Nghệ thuật đương đại Việt Nam đang chững lại: Tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất thúc đẩy phát triển

LTS: nghệ thuật đương đại bao gồm một số loại hình nghệ thuật mới như Sắp đặt, Trình diễn, Video Art đã được du nhập từ Phương Tây vào Việt Nam từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Từ đó đến nay, các loại hình nghệ thuật này từng bước đạt được thành tựu nổi bật với những giải thưởng trong nước và quốc tế, dần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của nó trong đời sống văn hóa đương đại của ViệT Nam. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, các loại hình nghệ thuật này đang có chiều hướng chững lại. Vậy nguyên nhân, Đề xuất nào để khắc phục?, mô hình nào có thể thúc đẩy các loại hình nghệ thuật đương đại phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam? Đó là nội dung mà tác giả Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật VN trao đổi cùng bạn đọc Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Trần Hậu Yên Thế. Tên tôi là..., (1999) Sắp đặt tại Trường ĐHMTVN - Nguồn: T.H.Y.T

Sau một thời kỳ đầu phát triển mang tính tự phát, các loại hình nghệ thuật mới lần đầu tiên được công nhận thông qua sự kiện Triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ nhất, tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2007, hội tụ các nghệ sĩ trẻ, đa số dưới 35 tuổi của ba miền tham gia. Kể từ đó, các loại hình nghệ thuật mới này thường xuyên xuất hiện trong các Triển lãm định kỳ, quy mô quốc gia như Festival Mỹ thuật trẻ (3 năm); Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (5 năm); Triển lãm điêu khắc toàn quốc (10 năm); các kỳ Biennale tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Festival làng nghề tổ chức tại Huế… Một số nghệ sĩ đã định danh với Nghệ thuật Sắp đặt như: Nguyễn Bảo Toàn, Đặng Thị Khuê, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Trần Yên Thế, Vương Văn Thạo, Chu Lượng; Đinh khắc Thịnh, Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, Lê Thừa Tiến, Phan Lê Trung; Bùi Công Khánh, Oanh Phi Phi, Phan Thảo Nguyên… Nghệ thuật Trình diễn cũng phát khá rầm rộ, gắn liền với một số tác giả như: Trương Tân, Đào Anh Khánh; Nguyễn Minh Phước, Lê Nguyên Mạnh; Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải ; Ly Hoàng Ly… Đội ngũ nghệ sĩ làm Video Art cũng từng bước khẳng định với số lượng khá đông đảo, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau thông qua các dự án trao đổi nghệ thuật với nước ngoài tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật ở trong nước hoặc được đào tạo bài bản tại Thái Lan và các nước châu Âu. Đội ngũ nghệ sĩ này đa phần là thế hệ trẻ, am hiểu và làm chủ công nghệ thông tin như: Lê Trần Hậu Anh, Lê Chí Hiếu, Triệu Minh Hải; Võ Việt Dũng… Nhiều tác phẩm của các loại hình nghệ thuật mới này đã khẳng định được thành tựu, giá trị nghệ thuật thông qua các giải thưởng ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau một giai đoạn phát triển rầm rộ, kể từ khoảng 2015 đến nay, các loại hình nghệ thuật này có xu hướng chững lại, đúng như nhận xét của Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015: “Nghệ thuật đương đại đã chững lại đang khai mở những sáng tạo mới”. Thật vậy, nó đang chuyển sang một mô hình vận hành mới - mô hình xã hội hóa nghệ thuật. Bảng thống kê, so sánh số liệu tại Triển lãm Festival Mỹ thuật Trẻ và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam cho thấy rõ sự sụt giảm đáng kể về số lượng từng loại hình trên tổng số tác phẩm tham dự: 

Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Theo chúng tôi, một mặt nó bắt nguồn từ chính tâm lý của chủ thể sáng tạo. Sau một giai đoạn làm việc, các nghệ sĩ muốn dừng lại để suy ngẫm, nhìn nhận quá trình thực hiện tác phẩm, rút kinh nghiệm từ trải nghiệm bản thân và tìm hướng đi mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Đồng thời, họ muốn có khoảng thời gian để củng cố tri thức, lý thuyết nhằm bổ sung cho trữ lượng sáng tạo dường như đang cạn kiệt sau hành trình trải nghiệm thực hành nghệ thuật. Khi được hỏi chuyện bếp núc nghề nghiệp, Nghệ sĩ Đinh Khắc Thịnh từng thổ lộ: “Mình muốn tạm dừng để tự nhìn nhận lại quãng đường sáng tác đã qua”. Mặt khác, do yếu tố khách quan của bối cảnh xã hội. Một số quỹ hỗ trợ sáng tạo, trao đổi văn hóa nghệ thuật của nước ngoài tại Việt Nam như SIDA, Ford… không còn mặn mà tài trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam, Việt Nam thuộc nước đang phát triển nên không còn được hưởng sự ưu tiên từ các nguồn tài chính quốc tế như trước. Trong bối cảnh như vậy, là loại hình nghệ thuật đặc thù, phi lợi nhuận nên khiến cho các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tác phẩm. Họ rơi vào tình trạng lực bất tòng tâm, một số nghệ sĩ phải từ bỏ niềm đam mê với thực hành nghệ thuật mới để trở về nghệ thuật giá vẽ hoặc làm việc khác kiếm sống. Những nghệ sĩ tiếp tục dấn thân với các loại hình nghệ thuật mới này đòi hỏi phải có bản lĩnh và khả năng tự xoay xở tài chính. 

