Khi nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn, đặc biệt là nghệ thuật trang trí trong Hoàng thành Huế, phải đặt chúng trong một tổng thể, tương quan giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan, môi trường thiên nhiên, không thể bỏ qua điều kiện địa lý, khí hậu của Huế. Hơn nữa, bản chất của nghệ thuật luôn là sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tự làm mới mình trong các hình thức biểu đạt. Tuy nhiên, hình thức biểu hiện mới chưa hẳn đã được công chúng chào đón ngay khi mới xuất hiện, chính thời gian là người thẩm định nghiêm khắc nhất cho mọi trải nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, kỹ thuật chất liệu tạo hình luôn song hành cùng những tư duy, ý tưởng sáng tạo. Lịch sử mỹ thuật của nhân loại đã ghi nhận rất nhiều đột phá trong ngôn ngữ tạo hình nhờ sự xuất hiện của những kỹ thuật, chất liệu mới. Mỹ thuật thời Nguyễn cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Những đoàn người Nam tiến, với hành trang là mỹ thuật truyền thống, họ mang đến Huế nghệ thuật khảm sành sứ. Vào TK XVIII, nghệ thuật khảm sành sứ xuất hiện ở đình, chùa, am, miếu… trong dòng điêu khắc trang trí dân gian, sau đó cung đình hóa trong trang trí kiến trúc. Những nghệ nhân từ đất Bắc hội tụ về Huế đã nâng tầm nghệ thuật cho chất liệu này, khiến chúng trở nên phổ biến ở đây. Đặc biệt, ở lăng Khải Định, các trang trí ghép sành sứ đã đạt đến những giá trị cao về thẩm mỹ. Đồng thời, việc ra đời của nê ngõa tượng cục để đáp ứng nhu cầu xây dựng thành quách, cung điện, lăng tẩm của các vua Nguyễn đã thu hút được nhiều nghệ nhân giỏi trong cả nước về kinh đô Huế. Trên các công trình kiến trúc trong Hoàng thành Huế, các hình khối trang trí được tô điểm bằng những mảnh sành, sứ, thủy tinh đầy màu sắc, rực rỡ, lung linh. Mọi chi tiết điêu khắc được sự hỗ trợ của sành sứ mà trở nên tinh xảo, sang trọng. Chúng vẫn kiêu hãnh tồn tại trước cái khắc nghiệt của khí hậu xứ Huế, với cái lạnh, ẩm của mùa đông, cái nắng cháy của mùa hè. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Huế, Cadière đã thật xác đáng khi nhận định về màu sắc trong trang trí kiến trúc rằng: “Những đường nóc khuyết, trụ cột, lối ra vào, bình phong dày đặc những mẫu thức trang trí với màu sắc rực rỡ đôi khi lòe loẹt, nhưng vẫn hài hòa với sắc màu phong cảnh, với sức chói chang của ánh sáng” (1).
Cửa Ngọ Môn, điện Thái Hòa là hai công trình kiến trúc quan trọng của cung đình Huế. Cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế không chỉ là nơi xa giá của vua cùng các quan đại triều, mà còn là lễ đài hướng về quảng trường trước kỳ đài, nơi cử hành các lễ lớn của triều đình như lễ truyền lô (xướng danh các tân tiến sĩ), ban sóc (phát lịch), duyệt binh… Đây còn là nơi đặt ngai vàng, diễn ra các sự kiện trọng đại của triều đình: các lễ đại triều, tiếp đón các sứ thần… Cả hai công trình đều quay mặt về hướng nam, là hướng vua ngồi quay mặt để nghe thiên hạ. Chính vì vậy, đây là hai công trình kiến trúc được đầu tư, trang trí rất nhiều để xứng đáng với vai trò của mình, cũng như công năng sử dụng của chúng. Trên hệ mái, điêu khắc trang trí trên kiến trúc gắn sành sứ, với kích thước lớn, đa dạng, đề tài rồng chiếm vị trí trọng tâm, mang tính biểu tượng cao, thể hiện uy quyền, sức mạnh của triều đình. Hình tượng con rồng uốn lượn 9 khúc, chân có 5 móng (số chính giữa trong hàng số lẻ), là những con số linh tượng trưng cho hoàng đế. Mặc dù triều đình muốn chiếm độc quyền hình tượng rồng cho riêng mình, nhưng trong tâm thức người dân Việt, rồng vẫn là biểu tượng cố kết cả dân tộc, gắn liền với tư duy nông nghiệp cầu cho mùa màng bội thu. Những kiểu thức