Trong vòng hai năm trở lại đây, việc kinh doanh các tác phẩm mỹ thuật của người Việt, đặc biệt là các họa sĩ từng học Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương và tiếp sau đó là họa sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp, trở thành một hoạt động được chính người Việt Nam hào hứng hơn bao giờ hết. Cùng với sự xuất hiện công khai của các nhà sưu tập trong nước là sự xuất hiện của cùng lúc đến ba nhà đấu giá mỹ thuật ở Hà Nội và TP.HCM cùng trong năm 2016, bên cạnh mô hình làm sách - triển lãm bộ sưu tập nhằm thúc đẩy danh tiếng và trị giá của bộ sưu tập. Giữa tháng 5 - 2018, một nhà đấu giá mỹ thuật và cổ vật lại ra mắt ở Hà Nội, như một cú hích cho sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong một lĩnh vực đầu tư được cho là mới mẻ và hấp dẫn này ở Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau những hào nhoáng thông tin về các phiên đấu giá thu về hàng chục tỉ đồng, hàng trăm ngàn đô la Mỹ là rất nhiều vấn đề lớn còn bị bỏ ngỏ.
Giá trị và trị giá của một tác phẩm mỹ thuật
Tối 2-4-2017, trong chương trình đầu tiên thuộc series Evening Sale (bán hàng buổi tối) dành cho nghệ thuật hiện đại và đương đại thế giới của nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông, bức tranh Family Life (Cuộc sống gia đình) của cố họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001) đã đạt mức giá kỷ lục 9,1 triệu đô la HK, tương đương 1,17 triệu USD. Mức giá này được coi là một tín hiệu vui trong câu chuyện mua bán hội họa Việt Nam ở thị trường quốc tế bởi đây là lần đầu tiên, một sáng tác hội họa hiện đại của họa sĩ Việt Nam vượt qua mốc giá 1 triệu USD, mở ra tiềm năng cho những bước giá cao hơn nữa. Tất nhiên, nếu so sánh, đây không phải là mức giá gây chú ý nhiều cho giới đầu tư nghệ thuật đã có lịch sử và kinh nghiệm giao dịch qua hàng trăm năm trên thế giới. Nhưng nếu chỉ nhìn riêng vào quá trình tăng giá của tranh Lê Phổ, sẽ thấy đây là một cú hích quan trọng: Ngày 16-4-2006, trong một phiên đấu giá hội họa Đông Nam Á của nhà Sotheby’s ở Singapore, bức Nostalgie (Hoài cố hương, mực và bột màu trên lụa, 60,5 x 46cm, 1938) được mua với giá 360.000 đô la Singapore (tương đương 260.000 USD), trong khi giá ước chừng từ 300.000 đến 500.000 đô la Singapore. Ngày 6-4-2013, trong phiên đấu giá hội họa hiện đại và đương đại Đông Nam Á ở Hồng Kông của nhà Sotheby’s, bức Elegant Lady pouring tea (Thiếu nữ rót trà, 61 x 45cm, mực và bột màu trên lụa), định giá từ 1,1 triệu đến 1,6 triệu đô la HK, bán được ở mức 2,32 triệu đô la HK (tương đương 300.000 USD). Phiên đấu giá tối 2-4-2017 với mức giá xấp xỉ 1,2 triệu USD đã cho thấy tranh Lê Phổ hoàn toàn là một bảo chứng đầu tư có lợi nhuận không nhỏ.
