Mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga được xây dựng, củng cố và phát triển xuất phát từ những điểm đặc thù trong số phận của hai dân tộc và được kiểm chứng, thử thách qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Trong hơn nửa thế kỷ từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, việc giới thiệu, quảng bá văn học giữa hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn. Văn học Việt Nam đã tiếp thu được nhiều ảnh hưởng tích cực từ văn học Nga Xô viết và ngược lại, văn học Việt Nam cũng được nồng nhiệt đón nhận ở Liên Xô và nước Nga. Tuy nhiên, từ khi Liên Xô tan rã, quan hệ giao lưu, hợp tác về mọi mặt nói chung, về văn học nói riêng giữa Việt Nam và Liên bang Nga có sự sụt giảm đáng kể. Bài viết đánh giá thẳng thắn, khách quan về thực trạng giao lưu văn học giữa hai nước trong những năm gần đây, từ đó có những đối sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả giao lưu văn hóa trong thời gian tới, là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, khi Việt Nam đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Nga trong một thế giới đa cực với nhiều biến động quốc tế phức tạp và khó lường như hiện nay.
Lời mở
Giao lưu, tiếp biến văn hóa là quy luật vận động và phát triển của mọi nền văn hóa. Xuất phát từ những điểm đặc thù trong lịch sử, mối giao lưu, hợp tác văn hóa Việt - Nga đã có truyền thống lâu dài và để lại những dấu ấn sâu đậm trong quan hệ giữa hai nước. Văn học là xương sống của mỗi nền văn hóa. Trong những năm qua, việc giới thiệu, quảng bá văn học giữa hai nước Việt - Nga đã đạt được những thành tựu lớn lao. Văn học Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều ảnh hưởng tích cực từ văn học Nga - Xô viết, góp phần bồi đắp và làm giàu cho nền văn học dân tộc. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô viết tan rã, quan hệ giao lưu, hợp tác Việt - Nga trong mọi lĩnh vực, trong đó có văn học gặp hàng loạt khó khăn, trở ngại. Sau một giai đoạn trầm lắng, đến nay, hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước đang dần dần ấm lại và được khôi phục trong bối cảnh Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Nga.
1. Giao lưu, hợp tác về văn học giữa hai nước thời kỳ Liên bang Xô viết
Văn học Nga tại Việt Nam và những ảnh hưởng
Độc giả Việt Nam đã được tiếp xúc với văn học Nga từ thời Pháp thuộc thông qua bản dịch tiếng Pháp và tiếng Trung các tác phẩm văn học Nga nổi tiếng như: Anna Karenina, Phục sinh của L.Tolstoi, Năm đêm trắng của Dostoievski, Người mẹ của M.Gorki… (1). Tuy nhiên, phải đến khi Việt Nam trở thành quốc gia độc lập và đặc biệt từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô vào năm 1950, mối giao lưu này mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Trong hơn nửa thế kỷ, có thể nói, đây là dòng chủ lưu trong các mối giao lưu văn hóa của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng, với thế giới bên ngoài nói chung.
Văn học Nga là một nền văn học kỳ vĩ với những thành tựu rực rỡ và nhiều thiên tài được cả thế giới biết đến. TK XIX được gọi là “thế kỷ vàng” và nửa đầu TK XX được coi là “thế kỷ bạc” trong sự phát triển của văn hóa và văn học Nga. Thiếu vắng văn học Nga, chúng ta khó có thể hình dung một cách đầy đủ, toàn cảnh về văn học thế giới. Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng khá mạnh từ văn học Nga, tuy nhiên mỗi giai đoạn lịch sử có sự tiếp nhận theo những xu hướng khác nhau.
