Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh thời đại…”. Chiến lược này đòi hỏi phải xây dựng một xã hội học tập, một xã hội văn hóa trong đó có văn hóa đọc. Muốn như vậy, chúng ta cần vận dụng văn hóa đọc của Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và tu dưỡng nhân cách thông qua đọc sách
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (1). Bởi vậy, việc xây dựng nền văn hóa trong đó có văn hóa đọc mang tính toàn dân, toàn xã hội là việc “cần làm ngay” (2).
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nước ta có nền văn hóa lâu đời. Từ thế kỷ XV, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã tự hào khẳng định: “Như nước Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (3). Nước ta là nước có thi thư, lễ nghĩa; dân ta có truyền thống hiếu học, hiếu đọc… tiêu biểu như: Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, “thần Siêu” - Nguyễn Văn Siêu, “Thánh Quát” - Cao Bá Quát… Thuật ngữ: “đọc”, “người đọc” đã được dùng từ lâu nhưng thuật ngữ “văn hóa đọc” chưa có trong các bộ từ điển Việt Nam. Từ điển Bách Khoa Việt Nam - một bộ từ điển khá đồ sộ do Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa ấn hành năm 2005, sau mục từ văn hóa có 128 mục từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa vùng, văn hóa phi vật thể… nhưng chưa có cụm từ văn hóa đọc. Bộ “Từ điển Tiếng Việt” của Nhà xuất bản – Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học phát hành năm 2010, tái bản năm 2013; Bộ “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ xuất bản năm 2016… đều chưa có thuật ngữ văn hóa đọc. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, khoảng mười năm gần đây, trong các bài viết, người ta bắt đầu dùng thuật ngữ văn hóa đọc phân tích nội hàm của văn hóa đọc và đưa ra được các định nghĩa về thuật ngữ này (4). Trong Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21-11-2019 đã có thuật ngữ văn hóa đọc.
TS Lê Văn Viết có quan niệm đọc ở một mức độ, trình độ nhất định nào đó thì mới được coi là văn hóa đọc. PGS, TS Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”. Theo PGS, TS Trần Thị Minh Nguyệt: “Xét trên bình diện phát triển văn minh nhân loại, văn hóa đọc gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của chữ viết. Xét trên bình diện cá nhân, văn hóa đọc biểu hiện trình độ phát triển tinh thần của con người cụ thể trong điều kiện xã hội nhất định…”. TS Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng: “Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người, thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin và tri thức. Đó là sự tích hợp của các yếu tố như nhu cầu đọc, thói quen đọc và được biểu hiện qua hành vi, tập quán đọc của cá nhân và cộng đồng”. Nhà nghiên cứu Bùi Thị Thu Hà đã viết: “Văn hóa đọc là hoạt động văn hóa của con người thông qua việc đọc sách báo, tạp chí, tài liệu để nhận thức và xử lý thông tin, tri thức một cách khoa học, bổ ích” (5). Trong hội thảo “Văn hóa đọc, thực trạng và giải pháp” tại Thành phố Hồ Chí Minh (2010), khái niệm văn hóa đọc được lý giải theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và các cơ quan quản lý nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng và ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội. Văn hóa đọc đã vượt lên khái niệm đọc đơn thuần, nó hướng đến giá trị nghệ thuật đích thực, hướng đến các ứng xử, giá trị và chuẩn mực thẩm mỹ của công chúng (6).
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã có một đánh giá sâu sắc về tư duy, tư tưởng, phương pháp văn hóa đọc Hồ Chí Minh: “Người đã xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc cách mạng Việt Nam với những quan điểm về sách báo mang tầm triết học. Bằng những trải nghiệm đọc sách, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra cho chúng ta phương pháp đọc sách và coi văn hóa đọc như là một kênh thông tin quan trọng để mở mang kiến thức về giáo dục về lòng nhân ái, yêu nước cho nhân dân…” (7). Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định, một trong những điều kiện Hồ Chí Minh trở thành nhà cách mạng lớn, nhà văn hóa lớn bởi Người đã tiếp nhận được nguồn “sữa mẹ” từ sách, báo. Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Cụ Hồ biết nhiều thứ và biết rất rành. Chẳng những đọc được mà còn viết được cho nên vốn văn hóa của cụ rất lớn… Vốn Quốc học, vốn Hán học giúp cụ Hồ thu nhận tinh túy của Phương Đông nên 30 năm cụ tha hương mà không tha hóa” (8).
