Tính cách Đức qua văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng

Trong số các nước thuộc khối Liên minh châu Âu, CHLB Đức thường được nhắc đến bởi nhiều lý do: nổi tiếng về khoa học kỹ thuật với hàng loạt những tên tuổi lớn về công nghệ sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, âm nhạc cổ điển, văn học với nhiều nhà văn đoạt giải Nobel và cả những đặc trưng tính cách của người Đức. Tuy nhiên, tính cách Đức hiện chưa được nghiên cứu nhiều, phần lớn chỉ dừng ở dạng liệt kê hoặc chỉ nhắc đến vài tính cách thường được dán nhãn cho người Đức như kỷ luật và đúng giờ. Từ góc nhìn văn hóa học, bài viết phân tích một số tính cách Đức, thể hiện qua văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, cụ thể trên ba lĩnh vực chính là tổ chức quốc gia, tổ chức đô thị và tổ chức nông thôn.

     1. Văn hóa tổ chức quốc gia

     Có thể nói, kim chỉ nam để tổ chức đời sống cộng đồng hệ thống, xuyên suốt và hiệu quả là Bộ luật cơ bản, được xem là Hiến pháp của CHLB Đức. Toàn bộ thể chế chính trị, cách vận hành, tổ chức nhà nước cũng như vai trò, nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội Đức đều được soi chiếu bằng Bộ luật này. Thật vậy, người Đức trung thành với Bộ luật cơ bản và thực thi triệt để những điều được ghi trong Bộ luật này.

     Bốn đặc điểm của hệ thống chính trị Đức là pháp quyền, dân chủ, liên bangxã hội, được xem là bộ giá trị cốt lõi bất khả xâm phạm của Hiến pháp và được Tòa án Hiến pháp Liên bang giám sát thực hiện.

     Đức là nhà nước pháp quyền vì mọi hành động của cơ quan nhà nước và người dân đều thực hiện theo đúng luật pháp và chịu sự kiểm tra của tòa án. Tòa án Hiến pháp Liên bang “là một thiết chế có chức năng bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ nền dân chủ ở Đức. Thiết chế này được đánh giá là một trong những mẫu hình bảo hiến thành công nhất trên thế giới hiện nay” (1).

     Tính dân chủ của nhà nước Đức thể hiện rõ trong chương đầu tiên của Bộ luật cơ bản, nội dung là quyền cơ bản của con người bao gồm 19 điều, trong đó “tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm là nghĩa vụ của tất cả các nhánh quyền lực” (2). Tất cả các quyền cơ bản của con người đều được nêu cụ thể trong bộ luật và được phân chia rõ ràng giữa “quyền” - những điều được phép làm - và “nghĩa vụ” - những điều phải thực hiện.

     Đức cũng đồng thời là nhà nước liên bang, trong đó quyền của mỗi bang và quyền của liên bang được định rõ ràng, đảm bảo tính tự chủ của mỗi bang nhưng vẫn tuân thủ sự thống nhất trong toàn liên bang. Những lĩnh vực mà mỗi bang có quyền tự quyết là giáo dục (hệ thống giáo dục, các loại hình trường học, ngày bắt đầu và kết thúc năm học…) và văn hóa (các ngày nghỉ lễ mang tính đặc thù của bang, các hỗ trợ của bang liên quan đến văn hóa…). Riêng hai lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao thuộc về liên bang.

     Tinh thần xã hội có lẽ là đặc điểm quan trọng thể hiện tính ưu việt của nhà nước Đức. Nhà nước xã hội giúp đảm bảo đời sống cũng như chăm lo an sinh sức khỏe cho toàn dân. Ngay từ TK XIX, vấn đề an sinh xã hội đã được đưa lên hàng đầu. Đáng chú ý, hệ thống bảo hiểm nói chung cũng như bảo hiểm bắt buộc nói riêng cho từng người dân được pháp luật quy định chặt chẽ, không một trường hợp nào, kể cả người nước ngoài, không được bảo hiểm.

     Nhà nước xã hội Đức đảm bảo giáo dục miễn phí cho mọi công dân trong độ tuổi đi học. Các trường công lập từ mầm non đến đại học đều miễn học phí, đảm bảo công bằng xã hội cho toàn dân. Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ tiền nuôi con, tiền học cho con và tiền nhà ở tùy vào số con trong gia đình. “Sau khi sinh con, trong suốt một năm, người bố hoặc người mẹ được nghỉ không đi làm và nhận được 67% mức lương thực tế cuối cùng, nhưng ít nhất là 300 euro và tối đa là 1800 euro” (3)… Hệ thống an sinh xã hội toàn diện cho thấy người Đức rất xem trọng sự an toàn, chắc chắn. Khi giáo dục, y tế được nhà nước chăm lo toàn diện, người Đức mới cảm thấy an tâm và tránh tối đa những rủi ro xảy ra cho bản thân, gia đình và đất nước.

