Tôi đến Mường Chùa (Tử Nê - Tân Lạc) khi lên 7 tuổi. Tôi được nuôi dưỡng và lớn lên ở xứ Mường ấy. Mường Chùa phía Bắc tiếp giáp Mường Khến gắn liền Mường Động. Phía Nam giáp Mường Chiềng nối liền với Mường Vang, nơi đã đi vào thơ Tố Hữu thời kháng chiến chống Pháp: Anh giờ đánh giặc nơi nao… Chiềng Vang - Vụ Bản hay vào Trị Thiên. Phía Đông giáp với vùng núi cao Thạch Yên - Thượng Tiến, liền kề Mường Động. Phía Tây Mường Chùa là Mường Bi rộng lớn đậm nét bản sắc văn hóa Mường, một thung lũng đẹp nhất trong vùng núi cánh cung sông Đà - Sông Mã.
Giao lưu hát dân ca Mường ở huyện Lạc Sơn - Ảnh: Báo Hòa Binh
Nhà tôi sát với chợ Mường Chùa (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), ngôi chợ có vị trí của phiên chợ huyện, chợ vùng, chợ Mường. Chợ ngày ấy có phiên chợ đón, họp từ chập chiều hôm trước. Bà con ở các vùng Mường xa như Bi, Vang, Thàng, Động thường đến ăn chợ, từ phiên chợ đón. Chợ đón để đón khách xa về chơi chợ, ăn chợ tiếp cận trước với việc mua bán của ngày chợ chính. Nhưng chính chợ đón với bề dày của cả một đêm đã nảy nở những nét văn hóa chợ độc đáo, có sức hấp dẫn lạ kỳ với chủ thể và khách thể của chợ Mường.
Ngày ấy, tôi không hình dung, nhận diện được một cách rành rẽ. Nhưng sau này, tôi đã hiểu chợ Mường Chùa với cả chợ đón, chợ phiên mang dấu ấn của một phiên chợ tình xứ lạ tiếc rằng đã bị phôi phai. Chỉ còn lại đôi nét chấm phá để cho người ta hoài niệm, tiếc nuối một thời. Điều làm tôi ngạc nhiên và lý thú là chợ Chùa không khác một dòng suối dân ca Mường trong mát, tinh khôi và dạt dào, tha thiết. Đêm chợ đón có tới mấy chục tốp hát đối đáp. Càng về khuya, từng nhóm đối đáp dần dần tách ra từng đôi hát khi tìm thấy nửa bên kia sự tâm đầu ý hợp và sự cảm mến bị thu phục bởi tài hát Ví, hát Đối, hát Đúm của nhau.
Hát ví không phải độc quyền, độc tôn của riêng người Mường. Nhiều dân tộc có lối, có cách hát ví riêng. Người Kinh nhiều vùng còn lưu giữ dấu ấn hát Ví đối, Ví đúm, Ví dặm, Quan họ. Nhưng Ví Mường chất cổ truyền nguyên bản, chất bản địa độc bản, chất dân dã cơ bản, chất tương tác bài bản… đã làm cho giới nghiên cứu học thuật ngạc nhiên, ngưỡng mộ. Có thể nói, Ví Mường có trước Ví dặm Nghệ Tĩnh, có trước và phát triển sâu rộng hơn Ví đối - Ví đúm của nhiều vùng miền, địa phương, dân tộc. Tiếc rằng, sự nghiên cứu và tôn vinh Ví Mường chưa đúng tầm; việc bảo tồn phát huy còn nhiều hạn chế.
Gần đây, có những nghiên cứu cho rằng Mo Mường mới là đỉnh cao nhất của di sản văn hóa Mường. Ở một góc nghiên cứu khác, có thể cho rằng, một dân tộc khi đã có một nền tảng sáng tác, sáng tạo hát Ví đối mới có đủ khả năng sản sinh ra những bản trường ca, sử thi hùng vĩ được. "Đẻ đất đẻ nước" đã nảy nở và thăng hoa trên nền của Ví Mường dân gian dân dã, mượn tang ma để lưu truyền, dựa vào tâm linh để truyền thụ, cảm thụ. Có thể hiểu, với hát Ví Mường, dân ca Mường nền sử thi "Đẻ đất đẻ nước" là một đỉnh cao. Hy vọng còn phát hiện ra những đỉnh cao khác của di sản văn hóa dân gian Mường. Ví Mường sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tôn vinh, tỏa sáng, bảo tồn và phát huy đúng tầm vóc vốn có.
Trở lại phiên chợ Mường Chùa ngày ấy. Khi tôi học lớp 4, lớp 5 đã theo các anh chị lớn tuổi hơn ở trong lớp đi hát Ví, hát Đối ở những phiên chợ đón. Một lần đi hát, tôi đã vấp phải lời đáp của một cô gái Mường bên đối diện: Ăn cơm cá diếc cá mương/ Ho không muốn hát với phường đét con. Tôi cay đắng nhận ra mình còn quá bé để hát Ví đối Ví đám về tình yêu nam nữ. Nhưng Ví đối, Ví đám vẫn theo đuổi tôi, thúc đẩy tôi theo các bạn hát đôi hát để thưởng thức, khám phá, học hỏi, tìm hiểu nghiên cứu Ví Mường. Đây là bước khởi đầu để sau này tôi trở thành người nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Bộ VHTTDL.
Tôi nhận ra Ví đối có mặt trong đời sống xã hội dân tộc Mường. Ví đối hát trong quy trình vòng đời từ tình yêu, hôn nhân, sinh con, cuộc sống gia đình cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về Mường Trời. Ví đối nảy nở ở văn hóa chợ, ở văn hóa sản xuất, văn hóa ứng xử giao tiếp, văn hóa cưới và tang. Mỗi cuộc hát là một câu chuyện kể bằng thơ, là một cuộc đối đáp ăn ý, tế nhị, hàm súc, có khi thống thiết và có lúc trào lộng, lúc vui, khi buồn theo cảm xúc cung bậc tình cảm của người hát, người nghe. Đó là hơi thở của vùng đất Mường, của tâm hồn người Mường, của tinh hoa văn hóa Mường phát triển, tỏa sáng.
Ví Mường đã rực rỡ ngay từ thuở Việt - Mường còn chung một dân tộc. Nó đã đồng hành cùng dân tộc Kinh, dân tộc Mường khi rẽ về hai nhánh tộc người. Người Kinh đã biến đổi nó trong Ví dặm, Quan họ, hát Xoan… Người Mường đã giữ nguyên hồn cốt, phong tục hát Ví đã trở thành rường cột của nền dân ca Mường và là chất liệu cho các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác.
Ví Mường có sức sống kỳ diệu hàng ngàn năm bởi nó mang cốt cách, tâm hồn người Mường với sự sáng tạo mang tính phổ quát, phổ cập. Đó là sự gắn bó giữa câu thơ và làn điệu, giữa nhận thức và cảm xúc, giữa thực tại và ước muốn. Đó thật sự là khát vọng mùa xuân của người Mường, đất Mường. Nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh bảo tồn, phát huy phát triển Ví Mường trong cuộc sống đó là sự thôi thúc của mùa xuân, của sức xuân. Đó là một nét đẹp trong hành trình văn hóa của địa phương, của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
NGÔ QUANG HƯNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022