Sinh thời, nhà sưu tập Lê Thái Sơn (TP.HCM) từng lý giải về sức ảnh hưởng và khả năng sinh lời của tranh Lê Phổ: từ đầu thập niên 1960, tranh của ông đã được hệ thống gallery nhà Findlay thành lập từ năm 1870, để ý và mua vào đến cả nghìn bức, gần như độc quyền. Uy tín của địa chỉ gallery này cũng như một bảo chứng cho sự đầu tư đúng đắn của giới đầu cơ, sưu tập mỹ thuật. Từ hệ thống gallery này, tranh của Lê Phổ được đưa đến các nhà đầu giá và mạng lưới gallery chuyên nghiệp ở châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,… Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Paris, Pháp), mức giá hơn 1 triệu đô la Mỹ của tranh Lê Phổ sẽ là “mốc hướng tới cho thị trường mỹ thuật nội địa noi theo”. Ông còn dự kiến rằng “sẽ có những tác phẩm của Nam Sơn, Thang Trần Phềnh, Nguyễn Đức Thục..., rất hiếm hoi trên thị trường, sẽ nhảy những bước giá không ngờ tới…”.
Tính chất ảo diệu và huyễn hoặc của một tác phẩm mỹ thuật đem lại thẩm mỹ và giá trị của nó là vô đại lượng, tùy thuộc vào cá nhân người thưởng lãm. Song những thông số về trị giá của nó lại rất cụ thể, đem lại cho người đầu tư một khoản lợi nhuận cụ thể, đem lại cho một nền mỹ thuật danh tiếng cụ thể. Có thể tranh Lê Phổ chưa phải là những tác phẩm quan trọng và vô giá của mỹ thuật Việt Nam hiện đại nhưng trị giá của một vài trong số đó hiện là hàng đầu trong nền mỹ thuật của chúng ta. Điều đó là một giá trị.
Đầu tư mỹ thuật Việt Nam - một công thức định sẵn và nhanh chóng được lan truyền
Từ đầu năm 2010, một số nhà sưu tập mỹ thuật trong nước đã bắt đầu quan tâm đến việc mua tranh của họa sĩ Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam ở các nhà đấu giá nước ngoài. Điều đó cho thấy sự thay đổi căn bản về quan niệm và mức độ sưu tập của họ. Bên cạnh những quan niệm cổ điển về việc sưu tập mỹ thuật như một thú chơi tao nhã, kén chọn người đồng hành, người sở hữu kế cận ở thế hệ các cá nhân sưu tập cũ, những cá nhân sưu tập trẻ tuổi hơn lại thiên về việc coi đây như một kênh đầu tư lâu dài đầy tiềm năng. Nhưng chính trong khía cạnh này, vô tình hay hữu ý, một số nhà sưu tập người Việt đã công khai tiếp tay cho nạn tranh giả của hội họa Việt Nam thêm trầm trọng.
Có lẽ bắt đầu từ những dư luận “ngầm” trong giới mỹ thuật về những tranh giả của một số họa sĩ Việt Nam trong giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương được in trong cuốn sách đồ sộ Hội họa Hà Nội - những ký ức còn lại (1). Cuốn sách là tập hợp các câu chuyện kể hoặc suy ngẫm về đường đời, nhân cách nghệ sĩ, đóng góp nghệ thuật của hàng chục họa sĩ Hà Nội mà nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, tác giả cuốn sách, có cơ duyên được gặp gỡ và gắn bó trên hành trình nghiên cứu mỹ thuật hàng chục năm dài của bà. Điều đáng nói là hầu hết các bức tranh được giới thiệu trong cuốn sách này đều thuộc sưu tập của Hà Quốc Thái, một vị bác sĩ Việt kiều sống ở Mỹ. Cuốn sách cũng do ông đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến là người viết và đứng tên tác giả cuốn sách nhưng thực tế, bà chỉ là tác giả viết phần nội dung; nhưng quan trọng không kém lại là phần hình ảnh các tác phẩm được lựa chọn in trong sách do chủ nhân bộ sưu tập quyết định. Đây là mấu chốt của vấn đề khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về mục đích biến cuốn sách như một công cụ truyền thông cho bộ sưu tập của ông. Cùng với sự ra đời của cuốn sách, ông Hà Quốc Thái còn tổ chức các buổi thuyết trình về sách và sưu tập của mình ở một số trường đại học, bảo tàng nhỏ ở Mỹ. Những dư luận “ngầm” sẽ vẫn luôn chỉ là ngầm bởi để có thể công khai các ý kiến về sự thật, giả của một bức họa, người ta phải viện đến rất nhiều chứng cớ có giá trị khoa học và pháp lý, do trị giá của bức họa là không nhỏ. Đây là một điều không đơn giản mặc dù cảm quan của người có kinh nghiệm cũng không phải không có giá trị khẳng định.