Ngay sau khi hòa bình lập lại, các tác phẩm văn học Nga bắt đầu được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời gian từ năm 1954-1987 đã có 903 đầu sách văn học Nga và Xô viết được dịch và giới thiệu ở Việt Nam (2). Đó là kết quả sự giúp đỡ tận tình của Hội Nhà văn Liên Xô và các nhà xuất bản đối ngoại như: Tiến bộ, Cầu vồng, Hòa bình, Tiếng Nga... Liên bang Xô viết đã viện trợ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam dịch, xuất bản các sách văn học, lý luận, phê bình, từ điển, bách khoa thư… từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Nhờ vậy, đông đảo độc giả Việt Nam biết đến các tác phẩm văn học cổ điển và đương đại Nga với những tên tuổi lớn như L.Tolstoi, N.Gogol, F.Dostoievski, A.Trekhov, A.Pushkin, M.Lermontov, X.Esenhin, M.Solokhov, K.Paustovski…
Trong thời kỳ chiến tranh và bị Mỹ cấm vận, văn học Nga đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với một bộ phận lớn người dân Việt Nam, giúp họ cảm nhận vẻ đẹp diệu kỳ của đất nước Nga và thiên nhiên Nga, yêu mến và ngưỡng mộ tâm hồn Nga, tính cách Nga qua những tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng như: Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Bông hồng vàng..., hay những bài thơ trữ tình sâu lắng của Pushkin, Lermontov, Esenhin, Simonov, Voznhenski...
Những giá trị nhân văn cao đẹp trong các tác phẩm văn học Nga đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm người dân Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn học Nga trở thành nguồn động viên to lớn, điểm tựa tinh thần cho các chiến sĩ ngoài mặt trận và người dân ở hậu phương với những Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên, Số phận con người, Em ơi đợi anh về... Đối với thế hệ trẻ, các tác phẩm văn học thiếu nhi có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, lý tưởng sống của họ: Timur và đồng đội, Vichia Maleev ở nhà và ở trường, Nối gót Timur...
Kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn Nga có ảnh hưởng lớn đến quan niệm thẩm mỹ, tư duy nghệ thuật, phương pháp sáng tác, bút pháp, văn phong của nhiều nhà văn Việt Nam. Các nhà lý luận, phê bình văn học Việt Nam cũng tiếp nhận được nhiều tri thức quý báu từ các học giả, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình của giới học thuật Nga.
Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực là chủ yếu, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một số ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn trong quá trình tiếp nhận và giao lưu văn hóa. Sự đề cao vai trò độc tôn của hệ tư tưởng/ý thức hệ, xu hướng chính trị hóa văn học, những hạn chế của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng lối mòn của những môtip, đề tài chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội, xu hướng tô hồng hiện thực, minh họa chủ trương, đường lối, sự vi phạm nguyên tắc dân chủ trong hoạt động sáng tạo... cũng làm hạn chế tự do tư tưởng và năng lực sáng tạo của giới văn chương hai nước, như sau này đến thời kỳ Cải tổ và Đổi mới đã được nghiêm túc đặt ra để cả hai bên cùng nhận thức lại.
Văn học Việt Nam tại Nga thời kỳ Xô viết
Ngay từ những năm 1960, văn học Việt Nam đã được chọn dịch và giới thiệu có hệ thống ở Nga và Liên Xô cũ. Hàng trăm cuốn sách tiêu biểu của văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Nga và các thứ tiếng trong Liên bang với số lượng lên tới hàng triệu bản. Chỉ tính riêng từ năm 1981 đến năm 1985, Nhà xuất bản Văn học ở Liên Xô đã xây dựng Tủ sách văn học Việt Nam gồm 15 tập với đủ các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký, đa phần là nhờ sự hỗ trợ về tài chính và chuyên môn của Hội Nhà văn Liên Xô và các nhà xuất bản đối ngoại (3).
Hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành cũng diễn ra sôi động, tạo điều kiện cho việc dịch, giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam tại Nga. Ngay từ năm 1956, Việt Nam đã đặt quan hệ trao đổi sách, báo với Liên đoàn xuất nhập khẩu sách quốc tế Liên Xô (Mezhkniga) (4). Thông qua hai cơ quan xuất nhập khẩu sách, báo của 2 nước là Mezhkniga và XUNHASABA, hoạt động trao đổi, phát hành xuất bản phẩm diễn ra rất thuận lợi.
Trong lĩnh vực đào tạo, nhiều sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh của Việt Nam đã được đào tạo về sáng tác, lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Nga, trong đó phải kể đến Trường Viết văn mang tên M.Gorky của Hội Nhà văn Liên Xô và Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorky của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Có thể nói, trong giai đoạn từ năm 1950-1990, mối quan hệ hợp tác, giao lưu trong lĩnh vực văn học giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã đạt tới giai đoạn đỉnh cao, tạo nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị và sự gắn bó sâu nặng giữa nhân dân hai nước. Những giá trị tinh thần đích thực của văn học Nga đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của người dân Việt Nam, kích thích, khơi gợi và truyền cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong việc tìm tòi, sáng tạo, hình thành tác phẩm.
2. Giao lưu, hợp tác về văn học giữa Liên bang Nga và Việt Nam hiện nay
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, thời gian đầu, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, quan hệ giao lưu, hợp tác về văn hóa nói chung, về văn học nói riêng giữa Việt Nam và Liên bang Nga bị suy giảm mạnh, thậm chí có lúc gián đoạn. Trong bối cảnh nước Nga tiến hành công cuộc Cải tổ và Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam chủ trương mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới theo phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (5), các hoạt động đối ngoại ngày càng rộng mở và đa kênh hơn. Bên cạnh các đối tác truyền thống như Liên bang Nga và các nước xã hội chủ nghĩa cũ, Việt Nam cũng mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Đó là sự đổi mới, mở cửa cần thiết và phù hợp với xu thế của thời đại: “Quốc tế hóa, toàn cầu hóa là xu thế đang chi phối sự vận động của thế giới đòi hỏi mỗi nước phải có đối sách hợp lý” (6). Do vậy, mối giao lưu, hợp tác về mọi mặt nói chung, về văn học nói riêng với Liên bang Nga bị ảnh hưởng, phân tán cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh ngày càng trở nên phổ biến và giữ vị trí thống soái. Giới trẻ đổ xô đi học tiếng Anh và các thứ tiếng thông dụng hơn như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp... Số lượng sinh viên theo học các ngành liên quan đến tiếng Nga ngày càng giảm dần. Trên một phương diện khác, văn học Nga sau một thời gian dài được giới thiệu liên tục, ồ ạt dường như trở nên bão hòa, công chúng muốn hướng đến các nền văn học khác, các hiện tượng văn học mới, các tên tuổi và chủ đề mới. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học Nga ở Việt Nam. Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với tiếng Việt và văn học Việt Nam ở Liên bang Nga.
Tuy nhiên, bước sang TK XXI, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin, nước Nga đã dần dần khôi phục vị thế siêu cường và lấy lại tầm ảnh hưởng. Kể từ năm 2001 đến nay, Tổng thống Nga V. Putin đã ba lần sang thăm Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện” và mối giao lưu, hợp tác về văn hóa nói chung, văn học giữa hai bên nói riêng đã ấm dần lên và ngày càng khởi sắc theo một tinh thần mới.
Hai nước đã ký kết “Hiệp định hợp tác văn hóa” nhằm tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác trong từng lĩnh vực của văn hóa. Năm 2009, Chương trình hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga giai đoạn 2010- 2012 được ký kết. Sau đó, chương trình này tiếp tục được ký kết trong các giai đoạn tiếp theo cho đến thời điểm hiện tại. Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng có hiệu lực từ 22-2-2010.
