai loại: Nhà Lào nguyên thủy; Nhà Lào mang nét kiến trúc truyền thống của Lào kết hợp với phong cách kiến trúc Pháp. Nhà Lào truyền thống được chia thành 2 kiểu. Kiểu thứ nhất nhà có một mái che, có khu vườn và các phòng ngủ trong nhà đều có cửa sổ đóng, mở dễ dàng, nhà có cửa hàng làm khu vực lễ tân, có cửa sổ phía trước hoặc ở phía trên cầu thang đi lên. Kiểu thứ hai là nhà có 2 đầu hồi, đầu hồi dài và mái, có đầu hồi nối xuống mái của khu nhà bếp tạo ra một kiến trúc liên hoàn giữa nhà chính và khu bếp. Có thể nhận thấy, ở Luang Prabang còn nhiều nhà vẫn giữ được phong cách ban đầu, tiêu biểu của phong cách đó là nhà Chan. Nhà Chan là một ngôi nhà gỗ có niên đại từ TK XVIII-XIX. Nhà Chan có tên là Vachan Nương do chủ nhân của ngôi nhà đặt tên ban đầu là Vachan. Nhà Chan nằm ở trung tâm Luang Prabang, cách ngôi chùa Chiang Thong khoảng 200m. Nhà được sơn màu trắng xanh, bên trong có 3 phòng ngủ, có đại sảnh, một phòng nhạc truyền thống Lào, mỗi phòng đều có một tủ quần áo giống y phục của hoàng hậu Lào nguyên thủy. Trong mỗi phòng có một chiếc giường. Nhà bếp được sắp đặt sử dụng để nấu ăn, vật liệu sử dụng theo phong cách truyền thống Lào. Các bờ mái, tường bao xây dựng bằng đất đen thể hiện sự cổ kính đích thực. Lối vào nhà được trồng nhiều cây tạo không gian cảnh quan đẹp. Nhà Chan được đăng ký trong danh sách di sản vào năm 1995. Năm 1996, Chính phủ (các cơ quan quản lý văn hóa) đã lập dự án sửa chữa nhà Chan và sử dụng nhà Chan làm nơi học tập, nghiên cứu, tổ chức phim hoạt hình. Năm 2019, Chính phủ đã giao cho Phòng quản lý di sản Luang Prabang hỗ trợ hướng dẫn du khách đến tham quan nhà Chan.
Ngoài nhà Chan, tại Luang Prabang còn có các ngôi nhà sàn của dân tộc Lào Lum, Lào Thong, Lào Xủng. Nhà sàn của người Lào Lum thường được chia làm hai phần chính: phần ngoài có lan can nhỏ và cửa sổ là nơi sinh hoạt, ăn uống chung cho cả gia đình; phía trong là một dãy buồng riêng nơi nghỉ của cha mẹ và con cái. Nếu nhà của trưởng họ hay thày cúng thì còn có một buồng riêng để thờ cúng. Con cháu và khách tuyệt đối không được vào căn buồng này. Nhà của người Lào Xủng khác với nhà của người Lào Lum. Nhà thường làm một tầng, tường bằng đất hoặc bằng gỗ, lợp ngói hoặc tranh. Có ba gian, hai cửa (một cửa chính và một cửa phụ) và phải có từ hai cửa sổ trở lên. Bố cục trong ba gian nhà chính: gian bên trái dùng để đặt bếp lò và là chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà; gian bên phải đặt bếp sưởi và giường cho khách; gian giữa rộng hơn dùng để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Trong nhà bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Nhà người Xủng thường được xếp đá xung quanh làm hàng rào chắc. Nhà của người Lào Thong (Khơ Mú) được làm theo lối kiến trúc độc đáo mang đậm đặc trưng văn hóa nhà sàn. Nhà có cấu trúc ba gian. Bếp nấu được làm ngay ở góc gần cầu thang phía trước. Một bếp nữa ở gian thứ hai đặt lễ thờ cúng tổ tiên. Bếp thứ ba ở gian trong cùng chỉ để xôi cơm, nấu rượu. Khách không nên đến gần hai bếp này vì quan niệm dễ mang điều rủi ro cho chủ nhà. Hiện nay, một số ngôi nhà đã được cải tạo phù hợp làm nhà nghỉ, quán cà phê, quán ăn, tiệm bánh mì và các dịch vụ buôn bán khác. Có thể nói các nhà cổ truyền thống ở Luang Prabang có nhiều kiểu loại khác nhau, điều đó đã tạo cho Luang Prabang có những nét riêng với các di sản thế giới khác.
Có thể gặp một kiến trúc khá đặc biệt là những ngôi nhà được xây dựng muộn, kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống Lào với phong cách tân cổ điển Pháp. Sự kết hợp hài hòa này đã tạo ra các kiến trúc độc đáo vừa hiện đại vừa truyền thống phù hợp với thẩm mỹ dân tộc.
