Vài nét về chính sách phát triển văn hóa đại chúng của Indonesia

Hơn một thập kỷ sau khi người dân Indonesia quyết định theo đuổi một con đường mới với mục tiêu trở thành một quốc gia tiên tiến, thịnh vượng, tự chủ, dân chủ và công bằng. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ nước này đã có nhiều thay đổi và xác định văn hóa là động lực góp phần phát triển kinh tế và đặt trọng trách phát triển văn hóa trở thành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai. Chính vì thế, Chính phủ Indonesia đã ban hành, điều chỉnh hàng loạt các chính sách văn hóa đại chúng thông qua các chương trình văn hóa, kế hoạch tổng thể quốc gia cũng như nhiều biện pháp thực hiện tập trung vào văn hóa đại chúng trong bối cảnh hiện nay.

1. Cơ sở hình thành chính sách

Trong 2 thập kỷ đầu TK XXI, văn hóa Indonesia thay đổi nhanh chóng. Chiến lược quốc gia về văn hóa đã ra đời và sửa đổi nhiều lần nhằm cung cấp không gian cho sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa và khuyến khích tương tác văn hóa để tăng cường tính bao trùm của văn hóa, phát triển và sử dụng các nguồn lực văn hóa để tăng cường vị thế của Indonesia trên trường quốc tế, tận dụng tiến bộ của các đối tượng văn hóa để cải thiện phúc lợi người dân, cải cách thể chế và ngân sách văn hóa để hỗ trợ sự tiến bộ của chương trình nghị sự về văn hóa và tăng cường vai trò của Chính phủ. Thúc đẩy phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa đại chúng sẽ góp phần phát triển ngành kinh tế sáng tạo vì “ngành kinh tế sáng tạo trong tương lai sẽ là một trong những động lực cho nền kinh tế Indonesia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái” (1).

Đối với phát triển kinh tế, xã hội, kế hoạch phát triển lần thứ tư (2020-2025) nhằm mục đích hiện thực hóa một xã hội Indonesia tự chủ, tiến bộ, công bằng và thịnh vượng. Kế hoạch đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hậu đại dịch với xu hướng suy thoái nền kinh tế thế giới cùng với các cuộc xung đột tạo nên những đứt gãy toàn cầu về phát triển và hợp tác quốc tế. Mặc dù Indonesia vẫn tăng trưởng nhưng những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, đặc biệt các chỉ số xã hội như xóa đói giảm nghèo và giải quyết nạn thất nghiệp đang tăng. Ngoài ra, việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trong năm 2022 đã có tác động tiêu cực đến các chỉ số này do lạm phát cao và có dấu hiệu xấu hơn trong thời gian tới.

2. Mục tiêu, nội dung và triển khai chính sách

Indonesia là một quốc gia có bước phát triển nhanh trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, là một giải pháp thay thế có giá trị trong nền kinh tế quốc gia. Các bước chiến lược của Chính phủ hiện đang được thực hiện để đảm bảo rằng, tài sản sáng tạo của Indonesia có thể phát triển ở mức độ lớn nhất có thể. Chính vì thế, văn hóa đại chúng là mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo bởi sự đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế quốc gia, cải thiện hình ảnh dân tộc trở nên cởi mở và hội nhập toàn cầu.

