Đất cửa Đồn nằm bên sông cầu Vông, khoảng năm trăm năm về trước, là Kỳ Bá Hải Khẩu. Gò Vông thuộc Thượng Hòa, Hồng Thái, Kiến Xương, gốc của nghề chạm bạc Đồng Xâm nổi tiếng.
Trên mảnh đất rộng 1500 héc ta, khu di tích Đồng Xâm có từ non thế kỷ. Một chiếc cầu như nét lượn của vành trăng bơi trên nửa mặt sông, tháp lục lăng nổi cao trên nước. Dáng rồng khổng lồ từ sông vừa bò tới mép bờ… Vẻ đẹp của Đồng Xâm đã tạo nên nét riêng của vùng quê vốn ngàn năm yên ả. Thiên nhiên và con người có sự hài hòa, tạo nguồn cảm xúc cho du khách khi về thăm phong cảnh đất này.
Theo văn bia ghi lại, năm 1402, ở Gò Vông đã xuất hiện ba dòng họ Đinh - Trần - Nguyễn. Ông tổ nghề chạm bạc là Tạ Kim Lâu, người châu Bảo Lạc, đã có mặt ở đất này trên 600 năm. Bây giờ người Đồng Xâm chỉ biết nghề chạm bạc đã làm đổi thay chân dung một vùng quê chuyên nghề trồng lúa nước. Bảy, tám mươi năm về trước, thôn dã, xóm làng ở đây còn xác xơ, tẻ nhạt. Vậy mà, Đồng Xâm đã mọc lên mây trời những ngôi nhà cao tầng với tường hoa, sân gạch… trong khi làng nọ làng kia đường sống trâu chật hẹp, ngày mưa phải cắm vè, lội bì bõm thì đường liên thôn, liên xóm của Đồng Xâm đã lát gạch đỏ au. “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Mỗi gái làng ở đây, khi xuất giá phải góp với làng hai tảng đá lát đường. Mỗi trai làng khi dựng vợ cũng có lệ riêng như thế. Ngày rất xa, Đồng Xâm đã có 20 tiểu chủ hành nghề chạm bạc. Vài địa chủ chuyên canh cây lúa phải phát canh cho dân các xã khác trồng cấy để thu tô. Dân Đồng Xâm đều có nghề trong tay. Bằng bàn tay tài hoa, nghề chạm bạc đã phác họa nên đời họ nét đẹp như những nét chạm trổ diệu kỳ được người đời ngưỡng mộ.
“- Đồng Xâm là cơ sở chạm bạc duy nhất của cả nước chứ?
- Vậy, cơ sở chạm bạc Tinh Hoa ở Hà Nội thì sao?
- Nó vẫn có sau Đồng Xâm. Và hầu hết là người của Đồng Xâm tập hợp lại.
- Còn các tỉnh phía Nam ?
- Bất cứ tỉnh nào, cửa hiệu nào tiếng tăm trên đất nước, nếu hỏi, đều là người Đồng Xâm cả. Chạm bạc Đồng Xâm là nguồn cội lâu đời tỏa về các ngả mà.
- Vậy, ông Triệu Như làm nghề chạm bạc ở Hà Nội được phong nghệ nhân cũng là người Đồng Xâm ư ?
- Vâng, đúng thế! Ông là người Đồng Xâm chính gốc.”
Đoạn đối thoại này tôi ghi lại trong buổi về thăm làng chạm bạc Đồng Xâm. Như một thứ trời phú, dù ở đâu, với bàn tay điêu luyện, nét chạm thủ công của người thợ Đồng Xâm vẫn sống động nhất, họ là người trội lên, có tiếng trong cái nghề cổ truyền mà năm sáu thế kỷ còn lớp lớp lưu truyền.
Vào mùa thu năm 1978, tại Budaet, một người thợ chạm bạc Đồng Xâm có dịp sang đất nước Hungari, người quản đốc của phân xưởng đúc tiền mời ông tới thăm nhà riêng. Người quản đốc vội bê chiếc khay với những cái chén chạm bạc ra khoe - “Sản phẩm của Đồng Xâm, quê hương ông bạn đó. Tôi đã sang Việt Nam và đến thăm cơ sở Đồng Xâm rồi… Chúng tôi đã ký mua của các ông 500 cây nến. Nét chạm huyền diệu lắm, mảnh đất, con người với những bàn tay thật dễ mê lòng…”.