Trong khi đó, Nhà nước dường như chưa kịp thời có chính sách đáng kể nhằm khích lệ các loại hình nghệ thuật mới này phát triển, mặc dù nó đã được đặt vị trí ngang hàng với các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn có, đã có danh mục giải thưởng, có Hội đồng bình xét riêng cho các loại hình nghệ thuật mới này trong các kỳ triển lãm tầm quốc gia. 

Trong thực trạng như đã nêu ở trên, các loại hình nghệ thuật mới ở Việt Nam đang từng bước thích ứng với điều kiện mới, hướng đến sự vận hành theo mô hình xã hội hóa nghệ thuật. Các triển lãm được thực hiện theo nhóm, có chủ đề, có người giám tuyển. Điển hình là“Dự án nghệ thuật đương đại tại đường hầm nhà Quốc hội” năm 2018. Đây là dự án có quy mô lớn với 1.500m2 tác phẩm Sắp đặt, trưng bày suốt 500m đường hầm vào nhà Quốc hội, lần đầu tiên được Văn phòng Quốc hội chấp thuận, nguồn kinh phí được xã hội hóa. Mô hình xã hội hóa nghệ thuật, đầu tư nghệ thuật vào hoạt động thương mại đã được một số tập đoàn tại Việt Nam thực hiện khá hiệu quả như Tập đoàn Flamingo tại Đại Lải; Công ty TID làm chủ đầu tư tại Dolphin Plaza; Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (VCCA) của Tập đoàn Vingroup... Hiện tại, tập đoàn Him Lam đã thực hiện dự án nghệ thuật tại Hà Nội năm 2021 và đang đầu tư dự án Khu đô thị nghệ thuật với quy mô lớn tại Bắc Ninh, thu hút nhiều nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và quốc tế tham gia. Đó là những ví dụ nổi bật cho mô hình xã hội hóa nghệ thuật tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và dự báo xu hướng phát triển nghệ thuật trong tương lai.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đề cập việc xây dựng “Bảo tàng Nghệ thuật đương đại”. Vấn đề trên tiếp tục được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021. Theo đó, đã xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội… được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội.” Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩn văn hóa có tiềm năng, trong đó có mỹ thuật, chú trọng phát triển “nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”, “thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại” với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, 100% đơn vị cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: “Trung tâm văn hóa nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện”.

Tuy nhiên, để các loại hình nghệ thuật đương đại phát triển cũng như vấn đề quản lý, lưu giữ các tác phẩm tiêu biểu trong điều kiện hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện cấp bách các nhiệm vụ ngắn hạn bên cạnh mục tiêu chiến lược đã đặt ra.

Võ Việt Dũng, Tích tắc (2020), Video Art. Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 - Nguồn: Võ Việt Dũng

Nhà nước cần hỗ trợ nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại kinh phí thực hiện tác phẩm và không gian trưng bày. Đồng thời, có kế hoạch số hóa các tác phẩm nghệ thuật đương đại chất lượng, đoạt giải thưởng; có hạng mục kinh phí hằng năm thực hiện sưu tập các tác phẩm đương đại tiêu biểu để có thể trình chiếu giới thiệu rộng rãi đến công chúng ở trong nước và quốc tế khi chưa xây dựng được Bảo tàng Nghệ thuật đương đại. Chọn lựa tác phẩm tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử tiến trình phát triển, phản ánh sinh động đời sống đương đại, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao của các nghệ sĩ chuyên nghiệp để đầu tư, mời tham dự các sự kiện Văn hóa nghệ thuật lớn.