Điều đáng nói là việc chủ nhân các bộ sưu tập mỹ thuật Việt Nam bỏ tiền mời những cây viết hiếm hoi của mỹ thuật Việt Nam viết sách giới thiệu, song song với việc tổ chức triển lãm giới thiệu sáng tác và ra mắt sách đã nhanh chóng trở thành một công thức thúc đẩy giá trị và trị giá của sưu tập. Năm 2010, ông Tira Vanichtheeranont thực hiện cuốn sách Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại (Nxb Mỹ thuật cấp phép xuất bản), giới thiệu sưu tập ký họa, tranh cổ động thời kháng chiến và một số sáng tác hội họa của họa sĩ học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cuốn sách tập hợp các cây viết quan trọng nhất của phê bình nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam như Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân, Nora Taylor. Tháng 10-2011, ông tổ chức triển lãm giới thiệu bộ sưu tập tranh cùng cuốn sách nói trên tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nhưng ngay trong triển lãm này đã xảy ra hai sự cố: thứ nhất là bức tranh Phố Hàng Bạc, được giới thiệu là của họa sĩ Bùi Xuân Phái song có chữ ký hệt như của con trai danh họa, anh Bùi Thanh Phương. Về sau, chính anh Phương lên tiếng trên dư luận rằng đó là tranh của mình, đề nghị Ban tổ chức triển lãm đính chính. Việc thứ hai là bức tranh Nông thôn cũng của Bùi Xuân Phái được phát hiện có thêm bản khác, do anh Phương mang sang triển lãm tại Hàn Quốc năm 2006. Hai bức tranh này giống nhau về bố cục, hình ảnh tổng thể, song khác nhau về nhiều chi tiết, nhất là các mảng màu. Nhưng sự việc này sau đó cũng chìm xuống. Ngược lại, ông Tira, dần dần lại được truyền thông trong nước viết đến rất nhiều như một người nước ngoài tha thiết yêu hội họa Việt Nam, liên tục cho ra mắt các sưu tập theo đúng mô hình như ban đầu: ra sách do họa sĩ Phan Cẩm Thượng làm, truyền thông rộng rãi trong nước, triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã giới thiệu các sưu tập tranh của Tôn Đức Lượng (năm 2012), sưu tập ký họa của Tô Ngọc Vân (năm 2013), tranh và ký họa của Nguyễn Thụ (năm 2014). Ông Nguyễn Minh, người bạn thân của ông Tira, rồi Vũ Xuân Chung, cũng đi theo đúng cách thức này, tuy mức độ có thể khác nhau. Cả ba người ban đầu đều thuộc giới buôn bán đồ cổ và hiện tại, họ vẫn làm công việc này.