Trong lĩnh vực điện ảnh, lịch sử cho thấy điện ảnh Indonesia đã đi một chặng đường dài từ những năm 1900 luôn là quốc gia được thế giới điện ảnh yêu thích nhưng khó phát triển vươn ra thế giới vì ngành công nghiệp điện ảnh trước đây từ chối đầu tư nước ngoài (2). Năm 2014, Chính phủ Indonesia đã sửa đổi, dỡ bỏ lệnh cấm đầu tư vào phim của các nhà đầu tư nước ngoài đối với 20 lĩnh vực bao gồm các lĩnh vực làm phim, phát hành phim và rạp chiếu phim. Ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu trỗi dậy trở lại, số lượng phim sản xuất ngày càng tăng. Việc cấp phép thông qua dịch vụ một cửa Ban điều phối đầu tư (BKPM) liên quan đến: Giấy phép sản xuất phim và chương trình truyền hình; Giấy phép kinh doanh dịch vụ kỹ thuật phim; Giấy phép kinh doanh phân phối phim; Giấy phép kinh doanh lưu trữ phim; Giấy phép kinh doanh xuất khẩu phim và Giấy phép kinh doanh nhập khẩu phim. Ngoài ra, để hỗ trợ sự phát triển của ngành Công nghiệp điện ảnh, Trung tâm Phát triển điện ảnh của Bộ Giáo dục và Văn hóa (Pusbang Film) có các chương trình sau: Chương trình dịch vụ cấp phép phim; Chương trình phát triển cơ sở chiếu phim; Chương trình kiểm soát phim; Chương trình phát triển nguồn nhân lực điện ảnh; Chương trình lưu trữ phim Indonesia và Chương trình vinh danh và giải thưởng.

Đối với lĩnh vực âm nhạc đại chúng, phát triển mạnh mẽ và phản ánh sự đa dạng, sự sáng tạo kết hợp giữa âm nhạc địa phương và âm nhạc nước ngoài nhằm hình thành nên nền âm nhạc sôi động đương đại của Indonesia. Trong suốt lịch sử phát triển, sự tiếp biến này thể hiện qua nhiều thể loại âm nhạc như: nhạc pop, rock, jazz và hip hop. Đây được xem là dòng nhạc thị trường, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của số đông, sôi động và náo nhiệt nhất Đông Nam Á. Ngày nay, ngành công nghiệp âm nhạc Indonesia được yêu thích trong nước và đang phổ biến trong khu ở các nước láng giềng như: Singapore và Brunei. Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia và Tập đoàn Kompas bắt tay với Quỹ Padma Sada Svargantara để hỗ trợ sáng kiến âm thanh của Borobudur. Điều này làm sống lại truyền thống âm nhạc cũ và kết nối quốc tế có tiềm năng to lớn để củng cố sự phát triển của Borobudur như một điểm đến du lịch siêu ưu tiên, được quy định trong Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia (RPJMN) 2019-2024. Vào ngày 24-6-2021, UNESCO đã tham gia Hội nghị quốc tế được tổ chức như một phần của sáng kiến này nhằm khám phá các cơ hội giao lưu dựa trên âm nhạc như một động lực du lịch mới.

Về truyền thông đại chúng, đây là “hệ thống các phương tiện truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội (nhân dân các vùng miền, cả nước, khu vực hay cộng đồng quốc tế) nhằm thông tin, chia sẻ, tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo quần chúng nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang đặt ra” (3). Truyền thông đại chúng góp phần tạo ra một không gian công cộng mà trong đó thông tin mang tính công khai và dân chủ; góp phần tạo nên môi trường văn hóa hiện đại và tiên tiến; giúp con người nhận thức về thế giới và cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin; góp phần hình thành dư luận xã hội nhằm tạo ra một sức mạnh vô hình trong giám sát và phản biện xã hội (4). Lĩnh vực truyền thông ở Indonesia, bao gồm báo in, truyền thông điện tử và truyền thông internet, được quy định theo Luật số 40 năm 1999 về Báo chí (Luật Báo chí), Luật EIT và Luật Phát thanh truyền hình, quy định cụ thể việc phát sóng phương tiện điện tử. Việc thực hiện các hoạt động phát sóng sẽ thuộc thẩm quyền của Tổng cục Cung cấp Bưu điện và Công nghệ thông tin của Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin (MCIT), đặc biệt là Tổng cục phát thanh truyền hình. MCIT đã ban hành Quy định số 32 năm 2013, sau đó, đã được sửa đổi bởi Quy định số 26 năm 2014 của MCIT về hoạt động của phát sóng truyền hình kỹ thuật số và truyền hình ghép kênh qua hệ thống mặt đất (Quy chế phát sóng truyền hình kỹ thuật số) ngày 27-12-2013, để tăng chất lượng thu sóng của các chương trình phát sóng truyền hình thông qua việc triển khai số hóa truyền hình mặt đất. Hiện tại, các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Indonesia có thể được kết hợp trong một số luật và quy định, bao gồm Luật số 7 năm 1992 được sửa đổi bởi Luật số 11 năm 2020 liên quan đến tạo việc làm (Luật Ngân hàng) và Luật số 11 năm 2008 về Điện tử thông tin và giao dịch được sửa đổi bởi Luật số 19 năm 2016. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân trong các hệ thống điện tử chịu sự điều chỉnh của Luật ITE và các quy định thực hiện. Các quy định này cụ thể là: Quy định số 71 năm 2019 của Chính phủ về Tổ chức hệ thống và giao dịch Điện tử và Quy định số 20 năm 2016 của Bộ Truyền thông và Tin học về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống điện tử chi tiết hơn cách tiếp cận trong việc nêu các yêu cầu đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của các nhà cung cấp hệ thống điện tử.

