Đã lâu lắm rồi, tôi không có dịp ăn cơm vắt. Nhân chuyến tham quan Cồn Sơn, một khu du lịch cộng đồng nổi tiếng thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, tôi được bà chủ quán đãi món cơm vắt làm tôi nhớ lại cái thời niên thiếu nghèo khổ, nhiều lúc phải ăn cơm vắt lúc theo cha ra đồng cắt lúa.
Có thể các bạn trẻ hôm nay rất ít người biết cơm vắt. Trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu có câu: “Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt”. Vậy cơm vắt là gì?
Cơm vắt là một loại cơm sau khi nấu chín, người ta cho vào một cái mo cau hoặc miếng vải sạch, cũng có thể là tấm lá chuối rồi dùng tay nhồi, ép thật nhanh, thật mạnh nhiều lần để cho hạt cơm mềm, nhuyễn, mịn và dẻo rồi nắn lại thành một khối tròn, dài giống như đòn bánh tét không nhân. Trước khi ăn, người ta dùng dao hoặc một sợi dây cắt ra thành khoanh nhỏ như khoanh bánh tét.
Muốn cho vắt cơm thơm ngon, kết dính, người ta thường dùng gạo lúa mới, nấu cho vừa chín, không quá nhão. Cũng có người dùng bàn tay nhồi cơm cho nhão rồi nắm lại thành nắm, hình trái cà na hoặc hình tròn.
Cơm vắt đã xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long từ thời ông cha ta mở đất khai hoang. Nó vừa là bữa ăn lót dạ cho người lao động, vừa là bữa cơm chính cho những người đi làm ăn xa. Cơm vắt có thể để dành được hai ngày mà không thiu, do đó rất tiện lợi cho người đi làm ăn xa mang theo vì không có thời gian về nhà hoặc không có điều kiện nấu nướng.
Cơm vắt tuy là món ăn chân quê, mộc mạc, chỉ ăn với muối mè (vừng), muối đậu, ba khía, dưa mắm nhưng nó đã đi vào tâm thức người nông dân một cách sâu đậm không thể nào quên. Nó còn là kỷ niệm của những ngày gian khổ, nắng mưa dãi dầu trong cuộc hành trình mưu sinh.
Trong ký ức của tôi, mỗi lần ba tôi ra đồng phát cỏ hoặc đi mua bán đường xa, mẹ tôi thức dậy thật sớm nấu cơm vắt và rang đậu phộng muối mè cho ba tôi mang theo. Có khi mẹ tôi còn kèm thêm hũ dưa mắm hoặc tép rang, những thứ mà người nông dân ưa thích. Mỗi lần mẹ tôi vắt cơm, người đều dành riêng cho tôi một khoanh nhỏ với chút đậu phộng muối mè để ăn sáng trước khi đến trường. Chỉ có thế thôi mà mãi cho đến nay, mái tóc đã hoa râm, tôi vẫn nhớ bàn tay cần cù lam lũ của mẹ tôi, nhớ nhất là mùi vị vắt cơm, nó vừa dẻo thơm vừa bùi bùi, mùi của đậu phộng muối mè rang.
Bây giờ, giữa chốn phồn hoa đô hội, nơi nào cũng có những quán ăn sang trọng, bày bán đủ thứ cao lương mỹ vị, thức ăn Âu Á tràn đầy... nhưng đâu đó, tại một vài khu du lịch, vẫn xuất hiện những cửa hàng giới thiệu món cơm vắt bình dân với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, không kém phần hấp dẫn, chẳng hạn như cơm vắt gói lá sen, cơm vắt nắm tay ăn với muối mè hoặc ăn với tôm kho tàu, tép rang nước cốt dừa, cá khô, cá lóc, cá tra…
Nhiều khách du lịch có nhu cầu ăn kiêng hoặc muốn đổi bữa cho ngon miệng, tìm khẩu vị mới đều thích món này. Cũng có người thưởng thức cơm vắt để trải nghiệm cuộc sống và tưởng nhớ đến cái thời khốn khó, công lao cực khổ của tiền nhân thời mở đất phương Nam.
Tác giả: Huỳnh Văn Nguyệt
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021