Nhưng nếu như với cuốn sách về họa sĩ Tô Ngọc Vân và loạt ký họa đã chứa đựng các nghi án về sự thật, giả, được bàn luận trong giới mỹ thuật thì đến cuốn sách và triển lãm cùng tên Hội họa Việt Nam - một diện mạo khác, giới thiệu sưu tập của ông Nguyễn Minh, cuối năm 2015, tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, một lần nữa, dư luận “ngầm” trong giới mỹ thuật trong nước lại dậy sóng bởi những nghi hoặc về loạt tranh của Lê Phổ trong sưu tập này. Cho đến tháng 7- 2016, triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu của ông Vũ Xuân Chung, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ngay lập tức vướng phải sự cố bị phát hiện có tranh giả một cách công khai. Họa sĩ Thành Chương đã trưng ra nhiều bằng chứng cho thấy bức tranh được ghi là của cố họa sĩ Tạ Tỵ, có chữ ký đàng hoàng, trong triển lãm này, chính là tranh vẽ của ông từ đầu thập niên 70 TK XX. Dựa vào chứng lý có cơ sở như các phác thảo cho bức tranh, họa sĩ Thành Chương và tiếp sau đó là đại diện của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ đều đã lên tiếng về hành vi làm giả, lợi dụng tên tuổi của họa sĩ danh tiếng để trục lợi của chủ nhân bộ sưu tập. Phía ông Vũ Xuân Chung cũng trưng ra các văn bản xác nhận tranh thật của một chuyên gia người Pháp. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã đứng ra lập một hội đồng đánh giá lại sự thật, giả của toàn bộ triển lãm này với kết luận gây sốc: 15/17 bức tranh trong triển lãm là tranh giả. Tuy nhiên, bản thân hội đồng nói trên cũng được thành lập theo lời mời trực tiếp chứ không hề căn cứ trên một văn bản chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền. Chính vì thế, cuộc đôi co thật giả trên truyền thông và ngay tại không gian triển lãm, cho dù rất quyết liệt và căng thẳng, cuối cùng, cũng đi vào ngõ cụt, do không có đầy đủ cơ sở pháp lý để tịch thu tranh bị coi là giả hoặc truy cứu trách nhiệm của chủ nhân.
Những dư luận ngầm, thậm chí đã đến hồi chính thức, về tranh thật giả cứ trồi lên rồi lại lắng xuống. Song, các con số ngân khoản cứ tăng lên trong các phiên đấu giá và mua bán hội họa Việt Nam giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương và tiếp đó là kháng chiến chống Pháp ở nước ngoài khiến cho giới đầu tư mỹ thuật trong nước, dù còn nhỏ lẻ, vẫn háo hức (2). Đây chính là động cơ quan trọng thúc đẩy cho sự ra đời của các nhà đấu giá mỹ thuật ở trong nước. Song, cũng tương tự như tai tiếng từ các bộ sưu tập hội họa nói trên, nhà đấu giá mỹ thuật nào ở trong nước cũng nhanh chóng vướng phải những dư luận đầy quan ngại về sự thật giả hoặc sự nghiêm túc, bài bản của một cách thức xây dựng mô hình đầu tư mỹ thuật được chính họ tự tụng ca qua hàng loạt mỹ từ trong thông cáo báo chí gửi đến truyền thông để quảng bá về hoạt động của mình.
Đấu giá mỹ thuật Việt Nam và ồn ào thật giả
Năm 2016 có lẽ là một năm sẽ được đánh dấu trong lịch sử thị trường mỹ thuật Việt Nam với sự xuất hiện cùng lúc của ba nhà đấu giá mỹ thuật do người Việt thành lập hoặc đứng tên phụ trách: Lạc Việt (phiên đầu tiên, ngày 28-6- 2016), Chọn (phiên đầu tiên, ngày 25-12-2016), tại Hà Nội và Lý Thị (17-12-2016) tại TP.HCM. Tuy nhiên, không lâu sau sự xuất hiện này, những chuyện thổi phồng giá trị, đánh tráo khái niệm hoặc “tháo chạy” khỏi thương vụ mua bán từ các phiên đấu giá đã xảy ra, đem lại thiệt hại cho tất cả các bên.