Cùng với hai giá trị tiêu biểu (thắng cảnh đa dạng và kiến trúc nhiều loại hình khác nhau), Luang Prabang còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc có nhiều thể loại diễn xướng nghệ thuật như múa cung đình, múa dân gian, múa Nang Keo và Ramawaya, hát Khắp Then đó là những nét đặc trưng của cố đô Luang Prabang. Múa cung đình là một trong những loại hình nghệ thuật hấp dẫn và thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Luang Prabang. Xưa kia múa cung đình dùng để mua vui cho nhà vua, hoàng tộc và quan chức trong triều đình. Nhạc cụ được dùng chủ yếu của các điệu múa cung đình là đàn Lanát (đàn thuyền), loại đàn này rất hiếm nên ít phổ biến ở các bản làng quê. Ở thành thị chỉ có một số gia đình quý tộc, giàu sang mới dùng đàn Lanát để biểu diễn vào các ngày lễ lớn. Múa cung đình ở Luang Prabang có hai loại chính: Múa “Pha lắc pha lam” xuất phát từ truyện cổ Ramayana của Ấn Độ; Múa Nang Keo hiện là điệu múa được sử dụng phổ biến trong các buổi lễ long trọng.
Múa Nang Keo tuy là điệu múa cung đình nhưng vì được người dân sáng tác và điệu múa này đã từng là điệu múa phổ biến từ TK XIV thời vua Pha Ngừm. Điệu múa thể hiện sự tôn trọng và vui mừng của người dân đối với công chúa Campuchia - vợ của Vua Pha Ngừm đã sang sinh sống tại vương quốc Lan Xang. Ngày nay, ở Luang Prabang, để phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách du lịch, hầu hết các nhà hàng lớn đều tổ chức múa đều đặn hằng tuần. Đây là nét văn hóa độc đáo của con người nơi đây.
Múa Lăm Vông là múa dân gian Lào, thường tổ chức trong các dịp lễ hội, đám cưới, lễ tân gia, các cuộc vui. Không có lễ hội nào kết thúc mà không có điệu múa này. Theo tiếng Lào “Lăm” là hát, “Vông” là vòng tròn và “Lăm Vông” là múa theo vòng tròn. Duyên dáng và đằm thắm, Lăm Vông đã luôn đóng vai trò là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui tươi, thẩm mỹ của Lào từ bao đời nay.
Một nét đặc sắc hấp dẫn khác của Luang Prabang là chợ đêm, một tổng hòa nghệ thuật đặc sắc với các gian hàng nằm sát nhau dưới lòng đường phố Sisavangvong nơi chỉ dành cho người đi bộ. Dưới ánh đèn vàng, những tấm khăn quàng bằng lụa Lào, những tấm Xarông, những đồ thêu tay của người Mông, những bức tranh vẽ trên giấy dó rực rỡ… Chợ đêm còn có ẩm thực đặc sắc như: bánh pancake chiên bơ có trứng, chuối, sữa bày lên trên, nộm đu đủ, cá xiên, thịt xiên que nướng, cơm nếp Lào, nem rán… Chợ đêm và các hàng hóa, ẩm thực là một nét đặc sắc của thành phố di sản Luang Prabang.
2. Vấn đề quản lý đặt ra hiện nay
Sự phát triển nhanh chóng của thành phố và những áp lực mạnh mẽ của nền kinh tế, vấn đề quy hoạch đô thị phù hợp với bối cảnh hiện đại hóa, đô thị hóa đã đặt ra cho di sản ở thời kỳ hậu di sản sẽ phải làm gì để bảo vệ di sản phát triển bền vững.
Trước hết, cần hướng tới 4 yếu tố bền vững cho di sản: đây cũng là chính sách của UNESCO ban hành kèm theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa 1972.
Bền vững về môi trường
Như đã xác định các mặt giá trị của di sản Luang Prabang chính là vẻ đẹp thẩm mỹ về cảnh quan môi trường. Đây là yếu tố riêng có của Luang Prabang. Chính vì vậy, đã có các dự án về bảo vệ môi trường sinh thái. Trong văn bản kế hoạch 374/2012/KH-TĐ của Thống đốc/ Chủ tịch tỉnh Luang Prabang phê duyệt kế hoạch chiến lược bảo tồn di sản thế giới, trong đó có các dự án liên quan như: xây dựng Luang Prabang thành một công viên sôi động, một thành phố có môi trường tốt. Kết quả của dự án sẽ đảm bảo được yếu tố bền vững về môi trường cảnh quan (sinh thái động thực vật; môi trường nước: sông suối, thác nước, hồ ao; khu vực núi…).
Bền vững về kinh tế
Những hoạt động phát huy giá trị của di sản trong những năm qua đặc biệt từ thời kỳ hậu di sản du lịch thành phố đã tăng lên đáng kể, trong kế hoạch đã xây dựng dự án quảng bá rộng rãi về giá trị của Luang Prabang làm cho Luang Prabang trở thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử. So với các di sản khác của Lào, hiện nay Luang Prabang là điểm đến hấp dẫn nhất và số lượng khách du lịch cao nhất. Khi đó du lịch sẽ là một hoạt động kinh tế hiệu quả. Kinh tế du lịch sẽ đóng góp cho tổng thu nhập của tỉnh một con số không nhỏ, đóng góp cho thành phố di sản và rộng hơn là tỉnh Luang Prabang.
