Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách để gia nhập vào cuộc sống cộng đồng, xã hội. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định đến việc hình thành nhân cách nói chung, phẩm chất đạo đức nói riêng của cá nhân. Tuy nhiên, trước những biến đổi to lớn của xã hội hiện đại, gia đình Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều thách thức.
Vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội
Gia đình là một thiết chế văn hóa - xã hội đặc biệt, vừa là một đơn vị kinh tế vừa là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người. Cùng với thiết chế giáo dục, chức năng xã hội của gia đình đã góp phần đưa con người từ cá thể sinh học trở thành con người xã hội. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân trong gia đình được phát triển hài hòa và toàn diện. Mặt khác, gia đình cũng là nguồn cung cấp lực lượng lao động, của cải cho xã hội và tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Họ có mặt trên tất cả các vị trí của xã hội, điều tiết và vận hành bộ máy của Đảng, Nhà nước và xã hội. Trong mối liên hệ giữa gia đình và xã hội, các chính sách xã hội và luật pháp tác động sâu sắc đến phúc lợi và an sinh của các thành viên gia đình. Ngược lại, gia đình góp phần thực hiện, duy trì và bảo vệ thành quả của chính sách, luật pháp để ổn định, phát triển xã hội cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát xã hội.
Gia đình không chỉ góp phần quan trọng vào việc duy trì sự tồn tại của xã hội mà còn góp phần xây dựng các chuẩn mực, giá trị đạo đức, phong tục, tập quán, lối sống văn hóa và giáo dục. Gia đình cũng là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, con người với làng xóm, cộng đồng, đất nước. Bởi vậy, việc củng cố gia đình, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên cho việc củng cố xã hội, xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp. Gia đình hạnh phúc là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, là hạt nhân để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh và giàu bản sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước luôn xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” . Đặc biệt, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược đặt mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” với 12 chỉ tiêu cho từng giai đoạn và ban hành các đề án, chương trình nhằm cụ thể hóa các giải pháp góp phần thực hiện thành công chiến lược. Ngoài ra, nhiều văn bản luật cũng kịp thời ban hành như Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Trẻ em (2016), cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về công tác gia đình, thời gian qua, nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình đã được các địa phương triển khai, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Các phong trào thi đua như: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.., đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” cơ bản đã đạt được. Công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Nhờ đó, những chức năng cơ bản của gia đình được phát huy, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. “Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước)... Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết”. Sự phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển của mỗi gia đình, mang lại nhiều cơ hội trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của mỗi cá nhân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Lễ cưới truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long
Ảnh: tư liệu
Những thách thức trong quá trình xây dựng gia đình Việt Nam
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra các điều kiện, cơ hội thuận lợi để các gia đình tiếp cận kiến thức, giá trị tốt đẹp của các dân tộc, các nền văn hóa khác, kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại, song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Đó là sự khủng hoảng chức năng của gia đình; sự xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình, của dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại; tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên gia đình, dẫn đến gia đình thiếu ổn định, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội. Gia đình Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển, như chất lượng sống của người dân chưa cao, có sự phân tầng sâu sắc giữa các nhóm xã hội, vùng, miền; chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu; chất lượng dân số thấp và cơ cấu chưa hợp lý; còn nhiều tệ nạn xã hội...
Hiện nay, các gia đình đang phải đối diện với những vấn đề mới trong bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam chuyển đổi nhanh, phức tạp như chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới, bạo lực gia đình…, xuất hiện ngày càng nhiều và thái độ của xã hội về chúng hết sức đa dạng. Khoảng cách về thu nhập, chi tiêu giữa các hộ gia đình ở thành thị và nông thôn ngày càng chênh lệch, thậm chí sự chênh lệch này còn diễn ra khá gay gắt ngay trong lòng các đô thị lớn. Sự phân hóa gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên bình diện mức sống, chi tiêu mà còn ở các khía cạnh văn hóa, xã hội khác như hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống...
Ngoài ra, sự xâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại và lối sống thực dụng phương Tây đang làm băng hoại đạo đức một bộ phận gia đình. Những quan hệ thiêng liêng trong gia đình như cha mẹ và con cái, vợ - chồng, anh - em với những chuẩn mực đạo đức cơ bản như tình nghĩa, thủy chung, hiếu thảo, hòa thuận…, đang có nguy cơ bị xâm hại, lấn át bởi sức mạnh của đồng tiền. Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh đó, các chức năng của gia đình đang có những thay đổi nhất định. Nếu như trước đây, chức năng sinh sản, chức năng kinh tế và chăm sóc giáo dục nhằm duy trì gia đình phát triển được đặt lên hàng đầu thì ngày nay, chức năng tình cảm, quyền cá nhân đã chiếm địa vị cao trong hôn nhân. Sự gắn kết và tình cảm thân thiết giữa các thành viên trong gia đình cũng đã khác trước rất cơ bản. Phạm vi của các mối quan hệ gia đình trở nên rộng lớn hơn, nhưng mức độ gắn bó và đoàn kết trong mối quan hệ ấy luôn có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực. Sự thay đổi bản chất và hình thức tổ chức cuộc sống gia đình đã kéo theo hàng loạt vấn đề mới cần phải giải quyết như vấn đề nhà ở, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng gây ra những thách thức không nhỏ đến đời sống gia đình. Cách mạng này khiến công nghệ trở thành một phần chủ chốt và lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống của mỗi gia đình, nhưng chúng ta mới bước đầu nhận thức được sự thay đổi lớn lao về công nghệ, còn sự tác động thế nào đến đời sống gia đình dường như ít nhận được sự quan tâm của mỗi cá nhân. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh…, khiến cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội ít nhiều bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, một mặt, mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, mặt khác, tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, như hẹn hò trực tuyến, thậm chí là rô-bốt tình dục,... dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái, từ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.
Một số giải pháp nhằm xây dựng gia đình Việt Nam thích ứng với những biến đổi của xã hội hiện đại
Nhằm xây dựng gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng về công tác gia đình, đó là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”. “Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”. Để cụ thể hóa những nhiệm vụ này, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc gìn giữ, phát triển hệ giá trị tốt đẹp của gia đình. Các cấp ủy và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần lồng ghép, phối hợp việc thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” với các chiến lược, kế hoạch có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Mặt khác, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại.
Hai là, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình, các cơ quan, những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình… Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, cần chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt chú trọng đối tượng tuyên truyền là nam giới. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu tác động vào gia đình.
Ba là, khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên đối với mỗi gia đình. Nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, quy chế dân chủ cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân trong thực hiện chính sách dân số. Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác gia đình, trẻ em, đồng hành với các gia đình trong giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa với những hoạt động phong phú, đa dạng thu hút sự tham gia của các gia đình, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, gia tăng sức mạnh và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trước những biến động của thời đại.
Bốn là, tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội hiện đại. Việc xây dựng gia đình phải gắn liền với hình thành và xác lập, củng cố từng bước các quan hệ gắn bó với cộng đồng, với các thiết chế, tổ chức ngoài gia đình để mọi người trong gia đình không chỉ có trách nhiệm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau mà còn phải xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, sẻ chia với những người chung quanh. Xây dựng tình làng nghĩa xóm đoàn kết, giúp đỡ, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường lồng ghép kiến thức xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.
Năm là, tăng cường chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng về gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn; đồng thời trang bị kiến thức nền tảng về văn hóa gia đình cho trẻ nhỏ trong các nhà trường nhằm hướng đến xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, phồn thịnh, là thiết chế quan trọng của các quá trình kinh tế - xã hội. Mặt khác, cần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác gia đình theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình, thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình.
PHẠM NGỌC HÒA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021