Hà Tĩnh: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình trong bối cảnh hội nhập

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, công tác gia đình luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện chức năng của mình, Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình để gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của gia đình trong bối cảnh hội nhập.

Đại diện Sở VHTTDL và UBND thành phố Hà Tĩnh trao quyết định thành lập câu lạc bộ cho tổ dân phố 8 phường Đại Nài

 

Khái niệm giá trị truyền thống của gia đình

Khái niệm về gia đình mang tính pháp lý ở Việt Nam được ghi trong Luật Hôn nhân và Gia đình: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau theo hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo qui định của Luật này” .

Với mỗi người dân Việt Nam, gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nơi con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Từ cái nôi gia đình, mỗi cá nhân được trao truyền những tri thức văn hóa, những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Nhấn mạnh về vai trò của gia đình cũng như việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người và sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý hạt nhân cho tốt” .

Vậy khái niệm về giá trị truyền thống của gia đình là gì? Luận bàn về vấn đề này, tác giả Nguyễn Thế Long cho rằng giá trị của truyền thống cần phát huy trong xây dựng gia đình hiện nay là “truyền thống đạo đức, truyền thống tâm linh, truyền thống hiếu học và truyền thống thẩm mỹ”. Chúng ta có thể hiểu giá trị truyền thống của gia đình là đề cao sự chung thủy, hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng; đề cao đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ; sự hy sinh, yêu thương, chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với con cháu; sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa các anh chị em trong gia đình; phát huy truyền thống hiếu học, tính cộng đồng, yêu quê hương, đất nước…

Những giá trị truyền thống nổi bật của gia đình Việt Nam thể hiện trong các mối quan hệ trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị với em, giữa vợ và chồng. Trong mối quan hệ vợ chồng, đề cao sự thủy chung, tôn trọng lẫn nhau. Trong mối quan hệ giữa anh chị em, đề cao sự hòa thuận, nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu đề cao sự hy sinh, tình thương, sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với con cháu và sự hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ cha ông. Lòng hiếu thảo thể hiện ở lòng biết ơn, sự kính trọng, lễ phép và sự chăm sóc tận tình cha mẹ, ông bà khi họ còn sống và thờ phụng khi họ đã chết.

Các giá trị truyền thống được coi trọng trong gia đình đều xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Từ nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống hướng đến những hành động, ứng xử tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình trở thành hạt nhân quan trọng trong xã hội. Từ gia đình, những giá trị đạo đức được lan tỏa ở những cấp cao như làng xã, Tổ quốc. Chính gia đình là nơi “ươm mầm” những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường… Vì thế, giá trị truyền thống của gia đình là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Ở thời kỳ đổi mới, dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội đất nước thay đổi theo chiều hướng tích cực kèm theo cả những thách thức. Quá trình này diễn ra với tốc độ chưa từng thấy và tác động làm biến đổi gia đình Việt Nam.

Về mặt tích cực, những giá trị truyền thống của gia đình vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Đời sống gia đình no ấm, đầy đủ hơn về vật chất và văn minh về đời sống tinh thần. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều thay đổi, lợi ích cá nhân được tôn trọng, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên được khuyến khích phát triển. Mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng được ghi nhận...

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nói trên, cùng với sự đổi mới, kinh tế thị trường đã có những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng. Các giá trị truyền thống của gia đình có biểu hiện xuống cấp, mai một. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp, gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống đang đặt ra những thách thức. Nhịp sống của nhiều gia đình Việt Nam ngày càng hối hả, tất bật hơn. Thời gian dành cho nhau giữa những người thân thiết trong gia đình ngày một ít, nhất là thời gian cha mẹ dành cho con cái. Sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình còn là sự tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức…

Trong hoàn cảnh như vậy, việc phát huy vai trò của nữ giới trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của gia đình cần được chú trọng. Bởi lẽ, phụ nữ là người giữ gìn lễ giáo trong gia đình, giữ gìn nền nếp trên kính dưới nhường, kính lão đắc thọ, giáo dục hướng dẫn con cái theo các chuẩn mực đạo đức, thực hiện những quy tắc ứng xử trong gia đình. Phụ nữ cũng là người giữ gìn phong tục tập quán trong các ngày lễ, ngày Tết, ngày giỗ ông bà tổ tiên... thể hiện đạo lý hiếu kính, uống nước nhớ nguồn. Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, thể hiện ở việc không ngừng nâng cao năng lực, trình độ công tác, đảm bảo sự phân công hợp lý công việc trong gia đình, tham gia các quyết định, đối xử công bằng với các con, tạo cho các con cơ hội học tập, làm việc và hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần. Người phụ nữ là nhân tố tích cực trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội từ gia đình…

Công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình để gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình ở Hà Tĩnh

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, công tác quản lý nhà nước về gia đình ở Hà Tĩnh cần được thực hiện kịp thời và có hiệu quả, trong đó có việc phát huy vai trò của người phụ nữ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình.