Đối với văn hóa tiêu dùng, “văn hóa tiêu dùng là những giá trị văn hóa và tập quán cơ bản của xã hội, những quan điểm, những mong muốn và những đặc điểm mà được nhận biết hoặc được xem là có xu hướng liên quan tới tiêu dùng” (5). Văn hóa tiêu dùng không chỉ đơn giản là quá trình những sản phẩm thương mại được người tiêu dùng sử dụng mà còn thể hiện mối quan hệ giữa văn hóa với hành vi người tiêu dùng với tư cách là một hình thức đặc biệt. Nó cũng là một hệ thống trong đó việc truyền tải các giá trị văn hóa, các chuẩn mực và các cách thức làm việc theo phong tục. Hơn nữa, văn hóa tiêu dùng cũng bị ràng buộc bởi ý tưởng về tính hiện đại, biểu thị một nền kinh tế trong đó giá trị đã tách rời khỏi nhu cầu vật chất của mong muốn và giá trị ký hiệu của hàng hóa được ưu tiên hơn (6). Indonesia có hệ thống luật bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất (GCPL) (7). Mục tiêu chính của GCPL là tạo ra một hệ thống bảo vệ người tiêu dùng, cung cấp tính bảo mật pháp lý, tính minh bạch cũng như quyền truy cập thông tin cho tất cả công dân ở Indonesia. Mục tiêu bổ sung là nâng cao nhận thức của các doanh nhân về tầm quan trọng của việc bảo vệ người tiêu dùng và nhu cầu về hành vi kinh doanh trung thực, công bằng và có trách nhiệm. Các luật khác liên quan đến người tiêu dùng bao gồm Bộ luật Dân sự Indonesia, đặc biệt là, Điều 1.365 theo Chương luật thuộc thẩm quyền của các bộ và cơ quan khác nhau, chẳng hạn như luật về sản phẩm thực phẩm, sức khỏe, công nghệ (ICT), cũng như giao thông vận tải. Mặc dù Điều 31 của GCPL ra lệnh thành lập BPKN để phát triển các nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Thương mại phụ trách thực hiện luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, Luật Thương mại số 7/2014 (LTRA) bao gồm các quy định tổng thể cho cơ quan, được điều chỉnh bởi Quy định của Chính phủ số 50/2017, Chiến lược bảo vệ người tiêu dùng (STRANAS PK).

