Đờn ca tài tử gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ
Đờn ca tài tử (ĐCTT), loại hình nghệ thuật đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. ĐCTT có lịch sử hình thành muộn so với nghệ thuật Tuồng (Bội), Chèo, Quan họ hay Ca trù… nhưng loại hình nghệ thuật này vừa mang tính chuyên nghiệp vừa có chất dân dã. Những đặc điểm đó thể hiện đậm nét từ hình thức tổ chức, sinh hoạt đến ngôn ngữ nghệ thuật; từ không gian văn hóa trình diễn đến bài bản; từ tập tục thói quen, ngón đờn, giọng ca đến sự giao tiếp, ứng xử; từ sự giao hòa tâm hồn đến nỗi niềm vui buồn, tri âm, tri kỷ của những người tham gia hòa đờn, hòa ca.
Theo một thống kê sơ bộ về ĐCTT của các tỉnh thành phía Nam, hiện chúng ta có trên 2.000 câu lạc bộ (CLB), nhóm ĐCTT với gần 23.000 thành viên tham gia và gần 3.000 nhạc cụ được sử dụng. Đi đến đâu, chúng ta cũng nghe được tiếng đờn, tiếng ca tài tử: trên chiếc ghe bầu xuôi ngược buôn bán hoặc buổi tối rảnh việc, trên chiếc chiếu trải trước sân nhà. Đôi lúc, trong đám tiệc, ma chay, cưới hỏi… của người hàng xóm, vài người biết đờn ngồi trên bộ ván ngựa, ở phòng khách chơi vài bản Bắc, bài Nam… đã làm cho nghệ thuật này hết sức chuyên nghiệp. Những nghệ sĩ tài tử vẫn ngồi với nhau để hòa đàn, hòa ca… Họ nắn nót tiếng đờn, uốn giọng từng ca từ để cùng nhau tri âm, tri kỷ...
ĐCTT thể hiện tính cách phóng khoáng và nếp sống sông nước miệt vườn của con người Nam Bộ, vì thế đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày hội, dịp vui của đồng bào. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, Nghệ nhân Ưu tú Nhâm Hùng: “ĐCTT có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ gói gọn trong một địa bàn, địa phương hay một vài tỉnh, thành phố mà có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Đi đâu cũng nghe ĐCTT, đi đâu cũng thấy những hoạt động sôi nổi của các CLB, đội, nhóm ĐCTT. Sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng văn hóa rộng, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhằm lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác chính là lý do thuyết phục nhất để lựa chọn ĐCTT là một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Nam Bộ”.
Tham gia một buổi sinh hoạt ĐCTT mới có thể nếm trải hết những cung bậc của cảm xúc của loại hình âm nhạc này. Ông Dương Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hậu Giang cho biết: Hậu Giang hiện có hơn 300 CLB ĐCTT thu hút hàng nghìn thành viên tham gia, trong đó có 100 CLB hoàn chỉnh vì có từ ba loại nhạc cụ trở lên, còn lại mỗi CLB chỉ có một hoặc hai loại nhạc cụ. Hằng năm, Hậu Giang duy trì việc tổ chức liên hoan ĐCTT giữa các CLB trong tỉnh và tham gia các cuộc thi trong khu vực, nhằm giữ gìn, tôn vinh, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này… đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu thưởng thức tinh hoa của nghệ thuật ĐCTT và cải lương; thể hiện sự sáng tạo trong những tác phẩm; tập hợp và quy tụ những người đam mê, yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống, để mọi người được gặp gỡ giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu… đã khai thác loại hình nghệ thuật ĐCTT như một sản phẩm du lịch độc đáo, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của du khách trong và ngoài nước. Việc kết hợp du lịch sinh thái, nhà vườn, nghe ĐCTT đã tạo nên một giá trị riêng.
Chúng tôi về huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ), nơi đang phát triển du lịch sinh thái miệt vườn rất mạnh, loại hình nghệ thuật ĐCTT theo đó cũng nở rộ khắp nơi, trở thành món hấp dẫn nhất trong “thực đơn văn hóa” vì có khả năng gọi mời du khách rất hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Liền (Năm Liền), chủ quán văn nghệ ĐCTT Vàm Xáng (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền), nét mặt đầy tâm đắc nói: “Dù trình diễn trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bộ môn nghệ thuật ĐCTT vẫn được sự yêu mến, thích thú của mọi người, đặc biệt là du khách nước ngoài. Họ cho rằng ĐCTT vừa lạ vừa độc đáo. Họ khẳng định ĐCTT là tài sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, không chỉ của riêng miền Tây Nam Bộ mà của cả Việt Nam”.
Ngày nay, mặc dù hầu hết những người chơi ĐCTT không xem đây là nghề chủ yếu để mưu sinh nhưng điều kiện kinh tế vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến tính chất đặc trưng của nó. Bởi hiện tại những người có tâm huyết với dòng nghệ thuật này hầu hết gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cho dù có đam mê với nghề, sống dựa vào nghề để mưu sinh song để chăm chút và đầu tư chuyên sâu cho nghề với họ vẫn là một thách thức không dễ vượt qua.
ĐCTT là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ những ngày đầu mở đất; là hơi thở, tiếng lòng, sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam. Nó là một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.
Câu lạc bộ ĐCTT thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang diễn giao lưu
PHƯƠNG NGHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022