Trước hết là về công tác tham mưu: Trung ương đã ban hành nhiều văn bản thể hiện sự quan tâm lãnh đạo việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đặc biệt, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước... Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ngay sau đó, Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 7 văn bản  phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương nhằm “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác xây dựng các mục tiêu của gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; phát huy vai trò của gia đình để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh” . Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về trách nhiệm xây dựng các mục tiêu của gia đình, vun đắp, gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp và vận động thực hiện hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của công tác gia đình. Xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan về thực hiện công tác gia đình. Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho học sinh, sinh viên. Phát huy hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao, góp phần xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Củng cố vai trò của hệ thống Nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã và các thiết chế công trình văn hóa, lịch sử trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực ứng xử văn hóa cho các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ. Tiến hành lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh”. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức lễ phát động “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; Hội thi câu lạc bộ về gia đình hạnh phúc, tạo hiệu ứng lan tỏa cao trong đời sống xã hội.

Chú trọng tuyên truyền rộng rãi Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình bao gồm tiêu chí ứng xử chung: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” và 4 nhóm tiêu chí cụ thể tập trung vào 4 mối quan hệ cụ thể gồm tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ. Trong đó, chú trọng vai trò của người phụ nữ trong việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Hằng năm, Sở phối hợp các ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp và cán bộ phụ trách của các cơ quan liên quan trong tổ chức, triển khai, thực hiện công tác gia đình.

Sở đã xây dựng 18 câu lạc bộ điểm về gia đình theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Ngoài ra, ở các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng được nhiều loại hình Câu lạc bộ: như CLB “Hạnh phúc gia đình - Bình đẳng giới”; CLB “Phòng chống Tệ nạn xã hội”; CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Gia đình 5 không 3 sạch”… Trong đó, thành viên của Ban Chủ nhiệm và thành viên sinh hoạt của các câu lạc bộ gia đình chủ yếu là nữ. Ở câu lạc bộ nào có sự điều hành linh hoạt và sáng kiến của Ban Chủ nhiệm cùng sự nhiệt tình tham gia của các thành viên thì câu lạc bộ gia đình hoạt động hiệu quả.

Về việc lồng ghép, triển khai xây dựng gia đình văn hóa trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay, toàn tỉnh có 347.962/374.261 Gia đình văn hóa (đạt 92,9%); 1894/1937 thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt 97,8%). Nhiều gia đình văn hóa ở các huyện, thành phố, thị xã đã trở thành điểm sáng, có tác động vô cùng to lớn cho nhiều phong trào phát triển như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nông thôn mới, Đô thị văn minh”… Không ít gia đình có nhiều thế hệ sống mẫu mực, con cháu hiếu thảo, đạt nhiều thành tích trong học tập, phát triển kinh tế… Đây là những hạt nhân đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, nếp sống văn minh đô thị; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, là tấm gương điển hình trong công tác gia đình và xây dựng Gia đình văn hóa ở cơ sở. Sự phát triển của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa giúp giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, nâng cao mức sống cho các hộ gia đình, góp phần đưa kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình nhằm giữ gìn phát huy giá trị truyền thống gia đình vẫn còn một số tồn tại: một số cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình còn hạn chế; cơ chế phối hợp giữa các cấp ủy Đảng với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chưa đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên; công tác truyền thông về công tác gia đình ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu; cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu, thay đổi thường xuyên ở tuyến cơ sở; kinh phí bố trí cho lĩnh vực gia đình ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giữ gìn phát huy giá trị truyền thống gia đình - trong đó có việc phát huy vai trò của người phụ nữ, thiết tưởng thời gian tới các cơ quan, ban ngành chức năng trong tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc gìn giữ, phát triển hệ giá trị tốt đẹp của gia đình, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức chiến dịch truyền thông, hội thi kiến thức về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào các Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11, phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ tôn vinh giá trị gia đình; phát huy vai trò của nữ giới trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị gia đình truyền thống.

Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước về công tác gia đình; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác gia đình phù hợp ở các cấp. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên các huyện, thành phố, thị xã về kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác gia đình.

Thứ tư, xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp với các cơ quan liên quan về thực hiện công tác gia đình nhằm triển khai các hoạt động về công tác gia đình hiệu quả.

Thứ năm, chỉ đạo lồng ghép công tác gia đình vào hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát huy những giá trị tích cực của hương ước, quy ước cộng đồng trong giáo dục, hình thành nhân cách con người trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia của các gia đình, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Phát triển đa dạng các loại hình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các sinh hoạt cộng đồng khác nhằm bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho thế hệ trẻ.

Thứ sáu, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xây dựng và nhân rộng các mô hình về gia đình tiêu biểu, hạnh phúc, kiểu mẫu, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác gia đình. Đồng thời, có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật, làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của mỗi gia đình.

 

NGUYỄN NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;