Từ mục tiêu, nội dung cũng như chiến lược phát triển, Chính phủ đã đưa ra các chương trình ưu tiên phát triển theo hướng phát triển văn hóa bền vững, thay đổi và bổ sung theo từng giai đoạn và đạt kết quả cao trong từng lĩnh vực. Chính phủ Indonesia giao việc đề xuất, ban hành và thực thi chính sách văn hóa đại chúng cho cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Giáo dục và Văn hóa, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo. Các lĩnh vực văn hóa đại chúng được đề xuất thông qua các chiến lược và khuôn khổ để phát triển khu vực kinh tế văn hóa và sáng tạo tổng hợp: Chiến lược quốc gia về văn hóa; Kế hoạch tổng thể vì sự phát triển của văn hóa; Quy định 142 năm 2018 của tổng thống về Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế sáng tạo quốc gia (2018-2025) (8). Chiến lược quốc gia về văn hóa và Kế hoạch tổng thể vì sự phát triển của văn hóa là nhiệm vụ trực tiếp của Luật số 5 năm 2017 về sự tiến bộ của văn hóa. Luật quy định rằng, sự tiến bộ của văn hóa được thực hiện dựa trên bốn văn bản sau đây, được xây dựng theo từng giai đoạn sử dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Sách trắng văn hóa của quận, thành phố; Sách trắng văn hóa của tỉnh; Chiến lược quốc gia về văn hóa (9). Kế hoạch tổng thể về tiến bộ văn hóa hướng dẫn cho Chính phủ trong việc thực hiện tiến bộ văn hóa thông qua kế hoạch hoạt động của Chính phủ. Thông qua việc thiết lập Cơ quan kinh tế sáng tạo Indonesia (BEKRAF) có thể thấy tầm nhìn xây dựng Indonesia thành một trong những lực lượng kinh tế của thế giới trong nền kinh tế sáng tạo vào năm 2030 (10).

 Sau một thời gian thực thi chính sách tiến bộ văn hóa, Chính phủ đã có những chủ trương và mục tiêu mới. Năm 2021, Tổng thống Joko Widodo, Hạ viện (DPR) RI đã thông qua việc sáp nhập Bộ Nghiên cứu và Công nghệ vào Bộ Giáo dục và Văn hóa để tạo thành Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và công nghệ (MoECRT), trong khi cơ quan Nghiên cứu và đổi mới quốc gia (BRIN) được tách ra thành một cơ quan mới của Chính phủ (11). Sự phân chia này cho thấy, nhà nước đã theo đuổi chương trình nghị sự về kinh tế sáng tạo thông qua các chính sách công nghiệp và thương mại trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể. Thay đổi cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đại chúng ngày càng được khẳng định không chỉ đối với văn hóa mà còn đối với kinh tế quốc gia.

Chính sách văn hóa đại chúng đạt được những thành tựu và thách thức trong quá trình triển khai và thực thi chính sách. Từ mục tiêu và nội dung chính sách văn hóa có thể thấy văn hóa đại chúng là một trong những mục tiêu trọng tâm và mang tính chiến lược trong phát triển văn hóa quốc gia. Văn hóa quốc gia Indonesia là tổng thể các quá trình và kết quả của sự tương tác giữa các nền văn hóa và phát triển ở Indonesia. Đây là sự phát triển năng động, được đánh dấu bằng sự tương tác giữa các nền văn hóa địa phương với các nền văn hóa khác từ bên ngoài Indonesia do ảnh hưởng của sự biến đổi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, đất nước Indonesia phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức và cơ hội khác nhau trong việc phát triển văn hóa. Để triển khai thực thi văn hóa, Chính phủ đã tái cấu trúc lại cơ quan quản lý và thành phần tham gia phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh văn hóa mới. Nhà nước đã đề xuất luật để thiết lập quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property-IP) (12) nhằm giải quyết và bảo vệ các truyền thống văn hóa dưới sự hỗ trợ của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (13).

Từ đó, có thể thấy những bài học kinh nghiệm từ chính sách văn hóa đại chúng và phát triển văn hóa quốc gia. Xây dựng chính sách văn hóa đại chúng luôn gắn với chính sách phát triển quốc gia nói chung. Chính sách dựa trên sự giao thoa giữa văn hóa đại chúng, văn hóa chính thống và văn hóa thương mại để xây dựng chính sách văn hóa phù hợp trong từng lĩnh vực. Sự hình thành văn hóa đại chúng chính thống trong lòng xã hội là dự báo xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa mới tất yếu trong tương lai. Bài học về sự chấp nhận đa dạng văn hóa trong quá trình phát triển là đã cho thấy những tiến bộ của Indonesia khi nâng cao sự đa dạng của nền văn hóa, tầm quan trọng của lòng khoan dung và giải quyết xung đột không bạo lực.

