Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III

Liên hoan do Cục Văn hóa cơ sở(Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức từ ngày 16/3 đến 19/3 tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với sự tham gia của 19 đoàn nghệ nhân dân gian đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và phát biểu Khai mạc Liên hoan

Gần 800 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ các tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và TP. HCM đã mang đến Liên hoan hơn 100 tiết mục diễn xướng, 19 bộ trang phục dân tộc truyền thống và 19 mâm cỗ cổ truyền, tạo nên thành công rực rỡ cho Liên hoan.

Ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở phát biểu: “Không gian diễn xướng mở ra là ánh lửa bập bùng ẩn hiện quanh nếp nhà sàn đâu đó của miền trời Đông Bắc, Tây Bắc, qua các huyện Quan Sơn, Bá Thước (Thanh Hóa), Anh Sơn, Kỳ Sơn (Nghệ An), Đak Rông (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên Huế) rồi đến những mái ngói thâm nâu nơi làng quê Châu thổ Sông Hồng, chứa đựng biết bao trầm tích kỳ diệu về văn hóa dân gian. Các tiết mục “Lễ cấp sắc” (đoàn Tuyên Quang); “Mừng nhà mới” (đoàn Nghệ An); “Lễ hội chạy gió” (đoàn Bắc Ninh); “Đào lý một cành” (đoàn Hải Dương); “Cô đôi thượng ngàn” (đoàn Vĩnh Phúc); “Xẩm chợ” (đoàn Hà Nam); “Tục cưới hỏi người Thái” (đoàn Thanh Hóa); “Lễ cúng gọi hồn” (đoàn Quảng Trị); “Rước cây nêu” (đoàn Thừa Thiên Huế)… cho ta thấy mỗi nơi một phong tục tập quán, cho dù ta có đi nhiều trải nghiệm nhiều cũng khó lòng kể hết. Đó chính là tính hiện hữu, giản dị đến tự nhiên của các nghi lễ: mừng cơm mới, lễ cấp sắc cùng những tập quán chợ phiên, lễ xuống đồng và đỉnh cao là văn hóa trang phục, ẩm thực được gửi gắm qua những câu tục ngữ, hát ru, hát đố, hát yếu… kèm theo những câu chuyện cổ tích huyền thoại của cộng đồng các dân tộc: Dao, Tày, Mông, Thái, Pa Cô, Vân Kiều, Kinh… ở đó có sự hòa điệu tuyệt vời giữa vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên cùng với gốc văn hóa đậm đà bản sắc riêng có.

Các nhạc cụ của đồng bào các dân tộc: Bana Rơ ngao, K’ho, Ê Đê, Jrai, Cor, Cadong… bắt nguồn từ lao động trên nương rẫy hoặc bị hạn chế không gian trình diễn do tập tục như: Đinh buốt ple, Đinh muốt die,  M buốt, Tinh linh, Đinh năm, Tơ diêp, Klông Pút… được làm bằng cây nứa, trái bầu nay đã thấy xuất hiện tại một số tiết mục biểu diễn. Sự khát khao no đủ và tình cảm gắn kết được thể hiện qua các nghi lễ “Giọt nước” (đoàn Kon Tum), “Mừng lúa mới” (đoàn Lâm Đồng), “Lễ cầu mưa” (đoàn Quảng Nam), “Đấu chiêng” (đoàn Quảng Ngãi), “Lễ kết nghĩa anh em” (đoàn Đắk Lắk), “Lễ hội Mừng mùa dân tộc Mnông” (đoàn Đắk Nông) và rồi tất cả cùng vỡ òa cảm xúc với thanh âm hòa điệu bằng tuyệt kỹ thiên bẩm của 200 chiếc cồng chiêng theo nghiêm luật: cồng mẹ, cồng cha giữ nhịp, cồng con làm nền hòa âm cho các cồng cháu đánh so le… được các nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên trình diễn hết sức lôi cuốn, thể hiện sức sống mãnh liệt của những người con vượt khó vươn lên làm chủ cuộc đời.

Các tiết mục diễn xướng "Ngày mùa" (đoàn Đồng Nai), "Chimmohori và Chầm riêng chà Pay" (đoàn An Giang), "Chúc phúc và Nguyên tiêu thịnh Hội" (đoàn TP.HCM) của đồng bào các dân tộc: Hoa, Khmer và Chơ ro được tái hiện giúp chúng ta tìm thấy sự co giãn hữu tình theo diễn biến nhịp nhàng của đời sống, đánh thức không gian bát ngát cho các làn điệu hát ru, câu hò điệu lý dập rình tự tình, trải dài qua miền ký ức và xúc cảm mênh mang...”

Ông Nguyễn Công Trung cũng đã nêu lên giải pháp để gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc: “Việc giữ gìn văn hóa dân tộc không thể một sớm một chiều, không phải một người hay một ngày mà phải kiên trì nhiều năm. Cần đánh thức, kêu gọi lòng tự hào dân tộc để người dân tự nguyện tham gia bảo tồn di sản, không chỉ là người kế thừa mà phải là những chủ thể mang căn tính văn hóa riêng biệt, đó là sức sống nội sinh làm nên bản sắc. Liên hoan, hội thi chỉ là một trong những biện pháp nghiệp vụ, vì vậy cần khuyến khích các hoạt động văn hóa tại địa phương thông qua các lễ thức vòng đời của mỗi gia đình, lễ nghi nông nghiệp trong từng làng buôn… gắn liền với các lễ thức đoàn thể, tiến tới giảm dần những hình thức cũ rườm rà tốn kém, khuyến khích giảm phần lễ, tăng hình thức vui chơi tập thể. Tăng cường giảng dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc. Đây là những vấn đề mang tính chiến lược nên cần lắm những tấm lòng, sự sáng tạo của người tổ chức và đặc biệt là nguồn kinh phí cần có”.

Bế mạc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao tặng 19 giải A, 38 giải B cho phần thi trình diễn dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, 7 giải A, 10 giải B cho phần thi tái hiện tích, trò, nghi lễ trong sinh hoạt văn hóa truyền thống và các giải trình diễn trang phục dân tộc, phần thi “trai tài - gái đảm”.

 

TUẤN LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;