Thực hiện các Hiệp định và Chương trình này, hàng loạt hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa và văn học giữa hai nước đã được triển khai. Liên tục từ năm 2001 đến nay, các Tuần văn hóa, Ngày văn hóa Nga được tổ chức tại Việt Nam và các Tuần văn hóa, Ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Liên bang Nga. Tính đến nay, Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam đã được tổ chức 6 lần (2001, 2007, 2010, 2013, 2016, 2019) và tương tự cũng có 6 lần Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga được tổ chức (2002, 2008, 2011, 2104, 2017, 2019). Đây là những hoạt động có ý nghĩa giúp cho việc nối lại mối quan tâm và sự thấu hiểu về văn hóa và văn học giữa nhân dân hai nước.
Tháng 9-2003, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga được khai trương tại Thủ đô Hà Nội. Trung tâm đã tổ chức nhiều triển lãm và hoạt động giới thiệu, quảng bá về văn hóa và văn học Nga, phối hợp với phía Việt Nam tổ chức các hội thảo, tọa đàm về văn học, nghệ thuật giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạt động văn hóa của hai nước. Để phổ biến và phát triển tiếng Nga, Trung tâm đã tổ chức Những ngày tiếng Nga tại Việt Nam, gặp gỡ các nhà Nga ngữ học khu vực châu Á -Thái Bình Dương, kỷ niệm những sự kiện trọng đại, ngày sinh, ngày mất của các Nhà văn, nhà thơ, danh nhân văn hóa...
Đặc biệt, sau cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nga Medvedev vào năm 2012, Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga đã được thành lập do Chính phủ Nga tài trợ hoàn toàn. Trong Hội Nhà văn Việt Nam cũng thành lập Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - văn học Nga và Trung tâm dịch thuật văn học để phối hợp thực hiện dự án này. Đây là một động thái rất tích cực giúp cho việc tăng cường dịch thuật, giới thiệu, phổ biến văn học giữa hai nước. Theo kế hoạch, từ năm 2012 đến năm 2020 có khoảng 200 đầu sách văn học của hai nước được dịch và giới thiệu. Đến nay đã có vài chục đầu sách được xuất bản, tiêu biểu như các tiểu thuyết và truyện ngắn của Dostoievski Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt, Những kẻ tủi nhục, Truyện ngắn - Truyện vừa, Làng Stepantsikovo và cư dân, Bút ký từ nhà chết; tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua của Kant Ibaragimov; tập truyện ngắn và truyện vừa Phu nhân Makbet ở quận Mtsenski của N. Leskov, Tuyển tập thơ Blok và Esenhin,…
Trong những năm đầu TK XXI, Nhà xuất bản Kim Đồng đã nỗ lực phối hợp với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây xuất bản Tủ sách Văn học Nga dành cho học sinh trung học với hơn 50 đầu sách được lựa chọn từ những tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga như: Lẵng quả thông của K.Paustovski, Một con người ra đời của M. Gorky, Trên mảnh đất người đời của A. Ivanov, Người cá của A. Beliaev, Những truyện cổ tích dành cho người lớn của M. Santykov-Sedrin,… Bên cạnh đó, một số nhà xuất bản vẫn nỗ lực tiếp tục tái bản hoặc dịch mới các tác phẩm văn học Nga như Nhà xuất bản Văn học, Thế giới, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Trung tâm Văn hóa Tràng An…