Vì sao sách báo là hành trang gắn liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nan của Người? Bởi Người đã sớm nhận thức được giá trị vô giá của sách, báo. Người viết “vì lẽ sinh tồn, loài người đã làm ra cái ăn, cái mặc, chữ viết…”, “sách là thuốc bổ tinh thần”, là “thuốc chữa tội ngu”… Những câu nói ngắn gọn đó tưởng như rất mộc, rất dân dã nhưng lại bao hàm ý nghĩa rất sâu sắc. Đó chính là cách nói, cách viết mang đậm phong cách giản dị, súc tích rất Hồ Chí Minh. Đọc “Thư mục về Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản năm 2005, chúng ta thấy đây là bộ thư mục rất có giá trị đối với các nhà nghiên cứu. Thật kinh ngạc trước sức đọc, sức viết, lượng sách báo khổng lồ mà Người đã sử dụng. Bác đã đọc 165 tên báo, hàng chục tên tạp chí và hàng trăm tên sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Với 165 bút danh, Người đã viết 1.524 bài báo, chưa kể hàng chục tên sách… (9).
Tư duy đọc của Hồ Chí Minh rất rộng, đa dạng và có mục đích rõ ràng. Cũng có lúc người đọc để giải trí nhưng chủ yếu là để thu thập kiến thức trên các lĩnh vực: triết học, chính trị, kinh tế, xã hội học, văn hóa đặc biệt về lý luận cách mạng từ các tác phẩm, tác giả nổi tiếng. Người đọc để thu nạp các giá trị thông tin nhưng không tin một cách dễ dàng mà có sự tìm tòi, lật đi lật lại vấn đề, có sàng lọc, phản biện… để cuối cùng nắm được các vấn đề cốt lõi, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tế đời sống. Bác nhiều lần căn dặn cán bộ “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải hiểu sâu đào kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách” (10).
Đọc sách ngoại ngữ, Người cũng có phương pháp đọc tốt, hiệu quả. Lúc đầu xác định học để đọc tiếng nên đọc bài ngắn, dễ hiểu. “Hằng ngày Bác dịch, đọc báo tiếng Pháp, gặp chữ nào khó Bác suy nghĩ rất lâu” (11), về sau mới đọc các bài dài, khó, đọc kỹ để nắm chắc các vấn đề. Đọc sách báo là công việc nhiều người có thể làm được nhưng đọc để hiểu được cái “thần” của sách, đánh giá được những ưu điểm và hạn chế của sách báo thì không phải ai cũng làm được. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người đọc phải có sự hiểu biết rộng và khả năng phân tích tổng hợp tốt. Vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi nghe nhà văn hóa Giăng - Pho, một người bạn Pháp của Bác Hồ nhận xét: “Chữ Pháp thì tôi biết nhiều hơn anh Nguyễn, điều đó không có gì là lạ vì tôi là người Pháp. Nhưng xem sách lý luận bằng chữ Pháp, nhiều khi tôi phải nhờ anh Nguyễn cắt nghĩa dùm” (12).
Nét đặc trưng nữa trong văn hóa đọc của Hồ Chí Minh là phải mở rộng việc đọc, nâng cao trình độ đọc cho các tầng lớp, các vùng miền, không phân biệt giới tính, lứa tuổi… cho thấy tính dự báo của Bác, phải xây dựng một nền văn hóa đọc có tính xã hội. Khi trở thành lãnh tụ của Đảng, Bác vẫn tiếp tục đọc sách báo, không chỉ nhằm nâng cao sự hiểu biết mà còn để nắm bắt thông tin trong và ngoài nước… Sách báo đọc xong, Bác thường gửi tới các nơi cần sử dụng. Những sách báo cần làm tư liệu, Bác giữ lại nhưng sử dụng xong lại gửi đi. Vì vậy, Bác không có thư viện riêng. Bác còn yêu cầu mọi người đọc sách báo nhằm: “…truyền thông, cổ động, huấn luyện giáo dục và tổ chức dân chúng, và đưa dân chúng đến mục đích chung” (14). Chính từ tư tưởng và sự quan tâm của Người về việc tạo ra nơi đọc sách cho nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng được một mạng lưới thư viện phát triển rộng khắp cả nước, hình thành môi trường đọc khá thuận lợi cho người dân ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, giới tính… ở các địa phương và các đơn vị công tác, các trường học từ mẫu giáo đến các trường đại học, cao đẳng.
