SEA Games 31 đã khép lại với sự thành công rực rỡ, mang đến cho những người mến mộ thể thao trong nước và quốc tế sự sôi động, cuồng nhiệt cũng như những tình cảm ấp áp, thân thiện của người dân nước chủ nhà. Bên cạnh sự “tỏa sáng” của các đoàn thể thao còn có sự góp phần không nhỏ của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo các chương trình nghệ thuật, mang hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Ê-kíp thực hiện chương trình
Trong đêm khai mạc SEA Games 31, người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế đã được chứng kiến một chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, đậm chất dân tộc, văn hóa con người Việt Nam. Trong màn biểu diễn với cây tre, có sự tham gia của hơn 250 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 8 đoàn nghệ thuật; với màn múa sen được thực hiện bởi hơn 120 diễn viên múa, 250 vận động viên; màn múa tranh đông hồ được kết hợp với sử dụng công nghệ Mapping mô phỏng trên nền giấy dó và các mộc bản… Bên cạnh sự biểu diễn của các nghệ sĩ, lần đầu tiên Việt Nam sử dụng công nghệ AR hiện đại kết hợp với Mapping, XR cho đến âm thanh, ánh sáng trong những đại cảnh trên cả mặt Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Việc sử dụng công nghệ hiện đại này sẽ giúp khán giả xem qua truyền hình, smartphone cảm nhận được những hiệu ứng tuyệt vời. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã làm cho Lễ khai mạc SEA Games 31 có những dấu ấn sâu đậm, mang đến nhiều cảm xúc và chinh phục người xem.
Để có được sự thành công đó, các thành viên trong Ban Tổ chức cũng như đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên phải “ăn, ngủ" tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình để tập luyện, chuẩn bị, rà soát các khâu kỹ càng về chuyên môn cũng như kỹ thuật. NSƯT Trần Ly Ly, Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Tổng đạo diễn chương trình từng chia sẻ “Cảm xúc của tôi giờ thật khó tả, có thể nói là áp lực, nhưng rất hạnh phúc bởi không chỉ mình tôi, mà còn rất đông đồng đội, những nghệ sĩ sáng tạo và tất cả khoảng 1.000 diễn viên, vận động viên đã cùng chung sức trong 2 tháng qua. Cả ê-kip sáng tạo, các diễn viên và vận động viên đã phải tập luyện rất nhiều ngày, mọi người cũng khá mệt nhưng tất cả đều chung suy nghĩ chúng ta đang nỗ lực làm điều gì đó thật xứng đáng và mang lại tự hào cho đất nước. Đó là hình ảnh của tuổi trẻ cống hiến, cũng là những ngày tháng rực rỡ của chúng tôi”.
Học viện Múa Việt Nam là một trong những đơn vị có bề dày kinh nghiệm biểu diễn và có quân số khá đông tham gia tại Lễ Khai mạc SEA Games 31. Chia sẻ về sự đóng góp và tham dự sự kiện quan trọng này, TS Trần Văn Hải - Q. Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, “Sau khi có chủ trương của Bộ VHTTDL, Sở VHDL, Học viện Múa Việt Nam là một trong những đơn vị được Ban Tổ chức chọn tham gia biểu diễn tại Lễ Khai mạc SEA Games 31. Học viện đã cử 150 học sinh, sinh viên tham dự, đây là đội ngũ học viên thuộc lớp sắp tốt nghiệp, có chất lượng tốt nhất tham dự và là đội ngũ tham gia đông nhất ở trong tất cả các màn diễn chính tại buổi lễ. Ngoài việc học tập, thì đây cũng là cơ hội để các em thực hành, biểu diễn tại sân khấu lớn. Từ tháng 3/2022, các em đã bắt đầu tập vào buổi tối, còn buổi sáng và chiều vẫn phải đảm bảo các giờ học trên lớp. Đến thời điểm ghép màn và đến ngày sơ duyệt, tổng duyệt Lễ khai mạc, các em phải tập cả ba buổi trong ngày nên khá là vất vả. Khoảng thời gian này nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất để các em yên tâm tập luyện cho buổi lễ. Đồng thời, Học viện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để quản lý và chăm sóc về sức khỏe cho đội ngũ học sinh, sinh viên tham gia SEA Games 31. Bên cạnh đó, Học viện cũng luôn nhắc nhở các em rằng: đây là vinh dự và trách nhiệm khi tham gia sự kiện lớn và ý nghĩa của đất nước, vì thế các em tập luyện rất tích cực và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Góp mặt trong các chương trình nghệ thuật, nhạc sĩ Huy Tuấn không chỉ là được biết đến là tác giả của ca khúc chính thức tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31- Hãy tỏa sáng (Let’s Shine), mà anh còn là giám đốc âm nhạc, phụ trách phần âm nhạc cho 120 phút của chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 31. Khi ca khúc Hãy tỏa sáng vang lên trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình cùng với sự biểu diễn của hàng nghìn diễn viên và vận động viên tham dự đã khiến cho ca khúc trở nên “đắt đỏ” nhất.
