Gần 1 thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, đã đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc - Ảnh tư liệu
Với mục đích giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, cách đây 97 năm (21-6-1925), chính Bác Hồ đã sáng lập báo Thanh Niên, tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra mắt bạn đọc. Từ tờ báo đầu tiên đó, cùng với quá trình đi lên của cách mạng, báo chí cách mạng Việt Nam được Đảng và Bác Hồ dìu dắt, đã không ngừng phát triển, góp phần hết sức quan trọng vào việc tuyên truyền đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.
Báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén để đấu tranh, là công cụ không thể thiếu của chính quyền. Nó có tác dụng giáo dục, giác ngộ quần chúng, đem lại ý thức tự giác xây dựng trật tự kỷ cương cách mạng, giữ gìn và bảo vệ chế độ. Trong mọi tình huống phức tạp của xã hội, báo chí có chức năng định hướng dư luận, vận động người dân có ý thức và hành động đúng.
Đó là định hướng cho dòng chảy mênh mông cùng vươn tới cái đích cao quý mà Bác Hồ hằng mong ước: “báo chí do dân và vì dân”, nhiệm vụ của báo chí là “cứu quốc và kiến quốc”.
Điều ấy đòi hỏi người làm báo phải ý thức được chức năng cao quý của mình, phải có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm với nhân dân và đất nước.
Bác Hồ từ khi còn trẻ đến lúc đã là Chủ tịch nước luôn là một nhà báo năng nổ và đầy nhiệt huyết. Người đã trực tiếp sáng lập ra nhiều tờ báo như Người cùng khổ, Thanh niên, Lính Cách mệnh, Việt Nam Độc lập… Người đã trực tiếp viết cho nhiều tờ báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau, với nhiều thứ tiếng và thể văn: lý luận, châm biếm, văn xuôi, văn vần… để phù hợp với yêu cầu của độc giả. Tất cả nhằm mục đích giáo dục, giác ngộ cách mạng cho quần chúng.
Bác Hồ đã dạy: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được. Cho nên báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Theo Bác, “chính trị” của báo chí không chỉ bao hàm nội dung thông tin đúng đắn và đầy đủ và hiện thực cuộc sống của nhân dân ta, mà còn đòi hỏi người cầm bút khi miêu tả hiện thực đó, phải tự mình trả lời rành rọt những câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Như vậy, Người đã nói một cách trực tiếp, dễ hiểu về mục đích, đối tượng phục vụ, nội dung và phương pháp làm báo. Người còn chỉ cho các nhà báo thấy rõ cần phải thường xuyên học tập, suốt đời rèn luyện không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, báo chí là một công cụ sắc bén, có sức lan tỏa nhanh, rộng về thông tin và tham gia tuyên truyền, chỉ đạo có hiệu quả phong trào hành động cách mạng của quần chúng bởi vai trò phản biện và định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Sứ mệnh vinh quang của nhà báo được xã hội tôn vinh do thực hiện tốt vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của báo chí.
Toàn cảnh phiên chính thức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI - Ảnh: tuyengiao.vn
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng, nhất là hơn 35 năm đổi mới đất nước vừa qua, đã khẳng định công lao to lớn của những người cầm bút đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp sức vào sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của đất nước. Danh hiệu cao quý: “Nhà báo - Chiến sĩ; Cây bút cùng trang giấy là vũ khí sắc bén” mà chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, đồng thời cũng là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định và biểu dương trong Đại hội Nhà báo toàn quốc lần thứ hai (17-4-1959) là nguồn động viên lớn lao; cũng là lời nhắc nhủ đội ngũ làm báo tiếp tục nuôi dưỡng lòng yêu nghề, đề cao trách nhiệm người công dân - người chiến sĩ, phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo trong thao tác nghề nghiệp để ngày càng có nhiều thêm những tác phẩm báo chí phản ánh sinh động, xứng đáng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều nhà báo đã không ngại gian khổ, có mặt trên tất cả các “điểm nóng”, góp phần chung sức cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, nhanh chóng thông tin diễn biến dịch bệnh, cổ vũ những việc làm cao đẹp của các lực lượng thầy thuốc, công an, quân đội…; nêu gương những cá nhân, cộng đồng, phát huy truyền thống nhân ái, góp công, góp sức ủng hộ công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới.
Nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin, bài về những mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn.
Nghề báo là một nghề khó nên đòi hỏi mỗi người làm báo phải có ý chí tự cường, tự lập, cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh nghiệm quá trình cầm bút của Bác là: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”.
Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng năm nay cũng chính là thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05 và Kết luận 01). Đây là dịp mỗi nhà báo gắn việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác nói chung và tư tưởng, đạo đức nghề báo nói riêng gắn với nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII bằng những tác phẩm báo chí thiết thực, mang tính thời sự nóng hổi, làm rung động lòng người, bồi đắp phẩm chất và phong cách người làm báo cách mạng xứng đáng với sự chăm sóc, tin yêu hết lòng của Đảng, của dân.
NGUYỄN VĂN THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022