     Tinh thần dân chủ được nêu trong Hiến pháp chính là hiện thực hóa của sự tự do trong tư tưởng, sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Ý kiến của mỗi người đều được tôn trọng và không ai được phép áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Bộ luật cơ bản “không chỉ có giá trị đối với việc quản lý nhà nước, mà nó đã thấm sâu vào ý thức của các công dân và được họ chấp nhận” (4).

     2. Văn hóa tổ chức đô thị

     Có thể nói “văn hóa Đức đương đại trên căn bản là văn hóa đô thị” (5). Nhiều đô thị Đức đã ra đời từ thời trung cổ: tại nơi giao thương giữa hai vùng (thành phố Hannover, Nürnberg), tại những vùng đất bên sông (như Frankfurt bên bờ sông Main, Heidelberg bên bờ sông Neckar). Các đô thị ở Đức hội đủ ba điều kiện quan trọng: tập trung đông dân cư, sản xuất công nghiệp, trao đổi hàng hóa. Độ lớn của các đô thị Đức được xác định dựa theo số dân. Đô thị lớn có hơn 100.000 dân, đô thị vừa có từ 20.000 đến dưới 100.000 dân và đô thị nhỏ dưới 20.000 dân (6). Hệ thống giao thông trong các đô thị và giữa các vùng được đầu tư xây dựng rất tốt và vận hành hiệu quả. Các nghiệp đoàn thợ thủ công đảm bảo chất lượng hàng hóa, tổ chức việc dạy nghề nghiêm ngặt theo đúng trình tự từ học việc đến thợ bậc trungthợ cả. Chính nhờ truyền thống đào tạo thợ lành nghề mà Đức có đầy đủ đội ngũ công nhân bậc cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu công nghiệp hóa vào TK XIX.

Nhà thờ lớn Berlin - Ảnh minh họa

     Cách tổ chức đô thị cho thấy người Đức đề cao sự trật tựtuân thủ nghiêm các luật lệ. Trong luật Liên bang có quy định rõ giờ mở và đóng cửa hàng. Ngày chủ nhật, ngày lễ, các cửa hàng đều đóng cửa, mục đích là để bảo vệ quyền lợi người lao động, họ phải được nghỉ làm vào ngày lễ và cuối tuần. Không chỉ có cửa hàng, mà tất cả các dịch vụ khác như phòng mạch bác sĩ, các loại dịch vụ tư vấn đều phải niêm yết giờ đóng và mở cửa. Thậm chí các giáo sư đại học cũng thông báo giờ tiếp sinh viên hằng tuần. Chỉ có các nhà hàng và các dịch vụ ở nhà ga được phép mở cửa ngày cuối tuần. Các nhà ga, đặc biệt là nhà ga trung tâm vận hành 24 giờ trong ngày, vì vậy các dịch vụ ăn uống và mua sắm ở các nhà ga linh động hơn trong giờ mở cửa để phục vụ thượng đế.

     Chính quyền có trách nhiệm kiểm soát sự trật tự, bởi “đề ra quy định thì không khó, nhưng tuân thủ quy định thì rất khó” (7). Nhiệm vụ kiểm soát thuộc về Sở trật tự trực thuộc chính quyền của mỗi bang, có nhiệm vụ đảm bảo trật tự công cộng, kiểm tra việc đậu xe trái quy định, vứt rác không đúng nơi, làm ồn quá mức cho phép, kiểm soát việc đăng ký các lễ hội đường phố, các cuộc biểu tình… Tất cả mọi khía cạnh của đời sống công cộng đều được sắp xếp quy củ, chỉ cần một chút mất trật tự sẽ bị chú ý ngay.

     Tính hiệu quả trong tổ chức và quản lý đô thị cũng thể hiện khá rõ nét, trước hết ở quan điểm không xây dựng đại đô thị. Bốn thành phố lớn nhất Đức chỉ tập trung chưa đến 9 triệu người sinh sống (8). Dân số được phân bố tương đối đồng đều ở các đô thị và người Đức không thích sống ở những nơi quá đông người. Lý do là những thành phố vừa và nhỏ có nhiều thuận lợi: ít ồn ào, giá nhà không cao, không bị kẹt xe và cuộc sống vẫn đầy đủ tiện nghi. Chưa kể môi trường ở những thành phố vừa và nhỏ trong lành hơn vì ít dân cư hơn và thành phố xanh hơn. Như vậy, chất lượng sống ở những thành phố vừa và nhỏ tốt hơn ở những thành phố quá lớn.

