Hà Giang phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% với 19 dân tộc, trong đó dân tộc Mông, Tày, Dao... chiếm tỷ lệ từ 14 - 34%. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Vì vậy, việc phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng và hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, vừa truyền thống vừa phù hợp với nếp sống văn minh.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Báo Hà Giang

 

Tỉnh Hà Giang đã và đang xác định văn hóa giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng con người mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp như: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc để chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Tiến hành kiểm kê nhận diện 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đến nay, Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia, 62 di sản văn hóa vật thể, 25 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận và xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt Hà Giang có Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ năm 2010 đang được bảo tồn và phát huy tốt hiệu quả trong phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm giúp đồng bào sống trong đá, thoát nghèo từ đá và làm giàu từ đá. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hà Giang luôn quan tâm đến người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Từ mô hình Hội nghệ nhân dân gian được thành lập đầu tiên tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vào năm 2003, đến nay Hà Giang đã nhân rộng mô hình với trên 195 Hội với hơn 9.000 hội viên tham gia, trong đó có 18 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là mô hình tổ chức hội tự nguyện của các nghệ nhân được cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất, vận động thành lập nhằm quy tụ các nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng, thầy mo, thầy tạo… giúp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hà Giang còn tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trùng tu, tân tạo di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống để gắn với phát triển du lịch, có 29/62 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; có 34 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng. Tổ chức phục dựng và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống với quy mô cấp tỉnh, khu vực 8 lễ hội, quy mô cấp huyện 15 lễ hội và cấp xã 58 lễ hội. Thực hiện đề án bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng đảm bảo mục tiêu bảo tồn kiến trúc truyền thống, phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống và tổ chức đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại địa phương… tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho du khách khi đến với Hà Giang.

Thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh văn minh, Hà Giang đã chú trọng lồng ghép vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, chương trình Xóa đói giảm nghèo, chương trình Xóa nhà tạm… tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Những nội dung, tiêu chí xây dựng và công nhận danh hiệu gia đình, làng, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn Nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị cùng với nội dung quy ước, hương ước văn hóa được xây dựng và thực hiện trên các địa bàn cơ sở trong cả nước đang là những chuẩn mực về lối sống, đạo đức, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho toàn xã hội. Đến hết năm 2021, Hà Giang có 134.071/188.038 (71,3%) gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; 1.311/2.071 (63,3%) thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa; trên 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Kết quả đạt được của phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo; làm lành mạnh môi trường văn hóa, nâng cao dân trí cho mọi người; giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, làng, xóm; làm cho chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hạn chế và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, những hủ tục. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 134/193 Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.760/2.071 thôn (bản, tổ khu phố) đã có Nhà văn hoá cộng đồng (trụ sở làm việc), 11/11 huyện, thành phố có thư viện; 193/193 xã, phường có tủ sách pháp luật; 175/193 xã có Bưu điện văn hóa xã, tạo sân chơi bổ ích cho cộng đồng dân cư.

Có thể khẳng định, với nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc, tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nếp sống văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế như: một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, tang, lễ hội và nếp sinh hoạt chưa được khắc phục triệt để; thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu và chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống còn thấp, đã và đang có ảnh hưởng đến công tác phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa. Nguyên nhân tồn tại nêu trên là do những thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu trong ý thức của đồng bào, việc xóa bỏ không thể thực hiện trong một sớm một chiều, thiếu quỹ đất đầu tư phát triển; điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn…

Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được và những bất cập, yếu kém cần khắc phục, từ thực tiễn ở cơ sở, ngành văn hóa Hà Giang xác định cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của môi trường văn hóa trong sự phát triển bền vững, cũng như nội dung của xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Quan tâm đầu tư, đào tạo nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa, củng cố bộ máy cơ quan nhà nước đủ mạnh để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Có chính sách phát triển văn hóa tương ứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đảm bảo công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Lựa chọn, có định hướng cụ thể đối với việc sử dụng giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương. Phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh cao trong phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình Hội Nghệ nhân dân gian, phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở. Phát huy giá trị di sản văn hóa để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư để đầu tư các làng văn hóa dân tộc, các khu du lịch sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện chế độ tôn vinh khen thưởng kịp thời. Đặc biệt, chú trọng các phong trào hạt nhân, như phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, phong trào thi đua Người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến.

 

Thường xuyên chú trọng công tác tôn vinh, khen thưởng những điển hình tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng môi trường kinh tế - xã hội. Sự kết hợp giữa môi trường văn hóa và môi trường kinh tế - xã hội đều nhằm đạt tới sự lành mạnh, tiến bộ, phát triển cho con người và xã hội.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các cơ quan trung ương và sự đồng lòng của cộng đồng các dân tộc, Hà Giang sẽ làm tốt công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh, văn minh.

Biểu diễn múa khèn của người Mông ở Hà Giang (Ảnh tư liệu: Văn Phú)

 

NGUYỄN HOÀI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

;