Ngày 2/8 vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Đề án, đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; tập trung vào việc đề xuất hoàn thiện thể chế; xây dựng mô hình phát triển văn hóa đọc; biên soạn tài liệu; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền phát triển văn hóa đọc; xã hội hóa, vận động tài trợ; hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa đọc...
Nhân lên các mô hình văn hóa đọc trong cộng đồng
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, phong trào đọc, văn hóa đọc ngày càng phát triển sâu rộng trong nhân dân. Môi trường đọc ngày càng được cải thiện, giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả hơn.
Việc phát triển, đa dạng nhiều hình thức đọc sách, mô hình đọc sách đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Thư viện sách tư nhân, Thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách (Thành Phố sách Phương Nam Book City)…, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Bên cạnh đó, các cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; Chương trình “Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan toả tri thức” do Bộ VHTTDL tổ chức đã thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên. Cuộc thi thể hiện trí tuệ, nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết và tình yêu với sách của học sinh, sinh viên. Đồng thời, huy động trao tặng hơn 5.000 cuốn sách; 5.000 khẩu trang cho các y sĩ, bác sĩ; người thân của các y, bác sĩ, bệnh nhân và những người đang ở khu cách ly do COVID-19.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng có nhiều tín hiệu tích cực. Dự án Xe ôtô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” do Quỹ Thiện Tâm (do Tập đoàn Vingroup), từ năm 2016 đến nay, dự án đã trao tặng 44 xe, mỗi xe có 4.500 cuốn sách, 6-10 máy tính, cùng máy chiếu phim, tài liệu điện tử, sách nói… cùng hàng nghìn chuyến luân chuyển sách phục vụ lưu động tới hơn 6 triệu lượt người. Đây là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật không có cơ hội đến thư viện được tiếp cận với sách báo, với tri thức. Bên cạnh đó, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cũng đồng hành trong nhiều chương trình, hỗ trợ hàng trăm nghìn bản sách cho các thư viện và cộng đồng trong những năm qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Dân tộc Việt Nam muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Do vậy các cấp, các ngành cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, việc học và tích luỹ những kiến thức bổ ích, làm giàu thêm cho đời sống văn hóa, tinh thần của mình”. (trích phát biểu chỉ đạo, định hướng của Phó Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, ngày 18/4/2019). |
Chương trình “Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt”, “Hành trình Ánh sáng mùa xuân”, “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện - Ánh sáng tri thức”... do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) phối hợp với Quỹ Thiện Tâm thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, tạo ra không khí vui tươi, sôi nổi đã thu hút đông đảo người dân, nhất là thanh thiếu niên tại các địa phương và có sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, cá nhân. Các thư viện công cộng triển khai Chương trình “Cùng em đọc sách”. Hơn 50.000 cuốn sách đã được các tổ chức, cá nhân tặng cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ mọi người. Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Quỹ Bắc Cầu, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay… mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em và mọi tầng lớp nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, mạng lưới thư viện cấp xã (cấp cơ sở) thời gian gần đây đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu bị thụt lùi. Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), năm 2020, hệ thống thư viện công cộng có 24.102 thư viện, với 45.000.000 bản sách. Gần 59.000.000 lượt người đến thư viện, tăng 99,8% so với năm 2017. Tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 87.000.000 lượt. Những kết quả này đã mang lại diện mạo mới cho ngành Thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện. Nhằm hiện thực hóa “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025”, Vụ Thư viện đã tích cực vận động hàng trăm máy nghe nói, sách nói, điện thoại thông minh (smart phone) tặng cho người khiếm thị, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian gần đây, mô hình “Thành Phố Sách - mô hình văn hóa đọc trong thời đại 4.0” do Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Phương Nam Book City) đang phát triển mạnh mẽ tại 5 tỉnh/thành phố lớn trên toàn quốc. Mô hình này không đơn thuần bán sách và văn hóa phẩm, mà là nơi để nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau trải nghiệm một không gian văn hóa đa chiều, đa tiện ích. Hiện có nhiều người trẻ đam mê văn hóa gọi là nhà, với nhiều tình cảm chung dành cho sách, cho tri thức và cả cho một không gian văn hóa mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng thấy mình thuộc về. Book city vừa là “nhà” - nơi bạn đọc có thể nghỉ ngơi trong không gian ấm cúng, thoải mái những khu ghế ngồi tiện nghi, vừa là thư viện với hàng triệu bản sách trong và ngoài nước, vừa là thiên đường văn phòng phẩm, vừa là quán cà phê để dừng chân nghỉ lại, trò chuyện với bạn bè, vừa học thật nhiều trong những buổi giao lưu với tác giả, workshop chuyên đề.