Nhà đấu giá Lạc Việt, Lý Thị ngay lập tức vướng phải chuyện người đấu giá thành công nhưng không thanh toán. Thậm chí như với nhà đấu giá Lý Thị, người đấu giá thành công đã mang tranh về nhà treo gần 5 tháng, song bỏ mặc việc thanh toán. Cho đến khi họa sĩ tác giả bức tranh phải lên tiếng trên mạng xã hội facebook, dẫn đến các tranh cãi qua lại giữa họa sĩ và chủ nhân nhà đấu giá. Kết cục là một vài ngày sau, tranh được trả về cho họa sĩ mà không hề kèm theo một lời giải thích thỏa đáng nào, trong khi tất cả ba bên đều cùng cư ngụ ở TP.HCM. Nhà đấu giá Chọn cũng nhanh chóng rơi vào vòng xoáy tranh thật giả với ồn ào quanh bức tranh Hạ Long, được đấu thành công ở mức giá 35.000 USD nhưng đến ngay cả người trả tiền cho bức tranh này cũng không rõ tác giả của tranh là ai. Tuy trả giá chênh lệch so với giá khởi điểm lên đến 29.000 USD nhưng chỉ khoảng nửa tháng sau phiên đấu giá ngày 25-6-2017, anh Nguyễn Phan Huy Khôi, chủ nhân mới của bức tranh Hạ Long, đã lại nhờ cộng đồng trên facebook “truy tìm tung tích” tác giả bức tranh này với thông tin gây e ngại: “Họa sĩ Nguyễn Mai Thu (tên gọi khác: M.Thu), năm sinh không biết, năm mất không biết, giới tính không biết, quê quán không biết, quốc tịch không biết. Tác phẩm: Hạ Long (sơn dầu trên canvas, sáng tác năm 1951), đã đấu giá tại nhà đấu giá Drouot (Pháp) và Chọn (Việt Nam). Hành trạng: Không có thông tin gì từng được công bố...”. Anh công khai số điện thoại và địa chỉ email cá nhân, mong người nào có bất kỳ thông tin gì về vị họa sĩ này cung cấp thêm cho anh. Anh không quên “tha thiết kính mong mọi người giúp đỡ” và “chia sẻ” thông tin này. Điều kỳ cục là tại sao người ta có thể bỏ ra một ngân khoản không nhỏ để mua về một món đồ không rõ xuất xứ như vậy trong khi với mỹ thuật, tính xác tín và duy nhất của tác phẩm là yêu cầu tối quan trọng.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Paris), trong trao đổi với chúng tôi, đã cho biết: ông từng giúp một nhà sưu tập người Pháp thẩm định bức Hạ Long nói trên trước khi nó được đưa vào một phiên đấu giá tại nhà Drouot, Paris. Theo ông, bức tranh không chứa đựng thần thái hay phong cách Á Đông, thứ từng được thể hiện rất rõ trên tranh vẽ cảnh thuyền, sông nước của những họa sĩ Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, từ cụ An Sơn Đỗ Đức Thuận đến Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ. Nói rộng ra, nhiều họa sĩ Việt Nam thời kỳ này, về sau tuy sống ở trời tây nhưng dư vị Á Đông vẫn lấp lánh trong tranh tượng của họ vì đơn giản, nghệ thuật là nơi biểu hiện tâm hồn của nghệ sĩ. “Bức Hạ Long là của một họa sĩ có tay nghề vững vàng nhưng thật khó là tranh của một người Việt Nam đương thời. Còn chữ ký thì người ta có thể làm giả được, điều này không nên loại trừ” - ông Ngô Kim Khôi thẳng thắn.
Trong một tài liệu liên quan đến bức tranh này do ông Nguyễn Minh, người mua bức Hạ Long từ một phiên đấu giá diễn ra tại Drouot, năm 2017, cung cấp cho chúng tôi, có ghi rõ tên tác giả là M.Thu, kèm thông tin “có thể là một sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” (nguyên văn: “probablement un ancien élève de l’ecole des Beaux-Arts de l’Indochine”). Tuy nhiên, thông tin từ trang tin điện tử của Drouot, do ông Ngô Kim Khôi cung cấp cho chúng tôi, về tác giả bức tranh này lại là Nguyen Mai Thu, “là một sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, không còn từ “có thể” (probablement) nữa.