Chia sẻ về phần âm nhạc tại Lễ khai mạc, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, đây là niềm tự hào lớn trong đời làm âm nhạc của mình. Với thời gian 2 tháng cho 120 phút nhạc của một chương trình tầm cỡ lớn và quan trọng là khá gấp rút. Vì thế, anh đã phải nỗ lực tối đa và huy động anh em trong nghề tham gia và coi đây là “cơ hội duy nhất trong sự nghiệp được tham gia sáng tác cho một kỳ SEA Games lịch sử”.
Ê-kíp thực hiện chương trình
Được mệnh danh “phù thủy sân khấu” đạo diễn Hoàng Công Cường là người góp phần không nhỏ cho sự thành công của Lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31. Anh chia sẻ: “Tôi có 40 ngày duyệt kịch bản và nội dung, sau đó là 40 ngày tác nghiệp Lễ khai mạc, với lượng công việc khổng lồ. Thời điểm đó, Việt Nam vẫn đang phòng chống dịch COVID-19 nên kế hoạch liên tục bị đảo lộn, vì thế việc chốt kế hoạch là khá gấp gáp và đây cũng là thách thức, khó khăn lớn nhất khi tôi thực hiện chương trình này. Với 40 ngày từ lúc bắt tay vào làm và triển khai là một khoảng thời gian khá là áp lực khi phải thu xếp tất cả từ con người, thiết bị, công nghệ. Mới đầu, chúng tôi cũng đã có kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài về để setup hệ thống, công nghệ, nhưng do thời gian quá gấp nên đã có sự thay đổi. Tôi quyết định sử dụng chính con người Việt Nam để làm chương trình về Việt Nam, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn. Để triển khai thực hiện chương trình Lễ khai mạc, tôi quyết định mời nhiều ê-kíp với các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam từ Nam ra Bắc về hội quân. Sau khi lên phác thảo sơ đồ về: kỹ thuật, con người, nội dung… chúng tôi đã chia nhỏ ra từng team từ âm thanh, ánh sáng, công nghệ đồ họa, diễn viên, nhóm múa, đạo cụ… và mỗi team đó lại được chia ra từng bộ phận phụ trách các khâu, điều đó sẽ tiết kiệm thời gian”.
Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Hoàng Công Cường được trao gửi thực hiện chương trình có ý nghĩa quan trọng này. Bởi anh đã thực hiện nhiều chương trình, sự kiện uy tín với những đại cảnh lớn. Bên cạnh đó, đạo diễn đã có thời gian dày công nghiên cứu về các chương trình nghệ thuật của các kỳ Olympic và SEA Games. Chính vì thế, “với những nỗ lực và kinh nghiệm trong khoảng thời gian dài làm nghề, nên tôi đã được Ban Tổ chức “chọn mặt gửi vàng”, điều đó khiến tôi cảm thấy rất tự hào”, anh chia sẻ.
Lễ khai mạc SEA Games 31 đã thực sự thành công, tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với khán giả trong nước và quốc tế. Buổi lễ không chỉ được lãnh đạo các quốc gia tham dự Đại hội giành nhiều lời khen tặng, mà báo chí quốc tế cũng đánh giá rất cao. Để có được sự thành công đó, đạo diễn Hoàng Công Cường mong muốn “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Việt Nam đã hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện, nuôi dưỡng cảm xúc của một đạo diễn - nghệ sĩ. Với sự tin tưởng, trao gửi, động viên, khích lệ tinh thần, đã giúp cho đội ngũ những người đạo diễn, nghệ sĩ được thăng hoa nhiều hơn, truyền tải được tất cả năng lượng vào chương trình. Vì, nếu không được sự ủng hộ khi mang công nghệ cao vào làm mới các tiết mục truyền thống, thì chương trình sẽ trở thành lễ hội đặc thù”.
Không hoành tráng, với các đại cảnh lớn như Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc do đạo diễn Hoàng Công Cường thực hiện là những màu sắc ấm áp, trang trọng, với sự giản dị và lời chào tình cảm thân thương nhất của người dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
NGỌC BÍCH
Ảnh: ĐỖ THẾ DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022