Kết luận

Từ thực tiễn phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đại chúng nói riêng, sự thay đổi của toàn bộ xã hội, Chính phủ Indonesia đã có những bước tiến trong đa dạng chính sách văn hóa đại chúng nhằm đáp ứng xu thế thay đổi và phát triển chung toàn xã hội. Ngày càng có những biến chuyển trong dòng chảy văn hóa, xu hướng sử dụng văn hóa vì mục đích quản trị xã hội và những vấn đề văn hóa đang diễn ra. Những thay đổi mới của chính sách văn hóa nhằm khẳng định lại vai trò và vị trí của văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn đầy biến động. Văn hóa đại chúng trở thành phương tiện ngoại giao, quyền lực mềm, nguồn sức mạnh kinh tế mới, góp phần tăng sức cạnh tranh, nhân tố chiến lược để đạt được các lợi ích quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

_____________________

1. Theo Islamuddin Rusmin Reka, Giám đốc Điều hành tiếp thị tại Bekraf.

2. Indonesia Negative Investment List (Danh sách đầu tư hạn chế Indonesia), investindonesia.go.id, 20-10-2022.

3. Nguyễn Quang Anh, Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số nước và những giá trị tham khảo cho Việt Nam, tcnn.vn, 1-5-2021.

4. Cao Thị Ngọc Yến, Ảnh hưởng của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam, tapchicongthuong.vn, 16-5-2021.

5. Don Slate, Consumer Culture and Modernity (Văn hóa tiêu dùng và đương đại), Tạp chí Chính sách, Vương quốc Anh, 1997, tr.37.

6. Lury, C., Consumer Culture (Văn hóa tiêu dùng), Tạp chí Chính sách Cambridge, Mỹ, 1996.

7. General Consumer Protection Law (Luật bảo vệ người tiêu dùng) từ năm 1999, gồm 65 điều khoản và các quy định, vẫn duy trì cho đến nay, được thông qua như là một phần của một loạt các đường lối cải cách kinh tế với các cam kết được thiết lập bởi Quỹ tiền tệ (IMF).

8. Tetsushi Sonobe, Nicolas J.A. Buchoud, Tan Ghee Tiong, Seungju Baek, Nella Sri Hendriyetty, and Erica Paula Sioson, Creative Economy 2030: Imagining and Delivering a Robust, Creative, Inclusive, and Sustainable Recovery (Nền kinh tế sáng tạo 2030: Sự đột phá và phục hồi mạnh mẽ, sáng tạo, toàn diện và bền vững), adb.org, 2022.

9. Chiến lược quốc gia về văn hóa là một văn bản do Chính phủ cùng với cộng đồng đại diện là các chuyên gia xây dựng liên quan đến định hướng phát triển văn hóa dựa trên tiềm năng, tình hình và điều kiện văn hóa của Indonesia để đạt được các mục tiêu quốc gia của mình. Chiến lược quốc gia về văn hóa được xây dựng dựa trên Sách trắng văn hóa của tỉnh, thành phố.

10. Catherine Jewell, Leveraging Indonesia’s creative economy (Tận dụng nền kinh tế sáng tạo của Indonesia), wipo.int, 10-10-2022.

11. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, en.wikipedia.org, 10-4-2022.

12. Lorraine V. Aragon and James Leach, Arts and Owners: Intellectual Property Law and the Politics of Scale in Indonesian Arts (Nghệ thuật và bản quyền tác giả: Luật Sở hữu trí tuệ và cân bằng chính trị trong nghệ thuật Indonesia), Tạp chí Nhân học, Mỹ, số 35, 2008, tr.607-631.

13. Báo cáo Indonesia đứng thứ 87 trong số 132 nền kinh tế được giới thiệu trong GII 2021, WIPO world intellectual peroperty orgnization (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), wipo.int, 14-4-2022.

TS HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;