     Tính hiệu quả cũng thể hiện ở quan điểm không chú trọng phát triển chiều cao, không xây nhà cao tầng ở các đô thị. Chỉ Berlin, Hamburg và Frankfurt có nhiều nhà cao tầng, nhưng đều thấp so với thế giới, ngay cả so với Việt Nam (9). Trong tốp 10 nhà cao tầng ở Đức thì 9 nhà tập trung ở Frankfurt và cũng chỉ ở Frankfurt có nhiều tòa nhà chọc trời. Thủ đô Berlin được xây dựng lại khá nhiều, nhưng cũng không hướng đến phát triển chiều cao (10). Người Đức đưa ra nhiều lý do để không xây nhà cao tầng. Về mặt văn hóa, những tòa nhà cao tầng phá vỡ cảnh quan cổ điển lãng mạn vốn có của nhiều đô thị Đức, đặc biệt là khu phố cổ ở trung tâm. Thêm nữa, đặc điểm chung trong phong cảnh của nhiều thành phố ở Đức là: nơi cao nhất chắc chắn là đỉnh của nhà thờ, tất cả những công trình khác không được xây vượt qua độ cao này. Theo quan điểm xây dựng của người Đức, những tòa nhà quá cao tầng sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế, vì chi phí xây dựng và công tác vận hành mỗi m2 lớn hơn rất nhiều so với chi phí cho những tòa nhà thấp hơn. Bên cạnh đó, nhà cao tầng tiêu hao nhiều năng lượng, thiếu ánh sáng tự nhiên, ít không gian xanh cho mỗi đầu người. Chưa kể, bóng các tòa nhà đổ đến đâu sẽ che khuất nơi đó, làm giảm ánh sáng của những vùng xung quanh, ngăn cản luồng gió, khí, gây nhiều tiếng ồn... Cuối cùng, nhà càng cao tầng càng khó chắc chắn, bền vững. Vì vậy, người Đức luôn xây dựng sao cho những công trình mới hài hòa trong cảnh quan chung và phát huy hiệu quả tốt nhất. Như vậy, trong quản lý và phát triển không gian đô thị, người Đức rất xem trọng sự ổn định, bền vững và những giá trị truyền thống, trên hết là sự tính toán kỹ lưỡng trong cách tổ chức sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

     3. Văn hóa tổ chức nông thôn

     Đức có gần 6.000 ngôi làng với dân số ít hơn 2.000 người (11), dân cư thưa thớt, ít hoạt động, ít việc làm, phần lớn người dân vẫn sống bằng nông nghiệp và cơ sở hạ tầng khiêm tốn. Nhưng đặc điểm nổi bật của các ngôi làng là không khép kín mà luôn được liên kết với nhau hoặc với những thành phố gần kề bằng hệ thống giao thông tốt.

     Ngoài sự yên tĩnh vốn có, sự ngăn nắp và trật tự ở nông thôn là hai đặc điểm nổi bật. Weatherford J. M: “Không gian ngôi nhà và phần vườn xung quanh được phân chia rõ ràng. Mỗi nhà đều có hàng rào bao bọc thẳng tắp, cỏ được cắt xén gọn gàng. Cây ăn trái và hoa màu mọc ngay hàng. Phần vườn nhỏ trước ngôi nhà cũng thể hiện sự thẩm mỹ và rất trật tự” (12). Khoảng cách giữa các nhà cũng khá xa nên hai nhà cạnh nhau cũng không nhìn nhau, đảm bảo sự riêng tư của mỗi gia đình.

     Giao thông công cộng ở nông thôn rất đúng giờ và nghiêm túc. Để đáp ứng nhu cầu đi lại thường xuyên, mỗi gia đình ở nông thôn đều có xe ô tô. Họ hầu như không thể sống thoải mái ở nông thôn nếu thiếu phương tiện giao thông cá nhân này. Điều này cho thấy, dù định cư nhưng bản chất du mục ít nhiều hiện hữu khi người Đức thích di chuyển.

     Trung tâm của mỗi làng là nhà thờ Thiên chúa giáo. “Xung quanh nhà thờ là những khu nhà mới được xây vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng rất chỉn chu” (13). Nhà thờ ở nông thôn đảm nhận nhiều chức năng và đóng vai trò quan trọng. Người Đức ở nông thôn gắn bó với nhà thờ nhiều hơn ở các thành thị. Nhiều hội được thành lập với mục đích liên kết những người cùng sở thích với nhau như thể thao, âm nhạc cùng nhiều sở thích khác. Họ tụ tập và sinh hoạt cùng nhau trong thời gian rảnh, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần ở nông thôn. Các hội này đều thành lập trên tinh thần tự nguyện. Có những hội chọn một địa điểm cố định để gặp gỡ đều đặn mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Người Đức gọi địa điểm này là Stammtisch (14), nét văn hóa đặc trưng Đức còn duy trì đến ngày nay. Các hội giữa các làng gần nhau cũng tổ chức giao lưu hoặc lễ hội hàng năm cùng nhau.

