Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích mãi ngời sáng

60 mươi năm đã trôi qua, nhưng những kỳ tích, huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu Không số vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc hôm nay.

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển
    Ảnh: Tư liệu

 

Ngay từ khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm khẳng định công tác chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam giữ vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội Nghị lần thứ 15 (khóa II). Hội nghị đã xác định: con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân” (1).Thực hiện đường lối trên, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, Bộ Tư lệnh Mặt trận ra đời. Dân tộc Việt Nam sẵn sàng bước vào một cuộc chiến mới, gian khổ và lâu dài.

Nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện cho đồng bào miền Nam trực tiếp chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau đổi tên là Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tiếp đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.

Những ngày đầu hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình cụ thể tại các tỉnh duyên hải phía Nam nên chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của Tiểu đoàn 603 không thành công. Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp.

Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển là sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam.

Nỗi khát khao mong mỏi của Trung ương trùng hợp với nỗi khát khao mong mỏi của các địa phương. Khi nhận được Chỉ thị, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa, Bạc Liêu…hăng hái phấn khởi bắt tay ngay vào việc mua sắm thuyền bè, vũ khí và tuyển chọn người… Các đội thuyền của Nam Bộ đã lần lượt đến miền Bắc. Đội số 1 của Bến Tre do Nguyễn Văn Tiến, bí thư  chi bộ; Nguyễn Văn Hải, thuyền trưởng đến ngày 11-6-1961. Đội số  1 của Cà Mau do Bông Văn Dĩa, thuyền trưởng kiêm Bí thư chi bộ, đến ngày 7-8-1961…

Sau này, Đại tá Nguyễn Tư Đương kể lại: “Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo, Đảng, Nhà nước và Quân đội  được tin các đội tàu thuyền Nam Bộ đã có mặt ở Hà Nội, đều tỏ ra vui mừng, xúc động. Bác Hồ, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đã lần lượt đến thăm anh em. Trung ương rất quan tâm săn sóc đời sống tinh thần, vật chất của anh em. Một số đồng chí Quân ủy Trung ương phân công trực tiếp lãnh đạo các đội tàu và nghiên cứu tổ chức mở đường chiến lược trên biển” (2).

Trong suốt 15 năm, đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại của bộ đội Hải quân, được khẳng định bởi những con số vô cùng to lớn. Băng qua sóng gió bão bùng của biển khơi, qua bom đạn và sự theo dõi, chống phá của kẻ thù, đã có 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn (3).

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số của bộ đội Hải quân và nhân dân cả nước trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt với kẻ thù; thành công của việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm cho kẻ thù bất ngờ, khiếp sợ và bạn bè thế giới khâm phục, kính trọng.

Sơ đồ tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển

Từ 1961-1975, Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 lượt cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Các tàu không số đã đánh trả hơn 1.200 lượt máy bay địch tập kích, 19 tàu “không số” và 700 tấn hàng bị phá hủy. Hơn 90 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, chỉ duy nhất một người tìm được hài cốt. Đoàn 125 hai lần được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 8 cá nhân và 5 tàu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh trên biển được coi là một trong những kỳ tích độc đáo của chiến tranh nhân dân. Đánh gíá về sự vĩ đại của con đường, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các con tàu “không số”, của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển”(4).

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong tình hình mới đang đứng trước những cơ hội thuận lợi và không ít khó khăn, phức tạp, thách thức đan xen. Phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, mỗi cán bộ, đảng viên, và nhân dân ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc của Đảng; trong đó, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta cần biến những giá trị lịch sử thành sức mạnh của hiện tại, biến những bài học kinh nghiệm của ngày hôm qua thành một phần quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hôm nay.n

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20 (1956), Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 82.

2. 23-10 ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, số 94, tháng 10-2001, tr. 3.

3. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr 402.

4. Điện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 nhân kỷ niệm 35 năm mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-1996), Lưu trữ Văn phòng Đảng ủy Quân chủng Hải quân.

 

NGUYỄN VĂN THANH 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

;