Nhớ bát canh rau soong mùa lũ

Dòng sông Thu Bồn hiền hòa ở quê tôi như dải lụa mềm uốn lượn qua bao cánh đồng lúa, nương dâu, bãi bắp để xuôi về biển cả… Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao. Lúc này, người dân quê tôi lại huy động lưới, lờ, rớ, tủ… để bắt các loại cá như cá diếc, cá rô, cá trê… và nhất là cá chạch lấu về chế biến các món ăn trong mùa mưa lụt. Đặc biệt là món canh chua rau soong nấu với cá chạch lấu có hương vị đặc trưng, thơm ngon mà ngày nay trở thành “đặc sản” vùng miền.

Rau soong (có nơi gọi là rau chua, có họ hàng gần với cây dấm bụt) là loại cây rau có dây bò trườn, lá màu xanh đậm hoặc đỏ tía, xẻ thùy sâu với 3-5 thùy thon nhọn, hoa có cánh mỏng màu vàng. Lá, chồi non và đài hoa tươi dùng nấu canh chua, là gia vị, ăn sống, xào nấu rất ngon.

Ở miền Trung, cá lấu (chạch lấu) có thân to, da trơn màu vàng ngà có nhiều hoa văn, họa tiết. Thịt cá chạch lấu rất dai, vị ngọt, nhiều dinh dưỡng. Người dân vùng đồng bằng  thích ăn chạch lấu là vì đây là cá tự nhiên ăn rất ngon, thịt  vừa ngọt lại vừa dai, khi nấu chín có hương vị đậm đà khó quên. Giá tại chợ miền núi Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) khoảng 400.000 đồng/kg (cá lớn). Cá chạch lấu thường dùng để kho nghệ, nướng, chiên, nấu cháo, làm nhân mì Quảng... rất ngon. Nhưng hợp nhất là nấu canh chua với rau soong. Vào mùa mưa, rau soong ven bờ rào phát triển tốt, lại thêm dưới sông, suối có nhiều các chạch lấu béo mập từ thượng nguồn “di cư” về nên người dân quê tôi rất hay nấu món canh soong với cá chạch lấu.

Muốn nấu món canh này, trước tiên phải làm sạch cá bằng tro bếp, sau đó ngâm cá trong giấm để sạch nhớt và mất mùi tanh, rửa sạch, mổ bụng, cắt từng khúc vừa ăn (nếu cá lớn)  để ráo, ướp với bột nêm, tiêu bột, hành tím băm nhỏ, ớt bột cho thơm. Sau 10 phút cho gia vị ngấm vào thịt cá thì bắt xoong lên bếp, phi dầu ăn với tỏi cho thơm, bỏ cá đã ướp vào tao cho thơm. Khi cá sắp chín, cho thêm nước sôi vào nấu tiếp đến khi chín thì cho rau soong vào. Sau khi canh sôi lại vài dạo thì nhắc xuống và nêm nếm lại cho vừa ăn.

Múc canh ra bát và rắc thêm hành lá, ngò ta cắt ngắn vào bát canh cho thơm. Nhìn bát canh chua chỉ với màu vàng ngà của thịt cá, màu xanh của  rau soong, màu đỏ của ớt chín nhưng khi ăn, có vị chua, thanh hòa quyện với vị ngọt, béo của cá chạch lấu đầu mùa rất ngon, hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Khi ăn với cơm nóng, kèm theo rau sống mùa mưa như cải cây con, búp chuối, khế, rau thơm, chấm nước mắm Nam Ô thì quá tuyệt cho một món ăn dân dã trong mùa mưa lũ và có lợi cho sức khỏe.

Bây giờ, cứ mỗi khi trời mưa lụt, nước lũ từ thượng nguồn đổ về trắng loang loáng cánh đồng làng, nhìn những người dân quê “mang tơi đội nón”, lội nước đánh bắt cá trên đồng, lòng tôi  bỗng bồi hồi nhớ về người mẹ, nhớ bát canh chua dân dã do mẹ tôi nấu ngày ấy sao mà thơm, ngon đến tận hôm nay.

 

TIÊN SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

;