     Như vậy, tính mở của những ngôi làng và thói quen đi lại, di chuyển cho thấy người Đức ít chịu sự gò bó. Sự riêng tư của mỗi giá đình và cá nhân được đảm bảo. Tính cộng đồng ở nông thôn có điều kiện để phát huy, trước hết nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi cá nhân trong thời gian rảnh. Các hoạt động này giúp bù đắp những nhược điểm của cuộc sống nông thôn để chất lượng sống nơi đây không quá thiên lệch so với đô thị.

     4. Kết luận

     Qua cách tổ chức quốc gia, tổ chức đô thị và tổ chức nông thôn của người Đức, có thể rút ra một số kết luận:

     Người Đức rất kỹ lưỡng trong lập pháp và hành pháp. Nền tảng cơ bản là luật pháp phải hoàn chỉnh, được tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ để không sai sót. Những gì đã trở thành luật thì sẽ phải được thực thi triệt để, mọi lúc mọi nơi.

     Cuộc sống của họ bị “ràng buộc” bởi rất nhiều quy định khiến họ không thể thờ ơ với những vấn đề chính trị đang diễn ra, có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chính họ. Họ được chính quyền hỗ trợ để thực hiện đúng theo quy định đã đề ra.

     Cách tổ chức đô thị cũng như cách tổ chức nông thôn đều cho thấy người Đức xem trọng sự ngăn nắp và trật tự của không gian công cộng. Nhờ mọi thứ trật tự mà cả hệ thống quản lý hành chính cũng như cuộc sống của người dân diễn ra suôn sẻ và trong tầm kiểm soát. Cách tổ chức hiệu quả tạo điều kiện cho một số tính cách được phát huy hoặc duy trì, cụ thể là sự đúng giờ. Tính cộng đồng ở nông thôn Đức thể hiện rõ nét nhưng không gian riêng tư của mỗi cá nhân vẫn luôn được tôn trọng và bảo vệ.

     Như vậy, một số đặc trưng tính cách của người Đức thể hiện khá rõ nét qua văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, chứ không chỉ dừng lại ở những tính cách từng được dán nhãn cho họ. Văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng của người Đức cho thấy họ xem trọng và luôn hướng đến hiệu quả tốt nhất. Mức độ hiệu quả cũng được tính toán hết sức kỹ lưỡng, không “có mới nới cũ”, mà hiện đại hài hòa với những giá trị truyền thống để tạo nên sự phát triển ổn định và bền vững.

_______________

1. Nguyễn Minh Tuấn, Luật cơ bản, blogspot.com

2. Ngô Thị Mỹ Dung (chủ biên), Lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền Đức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.280.

3. Geißler, R., Xã hội Đức, một xã hội hiện đại, đa nguyên và cởi mở, trong Nước Đức - quá khứ và hiện tại, Frankfurt am Main, Societät, 2010, tr.146.

4, 5. Lương Văn Kế (chủ biên), Trần Đương, Phác thảo chân dung đời sống văn hóa Đức đương đại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr.56, 36.

6. Theo thống kê ngày 1-1-2019, Đức có 2.056 thành phố, trong đó 81 thành phố lớn, 619 thành phố vừa và 1.256 thành phố nhỏ.

7. Tục ngữ Đức, aphorismen.de.

8. Berlin có gần 3,6 triệu người, Hamburg , München và Köln có lần lượt 1,8; 1,5 và 1,08 triệu người.

9. Theo thống kê của Statista, tính đến ngày 31-12-2017, tòa cao nhất ở Đức (259m) là tòa Commerzbank Tower tại Frankfurt, vẫn thấp hơn tòa nhà Bitexco ở TP.HCM (262m).

10. Vogt M., Problemfall Hochhaus: Warum der Hochbau in Deutschland so schwer fällt, management-circle.de.

11. Số liệu từ: multimedia.weser-kurier.de.

12. Bausinger, H., Typisch deutsch. Wie deutsch sind die Deutschen? (Đặc trưng Đức. Người Đức thuần Đức như thế nào?). München: C.H Beck, 2000.

13. Gebhardt W., Kamphausen G., Zwei Dörfer in Deutschland, Opladen: Leske+ Budrich, 1994, tr.48.

14. Nghĩa đen là “bàn cố định”. Mỗi lần họp mặt, các hội viên đều tập trung đúng tại “bàn” cố định mà họ đã lựa chọn.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Phượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;