Giữa ồn ào thông tin về thực hư tác giả vẽ bức Hạ Long của phiên 4, phiên đấu giá thứ 5, diễn ra vào ngày 30-7-2017, của Chọn cũng đang vướng phải một “bí ẩn thú vị” tương tự: câu chuyện một bức tranh vẽ phố Hà Nội có “nhân vật chính” là con bò, chiếc xe bò kéo, của Bùi Xuân Phái, tiêu điểm của phiên đấu giá này, đang gây tranh luận trên facebook ngay khi fanpage của Chọn công bố hình ảnh bức tranh và thông tin ban đầu về phiên đấu giá liên quan. Đã có tới 5 lần đấu giá quốc tế liên quan đến bức tranh này và tồn tại “ít nhất” hai (phiên) bản tranh giống hệt, chỉ khác nhau về vị trí chữ ký trên tranh. Ngay lập tức con trai của họa sĩ Bùi Xuân Phái lên tiếng đó là bức tranh giả, còn bản thân đại diện của nhà đấu giá thì khẳng định đây là bức tranh “ít giả nhất” trong số các bản tranh trùng tên. Chốt phiên đấu, bức tranh được đẩy lên giá 12.500 USD, đại diện nhà đấu giá tiếp tục lên tiếng về việc thuê chuyên gia Nhật Bản thẩm định bức tranh này và “cân nhắc” khởi kiện lại con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái... Cuối cùng, tất cả cũng rơi vào im lặng không hồi kết và có thông tin không chính thức là bức tranh được trả về lại nơi cung cấp cho nhà đấu giá, người thắng cuộc chấp nhận mất tiền đặt cọc.
Bên cạnh đó là hàng loạt các thông tin về những chiêu thức “làm giá” ảo của một địa chỉ nhà đấu giá quá non trẻ như Chọn, khiến cho dư luận chung trong giới mỹ thuật khá cảnh giác. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận riêng chuyện tranh thật giả ở Việt Nam không đơn giản để có thể giải quyết rốt ráo trong khi những tồn tại lịch sử về nghi vấn tranh nguyên bản hay tranh sao chép trong sưu tập hội họa thời Mỹ thuật Đông Dương và kháng chiến ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn chưa có lời giải cuối (3). Bên cạnh đó, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thể có được một trung tâm hoặc cơ sở giám định Mỹ thuật nào mặc dù Bộ VHTTDL từng đã có văn bản cho phép thành lập trung tâm này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ngay từ khi thành lập Bảo tàng này, năm 1966, cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã “có ý thức chuẩn bị nhất định cho một tương lai của công việc giám định tranh, thông qua việc ông cử người, trong đó có cả nghệ nhân, đi nghiên cứu học tập công việc phục chế tranh lụa và tranh trên giấy xuyến chỉ ở Trung Quốc, bên cạnh việc nghiên cứu về cách thức tổ chức hoạt động của bảo tàng, cử người đi học về cách thức phục chế tranh sơn dầu ở Liên Xô...” (4).
Thay lời kết
Từ thực tế nói trên có thể thấy có một sự buông lỏng quản lý trong hoạt động kinh doanh mỹ thuật nói chung, hoạt động đầu tư và đấu giá mỹ thuật nói riêng.
Nhìn rộng ra, tranh thật giả không là vấn nạn của riêng mỹ thuật Việt Nam, mà là của chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở nhiều nước, công cụ pháp chế của họ chặt chẽ và mạnh mẽ nên khiến giới làm tranh giả e dè hơn do chịu cảm giác phạm tội. Còn ở Việt Nam, điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là sự tồn tại mặc nhiên của vấn nạn này mà không có sự can thiệp mạnh mẽ của các chế tài luật pháp. Đây chính là nguyên do quan trọng đầu tiên tạo cơ hội cho những người tham gia vào “đường dây” làm, buôn bán tranh giả không có cảm giác e ngại là đang làm việc phạm pháp, thậm chí họ còn dễ dàng tìm cách hợp thức tranh giả thành tranh thật có giá trị, người buôn tranh thành người có công sưu tập tranh giá trị của đất nước thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau. Tình trạng này góp phần đẩy mỹ thuật Việt Nam sang bên lề dòng chảy chung của nghệ thuật thế giới, không thuộc những định chế và luật lệ chung của đời sống nghệ thuật toàn cầu, cho dù chúng ta từng đã ký Công ước quốc tế Berne về bảo hộ quyền tác giả văn học nghệ thuật từ năm 2004.