Khuyến khích, miễn giảm, trừ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa mô hình xã hội hóa nghệ thuật. Xác định, nghệ thuật đương đại là một phương tiện nổi trội, là “tiếng nói” của đời sống đương đại, một kênh quảng bá văn hóa, lịch sử dân tộc. Ở một số nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật… đã thực hiện rất thành công mô hình này. Thậm chí, có tập đoàn từng đầu tư mua cả quả đồi hoặc khu vực rộng lớn để nghệ sĩ thực hiện dự án nghệ thuật và khai thác du lịch bằng chính tác phẩm nghệ thuật như Cánh đồng sét (1977) của Walter de Maria, Miệng núi lửa của James Turrell, The Gates (2005) của Christo; Nối dài Vạn Lý Trường Thành 10.000m của Sài Quốc Cường… Nhờ đó, tác phẩm nghệ thuật đương đại đã trở thành “bảo tàng sống” trong đời sống cộng đồng. Các tập đoàn, doanh nghiệp có bản quyền sở hữu tác phẩm tiếp tục khai thác, bán vé cho công chúng tham quan, trải nghiệm, tương tác với tác phẩm.

Đẩy mạnh việc dịch thuật các tài liệu nước ngoài về các loại hình nghệ thuật đương đại nhằm phổ biến tri thức, cập nhật thông tin quốc tế. Có cơ chế cởi mở hơn (không quá phụ thuộc vào bằng cấp) đối với giảng viên thỉnh giảng là nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên sâu về các loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại ở trong nước và quốc tế đến giảng dạy, thực hành, triển lãm nghệ thuật tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Đẩy mạnh việc giảng dạy lý thuyết và thực hành các loại hình nghệ thuật đương đại trong chương trình đào tạo tại trường học. Ví dụ, tại một số nước phát triển, loại hình nghệ thuật Sắp đặt đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh “sách giáo khoa Mỹ thuật… ở bang Texas đã dành hẳn một tiết học về Nghệ thuật Sắp đặt cho học sinh lớp 5… Các trường cấp III ở Canada lại vận dụng Nghệ thuật Sắp đặt để giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường”. Bên cạnh vai trò là “công cụ giáo dục”, tác giả Xugan còn chỉ ra: “Nghệ thuật Sắp đặt với vai trò là hành vi thương mại” qua đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng tác phẩm như một điểm nhấn ấn tượng để thu hút khách hàng. 

Như vậy, nghệ thuật đương đại Việt Nam, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật mới đang có chiều hướng chững lại vì cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để đẩy mạnh sự phát triển của các loại hình nghệ thuật này, cần có sự phối kết hợp từ nhiều phía, sự nỗ lực của chủ thể sáng tạo, Nhà nước có cơ chế, chính sách cởi mở, hỗ trợ tài chính, không gian trưng bày tác phẩm cho các nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại. Đồng thời, đẩy mạnh công cuộc xã hội hóa nghệ thuật, khuyến khích các doanh nghiệp nhập cuộc, thúc đẩy việc đổi mới chương trình đào tạo nghệ thuật, cập nhật lý thuyết và thực hành các loại nghệ thuật mới tại các cơ sở đào tạo. Có chiến lược ngắn hạn về kinh phí, lưu giữ các tác phẩm đương đại tiêu biểu bằng kỹ thuật số, có nguồn kinh phí để sưu tập một số tác phẩm đương đại nổi bật, đoạt giải. Đẩy mạnh việc giao lưu, trao đổi nghệ thuật với quốc tế. Nghệ thuật đương đại không chỉ là phương tiện phản ánh sinh động đời sống dân tộc mà còn là kênh thông tin quảng bá đặc sắc các giá trị văn hóa, lịch sử, tư tưởng nghệ thuật của mỗi quốc gia.


__________________

Tài liệu tham khảo

1. Vựng tập Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam các năm 2015, 2020, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (2017), Festival Mỹ thuật trẻ 2017, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (2007), Festival Mỹ thuật trẻ 2007, Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa- Thông tin, Hà Nội.

4. Bùi Thị Thanh Mai (2010), Giáo dục mỹ thuật thông qua di sản, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

5. Jean - Francois Lyotard (2008), Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Nxb Tri Thức, Hà Nội.

6. Trần Hoàng Ngân (2018), Khuynh hướng tiếp cận di sản truyền thống qua một số dự án nghệ thuật Việt Nam từ 2010 đến 2016, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

7. Thủ tướng Chính phủ (2014), số 1253/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

8. Xu Gan (2002), Nghệ thuật Sắp đặt, Trần Hậu Yên Thế - Hà Thị Tường Thu - Phạm Trung Nghĩa dịch, tư liệu Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

9. thuvienphapluat.vn.

NGUYỄN HỮU ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;