Ông quản đốc với đôi mắt đắm đuối ngắm nhìn từng họa tiết qua nét chạm có thần, có sức mở của chiều sâu đường nét. Cái hấp dẫn đấy làm nên gương mặt Đồng Xâm với tiếng vang có được qua năm tháng dài xa…
Lần ấy về thăm Đồng Xâm, nghỉ trên gác hai căn nhà của một tiểu chủ nghề chạm bạc còn để lại thuở nào, qua ánh trăng non đầu tháng, thao thức nhìn xuống dòng sông Vông đang lượn lờ trước mắt, tôi chợt bắt gặp những ngày hội làng diễn ra thật đông vui trên đất này. Lúc ấy, chợ Vông thành biển người hội tụ. Dòng sông Vông sôi lên bởi những con thuyền bơi chải đang đua nhau kéo về với hội thi. Dân Đồng Xâm trội lên trong các cuộc đọ tài. Gái Thượng Hòa, Đồng Xâm xinh vào đệ nhất. Sức diện của trai gái Đồng Xâm cũng khó ai bì. Quan huyện ngày xưa quần lượt, áo the, khăn xếp lui về xem hội còn bị các cô gái chê bai quê kệch. Bởi, năm sáu thế kỷ qua, người thợ đất này còn tự hào nhắc về ông Lưu Quốc Chế, ông Ngầu người họ Đỗ… từng được vời vào kinh đô đất Huế chạm trổ cung kiếm, móng thú và đồ trang sức cung đình. Rồi cụ Thất được vua ban “thất phẩm quan công”…
Nhưng có niềm vui nào đạt tới lại không qua trăm nghìn nỗi gian lao, nhất là những người thợ làm nghề chạm bạc. Bàn tay có năng khiếu, ba năm trời học việc mới có thể thành nghề. Những người thợ giỏi ở đây thường vào tuổi bậc trung. Trước kia, hàng trăm gánh hàng của người thợ Đồng Xâm lang bạt khắp chân trời, góc bể. Họ đòn gánh trên vai, đôi chân lẽo đẽo cuốc bộ tới thôn cùng, xóm hẻm. Gánh hàng hạ xuống, người thuê làm quai tích, người thuê bịt chén, đĩa, bình vôi… Có việc, nằm lại dăm bữa, nửa tháng. Hết việc lại đòn gánh ra đi. Có điều, Đồng Xâm trở thành làng chạm bạc, bởi nghề đó đã diễn ra trên mảnh đất này, trên mỗi gia đình và mỗi con người với chiều dài suốt 600 năm ấy…
Bây giờ về Đồng Xâm, mỗi gia đình chẳng khác gì một phân xưởng sản xuất. Em bé chín, mười tuổi chừng đã thạo nghề. Sau mỗi buổi học ở trường, các em đã say mê ngồi bên ông, bên bố, hoặc bên người anh, chăm chú theo dõi từng nét chạm li ti. Một cái nhìn, một câu nói, một động tác tưởng như vô thức… một lúc nào đó ngấm vào các em như giọt nước vô tình. Giọt nước ấy lung linh và hóa thành lăng kính khi các em soi vào công việc của ông cha. Bởi vậy, có em vừa cầm búa làm công việc gò dát, bàn tay đã hoạt, xinh xắn lạ kỳ. Đồng Xâm có 50 thợ toàn mỹ, công việc thơ mộng, thần tiên hơn là những mũi ve, những tiếng búa thúc gò, chạm trổ. Biết bao nhiêu khách xa gần đã đến đây chiêm ngưỡng? Cả chính tôi nữa đã có phút nhập mình vào từng nét chạm qua mỗi họa tiết kỳ diệu được mở từ mỗi bàn tay biến hóa trên mặt bạc.
Cũng là vành trăng, biển hồ, chim muông, hoa lá ấy nhưng nét chạm không co hẹp trong cái đơn điệu, dập khuôn. Một nét chạm rồng phượng, một phong cảnh quê mẹ… Cái sinh động có được từ sự đa dạng ở từng chi tiết khi đứng bên nhau đều trở thành cái mới. Cái mới có giá trị nghệ thuật ở nét chạm thêm vào hoặc lược đi, hoặc là nó nhưng hình như đã có gì khác hẳn nó rồi. Từ tâm hồn rung cảm tới con mắt hội họa, và cuối cùng là bàn tay thể hiện được đầy đủ ý tưởng của mình... Mấy trăm năm qua, đất Đồng Xâm đã có được bao lớp người như thế. Từ gánh thợ làm hàng tự do đến những ông tiểu chủ đứng ra buôn bán hàng chạm bác cho Pháp, cho nhiều nước Á, Âu trên thế giới. Mặt hàng của họ đã làm nên niềm tự hào của một làng quê, một vóc dáng quê hương được khắc họa từ những bàn tay kỳ diệu.
Tác giả: Vũ Trọng Chế
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021