trang trí khảm sành sứ này ngoài chức năng chuyển tải những nội dung ẩn chứa của công trình là nơi các vị thiên tử thay trời hành đạo, chứng kiến các sự kiện trọng đại của triều đình, còn là những biểu tượng nghệ thuật nhấn mạnh vai trò của không gian kiến trúc với những biểu hiện tâm linh; phản ánh sự giao hòa thiên, địa, nhân trong tâm lý ứng xử với thiên nhiên của người Huế. Kết hợp với điêu khắc trang trí trên kiến trúc, màu sắc của ngói hoàng lưu ly, thanh lưu ly cũng đóng một vai trò làm rõ từng không gian chức năng của kiến trúc. Hệ mái ở chính giữa Ngọ Môn màu vàng cũng là biểu hiện cho không gian chuyên biệt của hoàng đế. Màu sắc của các chất liệu như sứ, thủy tinh, đất nung, pháp lam đã làm cho hệ mái trở nên rực rỡ, tạo sức hút thị giác, điểm nhấn cho công trình.
Chức năng của các đồ án trang trí không chỉ đơn thuần hướng đến tính thẩm mỹ thuần túy, mà còn cõng trên mình những ẩn dụ, cảnh báo, xác định không gian cho công trình mà nó kết hợp. Màu sắc cũng góp phần cho hình khối điêu khắc trở nên biểu cảm hơn. Cấu trúc bộ mái của kiến trúc cung đình Huế là mái thẳng, vai trò của điêu khắc trang trí trên kiến trúc trở nên vô cùng cần thiết. Chính ngôn ngữ tạo hình đã làm giảm đi rất nhiều sự đơn điệu của những hình khối kỷ hà của kiến trúc, vẻ bề ngoài của chất liệu mang lại cảm giác nhẹ nhàng tạo ra những liên tưởng, cảm xúc thẩm mỹ. Các đầu đao, rồng mái khảm sành sứ uốn lượn cong vút đã mang đến ảo giác thị giác cho người xem, đem lại sự bay bổng, thanh thoát cho bộ mái. Con người không bị cảm giác chế ngự, trấn áp mà là sự gần gũi, hòa đồng giữa thiên nhiên với kiến trúc.
Những chi tiết điêu khắc khoác thêm lớp áo của các loại chất liệu được cắt tỉa công phu với những màu sắc rực rỡ, tương phản, đem lại luồng sinh khí mới cho loại hình nghệ thuật vốn chỉ có những khối đơn sắc. Những hoa văn trên những mảnh chén, đĩa sứ mang lại cho những đụn mây, đao mác… vẻ đẹp tự nhiên của chất liệu đầy ngẫu hứng. Vảy rồng được gắn những miếng thủy tinh màu vừa tạo độ tinh sảo, vừa tạo độ trong, sâu, làm tăng thêm vẻ đẹp của hình khối điêu khắc. Màu sắc trên là hợp sắc của đĩa màu ngũ sắc, nhưng bằng sự cảm nhận thẩm thấu qua lăng kính thẩm mỹ của những nghệ nhân mà đã trở thành những màu sắc đặc trưng của xứ Huế. Đó là những cặp màu tương phản vàng - chàm, cam - xanh, đỏ - lục, tím - đỏ, vàng - tím. Góp phần vào bảng màu phong phú đó là các môtip trang trí bằng pháp lam, với kỹ thuật vẽ màu rất riêng của Huế. Pháp lam được gắn vào những vị trí quan trọng trên các bộ mái như: bình hồ lô, đầu đao hay các ô hộc ở cổ lâu. Người Việt dùng điêu khắc pháp lam như một chất liệu ngoài trời, thường nằm ở vị trí trọng tâm, điểm xuyết cho đồ án trang trí. Trên bờ nóc Triệu Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu, Hiển Lâm Các… có hồ lô, đám mây ngũ sắc bằng pháp lam gắn trên đầu hổ phù đắp vôi vữa, ghép mảnh sành, sứ. Ngoài ra, pháp lam còn được trang trí trên các nghi môn như ở hai đầu cầu Trung Đạo, bắc ngang hồ Thái Dịch. Vua Minh Mạng đã cho đặt tượng cục pháp lam nhằm đáp ứng nhu cầu chế tác dụng cụ trong sinh hoạt, trang trí kiến trúc. Mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, nhưng pháp lam được làm tại Huế có những đặc tính riêng như: hòa sắc, ranh giới giữa các màu có độ nhòe. Nhưng chính cái độ nhòe đầy ngẫu hứng ấy nhiều khi đem lại nét duyên trong mảng trang trí, đặc điểm riêng của pháp lam thời Nguyễn. Chúng là những điểm nhấn trang trọng cho công trình. Xen kẽ giữa các bức tranh bát bửu là những bài thơ tạo ra nhịp điệu sinh động cho dải ô hộc trên bờ nóc, bờ quyết, làm tăng thêm tính nhiều vẻ, mang lại luồng sinh khí cho hệ mái.