Một nét đặc trưng không thể bỏ qua trong văn hóa đọc của Hồ Chí Minh là văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng phải phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc, phải “kháng chiến hóa văn hóa/ văn hóa hóa kháng chiến”. Đọc sách lý luận kinh điển đòi hỏi người đọc phải có kiến thức cao về nhiều mặt, nhất là đọc tiếng nước ngoài, phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, nếu không kiên định dễ nản chí. Với quyết tâm cao, nhằm mục đích nắm được cốt lõi tư tưởng học thuyết Mác, Bác đã đọc đi đọc lại bộ Tư bản luận của Mác. Khi đọc bài “Lênin bàn về các dân tộc và thuộc địa” trên Báo Nhân đạo ngày 16, 17 tháng 9 năm 1920 người đã thu nhận, nắm bắt thông tin rất chính xác, kịp thời, nhạy bén đó là các phương thức hoạt động để các nước thuộc địa có thể thoát khỏi ách áp bức của thực dân. Người đã cảm động đến phát khóc bởi đã tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Qua những nét phác thảo trên, ta thấy khả năng định hướng, tìm tin, nắm bắt thông tin, xử lý thông tin, sử dụng thông tin vào thực tế đời sống của Người thật khoa học, đã được nâng lên thành nghệ thuật.
Như vậy, có khá nhiều định nghĩa về văn hóa đọc với cách diễn đạt khác nhau nhưng có sự tương đồng về nội dung. Nội hàm văn hóa đọc có tính chất rộng hơn, sâu hơn thuật ngữ “đọc”. Từ nội hàm thuật ngữ “văn hóa đọc” đối chiếu với quá trình đọc, viết của Bác, chúng ta có thể khẳng định: có một tư duy, một phong cách, một cách đọc rất Hồ Chí Minh hay nói một cách khái quát, có văn hóa đọc Hồ Chí Minh.
Có thể tóm tắt nội hàm văn hóa đọc của Hồ Chí Minh gồm những vấn đề chính sau: Yêu sách, thấy giá trị của sách, sử dụng rất nhiều sách…; Thích đọc sách, say mê đọc sách, tranh thủ đọc sách bất cứ lúc nào cho phép…; Biết cách tìm tin, xử lý thông tin, ghi nhớ thông tin, có phương pháp đọc tốt vừa tính khoa học vừa có tính nghệ thuật; Đọc có mục đích: đọc để giải trí, để tiếp cận thông tin, để hoàn thiện bản thân, để làm cách mạng; Đọc để tuyên truyền cho nhiều người đọc, để nâng cao dân trí, để xây dựng xã hội học tập, xã hội văn hóa trong đó có văn hóa đọc v.v…; Có một phạm trù mỹ học - cái đẹp trong văn hóa đọc Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đọc có văn hóa, với nghĩa đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất. Tìm hiểu, học tập, vận dụng tư duy văn hóa đọc của người có ảnh hưởng to lớn trong việc xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam cho ngày nay và mai sau. Phát triển nền văn hóa đọc là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu của nước ta hiện nay. Văn hóa đọc Hồ Chí Minh có sức lan tỏa, lay động trong sự nghiệp thúc đẩy nền văn hóa đọc Việt Nam.
Những năm gần đây, văn hóa đọc ở nước ta đã có sự khởi khắc. Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21-4 hằng năm, Ngày Sách và Bản quyền thế giới của UNECO (23-4), tại nhiều thành phố đã tổ chức Hội chợ sách, thu hút hàng triệu người. Hình ảnh các em nhỏ, các thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của dân tộc - say sưa đọc trên các phố sách, trong các hiệu sách, thư viện… hứa hẹn văn hóa đọc Việt Nam ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, một số nhà văn hóa đã gióng lên “hồi chuông” báo động, cảnh tỉnh về tình trạng “xuống cấp” của văn hóa đọc do văn hóa đọc bị văn hóa nghe -nhìn lấn lướt; nguy cơ “tụt hậu” văn hóa đọc so với nhiều quốc gia trên thế giới; tài chính đầu tư cho văn hóa đọc (xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư cho xuất bản...) còn hạn chế; thể chế chính sách, trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà nước cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đời sống văn hóa v.v...
