Chiến lược phát triển văn hóa đến NĂM 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, trong đó xác định “phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa” - hướng đi đúng đắn để nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Phần mềm và các trò chơi giải trí- là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa trong những năm gần đây đã có những bước phát triển.
Nhằm góp phần đề xuất các giải pháp thúc đẩy các sản phẩm cho công nghiệp văn hóa, bài viết đề cập tới hiện trạng của môi trường kinh doanh ngành Game và sự cần thiết phải mở ngành đào tạo thiết kế Game trong các cơ sở đại học mỹ thuật ứng dụng.
Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Trong bối cảnh ấy, ngành mỹ thuật nói chung và thiết kế đồ họa (TKĐH) nói riêng đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Sau một thế kỷ tồn tại của tên gọi “thiết kế đồ họa” (TKĐH) trên thế giới và hơn 50 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, ngành TKĐH đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có, đó là: Xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu và đa dạng trong nhiều mức độ; CMCN lần thứ tư đang đem lại thách thức và cơ hội về công nghệ cho các hoạt động sáng táo, thể hiện và quảng bá nghệ thuật; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực văn hóa ; Đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều hoạt động và thói quen của người dân bị thay đổi và đang hình thành những thói quen mới trên nền tảng CNTT.
Sự tăng trưởng của ngành Game
Hai năm gần đây, tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng một số lĩnh vực như phim hoạt hình, truyện tranh, game, thiết kế quảng cáo online, thương mại điện tử gần như không bị ảnh hưởng. Nghiên cứu của J. Clement tháng 6/2021 chỉ ra rằng từ tháng 6 năm 2020, thời gian dành cho trò chơi điện tử đã tăng mạnh ở tất cả các khu vực, Mỹ Latinh tăng 52%, châu Á - Thái Bình Dương tăng 42% về thời gian chơi game. Theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Pelham Smithers, trong năm 2020, ngành công nghiệp Game có thu nhập tăng trưởng hàng đầu, với thị trường hơn 2,7 tỷ người chơi game trên toàn thế giới. Doanh thu ước tính của ngành này đạt khoảng 165 tỷ USD trong năm 2020 và đang có xu hướng gia tăng…
Ở thị trường Việt Nam, Game là một trong những mảng kinh doanh giải trí nhận được sự quan tâm lớn nhất, ước tính khoảng 136 triệu USD (tương đương khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng). Theo nghiên cứu của Vietnam Briefing, tại Việt Nam có khoảng 3,99 triệu game thủ và hơn 60% ở độ tuổi từ 18 đến 30. Trong thời gian dãn cách COVID-19, lượng người chơi game trực tuyến ở Việt Nam tăng đột biến, với mức tăng 40% về lượt tải xuống game trên thiết bị di động ở thời điểm trước và sau Tết 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Sự phát triển của thi đấu Game tại ở nước ta đã tạo có cơ hội cho Việt Nam trở thành nơi đăng cai của nhiều giải đấu eSports (Electronic Sports - thể thao điện tử) tầm cỡ quốc tế có sự theo dõi của hàng triệu khán giả trên toàn cầu… Lần đầu tiên môn thể thao điện tử được thi đấu ở SEA Games 31 tại Việt Nam, với 8 bộ môn và 10 nội dung thi đấu (2 nội dung dành cho nam, nữ ; 8 nội dung phối hợp). Đây là cơ hội lớn để các game thủ Việt Nam cạnh tranh thi tài với các nước Đông Nam Á. Vừa là một thị trường giàu doanh thu, Việt Nam còn là địa chỉ làm gia công (outsourcing) đáng tin cậy của các nhà phát hành game lớn trên thế giới. Có rất nhiều tựa game nổi tiếng trên thế giới được sản xuất bởi đội ngũ nhân sự 100% người Việt như: Free Fire, Caravan War, Game 7554, l Squad, Arena of Survivors... Cạnh đó, các diễn đàn Game xuất hiện khá nhiều và tạo thành hệ sinh thái cho sản phẩm này phát triển. Việt Nam cũng đã phát triển được các game cho thị trường nội địa như Thánh Gióng về Trời, Thạch Sanh, 7554 (nội dung về Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954).
