Trầm tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bên triền sông Hồng

Tọa lạc bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa, dưới cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi xanh mát, đền Đức Thánh Bà từ lâu gắn với những truyền thuyết, huyền tích linh thiêng và là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Tổ Phú Thọ địa linh nhân kiệt.

Đền Đức Thánh Bà là không gian lưu giữ trầm tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Tổ
 

 

Cách trung tâm huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) khoảng 500m, đền Đức Thánh Bà tọa lạc ở địa thế đắc địa thuộc địa phận khu 8, thị trấn Hạ Hòa, cửa đền hướng Tây, nhìn thẳng ra dòng sông Hồng, phía sau là những dải núi bao bọc tạo nên thế vững chãi, sơn thủy hữu tình. Đến nay, chưa có sử sách nào ghi lại một cách chính xác ngôi đền được lập dựng từ thời gian nào.

Theo cụ Nguyễn Chí Hướng (sinh năm 1930), thủ nhang bản đền gần 30 năm nay thì đền Đức Thánh Bà có từ xa xưa, gắn với truyền thuyết, huyền tích Hùng Vương thứ 18. Xưa kia, đền Đức Thánh Bà thường gọi là Miếu Hai Cô, được dựng bằng sáu cột gỗ. Trải qua thời gian, bao biến cố thăng trầm, người dân nơi đây gìn giữ, phục dựng, tôn tạo ngôi đền, nơi đây đã trở thành không gian linh thiêng để nhân dân trong vùng thờ phụng, hương hỏa, tri ân công đức tổ tiên và thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương.  

Theo bản “Thần tích xã Ấm Thượng, tổng Ấm Hạ - huyện Hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ” ghi chép lại như sau: “Hùng Hiền Vương (Lạc Long Quân) nhân ngày nhàn rỗi mới đi chơi đến núi Phượng Dực, nhận thấy nơi đây là thế đất thiêng, non cao, cảnh đẹp, người tài, Vua bèn lập đàn cầu đảo trời đất và 100 vị thần thiêng. Vua nằm trong đàn ăn chay ba ngày, một lòng bái yết. Đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, bỗng thấy một tiên nữ bay xuống trước đàn múa cười. Mọi người vào tâu với Hùng Hiền Vương. Vua cho đón vào và hỏi: Tiên nữ họ tên gì? Tiên nữ cười đáp: “Thượng đế cho tôi xuống trần để giúp cho nước, che chở cho dân, tên chính là Đệ Nhất Tiên Nữ Phiên Lai”. Hùng Hiền Vương nói: “Quả là người Thiên cung, trong nhân gian không có người như thế”!

Nhà vua lấy làm ưng thuận, ngắm nhìn tiên nữ dung nhan yểu điệu, mặt đẹp tựa cánh hoa đào soi hồ nước, khiến cho chim sa cá lặn, hoa rụng trăng mờ. Vua cho đó là duyên trời định, bèn rước về kinh thành sửa lễ cầu hôn, phong làm Đệ Nhất Công chúa. Nhà vua ngày càng dốc lòng làm điều phúc, tích điều thiện, sáng chiều đốt hương cúng cầu Thượng đế. Đến nửa đêm ngày 20 tháng 3 năm Quý Tỵ, Công chúa Phiên Lai nằm mộng thấy cây trong vườn nở ra 5 đóa hoa, Phiên Lai trèo lên hái được 4 đóa, bỗng nở thành 4 quả có hạt. Từ đó nàng có thai. Qua ba năm đến năm Ất Mùi vào ngày 19 tháng 2 thì chuyển dạ. Sau 20 ngày sinh được bốn người con. Hôm ấy trong phòng hương bay nhẹ nhàng, thơm phức như mùi hoa cỏ lạ. Cả bốn người đều có diện mạo phi thường, hình dung đẹp đẽ tựa thánh tựa thần, không ai sánh kịp. Mọi người đều vui mừng khôn xiết. Người con cả có tên là Chàng Út Lỗ Thố, người thứ hai là Chàng Út Bến Trên, người thứ ba là Muôn Khe Cửa Ngoài và người con út là Đức Thánh Bà Hà Bá Thủy Quan Công Chúa.

Ba ông chung một nhà đều ham học chữ, đọc sách giỏi hơn người thường. Khi ấy, Hùng Hiền Vương ở ngôi vào năm thứ 18. Đến ngày mùng 9 tháng 5 năm Kỷ Mùi thì mất, giao lại vương quyền cho Hùng Huy Vương. Ba năm sau, trong nước có biến loạn, giặc Ân kéo sang xâm lược nước ta. Nhà vua rất lo lắng mới dựng đàn cúng lễ, bái yết trời đất cùng trăm vị thần thiêng. Bỗng có một ông già râu tóc bạc phơ đến nói với nhà Vua: Giời đã sinh ra Thánh rồi, tôi báo để Nhà vua cho sứ đi mời khắp trong thiên hạ.

