HẬU GIANG: Phát huy giá trị văn hóa gia đình trong phong trào xây dựng Nông thôn mới

Biểu dương, khen thưởng những điển hình trong việc phát huy giá trị văn hóa gia đình

 

Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp đã triển khai và tổ chức thực hiện tốt chủ trương - đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình, góp phần xây dựng gia đình ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là “tổ ấm” của mỗi người, là “tế bào” lành mạnh của xã hội, đóng góp có hiệu quả vào phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

Có được kết quả đáng tự hào đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp; sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành VHTTDL và sự đồng lòng hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Để công tác gia đình đạt được hiệu quả cao, Sở VHTTDL đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ và quan tâm tổ chức thực hiện một cách thường xuyên, liên tục... trong đó chú trọng phát huy giá trị văn hóa gia đình trong phong trào xây dựng NTM.

Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong phong trào xây dựng NTM

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước quán triệt và triển khai trong nhiều văn bản hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, trong đó có sự phát triển của phong trào xây dựng NTM.

Thật vậy, gia đình yên ấm, hạnh phúc là điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống, tài năng, trí tuệ bảo đảm cho con người lao động một cách sáng tạo và đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm vun đắp, tham gia xây dựng tổ ấm gia đình. Một gia đình hạnh phúc sẽ tác động tới cộng đồng hạnh phúc, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, nhất là góp phần xây dựng thành công nhiều đơn vị NTM, NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những năm qua.

Giá trị văn hóa gia đình trong phong trào xây dựng NTM

Giá trị văn hóa gia đình không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong nếp sống, sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm, thái độ, hành vi, cách cư xử trong gia đình và lan tỏa ra xã hội. Cụ thể là tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tương thân tương ái, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái góp công góp của cùng với hệ thống chính trị xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp .v.v… Chính giá trị văn hóa gia đình sẽ tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với đời sống xã hội, tạo tấm lá chắn hữu hiệu ngăn chặn mọi sự thâm nhập tiêu cực của xã hội vào gia đình; đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển phong trào xây dựng NTM nói riêng, quê hương Hậu Giang nói chung.

Giờ đây giá trị văn hóa gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống, vào từng “tế bào” của xã hội, góp phần làm nên những con người mới, thời đại mới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Điều này đã được khẳng định và được nhân lên qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; phong trào xây dựng quê hương, con người Hậu Giang “đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”.v.v…

Đáng chú ý là, trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, giá trị văn hóa gia đình thông qua các hành động tương thân tương ái; tự nguyện đóng góp sức người, sức của; tình yêu quê hương đất nước; đoàn kết một lòng… luôn được phát huy, đã góp phần giúp tỉnh Hậu Giang cùng với cả nước phòng, chống dịch một cách có hiệu quả.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang  phát biểu đánh giá cao kết quả hoạt động của Sở VHTTDL, trong đó có việc phát huy giá trị văn hóa gia đình
 

Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa gia đình trong phong trào xây dựng NTM

Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình và giá trị văn hóa gia đình, nhiều năm qua, Sở VHTTDL đã tập trung đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và “Người tốt việc tốt”, góp phần vào thành tích chung của phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Hậu Giang có: 184.161/198.134 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 92,94%, trong đó có 12.336 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”; 63.106/751.426 người đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt”, chiếm tỷ lệ 8,39%, trong đó có 5.237 người đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt tiêu biểu”; 519/525 ấp, khu vực đạt danh hiệu “Ấp, Khu vực văn hóa”, chiếm tỷ lệ 98,85%; 36/51 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, chiếm tỷ lệ 70,58%. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL còn quan tâm củng cố và nhân rộng câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng nhằm phát huy các giá trị văn hóa gia đình trong phong trào xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân

Cũng cần phải nói thêm, giá trị văn hóa gia đình luôn được lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Sở VHTTDL, trong đó tập trung cao điểm vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11). Qua đó giáo dục mỗi người, mỗi gia đình tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, để những giá trị này thấm sâu vào đời sống xã hội, vào phong trào xây dựng NTM, tạo nền tảng bền vững xây dựng thành công và duy trì các danh hiệu do phong trào đề ra.

Không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực khỏe mạnh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc “phát huy giá trị văn hóa gia đình trong những năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang, hướng đến một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;