Ngoài ra, Phương Nam Book City còn tham gia mạnh mẽ vào tiến trình chuyển đối số với website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com nhằm xóa mờ ranh giới online, offline, tạo nên trải nghiệm liền lạch và xuyên suốt và phục vụ khách hàng liên tục 24/7. Bên cạnh đó là ứng dụng chăm sóc khách hàng KOMO+, ứng dụng này không chỉ giúp khách hàng tích điểm, được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời mà còn để khách hàng đọc ebook mọi lúc mọi nơi. Đó còn là ứng dụng sách nói audio book đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay nhằm lan tỏa văn hóa đọc, để người Việt đọc nhiều, đọc nhiều hơn nữa, thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương
Để hiện thực hóa được mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, gắn việc phát triển văn hóa đọc với triển khai các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực VHTTDL có liên quan và gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Đồng thời, Bộ VHTTDL đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ... huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.... Nhờ đó, nhiều hoạt động khuyến đọc đã có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa ngành Thư viện với ngành Giáo dục và Xuất bản. Các sách, tài liệu dành cho thiếu nhi, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật đã được các thư viện quan tâm hơn.
Vấn đề thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương. Do vậy, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm “chấn hưng” văn hóa đọc nước nhà. Theo đó, hệ thống chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa đọc đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản như: Luật Thư viện (21/11/2019), Đề án Phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời.... Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch và thực hiện, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa đọc nước nhà.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nhưng công nghệ ngày nay lại thay đổi nhanh và liên tục, gần như là từng ngày. Một cá nhân, hay một dân tộc, muốn tồn tại, thích ứng và phát triển thì chỉ còn cách duy nhất là liên tục học và học cả đời, liên tục đọc và đọc cả đời”. |
Việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc đã xác định hệ thống thư viện công cộng sẽ tiên phong thực hiện nhiệm vụ này. Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có 24.102 thư viện trải rộng từ cấp tỉnh, huyện, xã và đến các phòng đọc cơ sở. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo và phối hợp của nhiều Bộ, ngành, cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương, không chỉ hệ thống thư viện công cộng mà thư viện của các cơ sở giáo dục, thư viện chuyên ngành, các điểm Bưu điện văn hóa xã, các tủ sách có phục vụ cộng đồng... cũng đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đặc biệt, được sự chung tay đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương (hiện tất cả UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và 6 Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch thực hiện triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong phạm vi quản lý), nguồn kinh phí để triển khai công tác phát triển văn hóa đọc đã được bố trí, phân bổ. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động này. Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong quá trình triển khai Đề án là công tác xã hội hóa đã được đẩy mạnh và thu hút nguồn lực tài chính từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: Dự án xe ô tô thư viện lưu động cho 4 tỉnh, thành được tài trợ bởi Tập đoàn Vingroup; các dự án trao tặng hàng nghìn cuốn sách của Tập đoàn Trung Nguyên; Công ty First News; tổ chức GNI Hàn Quốc; các nhà sách; các nhà xuất bản: Giáo dục, Giao thông, Phụ nữ....