Nếu so với cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc (xây năm 1406), một quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới, cùng cố cung Gyeongbokgung (xây năm 1395) ở Seoul, Hàn Quốc thì mật độ sử dụng màu sắc trang trí trên các cấu kiện gỗ dày đặc hơn Hoàng thành Huế rất nhiều. Chúng ta sử dụng màu sắc nhiều trên hệ mái, chỉ sơn son thiếp vàng trên gỗ hay tận dụng vẻ đẹp của vân gỗ. Rõ ràng là với quy mô, kích thước khiêm tốn thì màu sắc sử dụng trong trang trí Hoàng thành Huế không hề sặc sỡ so với tương quan chung. Tuy màu sắc không đóng một chủ đạo trong điêu khắc trang trí trên kiến trúc, nhưng chúng làm đa dạng thêm cho hình thức biểu hiện của hình khối điêu khắc, vốn không to lớn, bề thế như các nền nghệ thuật tạo hình lân cận, đạt những giá trị thẩm mỹ, tinh thần lớn lao. Với vai trò chủ đạo là điêu khắc, những đầu đao, rồng mái, các bề mặt môtip trang trí được bao phủ bằng chất liệu có màu sắc khác nhau, trở nên trang nhã, rực rỡ.
Trải qua hơn 200 năm, nhiều chi tiết trang trí trong Hoàng thành Huế vẫn khoe sắc mặc cho sự tàn phá khắc nghiệt của khí hậu, thời gian. Chính cái hòa sắc nóng, rực rỡ của điêu khắc trang trí trên kiến trúc lại là điểm nhấn sang quý trong cái màu xanh bao la của trời đất, cỏ cây. Giữa phong cảnh thiên nhiên xứ Huế, tỉ lệ các màu sắc nóng của điêu khắc khảm sành sứ chỉ chiếm một phần nhỏ bé, khiêm tốn trong hòa sắc lạnh ấy. Trong cái nhìn toàn cảnh, điêu khắc trang trí trên kiến trúc của hệ mái không hề lòe loẹt, trái lại đó là cái đẹp hài hòa với thiên nhiên, mà chúng là những viên ngọc lấp lánh giữa bao la, xanh ngát của cỏ cây, đất trời xứ Huế.
