Gia đình bình an là cội nguồn của hạnh phúc

Xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Với ý nghĩa đó, khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta chủ trương giải phóng gia đình trong giải phóng dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, cũng như trong quá trình đổi mới, với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng ta luôn coi công tác gia đình là một trong những động lực để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững.

    Ảnh minh họa (Nguồn: tuoitrethudo.com.vn)

 

Gia đình là một nhân tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Cùng với làng, nước (Tổ quốc), gia đình tạo thành cái trục bền vững của tính cộng đồng Việt Nam. Trong quá trình dựng nước, giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, con người và gia đình Việt Nam gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc.

Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội được chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định khi bàn về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Ngay từ thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “...Những trật tự xã hội, trong đó có những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” (1). Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì  muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thật sự yêu đương nhau.” (2). Ngoài mối quan hệ vợ chồng, trong gia đình còn những mối quan hệ khác như “mẹ chồng, nàng dâu”; ông, bà, bố, mẹ với con cái. Theo Hồ Chí Minh để giải quyết những mối quan hệ đó: Về tinh thần phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu sòng. Có kế hoạch, có ngăn nắp” (3).

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục để hình thành nhân cách con người, nhân cách con người tốt hay xấu điều do sự giáo dục trong gia đình. Tuy nhiên, trong giáo dục cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong giáo dục nếu thiếu sự giáo dục trong gia đình hoặc giáo dục trong gia đình không phù hợp với yêu cầu xã hội sẽ hạn chế việc giáo dục, vì vậy cần kết hợp gia đình với nhà trường và xã hội trong giáo dục. “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân” (4).

Kế thừa di sản tư tưởng quý báu của Bác về vấn đề gia đình, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Với ý nghĩa đó, khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta chủ trương giải phóng gia đình trong giải phóng dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng ta coi công tác gia đình là một trong những động lực để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XI đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình, thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị chuyên đề số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước yêu cầu mới, ngày 9-6-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 60, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân”.

Nhớ lại năm 1951, trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc “…xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Đó chính là vấn đề hôm nay Đảng ta tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, phần Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (5).

Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng khi đề cập đến lĩnh vực gia đình trong nội dung “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người” đã đưa ra nhiệm vụ sau “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” (6). Lần đầu tiên đưa nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam vào trong văn kiện Đại hội Đảng; đồng thời thêm tiêu chí “văn minh” trong xây dựng gia đình Việt Nam.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới"(7). Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới". Chỉ thị 06 nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước" (8). Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” là chủ đề kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022 gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (1/6 - 30/6) là hoạt động ý nghĩa, tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Mỗi người chúng ta tiếp tục nỗ lực thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

_______________

1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: F.Ăng-Ghen, Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước, ngày 12/6/2003.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội (CTQG - ST, HN), 2011, trang 300 - 301.

3. Sđd, tập 5, Nxb CTQG HN-2000, trang 337

4. Sđd, tập 8, trang 81.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, trang 76-77.

6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, trang 128.

7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG - ST, trang 143.

8. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

 

THANH KIM TRÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

;