Tuy đã đạt những hiệu quả bước đầu trong việc triển khai “Đề án Phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhưng các nguồn lực vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn kinh phí vẫn chưa được bố trí đồng đều giữa các địa phương, Bộ, ngành. Ngân sách dành cho xây dựng, phát triển nguồn lực làm thông tin còn thiếu. Nguồn tài nguyên thông tin chưa đáp ứng được mục tiêu 1 bản sách trong hệ thống thư viện công cộng/người dân mà Đề án Phát triển hóa đọc đã xác định đạt được vào năm 2020. Một số thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng biệt; cơ sở vật chất nhiều thư viện các cấp còn nghèo nàn, chật chội, cũ kỹ, chưa được đầu tư thỏa đáng...
Bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), công nghệ thông tin được xác định sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Xuất bản, Thư viện sẽ làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động của hệ thống các thiết chế phục vụ phát triển văn hóa đọc theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đến với đông đảo người dân.
Đồng thời, việc thay đổi nhận thức sẽ được thực hiện bằng các chính sách, các giải pháp về thông tin tuyên truyền sẽ được triển khai đồng bộ với nhiều chương trình đa dạng, hình thức phong phú, sáng tạo trên nhiều kênh như các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, tuyên truyền cổ động trực quan, lồng ghép qua các hình thức khác... Từ hiệu quả triển khai các chương trình phát triển văn hóa đọc được xã hội ghi nhận, đã tạo niềm tin trong nhân dân về hiệu quả của chương trình này, hướng đến sự lôi cuốn, tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng để cùng chung tay phát triển văn hóa đọc.
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL): Để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong giai đoạn mới, Vụ Thư viện đã tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện và xác định rõ các chỉ tiêu cho Đề án Phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn 2021-2030; kiến nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn nữa, tập trung thêm nguồn lực tạo điều kiện phát triển văn hóa đọc trên địa bàn; kiến nghị các Bộ, ngành đưa kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc vào nhiệm vụ hàng năm và là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của từng cơ quan đơn vị.
Đồng thời, lồng ghép việc phát triển văn hóa đọc vào tất cả các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học, khuyến công, khuyến nông. Đặc biệt, cần tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người biết đến sách, tôn vinh các tác giả, các nhà khoa học, chuyên gia, văn nghệ sĩ; những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà…
Cũng theo ông Phạm Quốc Hùng, để hiện thực hóa mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2021-2030, các cấp, ngành, địa phương cần: Nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ địa phương, cơ quan, bộ ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc trước yêu cầu mới; thực hiện các giải pháp nâng cao nguồn lực thông tin, hước tới đạt được chỉ tiêu về 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng đã được đặt ra; nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm phục vụ nhân dân, bạn đọc; chuyển đổi số ngành Thư viện, ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc phục vụ, phát triển văn hóa đọc một cách thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất các loại sách nói, sách điện... tử theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo thống kê (năm 2020) của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL): Hệ thống thư viện công cộng có 45 triệu bản sách, đạt mức bình quân 0,45 bản sách trong thư viện công cộng/người dân. Thư viện trường học (của 37 tỉnh/thành phố có báo cáo)103 triệu bản sách. Thư viện chuyên ngành (của 7 Bộ) có hơn 1,4 triệu bản sách. Nguồn nhân lực trong ngành Thư viện đạt trung bình 23 nhân viên/thư viện cấp tỉnh; 1,5 nhân viên/thư viện cấp huyện. |
“Để giải quyết được các vấn đề trên, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện phát triển văn hóa đọc, trong đó chú trọng đến các nội du về xã hội hóa, thu hút nguồn lực, phát triển công nghệ thông tin...; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội; chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án; tăng cường vai trò quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, khen thưởng kịp thời trong công tác phát triển văn hóa đọc”, ông Hùng nêu rõ.
Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập. Đồng thời , đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; trên hệ thống thông tin cơ sở; huy động nguồn lực xã hội hóa; vận động tổ chức, cá nhân có liên quan tài trợ, đóng góp cho hoạt động phát triển văn hóa đọc; xây dựng tủ sách, phát triển văn hóa đọc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng... là những bước đi trọng tâm trong thời gian tới.
NGÔ XUÂN LỘC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021