Hậu duệ của những nghệ nhân làm nên mỹ thuật Lý, Trần, Lê mang đến Huế những thế mạnh, kinh nghiệm của làng nghề, phường thợ của mình, góp phần làm đa dạng các phong cách trang trí. Những sáng tạo dân gian nhưng được cung đình hóa bởi hệ thống đề tài, các họa tiết trang trí. Cùng với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật trong đồ án trang trí cũng như sử dụng các chất liệu khác nhau có độ bền về màu sắc với hình khối của điêu khắc, mang lại diện mạo mới cho điêu khắc trang trí trên kiến trúc. Mặc dù nghệ thuật khảm sành sứ không phải là phát kiến của mỹ thuật Nguyễn, nhưng được kế thừa, phát huy bởi các nghệ nhân tài ba xứ Huế, nhờ thế các hình khối trang trí không còn đơn điệu về màu sắc như tính cố hữu của nghệ thuật điêu khắc, mà trở nên biểu cảm hơn. Ngôn ngữ của hình khối kết hợp với ngôn ngữ của màu sắc đã làm cho các đồ án trang trí trên hệ mái kiến trúc Hoàng thành Huế trở nên sang quý. Cho dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, các chất liệu gốm sứ có màu tươi sáng, khó phai màu, được đưa vào trang trí kiến trúc là giải pháp ưu việt trong trang trí ngoài trời. Hình khối điêu khắc có sự hỗ trợ của màu sắc hội họa, kết hợp với cách xử lý không gian của kiến trúc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mỹ thuật với kỹ thuật. Đây là sự thành công trong việc sử dụng vật liệu trang trí của các nghệ nhân nê ngõa tượng cục.
Suy cho cùng, điêu khắc trang trí trên kiến trúc ở hệ mái các cung điện trong Hoàng thành Huế đã đạt những giá trị thẩm mỹ, tinh thần, biểu tượng, thực dụng cao. Điều đó chính nhờ sự kết hợp của điêu khắc, đồ họa, màu sắc hội họa trong một hợp thể nghệ thuật tạo hình. Nhà nghiên cứu văn hóa mỹ thuật Huế Chapuis đã xác đáng khi cho rằng: “Xứ Trung Kỳ đã tỏ cho chúng ta thấy một nghệ thuật kiến trúc duyên dáng, tương đối nhẹ nhàng, nơi nghệ thuật kiến trúc đó đã có sự tìm tòi các vật liệu, mảnh sứ, đồng thanh, đồ gốm tráng men, có thể so sánh với nghệ thuật trang điểm của người phụ nữ Huế” (2).
Điêu khắc trang trí trên các công trình kiến trúc trong cung đình Huế là điêu khắc có màu, đây một sáng tạo vừa mang tính kế thừa vừa có những nét độc đáo riêng của mỹ thuật Việt Nam thuộc triều đại phong kiến cuối cùng. Nhưng điều đáng bàn là cuối TK XIX, đầu TK XX, điêu khắc hiện đại phương Tây đã có những thể nghiệm khi kết hợp chất liệu khác nhau, trong đó có gốm sứ gắn lên bề mặt tác phẩm điêu khắc. Trong những công trình kiến trúc hiện đại trên thế giới mà có sự kết hợp của điêu khắc trang trí có sử dụng các chất liệu có màu sắc. Hình thức kết hợp các loại hình mỹ thuật và chất liệu điêu khắc đang là xu hướng của nghệ thuật hiện đại, đó là nghệ thuật tổng hợp.
Như vậy, tuy Hoàng thành Huế được xây dựng từ 1805, nhưng đã có những đột phá trong việc kết hợp các chất liệu trong những đồ án trang trí kiến trúc. Từng chất liệu phô bày vẻ đẹp đặc trưng của mình, nhưng khi đứng cạnh nhau chúng làm nên một hòa sắc, đa dạng, tôn nhau lên trong mối tương quan chính, phụ làm thành một bản giao hưởng màu sắc vui tươi, sinh động, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Có thể khẳng định một cách không khiên cưỡng rằng: điêu khắc trên các kiến trúc trong Hoàng thành Huế không hề lai căng, lòe loẹt, thậm chí có những phát kiến vượt thời gian. Điêu khắc trang trí trên kiến trúc trở thành những điểm nhấn sang quý trong bức tranh toàn cảnh của xứ Huế. Suy cho cùng, sự khéo léo khi kết hợp các chất liệu khác nhau trong các đồ án trang trí làm tăng hiệu quả thị giác đối với hình khối, tạo nên những giá trị thẩm mỹ độc đáo của điêu khắc trang trí, làm cho chúng mang tính đặc thù riêng của mỹ thuật Nguyễn trên đất Huế.
_____________
1. Léopold Cadière, Mỹ thuật Huế, những người bạn cố đô Huế, tập 6, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1919, tr.8.
2. Chapuis, Ngôi nhà An Nam theo quan điểm tôn giáo, tập 24, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1937, tr.144.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : TRẦN THANH NAM