Hiện nay, Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga đã tập hợp được một đội ngũ dịch giả tâm huyết với văn học Nga như: Thúy Toàn, Bằng Việt, Vũ Thế Khôi, Nguyễn Thị Kim Hiền, Lê Đức Mẫn, Võ Minh Phú, Đào Minh Hiệp, Đào Tuấn Ảnh… Bằng nỗ lực và tình yêu sâu nặng đối với văn học Nga, họ tiếp tục dịch các tác phẩm văn, thơ Nga. Bên cạnh thế hệ dịch giả gạo cội đã xuất hiện những gương mặt trẻ có nhiều triển vọng như: Thụy Anh, Hà Việt Anh, Hàm Anh, Trương Hồng Hạnh, Nhật An, Nguyệt Vũ… Ngoài các tác giả cổ điển Nga, các nhà xuất bản cũng chú trọng giới thiệu các nhà văn đương đại Nga như: L. Ulitskaya, E. Uspensky, M. Zoshchenko, V. Bykov, L. Petrushevskaya, T. Tolstaia, V. Tokareva, S. Minaev…, hay các tác giả Nga ở hải ngoại: I. Bunin, B. Pasternak, A. Platonov, M. Bulgakov, I. Brodsky, A. Solzhenitsyn..., và các nhà thơ nữ: A. Akhmatova, M. Tsvetaeva, Olga Bergoltz…
Ở chiều kích ngược lại, các tác phẩm văn học Việt Nam cũng được quan tâm giới thiệu trở lại, như: Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng do I.Zimonina chuyển ngữ, Tuyển tập thơ Việt Nam, Tuyển tập văn xuôi Việt Nam đương đại qua bản dịch của tập thể dịch giả (I.Britov, T.Philimonova, A.Sokolov...). Một số doanh nghiệp Việt Nam tại Nga cũng quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để quảng bá văn học Việt Nam như tài trợ xuất bản Nhật ký Đặng Thùy Trâm (người dịch: A.Sokolov), Truyện Kiều của Nguyễn Du, các cuốn sách cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh (người dịch: Hà My)…
Ngoài việc quảng bá các tác phẩm văn học, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước còn thể hiện ở việc trao đổi tri thức trong lĩnh vực lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học. Hiện nay, tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam vẫn còn khá nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ từng du học ở Nga. Họ tiếp tục là cầu nối chủ chốt trong lĩnh vực giao lưu văn học giữa hai nước thông qua công tác nghiên cứu và giảng dạy. Có thể kể đến một số tên tuổi như: Trần Nho Thìn, Phạm Vĩnh Cư, Trịnh Bá Đĩnh, Từ Thị Loan, Đào Tuấn Ảnh, Vũ Đình Phòng, Lê Sơn, Trần Thị Phương Phương… Nhờ có họ, công trình của M.Bakhtin, N.Conrad, Iu. Lotman, Iakovson, Mezhelaitic, N.Nikulin… tiếp tục đến với giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Việt Nam. Cuối năm 2019, Khoa Viết văn Báo chí (trước đây là Trường Viết văn Nguyễn Du) của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp nhận M.Bakhtin ở Việt Nam” thu hút được đông đảo các nhà Nga học ở Việt Nam tham dự và sự quan tâm của dư luận xã hội. Điều đó cho thấy, mối quan tâm và sự yêu mến của giới nghiên cứu cũng như những người yêu thích văn học Nga ở Việt Nam đến nay vẫn chưa hề vơi cạn.
3. Những vấn đề đặt ra và một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác về văn học giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới
Qua thực trạng giao lưu và hợp tác về văn học giữa Việt Nam và Liên bang Nga từ quá khứ đến hiện tại có thể rút ra một số vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, mối giao lưu, hợp tác về văn học giữa hai nước đã có truyền thống lâu bền và đạt được nhiều thành tựu trong quá khứ. Sau một thời gian trầm lắng do những điều kiện lịch sử khách quan, đến nay mối quan hệ này đã được khơi thông trở lại. Tuy nhiên, các thành tựu đạt được còn khá khiêm tốn, sự hợp tác còn chưa bền vững, tính chất của sự hợp tác còn thiếu chủ động, vẫn chủ yếu dựa trên tinh thần bao cấp như trước đây, chưa thu hút được các nguồn lực xã hội rộng rãi tham gia, chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của văn học hai nước.