Nguyên do thứ hai, theo chúng tôi là sự im lặng quá lâu của các cơ quan quản lý mỹ thuật cấp nhà nước về quá trình sao chép tranh cũng như tình trạng quản lý, kiểm soát không tốt nguồn tranh sao chép từ hàng chục năm qua. Đây có thể coi là một vấn đề lịch sử, từng có ý nghĩa nhất định trong một số hoàn cảnh đương thời, không hẳn lỗi sai thuộc về ai. Song, việc lên tiếng một cách minh bạch về phần lịch sử này trong hoàn cảnh mới như hiện nay thực sự rất nên làm. Nó cho thấy sự thẳng thắn và trách nhiệm của nơi chính thức đầu tiên tiến hành việc sao chép tranh của các danh họa đất nước song không đủ điều kiện để theo một thông lệ quốc tế căn bản, vô hình chung tiếp tay cho nạn tranh giả như hiện nay.
Nguyên do thứ ba, mà chúng tôi cho rằng là quan trọng nhất, đó là đạo đức và ý thức nghề nghiệp của những người có liên quan trực tiếp trong vấn đề này: các họa sĩ từng tiếp tay cho việc làm giả tranh, các nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, bằng trải nghiệm của mình, phát hiện ra tranh giả. Hơn ai hết, họ biết và hiểu được sự việc này có nguy hại như thế nào để uy tín của cả nền mỹ thuật đất nước, cũng là uy tín của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Hy vọng rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan như quản lý thị trường, tiền tệ, thuế, mỹ thuật cần phải có các động thái mạnh mẽ hơn nữa trong việc quản lý kênh đầu tư mỹ thuật, cũ người mới ta này ở Việt Nam, đưa tất cả các giao dịch trở về sự minh bạch, để việc đầu tư vào mỹ thuật thực sự có giá trị bền vững.
_______________
1. Sách in màu, bìa cứng, khổ 36x26cm, 270 trang, có hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, do Picture Art Foundation ấn hành năm 2010, in ở Hồng Kông, Trung Quốc. Website của quỹ này, www.pictureartfoundation.org, được giới thiệu trong sách, hiện nay không còn hoạt động.
2. Được biết, sau khi mua gần như toàn bộ ký họa của Tô Ngọc Vân từ người con trai là Tô Ngọc Thành, ông Tira đã bán lại một vài bức chọn lọc cho Bảo tàng nghệ thuật Singapore và số tiền thu về đủ bù lại cho toàn bộ chi phí trước đó, bao gồm tiền mua ký họa và tiền làm sách, triển lãm, giới thiệu sách,...
3. Trong cuộc tọa đàm về tranh giả thật tại tòa soạn báo Nhân dân, tháng 7 - 2017, bà Nguyễn Hải Yến, cho biết: “Ban đầu, bảo tàng đặt chính các họa sĩ làm phiên bản tranh của mình”. Theo bà, việc lập hồ sơ và “đánh dấu” cho các bản tranh chép cũng được làm khá cẩn thận, như họa sĩ ký vào bên sau tranh, bảo tàng lập hồ sơ riêng cho bản sao,... Việc sao chép này nhằm thuần túy phục vụ cho các triển lãm lưu động đồng thời nhằm bảo quản tranh gốc trong hoàn cảnh chiến tranh... Chắc hẳn khi đó, các bức tranh quý được nhìn nhận là tài sản xã hội đơn thuần, khác với cách nhìn nhận về sau này của thị trường là tài sản cá nhân và có thể sinh lợi nhuận. Như lời chia sẻ của bà Yến: “Khi đó, chúng tôi không thể hình dung lại có được một thị trường tranh như bây giờ và tranh lại bị coi như một thứ hàng hóa mà người ta có thể làm giả một cách đáng sợ như bây giờ”.
4. Người viết trao đổi với PGS Nguyễn Đỗ Bảo, con trai của cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Hà Nội, tháng 7-2017.
Tác giả : Phong Vân
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018