Bền vững về xã hội
Hiện nay, cần tập trung bảo vệ các bối cảnh và môi trường xã hội tốt nhất, mặc dù xã hội phát triển rất nhanh và mạnh, nhưng với thành phố Luang Prabang, trật tự xã hội sẽ tạo cho Luang Prabang bảo tồn được nếp sống, lối sống của người dân trong đô thị. Các di sản văn hóa phi vật thể gắn với cộng đồng cư dân tại chỗ sẽ được gìn giữ lâu bền, ít biến đổi, xã hội ổn định tạo ra môi trường tốt cho du lịch phát triển.
Bền vững về an ninh, an toàn
Vấn đề này trong Kế hoạch 374/KH của Thống đốc/ Chủ tịch tỉnh Luang Prabang đã đề cập rất rõ ràng về bảo vệ môi trường thành phố sạch sẽ, ấn tượng, trật từ và hòa bình. Trong bối cảnh giao lưu, hợp tác quốc tế, Luang Prabang là điểm đến của khách du lịch quốc tế, có những dự án hợp tác nhiều bên, trong đó có các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ khôi phục và phát huy giá trị của di sản thế giới Luang Prabang. Vấn đề trật tự, hợp tác hữu nghị đảm bảo hòa bình là một yếu tố bền vững rất quan trọng đối với Luang Prabang. Để làm tốt vấn đề này, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nhiệm vụ của các tổ chức bộ máy quản lý trong hệ thống từ Trung ương đến địa phương thuộc về chủ thể quản lý nhà nước. Đối với chủ thể này được phân thành các chủ thể quản lý gián tiếp và chủ thể quản lý trực tiếp (chủ thể trực tiếp chính là Văn phòng Di sản thế giới Luang Prabang). Ngoài hai chủ thể gián tiếp và trực tiếp cũng cần có các chủ thể khác tham gia quản lý đó chính là cộng đồng. Trong bối cảnh cụ thể của di sản, luôn có sự hoạt động của cộng đồng ở các điểm di sản khác nhau. Cộng đồng đến chùa để lễ Phật, cộng đồng sống trong các ngôi nhà cổ của họ, cộng đồng tham gia vào lễ hội và các diễn xướng dân gian, cộng đồng trực tiếp bảo tồn các phong tục tập quán… Vì vậy, trong bối cảnh một di sản đô thị, vai trò của cộng đồng góp phần quan trọng để bảo tồn và quản lý di sản.
Thứ hai, cần chú ý đến nguồn lực. Con người cần đào tạo có bài bản, có chuyên môn nghiệp vụ mới thực thi được công việc quản lý. Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề đặt ra rất quan trọng, tất cả các hoạt động từ quy hoạch đến thực hiện lập các dự án cũng phải có nguồn tài chính mới khả thi và hiệu quả nhanh. Cùng với nguồn lực con người và tài chính cần có cơ sở vật chất đảm bảo để các đề án làm việc sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Thứ ba, việc tăng cường hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng. Các chuyên gia quốc tế sẽ giúp về thao tác và tư vấn. UNESCO sẽ là một tổ chức rất quan trọng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá quá trình quản lý hiệu quả của nước CHDCND Lào. Thực tế từ năm 2005-2006, một nhóm đặc biệt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Pháp có sự tham gia của UNESCO hỗ trợ nghiên cứu, tìm hiểu phân tích và đề xuất nhiều phương án để áp dụng với Luang Prabang và các khu di sản khác của quốc gia Lào. Theo đánh giá từ năm 1995, phương thức quản lý Luang Prabang được thực hiện đúng và đầy đủ theo đề xuất của UNESCO. Tổ chức UNESCO đã chọn Luang Prabang là một trong những thành phố kiểu mẫu về phát triển đô thị bền vững liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.
Như vậy, từ việc giới thiệu, khái quát về di sản thế giới Luang Prabang, cần quản lý di sản có hiệu quả tốt, bền vững để di sản Luang Prabang xứng đáng với giá trị đặc biệt, hiếm có trong xã hội phát triển hiện nay với kỳ vọng một đô thị/ thành phố cổ tồn tại trong xã hội hiện đại.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ đệ trình UNESCO xét công nhận Luang Prabang là di sản văn hóa thế giới, Bộ Thông tin - Văn hóa Lào, 1995.
2. Bua Ban Volakun, Lịch sử di sản cố đố Luang Prabang, Nxb Viêng Chăn (tiếng Lào), 1998.
3. SômSaNuk MiXay, Giới thiệu Luang Prabang, Nxb Giáo dục Viêng Chăn (tiếng Lào), 2000.
4. Phadone Insaveang, Di sản văn hóa cố đô Luông Pha Bang với việc phát triển du lịch, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2011.
5. Ngô Văn Doanh, Danh thắng và kiến trúc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998.
6. Nguyễn Lệ Thi, Đất nước Lào lịch sử và văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1992.
7. UNESCO - Cục Bảo tồn bảo tàng Lào, Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Luang Prabang, 2000.
SAISSAMONE SULISAY (CHDCND Lào)
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024