Thứ hai, sự kiện Liên bang Xô viết sụp đổ đưa tới những hoang mang, chới với nhất định về tư tưởng, nhận thức, niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đó dẫn đến thái độ nghi ngờ và những đánh giá sai lệch về vị thế của nước Nga, về giá trị đích thực của nền văn học Nga. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách công bằng rằng, văn học Nga là một nền văn học lớn với những tên tuổi và kiệt tác được cả thế giới ngưỡng mộ. Bỏ qua văn học Nga trong bảng màu văn học của nhân loại, chúng ta sẽ tự bỏ lỡ một cơ hội để có thể học hỏi, bồi đắp và làm giàu cho nền văn học nước nhà.
Thứ ba, đội ngũ dịch giả hiện nay (cả tiếng Nga và tiếng Việt) ngày càng thưa vắng, thế hệ kế cận đang rơi vào khủng hoảng. Hiện nay, hai nước chưa có những cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp đối với các dịch giả văn học, trong khi đây là một nghề rất vất vả, gian khó mà thu nhập lại thấp. Những người theo đuổi nghề chủ yếu là vì đam mê và tâm huyết, chứ không phải vì thu nhập. Họ phải có những nguồn sống khác mới trụ nổi với nghề này, do vậy không khuyến khích các thế hệ trẻ tiếp tục noi theo.
Bên cạnh đó, ngày càng ít dần các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, am tường uyên bác về văn học Nga. Các thế hệ kỳ cựu đã già yếu hoặc đã ra đi trong khi đội ngũ kế cận đang rất thiếu vắng. Vì thế không có những “con mắt xanh”, những người có đủ tầm nhìn, uy tín để thẩm định, nắm bắt đúng hiện trạng văn học Nga để định hướng cho hoạt động dịch thuật. Việc lựa chọn tác phẩm dịch hiện nay nói chung còn rất ngẫu hứng, tùy tiện, chưa có tiêu chí lựa chọn chuẩn xác, dẫn đến việc dịch tác phẩm “vàng thau lẫn lộn”.
Thứ tư, “Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga” được trao cho Nhà xuất bản Lokid Premium là một nhà xuất bản tư nhân của Nga quản lý. Nhà xuất bản chỉ thuê các dịch giả Việt Nam dịch, còn các khâu biên tập, in ấn, phát hành hoàn toàn do phía Nga độc quyền. Do cơ chế làm việc giữa hai bên chưa phù hợp, tiền nhuận bút chưa thỏa đáng, nên không khuyến khích các dịch giả cũng như các bộ phận liên quan tham gia. Sách xuất bản không đưa ra phát hành, chủ yếu chuyển tới các thư viện, phục vụ công tác tuyên truyền, đối ngoại. Số lượng bản in chưa nhiều, nên không đến được tay nhiều bạn đọc, rất phí công sức người dịch và nhà xuất bản.
Thứ năm, trước kia quan hệ hợp tác Việt - Nga tồn tại theo tinh thần giúp đỡ và tương trợ trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, trong những điều kiện mới quan hệ giao lưu, hợp tác phải xây dựng theo tinh thần hai bên cùng có lợi. Do vậy, vấn đề kinh phí và nguồn nhân lực thực hiện hợp tác đang là những vấn đề nan giải.
Để nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực văn học trong thời gian tới rất cần đến sự hỗ trợ của cả hai chính phủ, sự tài trợ của các Quỹ văn hóa, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Để hướng tới sự hợp tác phát triển trong tương lai, tác giả bài viết xin đề xuất một số khuyến nghị như sau:
Cần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của “Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam”, làm sao để quỹ hoạt động đi vào thực chất, các thủ tục lựa chọn phải minh bạch và đẩy nhanh tốc độ dịch của cả hai bên. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các dịch giả, người yêu văn học Nga chung tay quảng bá, giới thiệu tinh hoa văn học của hai nước. Gia tăng số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga, đặc biệt là hỗ trợ cho “Trung tâm dịch thuật văn học” thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, để tiếp tục có các thế hệ sinh viên mới theo học tiếng Nga và tiếng Việt, cũng như các ngành học có liên quan ở hai nước theo cả hình thức đi học theo Hiệp định và học tự túc, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ dịch giả văn học và nghiên cứu văn học.
Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn học giữa hai nước. Tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ giữa các nhà văn, nhà thơ và dịch giả hai bên. Tổ chức giới thiệu sách và các sự kiện liên quan trong khuôn khổ các Ngày văn hóa, Tuần văn hóa giữa hai nước. Khuyến khích xây dựng các nhà lưu niệm về văn học ở hai quốc gia (như trường hợp Nhà lưu niệm văn học Nga của dịch giả Thúy Toàn).
Gia tăng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về văn hóa, văn học. Tăng cường hợp tác xuất bản, phát hành giữa hai bên đối với cả tác phẩm văn học cũng như công trình nghiên cứu, bài viết khoa học về văn hóa và văn học.
Đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga, làm cầu nối cho hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa và văn học giữa hai nước. Liên bang Nga đã có Trung tâm Văn hóa, Khoa học Nga tại Hà Nội. Hiện nay, Việt Nam cũng đang xúc tiến mở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga. Theo Quyết định 602/QĐ-TTg ngày 12-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thứ tự ưu tiên xây dựng các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài hiện nay là: Căm-pu-chia, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc (7).
Trong thời đại của Internet và công nghệ thông tin, cần tăng cường tận dụng các hình thức xuất bản và công bố trên môi trường mạng, làm sách điện tử đối với tác phẩm văn học và các công trình, bài viết nghiên cứu, phê bình văn học.
Lời kết
Mối giao lưu, hợp tác về văn hóa và văn học giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng tình hữu nghị lâu đời và sự đồng cảm sâu sắc từ những nét tương đồng trong số phận của hai dân tộc. Mối quan hệ này đã được kiểm chứng và thử thách qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử.
Đúng như phát biểu của tổng thống Nga V. Putin nhân chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba vào năm 2013: “Tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua những thử thách nảy sinh từ nhiều sự kiện bi thương của TK XX cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta. Song có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi - đó là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau, là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác không khi nào phản bội. Đó chính là sự đảm bảo tính kế thừa và sự bền vững cho mối quan hệ hướng đến tương lai” (8).
Tiếp tục củng cố, phát triển mối giao lưu, hợp tác Việt - Nga trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện không những đem lại lợi ích chung cho hai dân tộc, mà còn góp phần củng cố hòa bình, sự phát triển và ổn định của khu vực và trên toàn thế giới. Trong mối giao lưu và hợp tác đó, văn học chính là vị sứ giả hòa bình đầy quyền năng, là cầu nối hữu hiệu nhất giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau và xây dựng một thế giới tốt đẹp, nhân văn, bền vững.
Những khó khăn, thách thức đặt ra ở trên đòi hỏi chúng ta phải có một tinh thần chủ động và tích cực hơn nữa, những hành động thiết thực và quyết liệt hơn nữa mới có thể tiến tới một sự hợp tác lâu dài, hiệu quả và vững chắc để cùng nhau phát triển trong tương lai.
_______________
1, 3, 4. Từ Thị Loan, Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam - ASEAN với Liên bang Nga: Thực trạng và triển vọng”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngày 15, 16-9-2014.
2. Từ Thị Loan, Giao lưu văn hóa Việt - Nga: Thành tựu và vấn đề, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 293, tháng 11 năm 2008, tr.22.
5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.120.
6. Lê Thị Hoài Phương, Hợp tác quốc tế về văn hóa trong thời kỳ Đổi mới ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009, tr.48.
7. Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 210/QĐTTg ngày 08-02-2015 của Thủ tướng Chính phủ, thuvienphapluat.vn.
8. Nguyễn Tất Giáp, Hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Liên bang Nga: Thực trạng và triển vọng, Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam - ASEAN với Liên bang Nga: Thực trạng và Triển vọng”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngày 15, 16-9-2014.
Tác giả: Từ Thị Loan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021