Cơ hội cho ngành TKĐH
Năm 2013, giới trẻ Việt Nam được truyền cảm hứng từ thành công của các cá nhân như Nguyễn Hà Đông với game Flappy Bird để bước vào chinh phục thị trường Game. Từ các công nghệ 2D thời đó, ngành Game đang phát triển những tựa game mô phỏng giống với đời thực, nâng cấp trải nghiệm người dùng như công nghệ AR (Augmented Reality - Thực tế Tăng cường) và VR (Virtual Reality - Thực tế Ảo) và nhiều phần mềm chuyên sản xuất game như Gdevelop, Construct, Indie Game Maker, Unity, Unreal Engine…
Trong công nghiệp Game, có rất nhiều công đoạn đòi hỏi khả năng thẩm mỹ và thể hiện đồ họa cũng như trình độ công nghệ: Game Designer: lên ý tưởng tổng quan về một sản phẩm game; Game Artist: là họa sĩ chính, người lên ý tưởng về thẩm mỹ, tạo hình và hiện thực hóa ý tưởng nhân vật game ra hình ảnh 2D hay 3D; Game Developer: sử dụng ngôn ngữ lập trình để viết, code đoạn game trên nhiều nền tảng mà người dùng có thể sử dụng; Game Tester: thực hiện chơi thử game, phát hiện lỗi để báo cáo và đề xuất ý tưởng chỉnh sửa.
Hiện tại, mức lương cho họa sĩ (thâm niên 1-3 năm) là khoảng 12-18 triệu đồng, sau đó tăng rất nhanh theo thời gian thâm niên và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, mức lương ở Việt Nam bằng khoảng 1/5 so với mức lương cùng bậc trên thế giới. Đây là những mức thu nhập đáng kể so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam.
Một số thương hiệu hàng đầu về phát triển Game ở Việt Nam là VNG, VTC game, Vietnam Esports, Soha game, Dzogame, Funtap… Công ty sản xuất hàng đầu Việt Nam là VNG được thành lập vào năm 2004, các sản phẩm của VNG tiếp cận hơn 80 triệu người dùng. Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VNG tăng 18% lên 9.278 tỷ đồng. Ngoài ra, số lượng nhân viên của VNG đã tăng 794 người, tăng khoảng 29% so với năm 2020, lên 3557 nhân viên. VNG cũng là chủ của sản phẩm mạng Zalo và đang có ý định IPO ở Mỹ trong thời gian sắp tới với định giá hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra, các studio phát triển game thường có xu hướng hình thành ở quy mô vừa và nhỏ với số lượng nhân viên dưới 50 người, phần nhiều là giới trẻ. Họ có kỹ năng tốt, ý tưởng và khát khao làm việc.
Tựa game Thạch Sanh
Nhu cầu chuẩn hóa trong đào tạo nhân lực cho ngành Game ngày càng cấp thiết đã đặt ra bài toán đối với các cơ sở đào tạo, nhất là ở ngành TKĐH và Truyền thông đa phương tiện. Trong xã hội hiện đại, TKĐH tồn tại từ sản phẩm in ấn, quảng cáo tới thiết kế thương hiệu, minh hoạ sách, bao bì sản phẩm…Giờ đây, TKĐH đang được số hóa, đi vào các lĩnh vực mới như đồ họa truyền thông đa phương tiện, đồ họa tương tác (game), đồ họa hoạt hình…,
Đào tạo họa sĩ cho các ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm có lĩnh vực Game) không chỉ đào tạo thẩm mỹ, kỹ năng mà còn giúp hình thành thái độ tốt, trong đó kỷ luật lao động, có kỹ năng làm việc nhóm, tuân thủ thời gian sản xuất, và đáp ứng yêu cầu tiến độ cũng như chịu giám sát của cấp quản lý cũng như khách hàng.
Do thiếu đội ngũ giảng viên có chuyên môn, thiếu chương trình, cơ sở vật chất cùng học liệu nên trong gần 40 cơ sở đào tạo ngành TKĐH thì chỉ có rất ít cơ sở đào tạo thiết kế game hoặc chỉ đào tạo phần thiết kế mỹ thuật (Game designer và Game Artist) chứ chưa đào tạo phần lập trình game. Thời lượng cho các học phần này chưa nhiều và chưa được đầu tư đúng mức nên ngành này chủ yếu đào tạo tại các trung tâm, xưởng, studio…
Để có thể đáp ứng nhân lực cho công nghiệp văn hóa, các trường đại học đào tạo về mỹ thuật ứng dụng cần thiết mở ngành đồ họa thiết kế game hoặc là chuyên ngành trong TKĐH. Đây không chỉ là cố gắng ở các trường mà còn đòi hỏi việc tạo điều kiện tháo gỡ từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hợp tác của doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực hiện việc đào tạo nhân lực ngành này chính là đã góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa.
_____________
Tài liệu tham khảo:
● Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
● Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chiến lược văn hóa việt nam đến năm 2030.
● www.vietnam-briefing.com.
HỒ TRỌNG MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022