Nói xong, ông già biến mất. Vua biết đó là lời dạy của người nhà Trời, mới họp triều thần lại cho sứ giả đi tìm khắp các trang, sách. Khi đến trang Phù Đổng, huyện Tiên Du, thấy có một vị Thánh đã lên 3 tuổi, chỉ biết ăn mà không biết nói cười. Đến lúc đó mới chịu nói với mẹ gọi sứ giả và bảo: “Hãy rèn cho ta một thanh kiếm sắt, một con ngựa sắt thì chẳng có gì phải lo cả”.

Sau đó nhảy lên ngựa sắt, dùng kiếm sắt đi đánh giặc Ân đang đóng ở đồn Vũ Ninh. Khi ấy, Vua họp triều đình phong tước cho ba ông rồi sai cùng với Thánh Vương Phù Đổng dẫn 5000 quân sĩ đi đánh giặc Ân ở Vũ Ninh. Giặc Ân bị thua lớn phải chạy dài, quân ta thu được 30 đồn, giết được giặc nhiều không kể xiết. Thiên Vương Phù Đổng đi tới núi Linh Sơn thì bay lên trời. Chỉ có ba ông trở về dự tiệc yến. Đến ngày 20 tháng 8 năm Đinh Mùi, ba ông cùng nằm mộng thấy môt người mình mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng, tự xưng là Thiên sứ đến trước điện nói với ba ông rằng: “Thượng đế cho gọi ba ông trở về, không còn được ở lại hạ giới nữa”.

Ba ông tỉnh lại lấy làm lo lắng, bỗng thấy trong người mệt mỏi mới dựa vào giàn hoa lan, mơ màng mà thiếp đi. Đến ngày mùng 5 tháng 9, cả ba ông không có bệnh gì mà tự hóa. Nhà vua vô cùng thương tiếc bèn họp con cháu lại, phong thần cho ba ông và cho thờ cúng ở 37 nơi. Chia cho tiền để dựng miếu thờ, cấp cho thang mộc. Bộ Lễ viết sắc phong thần cho trang Nhữ Thượng, huyện Hạ Hoa. Phụ lão ở đây nhận lấy sắc phong của cả 9 vị rước về thờ cúng. Rồi mời thầy nổi tiếng về thuật phong thủy, tìm nơi đất đẹp dựng một tòa nhà tọa Tân hướng Ất, một tòa nhà tọa Càn Đoài, hướng Canh Giáp, phía trước có núi Hoàng Sơn làm án, hai bên có nước chảy tụ lại, phía sau có rồng bao bọc, đất phát anh hào, ngày càng tấn tới giàu có. Giao cho trang Nhữ Thượng muôn năm thờ cúng, các đời sau vẫn còn thiêng mãi, vững vàng thay, yên ổn thay, lâu dài không dứt”.

Cửu Đức Đại Vương gồm có Đức Vua Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Đức Ông Cả danh tướng lưỡng vị Đại Vương, Đức Ông Hai văn thần Cao Định Đại Vương, Đức Ông Ba thành hoàng Vĩnh Định Đại Vương, Đức Thánh Bà Phiên Lai Công Chúa Đại Vương, Đức Ông thành hoàng Chàng Út Lỗ Thố Đại Vương, Đức Ông thành hoàng Chàng Út Bến Trên Đại Vương, Đức Ông thành hoàng Muôn Khe Cửa Ngoài Đại Vương, Đức Thánh Bà Hà Bá Thủy Quan Công chúa Đại Vương.

Đền Đức Thánh Bà hiện còn lưu giữ 5 đạo sắc gồm 2 sắc triều vua Tự Đức, 1 đạo sắc triều vua Duy Tân, 1 đạo sắc triều vua Đồng Khánh, 1 đạo sắc triều vua Khải Định. Trong đền có ba pho tượng thờ. Ở cung chính giữa là tượng Mẫu Vua Bà; bên phải là tượng Cửu Đức Đại Vương; bên trái tượng Đức Thánh Bà. Đền còn lưu giữ 2 long ngai cổ, 1 bát hương bằng gốm sứ hình long chầu mặt nguyệt đặt ở giữa; 2 hòm sắt đựng đạo sắc. Lễ chính của đền gồm lễ ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, đại tiệc 5/9 âm lịch. Lễ cúng chủ yếu là lễ chay gồm bánh dày, chè kho, hoa quả. Ngày 26/1/1999, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-UB công nhận đền Đức Thánh Bà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 25/4 âm lịch năm 2019 đền được khởi công xây mới gồm 5 gian, lợp ngói vảy. 

Trải qua thời gian, ngôi đền Đức Thánh Bà đã được tôn tạo khang trang, uy nghi bên dòng sông Hồng. Đây là không gian linh thiêng, lưu giữ trầm tích của những huyền tích, truyền thuyết thuở Hùng Vương dựng nước, là nơi gắn kết cộng đồng và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022

 

 

 

;