Văn hóa đọc ở Việt Nam còn hạn chế, bởi tỷ lệ người đọc vẫn thấp so với số dân. Đến nay, nhiều người vẫn còn hỏi, đọc sách để làm gì? Để giải quyết tình trạng này, chúng ta phải giáo dục, nhắc nhở họ về quan điểm văn hóa và văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục và văn hóa là quốc sách hàng đầu, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (14). Người nhấn mạnh “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những hoặc đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (15).
Do chưa yêu sách nên nhiều người chưa đọc hoặc đọc rất ít, vì vậy chưa tạo được thói quen đọc sách. Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng về tự học, tự đọc. Nhà nghiên cứu Vasiliép nhận xét “Hiếm có chính khách nào của TK XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ, học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời” (16). Vì vậy, Người luôn nhắc nhở, dù bất luận trong hoàn cảnh nào cũng đều không được quên việc đọc. Chúng ta phải học tập phương pháp đọc Hồ Chí Minh.
Muốn đất nước cường thịnh, phải nâng cao trình độ dân trí, đề cao việc đọc, đề cao văn hóa đọc. Việc đọc không chỉ một người mà là nhiều người, phải xây dựng một văn hóa đọc rộng rãi, có tính toàn cầu, toàn quốc. Đây là vấn đề Bác Hồ đã từng dạy. Học tập văn hóa đọc của Hồ Chí Minh, áp dụng vào thực tế, chúng ta có thể thực hiện được hoài bão ấy. Tóm lại, từ tấm gương suốt đời hoạt động cho cách mạng, suốt đời gắn bó với việc tự học qua việc đọc sách báo, những cuốn sách đầu đời của Người là những cuốn Tam Tự kinh, cuốn sách cuối cùng Người còn đọc dang dở trước lúc đi xa là cuốn Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Những lời nói và viết của Người về việc cần học tập, cần nâng cao trình độ, tạo thói quen đọc sách, biết cách đọc, đọc để phụng sự đất nước, phải tạo cho toàn dân có điều kiện học, đọc... tạo thành văn hóa đọc Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa, lay động cho việc tạo dựng, phát triển nền văn hóa đọc Việt Nam hiện tại và tương lai. Nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng, quan điểm của Người về sách báo, về đọc và văn hóa đọc để xây dựng nền văn hóa đọc mang bản sắc dân tộc Việt Nam, nhằm đáp ứng kỳ vọng các mục tiêu xây dựng đất nước mà Đảng ta đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách hiện nay.
_______________
1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 330.
2. Cụm từ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường dùng đăng trên Báo Nhân dân.
3. Nguyễn Trãi Toàn tập, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội,1999, tr. 28.
4. Nguyễn Chí Trung, Đặc điểm văn hóa đọc của sinh viên, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2020, số 435, tr. 36-39.
5, 6. Bùi Thị Thu Hà, Các chức năng của văn hóa đọc, qtttc.edu.vn, 20-5-2016.
7. Vũ Thị Thu Hà, Văn hóa đọc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2013, số 2, tr. 20-27.
8, 11, 13, 14, 17. Vũ Dương Thuý Ngà, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo và thư viện / Vũ Dương Thuý Ngà, Phạm Văn Rính, Hoàng Sơn Cường, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2010, tr. 6, 68, 69, 77, 61.
9. Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1987.
10. Thư mục về Chủ tịch Hồ Chí Minh 2000-2004 / S.t, b.s: Nguyễn Thị Tình (ch.b.), Chu Đức Tính, Ngô Thế Long..., Bảo tàng Hồ Chí Minh, 2005, tr. 681.
12. Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 53.
15. Hồ Chí Minh về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1997, tr. 64.
16. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 458.
LÊ NGỌC TUYỂN- LÊ THỊ THUÝ HẰNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021